Sách giáo khoa Giáo dục công dân 8 bài 1: Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa ở Quảng Trị

 Di sản văn hóa là tài sản của mỗi dân tộc, là hồn dân tộc. Di sản văn hóa ở Quảng Trị thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân Quảng Trị. Do công sức của nhiều thế hệ tạo dựng, vun đắp mà thành nên có ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho các thế hệ sau, góp phần làm cho đời sống tinh thần của xã hội phong phú, tạo động lực tinh thần to lớn để nhân dân Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

doc5 trang | Chia sẻ: dungnc89 | Lượt xem: 1559 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sách giáo khoa Giáo dục công dân 8 bài 1: Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa ở Quảng Trị, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài 1: (1 tiết)
GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA Ở QUẢNG TRỊ
I. THÔNG TIN, SỰ KIỆN:
 	1. Hình ảnh	
Thành cổ Quảng Trị
Cầu Hiền Lương
Hát giao duyên trong Lễ hội 
Chợ đình Bích La, Triệu Phong
Tổ dệt thổ cẩm của những phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô, Hướng Hóa
2. Thực trạng về di sản văn hóa ở Quảng Trị:
Hiện Quảng Trị có 509 di tích với 444 di tích lịch sử, 42 di tích văn hóa nghệ thuật, 17 di tích văn hóa khảo cổ, 6 danh lam thắng cảnh. Trong đó có 33 di tích được công nhận di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử văn hóa ghi dấu chứng tích tội ác chiến tranh của các đế quốc Pháp, Mỹ và những trận đánh oanh liệt của dân tộc ta với kẻ thù như Căn cứ thành Tân Sở (Cam Chính, Cam Lộ), nhà tù Lao Bảo (Hướng Hóa), cầu Hiền Lương – sông Bến Hải (Vĩnh Linh), Địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh), Sân bay Tà Cơn (Hướng Hóa), Dốc Miếu – Cồn Tiên (Gio Linh), Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị), Ngoài ra, phải kể đến di sản văn hóa phi vật thể đang được lưu giữ trong nhân dân như các làng nghề: Nghề dệt thổ cẩm (Hướng Hóa), nghề chằm nón (Triệu Phong), nghề đan lát (Gio Linh), nghề dệt xăm lưới (Hải Lăng); các lễ hội: Tục chơi bài chòi, Chợ Đình Bích La (Triệu Phong), Tổ đình Sắc Tứ (Triệu Phong), Cướp cù (Gio Linh), Arieuping (dân tộc Pacô), Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân đã làm cho một số di sản văn hóa bị xuống cấp, mai một thậm chí sẽ vĩnh viễn mất đi nếu không có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát triển.
Gợi ý:
	1. Em hãy nêu sự hiểu biết của mình về các di sản văn hoá trên? 
Hãy kể tên các di sản văn hoá ở địa phương em? 
3. Thực trạng về công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hoá ở địa phương?
II. NỘI DUNG BÀI HỌC:
	1. Tìm hiểu về di sản văn hóa ở Quảng Trị:
	Quảng Trị là một trong những tỉnh có nhiều di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình phong phú, đa dạng và độc đáo. Những di sản này luôn được nhân dân Quảng Trị bảo tồn, giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều di sản văn hóa đang bị xuống cấp, mai một, một số di sản có nguy cơ bị hủy hoại, thậm chí vĩnh viễn mất đi.
	2. Tầm quan trọng của di sản văn hóa:
	Di sản văn hóa là tài sản của mỗi dân tộc, là hồn dân tộc. Di sản văn hóa ở Quảng Trị thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân Quảng Trị. Do công sức của nhiều thế hệ tạo dựng, vun đắp mà thành nên có ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho các thế hệ sau, góp phần làm cho đời sống tinh thần của xã hội phong phú, tạo động lực tinh thần to lớn để nhân dân Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
	3. Trách nhiệm của công dân - học sinh trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa:
	- Bảo vệ, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của địa phương là trách nhiệm của tất cả mọi người.
	- Tích cực tìm hiểu, tuyên truyền và giới thiệu cho mọi người về những di sản văn hóa ở địa phương mình.
	- Chăm sóc tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
	- Tích cực tham gia các lễ hội truyền thống của nhân dân Quảng Trị.
	- Thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa. 
	- Khi phát hiện những hành vi xâm phạm, phá hoại di sản cần kịp thời ngăn chặn hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền.
III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP:
	1. Pháp luật nước ta có những quy định như thế nào về bảo vệ di sản văn hóa?
	2. Di sản văn hóa Quảng Trị có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của địa phương?
	3. Tình huống:
	Kết thúc năm học, hai chị em Lan đều đạt danh hiệu học sinh giỏi vì đã có nhiều thành tích về học tập và rèn luyện. Bố mẹ Lan rất vui và có dự định tổ chức cho cả nhà đi tham quan các di tích lịch sử ở Quảng Trị trong thời gian 2 ngày. Hai chị em Lan đang băn khoăn không biết nên đi như thế nào?
	Các em hãy tư vấn cho chị em Lan.
	4. Em sẽ làm gì để góp phần vào việc bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa ở địa phương?
	5. Có người cho rằng: “Quảng Trị không có danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể”. Em có đồng ý với ý kiến trên không? Vì sao?
IV. PHẦN ĐỌC THÊM:
Bài chòi – Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn ở Quảng Trị
	...Ở Quảng Trị, ngày xưa chơi bài chòi cũng là một trò chơi dân gian được nhân dân thường tổ chức chơi vào các dịp đầu xuân tuy nhiên trải qua thời gian, chiến tranh loạn lạc và với nhiều nguyên nhân khác nữa nên trò chơi này hiện nay còn rất ít làng khôi phục và duy trì. Một số làng quê vẫn bảo lưu được trò chơi dân gian tiêu biểu này như ở xã Vĩnh Giang, xã Vĩnh Hòa, xã Triệu Trung.... Chơi bài chòi thường được bắt đầu khởi động từ ngày 28 tháng chạp cho đến ngày hạ nêu.
	Để tổ chức hội chơi bài chòi, nhân dân thường dựng chòi ở những vị trí rộng rãi và đông người qua lại. Chòi, trại thường được bố trí theo hình chữ U, mặt quay vào trong sân. Người ta thường dựng 11 chòi, theo dạng song song mỗi bên 5 chòi đối diện và tương ứng nhau từng cặp một. Cuối hai dãy chòi là một chòi trung tâm hoặc chòi cái. Đối diện chòi trung tâm là trại chỉ huy (dành cho Ban điều hành và đội cổ nhạc). Trại chỉ huy có trống chầu dành cho người điều khiển cuộc chơi, một chiếc bàn lớn đặt khay tiền và những lá cờ hiệu, cạnh đó là chỗ ngồi của dàn nhạc gồm 1 sanh, 1 nhị, 1 kèn, 1 trống, có khi thêm 1 phèng la.
	Chòi được làm bằng tre chắc chắn, có thang cho người lên xuống, chòi cao 3m, có sạp cho người ngồi chơi, cả ba mặt được che chắn cẩn thận chỉ để trống mặt trước, mái lợp tranh. Trên mỗi chòi có treo một cái mõ tre làm hiệu trong lúc đánh bài. Trên mỗi chòi cắm một lá cờ hội. Khoảng đất trống giữa sân dựng cây nêu bằng tre cao, trảy hết mắt cành để nguyên ngọn, trên đó treo một lá cờ hội lớn.
	Khoảng đất trống ở giữa là sân khấu trệt bốn mặt. Đây là không gian dành cho một hoặc hai nhân vật đặc biệt (tùy thể thức chơi mỗi làng), làm nhiệm vụ quản trò, gọi là người chạy bài. Người này phải rành các con bài, điệu hát, điệu hò quen thuộc, nhớ nhiều thơ và ca dao, biết pha trò, giỏi ứng tác. Người chạy bài là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của bài chòi.
	Đánh bài thì phải có con bài, đó là những thẻ tre được chuốt theo dạng hình mái chèo đầu bè ra để dán lá bài, đầu kia nhỏ hơn, vót tròn vê nhọn. Các chân bài nhuộm màu đỏ, giống hệt nhau để khi cho đầu dán bài vào ống thì không phân biệt được từng con bài. Bộ thẻ bài gồm 30 cặp tức là 60 con bài trong bộ bài tới, chia làm ba pho (văn, vạn, sách), mỗi pho có chín cặp; Pho văn gồm các con bài: gối, hai, ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn có các con bài: học trò, tám cẳng, ba đấu, ngũ trợt, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy. Pho sách có các con bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ và 3 cặp bài yêu là: ông ầm, thái tử, bạch tuyết. Tùy từng địa phương, các con bài được gọi khác nhau. Con bài làm bằng giấy, hình chữ nhật (8,5cm x 2,5cm), in một mặt đồ án biểu trưng cho con bài, lá bài pho văn, vạn, sách in màu đen, riêng ba cặp bài yêu có đóng thêm dấu đỏ.
	Chơi bài chòi tùy mỗi địa phương có hình thức chơi khác nhau, có làng dựng 11 chòi (Đơn Duệ, Ngô Xá Tây) mỗi chòi được phát thẻ bài gồm 5 con, ban tổ chức chừa lại một con làm con đi chợ và để lại 2 cặp bài thừa về trại chỉ huy; riêng ở làng Đơn Duệ và Hồ Xá, bộ bài được chia làm hai, phân biệt bởi hai màu xanh - đỏ chia cho hai dãy chòi, chòi cái có 6 con bài của cả hai màu, con đi chợ tùy thuộc vào người chạy bài phát bài nhanh hay chậm, nếu quân đội nào phát bài chậm thì con cuối cùng của đội đó làm con bài đi chợ; có làng dựng 10 chòi (Tùng Luật) thì mỗi chòi được phát thẻ bài gồm 6 con, ban tổ chức bắt thăm để chọn chòi đi chợ; có làng dựng 9 chòi (Hồ Xá), mỗi chòi được phát 5 thẻ bài, chòi cái 6 con lấy một con đi chợ. Mặc dù hình thức chơi ở một số làng có khác nhau, nhưng chơi bài chòi chủ yếu có hai cách: Mỗi chòi được phát năm hay sáu thẻ bài, chòi cái nhiều hơn một thẻ và lấy thẻ đó làm con bài đi chợ, mỗi lần chòi nào có thẻ bài trùng với con bài đó thì đi mỗi lần hai con còn con cuối cùng để "chực tới"; Hoặc bộ bài được chia làm hai, một nữa 30 con, ban tổ chức phát cho mỗi chòi 3 thẻ bài còn 30 con gọi là bài nọc. Số bài này được đựng trong một ống tre treo cao ở giữa sân, mỗi lần người hô rút bất kỳ một con chòi nào có con bài trùng với con vừa hô là thắng, thắng đủ ba con là tới. Mỗi lần như thế thông báo bằng những tiếng mõ.
	Muốn đánh bài chòi, người chơi phải đến ban tổ chức để ghi danh và sắp xếp vào Hội bài. Người xem đứng dọc theo các chòi và rạp, làm thành một vòng bao quanh sân khấu. Mỗi ngày cuộc chơi kéo dài từ sáng tới khuya, lúc nào cũng rộn ràng âm thanh kèn trống, lôi cuốn thúc giục.
	Sau một hồi trống khai mạc của ban tổ chức vang lên, người chạy bài mời những người chơi bước lên chòi bằng những câu hò:
Mừng ngày Nguyên Đán
Dân làng bè bạn
Khán giả gần xa
Vận may có sẵn đây mà
Ghé vô nhận lấy chậm là tuột tay
Nhanh chân chọn một chòi bài
Vận may ta đến hái lộc tài đầu xuân
	Sau khi người chơi đã lên đủ ở các chòi, người chạy bài đặt các ống thẻ lên chiếc khay đến từng chòi. Trên chòi, người chơi rút ngẫu nhiên số quân bài như quy định của luật chơi và chờ đợi con đi chợ. Người chạy bài sẽ rút một thẻ bài của bất kỳ mà chưa nêu tên con đó ngay mà sẽ dẫn cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến con bài dán trên thẻ. Chẳng hạn anh ta hô:  
Đầu năm ta thử hên xui
Leo lên chòi bắc ta thử vận may
Cũng là góp tiếng pháo tay
Cho hội bài chòi làng được rộn vang
Mười một chòi đã sẵn sàng
Để nghe con sáu tiền mở hàng đầu năm.
	Như thế con bài anh ta vừa rút khai cuộc là con sáu tiền, những người chơi bài đã biết trên chòi của mình có những con gì ngay từ ban đầu. Nghe hô “sáu tiền đi chợ”, chòi nào có con sáu tiền thì cốc cốc cốc cho tiếng mõ vang lên báo hiệu. Người chạy bài chạy đến chiếc chòi có sáu tiền. Người trên chòi sẽ trao cho anh ta con sáu tiền thứ hai mình có và đi kèm theo một con bài khác nữa. Người chạy bài chưa vội công khai ngay tên con bài mới. Anh ta bước ngược, bước xuôi, pha trò những lời lẽ vần điệu có liên quan đến nó. Chẳng hạn đó là con gối anh ta sẽ xướng:
Cổ tay em trắng lại tròn
Để cho ai gối mà mòn một bên
	Chòi nào có bài trùng với con bài ấy, đáp lại bằng ba tiếng mõ. Anh ta lại bước đến chòi có tiếng mõ và được người trên chòi trao cho con bài đókèm theo một con bài khác. Anh lại cầm con bài mới đọc, nói... trong sự hồi hộp chờ đợi của mọi người.
	Khi chòi nào đó có quân bài tới, người chòi đó reo hò sung sướng, tiếng mõ liên hồi cốc cốc vang lên. Từ rạp chỉ huy, Ban tổ chức cho nổi lên hồi trống chầu báo hiệu có người thắng cuộc và xong một ván bài. Lúc này người chạy bài chạy đi các chòi thu hồi thẻ bài, sau đó bưng đến chòi trúng thưởng chiếc khay đựng tiền thưởng (các suất tiền - xuất đặt thẻ bài) đi đến và trân trọng dâng lên cho chiếc chòi có người thắng cuộc.
	Hội bài chòi ngày Tết thu hút từ trẻ em đến các ông cụ bà cụ trong làng, các cô các cậu thanh niên, các bà lão miệng nhai trầu móm mém, tất cả ai nấy đều xúng xính trong bộ quần áo mới, đẹp nhất tụ hội xung quanh sân hội Bài Chòi.
	Bài chòi ở Quảng Trị vừa mang trong nó hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa. Chính vì thế, hội bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân trong làng, tạo nên không khí vui tươi đầm ấm trong những ngày xuân.Với những giá trị văn hóa đặc sắc đó, hy vọng bài chòi ở Quảng Trị sẽ được các cấp các ngành quan tâm hơn nữa để bảo tồn và định hướng phát triển. 
	(Theo Hoàng Ngọc Thiệp - dulich.quangtri.gov.vn)

File đính kèm:

  • docSGK 8 BAI 1. GIU GIN VA BAO VE DI SAN VAN HOA O QUANG TRI.doc