Ôn tập kiến thức cơ bản và định hướng chuẩn bị nội dung học tập sau tuần nghỉ dịch môn Ngữ văn Lớp 9

I. Kiến thức cơ bản

1. Tác giả

- Nguyễn Đình Thi (1924-2003) là một nghệ sĩ tài năng về nhiều mặt, không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm thơ, văn nhạc kịch ông còn là một cây bút lí luận phê bình sắc sảo. Ông tham gia vào các hoạt động văn nghệ từ rất sớm, trên mỗi lĩnh vực đều để lại những tác phẩm nổi tiếng.

- Sáng tác của Nguyễn Đình Thi có nhiều thể loại : thơ, nhạc, văn xuôi, kịch, tiểu luận phê bình . Cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông gắn bó chặt chẽ với cụôc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt trên mặt trận văn nghệ.

- Các tác phẩm chính : Xung kích (tiểu thuyết) Thu đông năm nay (truyện), Người chiến sĩ (thơ), Mấy vấn đề văn học (tiểu luận), Bên bờ sông Lô (truyện ngắn), Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay (tiểu luận), Con nai đen (kịch), Vỡ bờ (tiểu thuyết) .

- Tác giả đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).

- Tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ” được viết 1948, in trong cuốn Mấy vấn đề văn học (lí luận phê bình, xuất bản 1956), có nội dung lí luận sâu sắc, được thể hiện qua những rung cảm chân thành của một trái tim nghệ sĩ.

 

doc7 trang | Chia sẻ: hatranv1 | Lượt xem: 631 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ôn tập kiến thức cơ bản và định hướng chuẩn bị nội dung học tập sau tuần nghỉ dịch môn Ngữ văn Lớp 9, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ÔN TẬP KIẾN THỨC CƠ BẢN VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHUẨN BỊ NỘI DUNG HỌC TẬP TUẦN SAU DỊCH CoVid – 19
Môn: Ngữ văn 9
* PHẦN VĂN BẢN:
Bài – BÀN VỀ ĐỌC SÁCH (Chu Quang Tiềm)
I. Kiến thức cơ bản
1. Tác giả
- Chu Quang Tiềm (1897-1986) là nhà mĩ học và lí luận văn học nổi tiếng của Trung Quốc. Trong những bài viết của mình ông đã nhiều lần bàn về chuyện đọc sách. Riêng bài viết này là kết quả của quá trình tích luỹ kinh nghiệm, dày công suy nghĩ, là những lời bàn đầy tâm huyết của người đi trước muốn truyền lại cho các thế hệ sau.
2. Tác phẩm
a. Nội dung
- Bàn về đọc sách là bài viết vừa có lí lẽ xác đáng vừa giàu kinh nghiệm thực tế. Văn bản được trích có bố cục chặt chẽ, hợp lí. Sau khi vào bài, tác giả khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa cần thiết của việc đọc sách. Tiếp đó bài viết nêu ra các khó khăn, nguy hại dễ gặp của việc đọc sách trong tình hình hiện nay. Phần chính của bài viết dành để bàn về phương pháp đọc sách (bao gồm cách lựa chọn sách cần đọc và cách đọc thế nào cho có hiệu quả).
- Bằng sự phân tích ngắn gọn rõ ràng bài viết đã làm sáng tỏ ý nghĩa của sách trên con đường phát triển của nhân loại. Sách đã ghi chép, cô đúc và lưu truyền mọi tri thức, mọi thành tựu mà loài người tìm tòi, tích luỹ được qua từng thời đại, trở thành kho tàng của cải tinh thần quý báu. Những cuốn sách có giá trị có thể xem là những cột mốc trên con đường phát triển học thuật của nhân loại. Vì sách có ý nghĩa quan trọng như thế nên đọc sách là một con đường tích luỹ, nâng cao vốn tri thức rất cơ bản của mỗi người.
- Trong bối cảnh hiện nay, sách vở ngày càng nhiều thì việc đọc càng phải có phương pháp. Chu Quang Tiềm đã bàn luận, phân tích một cách có lí lẽ, có thực tế rằng cần biết lựa chọn sách để đọc, kết hợp giữa đọc rộng với đọc sâu, giữa đọc sách thường thức với đọc sách chuyên môn. Việc đọc sách không thể tuỳ hứng mà phải có kế hoạch, có mục đích kiên định, phải vừa đọc vừa nghiền ngẫm.
b) Nghệ thuật
- Bàn về đọc sách là tác phẩm nghị luận có tính thuyết phục, sức hấp dẫn cao bởi cách trình bày vừa đạt lí vừa thấu tình, bởi lời văn giàu hình ảnh nhiều chỗ tác giả dùng cách nói ví von thật cụ thể và thú vị.
- Bố cục bài viết chặt chẽ, hợp lí dẫn dắt tự nhiên.
c) Chủ đề
Đọc sách là con đường quan trọng để tích luỹ nâng cao học vấn. Cần kết hợp giữa đọc rộng với đọc sâu, giữa đọc sách thường thức với đọc sách chuyên môn. Việc đọc sách không thể tuỳ hứng mà phải có kế hoạch, có mục đích kiên định, phải vừa đọc vừa nghiền ngẫm.
II. Luyện tập
Đề 1: Vấn đề nghị luận của bài viết này là gì ? Hãy tóm tắt các luận điểm của tác giả khi triển khai vấn đề ấy ?
Đề 2: Tóm tắt nội dung chính bài viết “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm trong khoảng 2 đến 3 câu ?
BÀI: TIẾNG NÓI CỦA VĂN NGHỆ (Nguyễn Đình Thi)
I. Kiến thức cơ bản
1. Tác giả
- Nguyễn Đình Thi (1924-2003) là một nghệ sĩ tài năng về nhiều mặt, không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm thơ, văn nhạc kịch ông còn là một cây bút lí luận phê bình sắc sảo. Ông tham gia vào các hoạt động văn nghệ từ rất sớm, trên mỗi lĩnh vực đều để lại những tác phẩm nổi tiếng..
- Sáng tác của Nguyễn Đình Thi có nhiều thể loại : thơ, nhạc, văn xuôi, kịch, tiểu luận phê bình ... Cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông gắn bó chặt chẽ với cụôc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt trên mặt trận văn nghệ.
- Các tác phẩm chính : Xung kích (tiểu thuyết) Thu đông năm nay (truyện), Người chiến sĩ (thơ), Mấy vấn đề văn học (tiểu luận), Bên bờ sông Lô (truyện ngắn), Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay (tiểu luận), Con nai đen (kịch), Vỡ bờ (tiểu thuyết) ...
- Tác giả đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
- Tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ” được viết 1948, in trong cuốn Mấy vấn đề văn học (lí luận phê bình, xuất bản 1956), có nội dung lí luận sâu sắc, được thể hiện qua những rung cảm chân thành của một trái tim nghệ sĩ.
2. Tác phẩm
a. Nội dung
- Tiếng nói của văn nghệ được Nguyễn Đình Thi viết năm 1948 thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Những năm này chúng ta đang xây dựng một nền văn học nghệ thuật mới gắn bó với đời sồng kháng chiến vĩ đại của nhân dân, đậm đà tính dân tộc đại chúng. Vì thế nội dung và sức mạnh kỳ diệu của văn nghệ thường được tác giả gắn với đời sống phong phú, sôi nổi của quần chúng nhân dân đang chiến đấu và sản xuất. Tiếng nói của văn nghệ có nội dung lí luận sâu sắc, thể hiện nhiệt tình những rung cảm chân thành của người nghệ sĩ kháng chiến Nguyễn Đình Thi.
- Bài văn có hệ thống luận điểm như sau :
   + Nội dung tiếng nói của văn nghệ : Cùng với thực tại khách quan là nhận thức mới mẻ, là tư tưởng, tình cảm của cá nhân nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật lớn là một cách sống của tâm hồn, từ đó làm thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ.
   + Tiếng nói của văn nghệ rất cần thiết đối với cuộc sống con người, nhất là trong hoàn cảnh chiến đấu, sản xuất vô cùng gian khổ của dân tộc.
   + Văn nghệ có khả năng cảm hóa, sức mạnh lôi cuốn của nó thật là kỳ diệu, bởi đó là tiếng nói của tình cảm, tác động tới mỗi con người qua những rung cảm sâu xa tự trái tim.
b. Nghệ thuật
Là bài văn nghị luận đặc sắc :
- Bố cục chặt chẽ, hợp lí, cách dẫn dắt tự nhiên.
- Cách viết giàu hình ảnh, có nhiều dẫn chứng về thơ văn, về câu chuyện thực tế để khẳng định các ý kiến, các nhận định tăng thêm sức hấp dẫn cho bài tiểu luận.
- Giọng văn chân thành, say sưa, giàu nhiệt huyết, đặc biệt ở phần cuối.
c) Chủ đề
Nguyễn Đình Thi đã khẳng định văn nghệ là mối dây đồng cảm kỳ diệu giữa nghệ sĩ với bạn đọc qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp cho con người được sống phong phú hơn và tự hoàn thiện nhân cách tâm hồn mình.
II. Luyện tập
Đề 1 : Vì sao con người cần đến tiếng nói của văn nghệ ?
Đề 2 : Theo em nếu không có văn nghệ đời sống con người sẽ ra sao ?
Đề 3: Tác phẩm nghệ thuật đến với người đọc, người xem bằng cách nào mà có khả năng kỳ diệu đến như vây ?
* PHẦN TIẾNG VIỆT:
BÀI: Khởi ngữ
I. Kiến thức cần nhớ
Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu
Trước khởi ngữ thường có thêm các quan hệ từ: về, đối với
II. Bài tập vận dụng
Bài 1: Tìm các khởi ngữ trong các câu sau đây
a, Ông cứ vờ xem tranh chờ người khác đọc rồi nghe lỏm. Điều này khiến ông khổ tâm hết sức.
b, Đối với nó, vượt qua kì thi là niềm vui vô hạn.
c, Thời tiết, những ngày này mưa nắng thay đổi thất thường.
d, Về khoản tìm đường, chẳng ai bằng nó.
e, Nghĩ lại, người ta sợ cái uy của đồng tiền (Nguyễn Công Hoan)
g, Đi, con cũng chả được mấy, mà ở nhà thì thầy cũng đem về cho con.
BÀI: CÁC THÀNH PHẦN BIỆT LẬP
I. Kiến thức cần nhớ
1. Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu
VD: Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.
2. Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lý của người nói (vui, mừng, buồn, giận)
VD: Ồ, sao mà độ ấy vui thế!
3. Thành phần gọi- đáp được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp
VD: Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ.
4. Thành phần phụ chú: được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu.
VD: Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh- và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi.
II. Bài tập vận dụng
Bài 1: Tìm các thành phần biệt lập trong các ví dụ dưới đây:
a, Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
b, Chắc hẳn trận đấu tối nay giữa tuyển Việt Nam với tuyển Thái Lan sẽ thu hút đông đảo người xem và cổ vũ.
c, Chúng tôi, mọi người- kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi.
d, Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)
g, Thưa bác, con mới từ Hà Nội về thăm gia đình ta ạ!
h, Này, chuyện lớp mình đạt giải nhất là thế nào vậy?
e, Trời ơi, chỉ còn có năm phút!
* PHẦN TẬP LÀM VĂN
BÀI: Phép phân tích và tổng hợp
I. Kiến thức cần nhớ
- Để làm rõ ý của một sự vật, hiện tượng nào đó, người ta thường dùng phép phân tích và tổng hợp
- Phân tích: trình bày từng bộ phận, phương tiện của một vấn đề nhằm chỉ ra nội dung của sự vật, hiện tượng. Để phân tích nội dung của sự vật, hiện tượng, người ta có thể vận dụng các biện pháp nêu giả thiết, so sánh, đối chiếu cả phép lập luận giải thích, chứng minh
- Tổng hợp là phép lập luận rút ra từ cái chung từ những điều đã phân tích. Lập luận tổng hợp thường đặt ở cuối đoạn, cuối bài, ở phần kết luận của một phần hoặc toàn bộ văn bản
II. Bài tập vận dụng: Cho đoạn trích sau:
Người ta vẫn quen nhìn thời gian như một định luật đưa tới già nua, tàn tạ, hủy diệt nhưng không mấy ai nghĩ rằng nhờ có thời gian nên mới có tác động, hiện hữu, nảy sinh. Nếu không có thời gian, thì sẽ không bao giờ cho sự sống. Không có sự hình thành của trái đất, không có sự kết hợp của các phân tử thành các cơ thể đơn bào, rồi đa bào, không có sự xuất hiện của các loài cỏ cây, cầm thú không có sự tiến hóa liên tục cho tới loài người, với bộ óc tinh vi sáng tạo. Đó là những thành quả của sự tiến hóa không ngừng của vạn vật, tức là những thành quả của thời gian.
Tác giả đã dùng phép lập luận nào và lập luận như thế nào?
BÀI: NGHỊ LUẬN VỀ 1 SỰ VIỆC, HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG
I. Kiến thức cơ bản
- Nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống xã hội là bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, đáng khen, đáng chê hay có vấn đề đáng suy nghĩ.
- Yêu cầu về nội dung của bài văn nghị luận: làm sáng rõ được sự việc, hiện tượng có vấn đè, phân tích mặt đúng- sai, lợi- hại, chỉ ra nguyên nhân, bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết
II. Bài tập vận dụng
Bài 1: Hãy nêu một số sự việc, hiện tượng được đưa vào văn nghị luận
Bài 2: Vấn nạn bạo lực học đường có phải là hiện tượng đáng được viết bài văn nghị luận không? Tại sao?
Bài 3: Nạn dịch CoVid – 19 đang hoành hành hiện nay có phải là 1 sự việc, hiện tượng đời sống không? Em hãy tìm hiểu và trình bày về hiện tượng này.
Ngoài ra, các em chuẩn bị chu đáo các bài học sau đây cho tuần 22:
Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới
Cách làm bài văn nghị luận về 1 sự việc, hiện tượng đời sống
Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phonten
Bài viết số 5: Nghị luận về 1 sự việc, hiện tượng đời sống ( các em tìm hiểu 1 số sự việc, hiện tượng mang tính tích cực và tiêu cực trong đời sống của chúng ta hiện nay).
	Các em nghiêm túc ôn tập các bài trên kẻo quên mất kiến thức nhé!
 Nhớ làm vào vở soạn văn cho cô ( đối với các bài tập của mỗi bài).
GVBM
	Lê Thị Hồng Nhung

File đính kèm:

  • docHuong dan on tap Ngu van 9 thoi gian nghi dich CoVid 19_12764189.doc