Tổ chức thực hiện tiết trả bài viết tập làm văn

a. Trước hết cần phải xác định các tiêu chí đánh giá bài làm của học sinh. Tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở yêu cầu của đề bài về nội dung kiến thức và rèn luyện kĩ năng viết văn bản, phương pháp làm bài.

Sở dĩ phải xây dựng tiêu chí đánh giá cho từng bài TLV vì mỗi bài văn là một bước thể hiện yêu cầu giáo dục rèn luyện được chương trình hóa theo từng kiểu bài nhất định.

Thực ra các tiêu chí này cũng đã được mỗi giáo viên xây dựng khi chấm bài nhưng có thể cách xây dựng từng tiêu chí, từng thang điểm ở mỗi thầy cô giáo là không thống nhất dẫn đến việc đánh giá học sinh có thể là không đồng đều ở cùng một trình độ.

Việc thống nhất tiêu chí chấm bài (hướng dẫn chấm) có thể tránh được tình trạng chấm bài theo cảm tính.

 b. Khi chấm bài giáo viên cũng cần căn cứ vào những yếu tố phổ biến nhất của học sinh trong cùng một lớp để tiếp tục rèn luyện cho các em. Những yếu tố này được giáo viên bộ môn đúc kết qua các bài làm trước, nhờ đó mà giáo viên có thể thấy được sai sót phổ biến để tiếp tục sửa chữa không chỉ trong một bài làm mà cả trong quá trình dạy học.

Bên cạnh đó, mỗi bài làm cũng tập trung vào một số trọng điểm rèn luyện nhất định. Như vậy là bên cạnh việc chú ý lỗi phổ biến, ta cũng phải tập trung vào viẹc rèn luyện các yêu cầu kiến thức, kĩ năng cụ thể.

 c. Đối với từng bài làm cụ thể của học sinh, giáo viên lại phải theo dõi những chỗ yếu nhất để tiếp tục uốn nắn, rèn luyện.

 

doc9 trang | Chia sẻ: halinh | Lượt xem: 3168 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tổ chức thực hiện tiết trả bài viết tập làm văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TỔ CHỨC THỰC HIỆN TIẾT TRẢ BÀI VIẾT 
TẬP LÀM VĂN
A. ĐẶT VẤN ĐỀ:
 Công việc trả bài là một việc làm thường xuyên của người giáo viên nói chung. Đặc biệt với người giáo viên dạy môn ngữ văn, đây là một công việc mà người dạy học có thể đánh giá mức độ thành thạo về kĩ năng, tiếp thu kiến thức của học sinh, qua đó mà giáo viên có thể phần nào tự đánh giá công việc dạy học của mình và có biện pháp điều chỉnh sao cho hợp lí, phù hợp với tình hình học tập của học sinh.
 Trong thực tế dạy học nhiều giáo viên cũng đã chọn cho mình những giải pháp riêng để dạy tiết học này nhưng nhìn chung các giải pháp là không thống nhất. Bên cạnh đó qua đợt thanh tra của Phòng Giáo dục về thanh tra tại trường năm học 2012-2013 có dự tiết trả bài thì thấy hiệu quả của tiết trả bài chưa cao, chính vì điều đó mà chúng tôi làm chuyên đề này nhằm nâng cao chất lượng tiết trả bài viết tập làm văn.
 Thực ra đây không phải là vấn đề mới, tuy nhiên xuất phát từ tình hình thực tế mỗi giáo viên có những quan điểm khác nhau, có cách tổ chức khác nhau trong tiết trả bài nên việc đúc rút ra một quy trình chung là điều cần thiết.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
 I. Lý thuyết
 1. Mục đích yêu cầu của chuyên đề:
Giúp học sinh nhận ra khuyết điểm của mình sau mỗi bài viết. Đồng thời rèn kĩ năng sửa lỗi, rèn kĩ năng dùng từ, đặt câu đúng, trôi chảy hơn.
Qua chuyên đề này chúng tôi hi vọng cả giáo viên và học sinh đều xem trọng 
“ tiết trả bài tập làm văn ”, đừng dạy và học qua loa. Đây cũng là giải pháp khắc phục dần những yếu kém của học sinh trong học tập môn văn cũng như một số môn học khác.
 2. Thực trạng của vấn đề:
Tuy nhiên trong thực tế, nhiều giáo viên chưa ý thức được sâu sắc vai trò của giờ trả bài làm văn với ý nghĩa cần và vốn có của nó. Nhiều giờ trả bài chưa đạt hiệu quả về nhiều mặt cả về chuyên môn, về qui trình, về tâm lí …cụ thể như sau :
- Việc chuẩn bị cho giờ trả bài chưa chu đáo. Sự thiếu chu đáo đó bắt đầu từ khâu chấm bài đến việc tổ chức tiết trả bài trên lớp.
- Nhiều thầy cô giáo chấm bài chỉ ghi điểm số bài làm mà không có những nhận xét, sửa chữa cần thiết. Đồng thời cũng có những thầy cô chấm bài viết của học sinh với thái độ bực dọc, thiếu trân trọng. Theo chúng tôi, cả hai khuynh hướng ấy đều nên tránh.
- Nhiều khi chúng ta không coi tiết trả bài là một tiết học thực sự nên việc thực hiện các qui trình vẫn còn nhiều hạn chế thậm chí là không có một qui trình mang tính khoa học và sư phạm.
- Giờ trả bài nhiều khi thu gọn vào việc làm dàn bài mẫu. Có khi giáo viên dành hết thời gian của tiết trả bài vào việc hướng dẫn dàn bài mà quên đi các yêu cầu khác quan trọng hơn.
- Về qui trình tổ chức hoạt động trong tiết trả bài cũng có nhiều vấn đề cần bàn. Tìm ra tiếng nói chung đôi khi cũng rất khó, thậm chí là những tranh cãi không có hồi kết.
- Có khi giờ trả bài chỉ là những giây phút căng thẳng chờ đợi để biết điểm số bài làm để rồi sau đó là một không khí ồn ào, phân tán trong lớp học.
- Những giờ học như thế học sinh không thu hoạch được bao nhiêu kiến thức và những điều bổ ích cho những bài viết tiếp theo.
 Từ thực tế đó, chúng tôi đã đúc rút kinh nghiệm và nêu lên qui trình “Tổ chức thực hiện tiết trả bài viết môn Ngữ Văn” sao cho có hiệu quả.
Phạm vi chuyên đề này chỉ nói đến Tổ chức thực hiện tiết trả bài viết ở môn Tập làm văn.
 Tuy nhiên, nói đến trả bài là phải nói đến chấm bài và ghi điểm, thiết nghĩ đó cũng không phải là các nội dung ngoài đề tài này.
Cũng cần nói thêm rằng tiết trả bài là một tiết học nên nó cũng phải đảm bảo các yêu cầu của một tiết học theo hướng đổi mới, tích cực. Cụ thể là phải đảm bảo các nguyên tắc :
	- Phát huy tính tích cực học tập của học sinh.
	- Tổ chức các hoạt động nhóm.
	- Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn.
	- Thể hiện tính tích hợp giữa các phân môn.
 3. Biện pháp giải quyết vấn đề:
 Mỗi thầy cô giáo dạy học môn Ngữ Văn cần ý thức được rằng giờ trả bài là một giờ học sinh động và có tác dụng nhiều mặt.
	Đây là giờ học được xây dựng thực sự từ lao động trực tiếp của học sinh, từ vốn liếng nhiều mặt của các em : vốn ngôn ngữ, vốn tri thức, vốn sống kết hợp với kĩ năng diễn đạt ở dạng văn bản viết.
	Qua giờ học này, các em dễ nhận ra mặt mạnh và yếu; mà nhất là mặt yếu, mặt hạn chế của mình để rút kinh nghiệm trong học tập và rèn luyện kĩ năng làm văn ngày một tiến bộ hơn.
	Như đã trình bày trên, muốn thực hiện tiết trả bài nghiêm túc, có hiệu quả về mặt chuyên môn, chúng ta phải bắt đầu từ bước chấm bài.
	3/1. Việc chấm bài của giáo viên :
 3/1.1. Ý nghĩa của việc chấm bài :
	Chấm bài vừa là một nghệ thuật vừa là kĩ thuật :
a. Nói đến nghệ thuật là nói đến cách chấm bài. Có người chấm nhanh nhưng vẫn chính xác, có người chấm chậm, đọc kĩ mà vẫn đánh giá không đúng về bài làm của học sinh. Ngoài ra, còn là quan điểm, thái độ của nguời chấm đối với bài làm.
b. Nói đến kĩ thuật là nói đến chuyên môn nghiệp vụ, tính khoa học trong việc chấm bài thể hiện qua đáp án, biểu điểm cụ thể, vì vậy đòi hỏi phải công bằng và chính xác không có sự sai lệch lớn trong cùng một lớp cũng như giữa các thầy cô giáo trong cùng tổ chuyên môn.
Hiện tượng đánh giá không đúng bài làm của học sinh không phải là hiếm. Có khi chênh nhau trong cùng một thang điểm, có khi độ chênh lại vượt ra ngoài thang điểm. Thậm chí nhiều thầy cô giáo cho rằng độ chênh giữa các bài làm tương đương về chất lượng có thể lên đến 1 hoặc 2 điểm là điều có thể cho phép! Quan niệm dễ giải ấy dẫn đến việc tùy tiện trong chấm bài TLV của học sinh.
Theo tôi chúng ta phải dần dần thay đổi cách nghĩ như trên bởi vì thực chất đó là sự không công bằng, thiếu chính xác, thiếu khoa học và không tôn trọng thành quả lao động của học sinh.
Nhân đây, tôi cũng xin đúc rút một số việc cần làm sau đây để việc chấm bài được nghiêm túc hơn :
 3/1.2. Các yêu cầu khi chấm bài :
a. Trước hết cần phải xác định các tiêu chí đánh giá bài làm của học sinh. Tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở yêu cầu của đề bài về nội dung kiến thức và rèn luyện kĩ năng viết văn bản, phương pháp làm bài.
Sở dĩ phải xây dựng tiêu chí đánh giá cho từng bài TLV vì mỗi bài văn là một bước thể hiện yêu cầu giáo dục rèn luyện được chương trình hóa theo từng kiểu bài nhất định.
Thực ra các tiêu chí này cũng đã được mỗi giáo viên xây dựng khi chấm bài nhưng có thể cách xây dựng từng tiêu chí, từng thang điểm ở mỗi thầy cô giáo là không thống nhất dẫn đến việc đánh giá học sinh có thể là không đồng đều ở cùng một trình độ.
Việc thống nhất tiêu chí chấm bài (hướng dẫn chấm) có thể tránh được tình trạng chấm bài theo cảm tính.
 b. Khi chấm bài giáo viên cũng cần căn cứ vào những yếu tố phổ biến nhất của học sinh trong cùng một lớp để tiếp tục rèn luyện cho các em. Những yếu tố này được giáo viên bộ môn đúc kết qua các bài làm trước, nhờ đó mà giáo viên có thể thấy được sai sót phổ biến để tiếp tục sửa chữa không chỉ trong một bài làm mà cả trong quá trình dạy học.
Bên cạnh đó, mỗi bài làm cũng tập trung vào một số trọng điểm rèn luyện nhất định. Như vậy là bên cạnh việc chú ý lỗi phổ biến, ta cũng phải tập trung vào viẹc rèn luyện các yêu cầu kiến thức, kĩ năng cụ thể.
 c. Đối với từng bài làm cụ thể của học sinh, giáo viên lại phải theo dõi những chỗ yếu nhất để tiếp tục uốn nắn, rèn luyện.
Chấm một bài văn vừa là chấm theo yêu cầu chung cho cả lớp, đồng thời lại còn chú ý đến yêu cầu riêng ở từng học sinh.
 d. Về thái độ của giáo viên khi chấm bài :
- Chấm bài văn không nên chấm theo kiểu thủ - vĩ nghĩa là chỉ đọc phần mở bài và kết bài để đánh giá và cho điểm.
- Không nên chấm theo định kiến và ấn tượng với học sinh. Điều này dễ dẫn đến việc không thấy được sự tiến bộ của học sinh yếu, cái hay của học sinh trung bình- khá, sự chủ quan của học sinh khá - giỏi.
- Không nên tỏ rõ sự chê bai trên bài làm học sinh. Thay vào đó là những lời nhận xét đánh giá, chỉ ra chỗ sai cụ thể. Có thể dùng kí hiệu đã được qui ước để nhắc nhở, những kí hiệu này cũng giúp cho giáo viên dễ dàng tổng hợp những sai sót để nhận xét, đánh giá chung về bài làm của cả lớp trong một lượt làm bài.
 e. Về lời phê :
- Chấm bài xong phải ghi lời nhận xét cụ thể. Lời nhận xét phải thể hiện hai phần : khen và chê. Phải thấy được sai sót tiêu biểu nhất, phải thấy được các em có tiến bộ hay chưa để có hướng phấn đấu ở bài làm sau.
- Lời phê trong bài làm phải ân cần, chu đáo.
- Tránh những lời nhận xét chung chung, ít bổ ích, chỉ mang tính xếp loại như: còn yếu, khá, thường, giỏi …
- Tránh những lời phê thiếu trân trọng, thiếu tính khích lệ.
 g. Về ghi điểm :
Thường thì giáo viên có thể ghi điểm sau khi đã đọc, nhận xét tổng hợp về bài làm, có đối chiếu với những bài làm trước.
Điểm số là kết quả cuối cùng của bài làm, của việc chấm bài. Điểm số tất nhiên phải tuân theo những tiêu chí đánh giá được đặt ra nhưng cũng cần xem xét theo tình hình chung của cả lớp và đặc thù của một số học sinh cần được quan tâm đúng mức.
 3/2.Tổ chức thực hiện tiết trả bài :
Đây là phần trọng tâm của chuyên đề.
 Một giờ trả bài cũng cần được chuẩn bị chu đáo trên giáo án theo một tiến trình sư phạm cần thiết. Qua thực tế dạy học bộ môn, chúng tôi đúc rút qui trình tối ưu sau đây để tiết trả bài có thể đạt được hiệu quả cao nhất :
 3/2.1. Bước 1 : Nêu những yêu cầu chính của đề bài :
- Căn cứ vào những dữ kiện về đề bài, về tình hình làm bài của học sinh, giáo viên xác định các yêu cầu cụ thể về kiến thức, tư tưởng, kĩ năng, phương pháp 
- Những yêu cầu đó phải được giáo viên công bố để định hướng cho học sinh đánh giá kết quả làm bài của cả lớp và của bản thân học sinh.
 3/2.2. Bước 2 : Xây dựng dàn bài mẫu :
- Mục đích của việc xây dựng dàn bài mẫu là để cả lớp rút kinh nghiệm về nội dung và phương pháp làm bài.
- Từng học sinh qua đó có thể tự mình rút kinh nghiệm chỗ được, chỗ chưa được của mình qua bài làm.
- Nên dành thời gian cho học sinh thắc mắc về dàn bài mẫu.
- Có thể cho học sinh chép dàn bài mẫu để học tập và tự sửa bài ở nhà.
 3/2.3. Bước 3 : Tổng kết tình hình làm bài của học sinh :
 Khi tổng kết về tình hình làm bài của học sinh cần nêu được :
Tinh thần, thái độ của học sinh khi làm bài.
Những ưu điểm và nhược điểm chính.
Những cá nhân đáng biểu dương.
Những hiện tượng đáng chú ý.
Kết quả chung của cả lớp và của cá nhân tiêu biểu.
Khi tổ chức hoạt động này giáo viên nên có thái độ khen nhiều hơn chê. Nếu là chê cũng nên ân cần, nhẹ nhàng để các em học sinh yếu khỏi có mặc cảm về sự yếu kém của bản thân trong học tập bộ môn Ngữ Văn.
 3/2.4. Bước 4 : Trả bài cho học sinh :
- Sau khi học sinh đã nắm được yêu cầu bài làm và sơ bộ đánh giá bài làm của mình, giáo viên mới trả bài cho học sinh.
- Trước khi trả bài, giáo viên cũng cần chuẩn bị tư tưởng chung cho cả lớp.
- Đây là bước mà học sinh nôn nóng nhất bởi tâm lí học sinh bao giờ cũng mong muốn biết điểm số của bài làm.
- Sau khi trả bài, giáo viên nên dành thời gian cho học sinh đọc lại bài làm của mình cũng như của các bạn trong nhóm : xem lại những chỗ thầy cô giáo phê hoặc lưu ý bằng mực đỏ. Đây là công việc cần thiết để học sinh chuyển sang một hoạt động khác quan trọng hơn là sửa lỗi trong bài làm của mình, của bạn.
 3/2.5. Bước 5: Sửa lỗi điển hình :
Đây là một trong những hoạt động quan trọng của tiết trả bài bởi mục đích cao nhất của giờ sửa bài là phát hiện và khắc phục tồn tại của bản thân học sinh trong làm văn và rút kinh nghiệm để sửa chữa trong các bài làm sau.
Như trên chúng tôi đã trình bày, muốn sửa bài chu đáo thì ở khâu chấm bài, giáo viên phải chuẩn bị thật chu đáo, phải ghi chép thật cụ thể các lỗi tiêu biểu để việc định hướng sửa bài có hiệu quả hơn.
Việc sửa lỗi nên tập trung vào các mặt sau đây :
 a.Sai sót về nội dung và phương pháp làm bài :
Lỗi lạc đề : chưa hiểu đề nên sai lạc về nội dung và phương pháp.
Lỗi lệch đề : chưa xác định đúng trọng tâm yêu cầu bài làm.
Lỗi lậu đề : bỏ sót một số yêu cầu cần thực hiện trong đề bài.
b.Sai sót về hình thức bài làm :
Nhóm lỗi về dùng từ, lỗi chính tả.
Nhóm lỗi về viết câu văn, diễn đạt ý.
Nhóm lỗi về đoạn văn, bố cục.
Nhóm lỗi về trình bày bài làm ...
Khi hướng dẫn sửa lỗi nêu trên, giáo viên cần chuẩn bị các dẫn chứng cụ thể lấy từ bài làm của học sinh. Tránh nói chung chung thiếu tính cụ thể sẽ không có tác dụng sửa lỗi cho học sinh.
Có thể tổ chức hoạt động nhóm nhỏ để học sinh cùng thảo luận, phát hiện và nêu hướng giải quyết.
Sau khi giáo viên hướng dẫn sửa bài chung, cho học sinh trao đổi bài làm trong nhóm để cùng đọc và rút kinh nghiệm. Có thể cho các em chấm bài nhau, cùng chỉ ra các sai sót trong bài làm và ghi vào phiếu học tập hoặc vở bài tập.
Giáo viên cũng nên dành thời gian cho học sinh nêu lên những thắc mắc về bài làm của mình, của các bạn trong nhóm, kể cả những thắc mắc về điểm số.
Giáo viên có thể chủ động đến với một vài em mà mình biết rằng những em đó có những vấn đề cần thắc mắc hay thất vọng.
 3/2.6. Bước 6 : Đọc bài văn tiêu biểu :
Có thể đọc một vài đoạn văn hay, nêu một vài ý hay hoặc đọc cả bài văn tiêu biểu tùy theo tình hình lớp học.
Sau khi đọc, có thể cho học sinh nhận xét, đánh giá về bài văn, đoạn văn ấy để các em cùng học tập.
Khi thực hiện hoạt động này, không nên tập trung vào một số học sinh giỏi của lớp mà còn chú ý vào cả những em trung bình, khá nhưng có tiến bộ trong làm bài để khuyến khích, động viên học sinh. Giáo viên không nêu tên học sinh có bài viết mà giáo viên đã đọc cho cả lớp nghe.
3/2.7. Bước 7 : Củng cố, dặn dò :
- Củng cố cho học sinh về phương pháp thực hiện kiểu bài.
- Nhấn mạnh những yêu cầu quan trọng trong việc tạo lập văn bản.
 - Tổng kết các lỗi sai phổ biến, cơ bản để rút kinh nghiệm.
II. Thực hành: 
Tiết 20: TRẢ BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 1
A. Mục tiêu cần đạt:
 1. Kiến thức: 
 - Đánh giá được năng lực viết văn tự sự của bản thân, biết tự sửa lỗi.
 - Củng cố kiến thức về văn bản tự sự..
 2. Kĩ năng:
 - Củng cố và nâng cao kĩ năng liên kết văn bản: Tính thống nhất về chủ đề, liên kết các đoạn văn, kết hợp với yếu tố miêu tả, biểu cảm.
 3. Thái độ: 
 - Thấy được những ưu nhược điểm của mình trong bài viết, qua đó biết sửa chữa và rút kinh nghiệm cho những bài viết tiếp theo.
B. Chuẩn bị:
 - GV: Giáo án, bài kiểm tra của HS.
 - HS: ĐDHT, Vở ghi.
C. Tiến trình lên lớp:
 1. Ổn định lớp.
2. Bài mới: 
HS nhắc lại đề bài: “Kể lại kỉ niệm sâu sắc ngày đầu tiên đi học.”
Yêu cầu:
-Viết văn bản tự sự
-Nội dung: Một kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học.
Thể hiện chủ đề: Tình cảm trong sáng của tuổi học trò với trường lớp, thầy cô, bạn bè,
-Bố cục rõ ràng, dàn ý mạch lạc, các phần, các đoạn văn hướng tới làm rõ chủ đề.
-Có sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm tạo chất trữ tình cho bài văn.
Dàn bài: 
-Mở bài: Giới thiệu về ngày đi học đầu tiên của mình ( không gian, thời gian, cảm xúc, ấn tượng chung,...)
-Thân bài: Trình tự, diễn biến của ngày đi học đầu tiên
Chuẩn bị tới trường: 
+Cảnh sắc thiên nhiên, tâm trạng bồi hồi, xúc động
+Đồ dùng học tập: Bút, thước, sách vở,...
Tới trường:
+Cảnh ngôi trường: cổng trường, sân trường, không khí,...
+Lớp học: Phòng học mới, cô giáo, bạn bè,...
+Tâm trạng, cảm xúc trướng những điều mới lạ
Sự việc gây ấn tượng:
+Thầy (Cô) giáo, một vài bạn trong lớp
+Sự việc (hoặc) người bạn đáng gi nhớ
+Bài học đầu tiên,
-Kết bài: 
+Suy nghĩ và ấn tượng đối với trường lớp, bạn bè
+Ý nghĩa của trường lớp đối với tuổi thơ,
+Ấn tượng, cảm xúc sâu sắc của bản thân
Nhận xét ưu, khuyết diểm
1.Ưu điểm: Nắm khá vững về kiến thức về thể loại, biết sử dụng phương thức tự sự.
-Nhiều bài viết sạch đẹp, bố cục rõ ràng, giàn ý khá mạch lạc
-biết sử dụng các yếu tố: miêu tả, biểu cảm. Một số bài đã có ý thức sử dụng biện pháp nghệ thuật.
-Diễn biến sự việc khá hợp lý. Tình cảm tương đối chân thực, lời văn trôi chảy, biểu cảm.
2.Khuyết điểm:
Một số bài viết thành văn biểu cảm
Nhiều bài sơ sài, rập khuôn, chỉ kể việc, chưa sáng tạo
Câu văn viết sai ngữ pháp, dùng từ không chọn lọc
Chưa có chi tiết tạo ấn tượng sâu sắc, trình bày cẩu thả, chữ xấu,...
Chữa các lỗi sai:
1. Sai về thể loại: Nội dung chính là biểu đạt cảm xúc: Mở bài nêu cảm nghĩ khái quát, kết bài tổng hợp cảm nghĩ, trong thân bài mỗi đoạn là một cảm xúc.
- Mở bài và kết bài của 
 “ Ôi! Những kỉ niệm của ngày đầu tiên đi học khi tôi phải rời xa bàn tay từ mẫu bước vào lớp 1 thật là đẹp “. Đó là kỉ niệm đẹp nhất của ngày đầu tiên đi học...Tôi sẽ không bao giờ quên ngày đó.
“ Trên đây là những dòng cảm xúc của tôi về kỉ niệm trước ngày khai trường”.
2. Lỗi sai về chính tả dùng từ, viết câu:
- Sai chính tả: “ chợt” = “trợt”, “ trong” = “chong”...
- Câu văn lan man, lủng củng, lăp từ: “ Ngày hôm đó là một ngày đầu tiên tôi đi đến trường, tôi có tâm trạng háo hức, hứng thú khi nghĩ về ngày đầu tiên đi học...”
GV đọc những bài có điểm tốt và những bài điểm thấp để học sinh nghe và nhận xét.
GV trả bài, HS xem bài, tìm lỗi sai trong bài của mình và của bạn bên cạnh.
GV cho HS nêu ý kiến (nếu có), gọi điểm ghi vào sổ.
GV nhắc HS về nhà chẩn bị bài mới.
C. KẾT LUẬN:
 Tiết trả bài viết tập làm văn là quy trình kĩ thuật, tỉ mỉ, công phu gắn liền với tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tình yêu thương quý trọng thành quả lao động sáng tạo của giáo viên đối với học sinh.
Trên đây là những suy nghĩ và việc làm của chúng tôi trong quá trình giảng dạy. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp và nhận xét từ đồng nghiệp để cùng thực hiện chuyên môn tốt hơn.
 Người thực hiện:
 Dương Thị Vân Anh- Trần Thị Xuân

File đính kèm:

  • docCHUYEN DE TAP LAM VAN.doc
Giáo án liên quan