Giáo án Ngữ văn 9 tuần 9 chuẩn kiến thức kỹ năng

ông cá hô

TIỂU DẪN

 Cồn Te (còn gọi là cồn Phó Ba) thuộc ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Cồn chỉ cách thành phố Long Xuyên vài trăm mét.

 Ngày xưa quần tụ về đây hầu hết là dân chài, và chính cuộc mưu sinh của nhóm người này đã mang cho nó cái tên Cồn Te.

 Nhân vật trong tác phẩm mang đậm tính cách của con người Nam Bộ - nói chung và An Giang - nói riêng.

 Truyện ngắn Ông cá hô đã được chuyển thành phim năm 1998.

 

doc24 trang | Chia sẻ: dung89st | Lượt xem: 1178 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Giáo án Ngữ văn 9 tuần 9 chuẩn kiến thức kỹ năng, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
bao giờ. Nhưng chú không thất vọng, nói với tôi:”Đám cá hô thành tinh rồi, nhưng tao cũng tu luyện mấy kiếp, chưa biết ai hơn ai đâu”. Chẳng mấy chốc chú thành người ngư dân hẳn hoi, không còn bóng dáng người kép hát ngày xưa nữa. Đào Hồng Điệp vẫn rửa chén ngoài quán bà Ba, đôi khi được bà sai qua chợ Long Xuyên mua đồ đạc. Chú Sáu Dương thỉnh thoảng ghé quán uống ly cà phê nói chuyện sông nước với khách thương hồ. Không thấy chú nói chuyện với đào Hồng Điệp, cô ta đi ra vô cũng không ngó ngàng gì tới chú.
Một bữa có người khách vui miệng nói:
- Ở đây có đào kép đủ cả, ta diễn tuồng coi đi!
Đào Hồng Điệp mím môi có vẻ giận bỏ đi vô trong. Chú Sáu Dương cười nói:
- Thôi mệt rồi, giang hồ phỉ sức rồi, lo mần ăn thôi.
Có vẻ chú chẳng còn quyến luyến gì tới nghề ca hát nữa. Nhưng một hôm chú tâm sự với tôi:
- Thằng nhỏ mày không biết làm người lớn cực khổ như thế nào đâu. Mày có hay ghé quán bà Ba uống cà phê không? Có thấy đào Hồng Điệp được mạnh khỏe không? Con người ta gắn bó với cái gì khổ với cái đó. Tao thương đào Hồng Điệp lâu lắm rồi, từ hồi nhỏ ở làng, lớn lên cũng thương, vậy rồi ngày tháng trôi qua tới giờ tao chưa có dịp nào ngỏ lời với cô ấy cả.
Tôi nói:
- Chị ấy ở ngoài quán kìa, sao chú không ra đó nói đi?
- Mày giỏi ra đó mà nói – Chú nạt – Nói làm sao? Nói thương cô ta à? Rồi cô ta không chịu nhảy xuống sông tự tử hả? Mày còn nhỏ không biết chuyện đời khó lắm, không dễ như bắt cá hô đâu. Tao đã tính trong bụng rồi, chừng nào thấy chắc đào Hồng Điệp thương tao tao mới dám nói. Cũng không trễ đâu mà vội. Cái chính là đừng cho thằng khác xen vào. Mày rảnh rỗi không làm gì ra ngoài quán canh chừng dùm tao. Tại tao thương đào Hồng Điệp quá mới theo gánh hát, tao biết hát hò gì đâu. Nhưng rồi cố gắng tập tành cũng hát được, hát chung với Hồng Điệp càng hát hay hơn. Chuyện tụi tao coi bộ cũng xuôi chèo mát mái, biết đâu thành đào kép chánh rồi cũng nên vợ chồng, đâu ngờ trúng nhầm gánh hát mắc dịch, chưa chi đã rả banh.
- Rồi chú tính sao?
- Tính gì? Thì tao đi đánh lưới cá hô đây còn tính gì nữa. Thôi xong hết rồi. Nhưng tao chắc đào Hồng Điệp chưa yên đâu, cô ta còn nhiều mộng tưởng lắm. Do vậy tao bàn với mày như vầy
Chú Sáu Dương ngày đêm vẫn quần với bầy cá hô. Có một lần chú thả lưới trúng một con cá hô thật lớn, tôi cùng đi với chú, con kình ngư quẩy hoài dưới nước không cách gì lôi lên ghe được, chú nhào xuống nước quần với nó dưới đó, nước sôi lên sùng sục, thấy có vẩy cá nổi lên rồi thấy có cả máu nữa. Cuối cùng chú trồi lên tay cầm tấm lưới rách bươm, lau máu ở mặt, nói:
- Thôi tha cho nó phen này, coi như rộng nó dưới sông thôi – Rồi chú bảo tôi – Mày ra quán nói chuyện với bà Ba đi.
- Nói gì?
- Tao dặn mày như thế nào? Nói đúng lời tao dặn không sai một tiếng. Đi đi!
Tôi chạy ra ngoài quán nói với bà Ba:
- Chú Sáu Dương nói bà để thư thả, chú sẽ chuộc chị Hồng Điệp ra.
- Chuộc bằng gì?
- Bằng cá hô. Chú sẽ đền bà một con cá hô hai trăm ký, không thiếu một gờ-ram.
- Biểu nó ra đây.
Hơn tháng sau chú Sáu Dương bắt được một con cá hô lớn, con cá nằm chật cả lòng ghe, chú chèo thẳng ra quán bà Ba, con cá được đưa lên nằm dài trên sàn quán, khách trong quán bu lại trầm trồ chỉ chỏ, chú Sáu Dương ngồi một góc kêu ly cà phê phì phà điếu thuốc. Con cá hô há miệng ngáp ngáp, đập đuôi mấy cái mở to mắt nhìn mọi người. Đào Hồng Điệp đi ra vô không ngó con cá hô, cũng không nhìn chú Sáu Dương.
Một lúc bà Ba chủ quán đi ra kéo ghế ngồi xuống trước mặt chú Sáu Dương nói:
- Vậy là con cá hô này đây hả? Mày đem nó ra đây chuộc con Hồng Điệp hả?
Chú Sáu Dương cúi xuống với ly cà phê không đáp. Bà Ba nói tiếp:
- Nhưng mày chuộc cái gì? Tao nuôi con Hồng Điệp chăm sóc thương yêu còn hơn con đẻ, mắc mớ gì mày phải chuộc? Mà mày nuôi nó nổi không? Thôi mày trả tiền ly cà phê rồi về đi, con cá hô tao sẽ xẻ thịt bán trả tiền lại cho mày.
Chú Sáu Dương chèo ghe ra về, bà Ba xẻ thịt con cá hô bán lấy tiền không trả cho chú Sáu Dương mà dẫn đào Hồng Điệp qua chợ Long Xuyên sắm sanh đồ đạc, mấy hôm sau lại dẫn qua đó nữa không biết làm gì.
Chú Sáu Dương nằm khoèo ở nhà gác tréo chân nói với tôi:
- Thằng nhỏ mày góp ý tao coi, tao phải làm sao đây?
Tôi nói:
- Tốt nhứt chú bắt cá hô thật nhiều, bán lấy tiền cất một cái nhà thật lớn rước chị Hồng Điệp về đây ở.
Chú thở dài:
- Như vậy nên chăng?
- Nên lắm – Tôi nói – Hay chú muốn chị Hồng Điệp rửa chén hoài ngoài quán bà Ba?
- Rửa chén thì tao không muốn rồi, nhưng về đây ở thì Thôi chuyện đó tính sau, giờ mày nghĩ dùm tao coi mấy hôm rày bà chủ quán đưa Hồng Điệp qua chợ làm gì vậy? Có thể bà ấy giới thiệu chị Hồng Điệp cần phải lo sự nghiệp, còn tao thì lo bắt cá hô như vậy cũng hợp tình lắm.
Quả nhiên sau đó bà chủ quán không biết chạy chọt thế nào Hồng Điệp được nhận vào một gánh hát bên chợ, gánh nhỏ thôi và Hồng Điệp cũng chỉ đóng vai phụ. Nhưng như vậy cũng được rồi, còn hơn rửa chén ở quán. Chú Sáu Dương nghe vậy mừng lắm. Tôi lúc đó đã qua học bên chợ, chú dặn tôi thường xuyên theo dõi báo tin tức về Hồng Điệp, đang diễn tuồng gì, sắm vai nào, bận quần áo son phấn ra sao. Và rồi tối đến tôi nghe tiếng chú hát vang vang trên sông, thường là lời hát của một vai diễn nữ tôi đoán là vai diễn trước đây của đào Hồng Điệp. Bài hát có câu như vầy:
Chàng ơi, phận thiếp đành bạc mệnh
Chốn loan phòng gãy gánh đường tơ
Suối lệ ngập tràn nát cánh hoa rơi
Oi lang quân ơi, lang quân ơi thiếp đành lỗi hẹn
Lại có một hôm chú hát nguyên cả một tuồng khi đóng vai này khi đóng vai kia, tới vai người chinh phụ giọng chú ngân dài hơn hết thảy:
Chờ ai, chờ ai vắng bóng
Tiếng trống xa đưa như là chiếu triệu chồng ta
Chốn giang biên người có biết có hay chăng là
Một hôm tôi về báo chú một tin:
- Chị Hồng Điệp được đóng vai chánh rồi, có hình dán ngoài cửa rạp.
Chú trố mắt nhìn tôi:
- Hình như thế nào?
- Không đẹp. Do bị nước mưa làm lem. Nhưng coi cũng giống lắm.
- Nhưng đóng với kép nào?
- Không biết. Người ta chỉ vẽ hình quảng cáo thôi mà.
Chú Sáu Dương trầm ngâm suy nghĩ. Hôm đó chú bắt được con cá hô rất lớn. Con cá hô giương mắt nhìn chú. Chú cũng nhìn lại con cá hô. Rồi nói:
- Được rồi, để tao qua đó coi thế nào.
Chú không đi một mình mà đem con cá hô theo. Theo lệ thường cá hô bắt được người ta xẻ thịt bán ngay tại chỗ, cho miếng ngon mỗi người một ít. Chú Sáu Dương cũng làm như vậy. Nhưng chú chọn đúng ngay trước cửa rạp hát, dưới tấm hình của đào Hồng Điệp xẻ thịt cá bán. Chú gỏ lanh canh con dao chào mời người qua lại, mời mua thịt cá hô rồi mời mua vé xem hát. Rồi ứng khẩu tại chỗ một bài hát lời lẽ có nói tới chuyện canh chua cá hô và chuyện một công nương nào đó vì bị phụ tình phải quyên sinh, hồn chiêu diêu nơi chín suối.
Rồi chú ra về lòng vui khấp khởi, rủ tôi tới nhà ăn cơm canh chua cá hô, bắt tôi thức khuya để nói chuyện:
- Mày không biết đào Hồng Điệp đóng tuồng hay như thế nào đâu. Do đẹp người đẹp nết đào Hồng Điệp đóng rất giỏi trong các vai công nương quyền quí, vai người yêu hoàng tử cũng như vai cô Tấm cô Cám, các người hầu trong cung, bà mệnh phụ cùng cô gái quê, các người vợ không bao giờ cưới
- Vậy là đóng được hết thảy hả?
- Được hết. Chỉ sợ soạn giả không kịp viết tuồng. Tao nhớ lần Hồng Điệp đóng vai người thiếu phụ Nam Xương, Hồng Điệp ngồi bên khung cửi dệt vải vừa cất tiếng khóc, cô ta cứ khóc hoài khiến tao đang đóng chung không phải vai khóc cũng mủi lòng khóc theo.
Tôi ngờ rằng chú Sáu Dương có sự lầm lẩn nào đó, hứng khởi nhớ lung tung, nhưng tôi cũng không rành về chuyện tuồng tích nên không biết như thế nào. Thôi gánh hát đã rả rồi chú đã đi lưới cá hô, chuyện cũng không có gì quan trọng. Không biết sau lần chú bán thịt cá hô ngay cửa rạp hát dưới hình đào Hồng Điệp, gánh hát có bán được thêm vé không, nhưng thấy chú Sáu Dương sau đó càng thêm hào hứng, bắt được cá hô là đem qua đó bán, cũng ngay dưới hình đào Hồng Điệp, cũng hát những bài hát lời lẽ có chuyện món ăn cá hô và chuyện yêu đương, cả chợ Long Xuyên đều quen mặt chú, khen chú hát thật hay thật vui, không ai biết chú là kép hát ngày xưa, tên Sáu Dương cũng không ai biết, người ta chỉ gọi chú là “Ông cá hô”.
Tôi lớn lên và cuộc sống bắt đầu có những bận rộn, vướng mắc riêng, chú Sáu Dương già đi, quan hệ chúng tôi cũng thưa thớt dần. Một hôm chú cho người kêu tôi lại nói giọng buồn buồn:
- Nhỏ à nghe tao nói điều này
Tôi nói:
- Cháu lớn rồi chú à, cháu học trung học rồi.
- Cũng không lớn hơn ai đâu. Mày nghĩ giúp dùm tao chuyện này, mày học hành để làm gì. Mày thấy tao như thế nào, chẳng lẻ đời tao chỉ đi bắt cá hô hoài sao? Không làm được chuyện gì nở mày nở mặt được hay sao?
Chú nói và trố mắt nhìn tôi khiến tôi mủi lòng:
- Ừ vậy ta bàn đi.
- Ừ ta bàn đi – Chú nói – Nhưng mày ngồi ngay ngắn lại cái đã, học sinh trung học không có kiểu ngồi như vậy.
Dạo đó tỉnh tôi có lệ tổ chức đua ghe ngo hằng năm, vào mùa nước lên, các quan chức tỉnh bày ra nhưng chỉ tham dự lấy lệ, cuộc vui sau đó là của dân chúng với nhau. Khúc sông được chọn làm lộ trình đua là khúc sông chú Sáu Dương thường thả tới lui câu cá hô, chú nghĩ mình hiểu được nó, có thể chiến thắng nó. Chú tìm đến một đội đua xin tham gia, làm chân giữ lái. Vào đội rồi chú không màng gì tới chuyện cá hô nữa, suốt ngày luyện tập cùng đám thanh niên, hò hét gỏ phèng la inh ỏi.
Ngày đua đã đến, khúc sông nước dâng tràn bờ, từ sáng sớm dân chúng đã bu nghẹt bên bờ sông. Dưới sông các ghe đua sắp thành hàng ngang, các tay bơi quần áo xanh đỏ ngồi thành đôi đều tăm tắp, ghe được sơn phết thành hình rồng rắn, mủi ghe hình con cá ngẩng cao đầu. Trên khán đài các quan chức tỉnh theo thứ tự ngồi thành hàng từ dưới lên trên, bận đồ trắng đội nón trắng, lại thấy có đào Hồng Điệp ngồi trong đó, giữa hai quan chức, đội chiếc nón trắng rộng vành như chiếc sàng gạo. Thường là như vậy, ở những khán đài danh dự, do tính chất tôn nghiêm và xa xỉ của nó, để có đủ màu sắc người ta hay chọn giới văn nghệ đi cùng với các quan chức nhà nước, kiểu như anh hề đi chơi với vua, anh nhà văn đi cùng vị tổng thống. Đào Hồng Điệp không mấy nổi tiếng ở tỉnh, nhưng do diễn lâu năm cũng được nhiều người biết tiếng, về sau lớn tuổi ít diễn tăng cường công tác xã hội, dự các cuộc lễ hội, phát chẩn, trồng cây ở nghĩa trang, phất cờ trong các cuộc đua xe đạp. Đào Hồng Điệp ăn bận sang trọng, người hơi mập ra, cổ và tay đeo nhiều vòng vàng, nghiêng bên này bên kia nói chuyện với hai vị quan chức, chiếc nón rộng vành cọ cọ vào cổ hai vị khiến họ bị nhột, cười khúc khích luôn.
Đúng chín giờ, vào lúc con nước nhửng*, phát súng lịnh nổ, các tay bơi cùng lúc cúi gập người xuống ấn sâu mái chèo, các ghe đua rướn lên, mặt sông rùng mình nổi sóng, cùng lúc với tiếnghò dô, tiếng phèng la tiếng reo hò cổ vũ người đi coi trên bờ vang dậy cả một khúc sông.
Chiếc ghe đua của chú Sáu Dương đua ở đường đua sát bờ, tôi chạy theo la hét động viên chú:
- Ráng lên chú Sáu ơi, có chị Hồng Điệp coi chú trên khán đài kia!
Chú không hề nhìn lên, đang bận ghìm chặt tay lái, mắt gườm gườm nhìn thẳng về phía trước, chiếc khăn rằn sút sổ bay xỏa về phía sau. Mức đến ở ngay trước khán đài. Tôi vừa chạy vừa nhìn bám theo chiếc ghe chú Sáu Dương, nhìn lên khán đài, Hồng Điệp chỉ tay về chiếc ghe của chú Sáu Dương cười nói gì đó với hai vị quan chức. Cô nói gì? Không còn thì giờ nữa, tôi cố gắng tăng tốc theo chiếc ghe của chú Sáu Dương, vẩy tay la hét như điên, cả người tôi hòa nhập vào chiếc ghe, bước chân tôi cũng tiếp sức được cho chú:
- Ráng lên chú Sáu ơi, gần thắng rồi!
Tôi hét đến khản cả cổ, chiếc ghe của chú Sáu Dương cũng theo đó rướn lên, tăng tốc mãi, so kè với mấy chiếc đi đầu. Còn hai trăm thước, rồi một trăm thước, tiếng la của tôi bị át đi trong tiếng la của những người chung quanh. Còn năm chục thước! Chiếc ghe của chú Sáu Dương bỗng vùng lên dữ dội, nhô đầu vượt lên, càng lúc càng bỏ xa mấy chiếc ghe cạnh bên. Tôi lại hét:”Mình ăn rồi chú Sáu ơi! Hoan hô chú Sáu!”. Và tôi chạy mau lại mức đến trước khán đài.
Không thể bỏ qua giây phút chú Sáu cán mức đến trước tiên. Tôi nhìn chú Sáu, rồi nhìn lên khán đài tìm Hồng Điệp để chia xẻ niềm vui. Và tôi đã thấy gì? Tôi thấy Hồng Điệp đang cười nói với vị quan chức kế bên, cánh tay trắng nuột đầy vòng vàng choàng qua vai ông ta. Tôi thấy có cái gì đó sụp đổ, vội quay ngó xuống sông. Chiếc ghe của chú Sáu Dương đang từ xa lao tới, như vũ bão, mũi ghe hình đầu con cá nhe răng ngẩng cao lên trong niềm hân hoan đón chờ chiến thắng. Còn hai chục thước, rồi mười thước! Bỗng dưng chiếc ghe quay ngang, nhảy chồm lên chúi đầu chìm lỉm, cả đội ghe cả chú Sáu Dương nhào lội loạn xạ, dầm chèo văng tung tóe.
Tại sao vậy? Chú Sáu Dương đã nhìn lên khán đài, nhìn thấy những gì tôi vừa nhìn thấy chăng?
Chú lóp ngóp lội lên bờ người ướt sủng, buồn rầu nói với tôi:
- Tao bị trật tay lái, bậy quá! Thôi để năm sau mình tính chuyện ăn thua.
Tôi an ủi chú:
- Chị Hồng Điệp muốn gặp chú.
Chú liếc nhìn tôi:
- Gặp chi vậy?
- Không biết. Chị kêu chú đến quán
- Mày đi với tao chớ?
Hai chúng tôi đến quán ngồi đợi một lúc lâu Hồng Điệp mới tới. Chị vén tà áo dài đi vào chọn kỷ chiếc ghế ngồi xuống, không nhìn chú Sáu, ngồi nghiêng ngó ra ngoài đường. Chú Sáu coi thảm thương quá, bộ quần áo ghe đua ướt sủng loang lổ màu xanh đỏ, chú phải ngồi co lại vì lạnh, và vì để che hai ống chân khẳng khiu đầy bùn sình.
- Em Hai khỏe không? – Chú nói, giọng hơi run – Lâu nay có được tin gia đình không? Em Hai ăn cái gì đi, hồi sáng tới giờ bận coi đua ghe chắc em Hai đói rồi.
Hồng Điệp làm mặt giận một lúc rồi mỉm cười:
- Anh Sáu cũng ăn đi, ăn cho bớt lạnh. Trời ơi, anh Sáu còn nhỏ nhít gì nữa, đi đua ghe chi vậy? Lại còn bị chìm ghe nữa! Tôi nói rồi, số anh Sáu luôn xui xẻo, tôi hát chung với anh Sáu bị rả gánh, may tôi tìm được gánh khác mới yên ổn như vầy.
Chú Sáu mệt quá không ăn được, kêu cho tôi chiếc bánh tiêu chai nước ngọt. Hồng Điệp ăn một tô hủ tíu rồi ăn thêm mấy trái cam, bánh da lợn, uống ly nước trái mảng cầu rồi uống thêm ly sữa tươi. Chị nói:
- Anh Sáu để tôi trả tiền nghen!
- Không, để tôi trả, tôi mới bán cá hô.
- Anh Sáu làm ăn khá không?
- Cũng khá.
- Vui không?
- Cũng vui.
Không còn chuyện gì nói nữa chú chào Hồng Điệp dẫn tôi ra về, tôi tưởng chú buồn vì cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhạt nhẽo, nào ngờ chú lại thấy vui:
- Mày thấy sao? Hồng Điệp cũng còn tươi quá hả? Là do Hồng Điệp biết chăm lo con đường nghệ thuật của mình. Đó mày thấy không, riêng chuyện ăn uống thôi cũng biết giữ gìn, ăn nhiều trái cây để da dẻ được mịn màng. Còn như ăn uống ẩu tả như tao với mày chỉ có nước đi đánh lưới cá hô.
Một dạo bọn lính kéo về chợ tỉnh rất đông. Ay là do đã hết hiệp định đình chiến nhưng bọn giặc muốn gây sự, thường xuyên cho lính đi càn bố, ban ngày lùng sục trong các xóm ấp tối đến kéo về chợ ngủ, tỏa đi khắp chợ nhậu nhẹt quậy phá các rạp hát quán xá. Rạp hát của Hồng Điệp cũng chịu chung tai họa ấy. Cứ tối đến rạp bắt đầu diễn chúng không mua vé kéo vào ngồi gác chân lên ghế hút thuốc uống rượu, ném đá lên sân khấu la lối hò hét, hết tuồng kéo ra chận ở cửa níu kéo các cô đào hát.
Tôi đi học về kể cho chú Sáu nghe chuyện đó, chú cau mặt:
- Vậy tính sao đây?
- Đâu biết tính sao – Tôi đáp – Chúng đông quá, lại có súng mình đâu làm gì được.
Chú cúi đầu ngẫm nghĩ:
- Phải, mình không có súng bắn lại chúng. Nhưng chẳng lẻ cứ để yên như vậy?
Suốt mấy ngày chú Sáu Dương trầm ngâm suy nghĩ, cá hô bắt được cũng không đem qua chợ bán. Đã tới ngày cận Tết rồi, các gánh hát đáng lẻ tăng suất hát gấp đôi lại nghỉ hát hoặc chỉ hát cầm chừng. Nhưng như vậy cũng không yên được với bọn lính, chúng kéo tới cửa rạp hát đòi đem các cô đào ra cho chúng gặp mặt:
- Đào hát không diễn tuồng, cũng như lính tụi tao không đánh trận vậy hả?
Một buổi chiều đi học về tôi ghe qua nhà không thấy chú Sáu đâu, chạy đến quán bà Ba nói:
- Nó chèo ghe qua chợ rồi, mày đi theo nó lẹ đi!
Tôi tốc nhảy xuống đò đi qua chợ. Trời đã tối, chợ đã lên đèn. Tôi đến trước cửa rạp hát thấy có người bu đông nghẹt, một tốp lính đứng vòng quanh, chú Sáu Dương đứng chính giữa. Một tên lính đứng chống nạnh tay trước mặt chú hỏi:
- Mày là thằng nào?
- Tôi là người đánh lưới cá hô – Chú đáp.
- Vậy thằng cá hô mày nghe đây – Tên lính nói – Chuyện lặn hụp dưới nước bắt cá hô là chuyện của mày, còn chuyện đi coi hát chơi giởn với mấy con đào hát là chuyện của tụi tao, mắc mớ gì mày xía vô? Hay mày muốn giành mấy con đào với tụi tao?
Chú Sáu Dương đáp:
- Tôi không giành giựt gì hết, nhưng mấy ông phải để yên cho người ta hát.
Tên lính bật cười sằng sặc:
- Để yên là sao? Đào hát là để chưng diện, không lẻ dấu trong buồng? Ta phải tính cho xong chuyện này, mày muốn chơi theo kiểu nào?
- Mấy ông có súng bắn chết tôi lúc nào chẳng được.
- Súng thì tụi tao không bắn rồi – Tên lính nói – Nhưng tụi tao sẽ bắn chết đứa nào nhảy vô can vụ này. Mày chơi chớ?
Chú Sáu Dương đưa mắt ước lượng đám lính đứng chung quanh:
- Được thôi. Nhưng tay không chớ?
- Dĩ nhiên rồi.
Tôi đứng ngoài hét lên:
- Không được đâu, chúng đông lắm chú Sáu ơi!
Một tên lính chẹn lấy cổ tôi, bụm miệng tôi lại. Chú Sáu Dương không nghe tôi nói, đang bận bàn luận với đám lính:
- Từng người một nghen, hết người này tới người khác, ai có cà rá hoặc đồng hồ cũng phải gở ra hết.
Tên lính đầu tiên là một tên say, chú Sáu Dương dễ dàng đấm trúng mặt nó, nó té sấp úp mặt xuống mặt đường, nước mắt nước mủi lẩn với máu chảy lầy nhầy trên nền đất cát.
Tên thứ hai thật dữ dằn, mặc dù cũng say nhưng nhảy tới lui nhanh nhẹn như con chồn, không dùng nấm đấm mà xòe các mấu ngón tay có móng nhọn cào vào mặt, vào cổ, vào bụng chú, chú cố gắng né tránh nhưng cũng bị trúng mấy vết, máu bắt đầu chảy loang ra. Tôi đứng bên ngoài la hét chỉ chỏ để trợ giúp chú:
- Coi chừng nó cào vô bụng chú kia! Che hông lại chú Sáu ơi!
Chú đưa tay gạt ngang, chém bổ dọc, tên lính ranh ma không cào nữa chụm mấy đầu ngón tay thành một mủi nhọn như một mủi giáo đâm thẳng vô bụng chú. Chú bị trúng liền mấy cái, lảo đảo, nhưng thật bất ngờ chú đang tay ôm bụng chân lại vung cao thành một cú quét ngang, kiểu như dùng phảng phát cỏ, trúng ngay vào cổ tên lính. Tên lính đổ sụp xuống, nằm đè lên tên lính trước.
Tới tên lính thứ ba chú Sáu Dương gần như đã kiệt sức, chỉ lo chống đỡ, tên lính thấy vậy cứ nhầm chỗ mấy vết thương của chú đánh tới, chú cố co người lại che các chỗ nghiệt, tìm cách bám lấy nó để tránh những cú đấm từ xa, rồi uốn người mềm như cọng bún để nó không thể quật chú xuống mặt đường.
- Mày đi ra, để tao! – Một tên lính khác liền quát lên, xắn tay áo để lộ những hình xăm vằn vện như mặt quỉ.
Tôi hét lên:
- Không được đâu!
Tên lính lại chẹn lấy cổ tôi:
- Mày binh hả? Cũng thuộc loại cá hô hả? Vậy tao cho chết luôn một thể.
Tên lính xăm mình đánh chú Sáu Dương bằng những cú đấm thẳng vào mặt, vào bụng, vào hai bên cạnh sườn khiến chú ói ra từng bụm máu. Các vết thương ở mặt, ở cổ cũng bật chảy máu ròng ròng. Cả người chú đẩm máu, môi và mắt sưng vù. Tôi giảy giụa nhưng tên lính đã lôi tôi ra xa, không còn thấy gì nữa, chỉ nghe tiếng đấm lịch bịch của tên lính vào người chú Sáu Dương. Và rồi tôi nghe chú thét lên, giọng không còn nhận ra nữa:
- Mày đánh chết tao đi, không tao cũng đánh chết mày!
Lâu lắm mới có quân cảnh tới. Chú Sáu Dương đã không còn đứng vững nữa rồi, hai tên lính phải kè giải chú đi. Chú cố quay lại nói với tôi:
- Đừng khóc, nhỏ! Báo với Hồng Điệp tao bị bắt rồi. Rồi tao sẽ ra tù trở về, tao không cho thằng nào phá Hồng Điệp đâu.
Việc chú Sáu Dương bị giam đi tù như thế nào tôi không được biết. Sau đó thời cuộc biến chuyển tôi ra đi theo con đường của tôi, và rồi nhiều chuyện khác xảy ra tôi quên dần câu chuyện của chú Sáu Dương và nhiều chuyện khác. Cho đến hơn hai mươi năm sau hòa bình lập lại tôi trở về
Chú Sáu Dương vẫn ở chỗ cũ, ngay đầu cồn, khoảng đất tưởng chỉ một mùa nước lũ là bị cuốn trôi phăng đi, vậy mà vẫn còn hoài với năm tháng.
Chú Sáu Dương chống gậy lần đi ra, mắt đã mờ, không nhìn thấy tôi nhưng nhận ra giọng nói của tôi:
- Mày về tới đó hả nhỏ?
Tôi cười đáp:
- Cháu già rồi chú ơi, tóc cháu bạc hết rồi đây nè.
- Cũng không già hơn tao đâu - Chú nói - Nhưng như vậy cũng lâu quá rồi, tao không còn nhớ gì nữa, không còn tính đư

File đính kèm:

  • docThạnh Nguyễn (Ngữ văn 9 - Tuần 9 cktkn).doc