Giáo án Ngữ văn 11 tiết 106: Một thời đại trong thi ca (tiết 1) (trích – Hoài Thanh)
Đoạn trích
- Vị trí: Đoạn trích thuộc phần cuối của tiểu luận “Một thời đại trong thi ca”.
- Bố cục 3 phần:
+ Phần 1: Từ đầu đến “.nhìn vào đại thể”: Nguyên tắc để xác định tinh thần thơ mới.
+ Phần 2: Tiếp đến “.tội nghiệp quá”: Tinh thần thơ mới: chữ tôi.
+ Phần 3: Còn lại: Sự vận động của thơ mới xung quanh cái tôi và bi kịch của nó.
Ngày soạn: 19/03/2015 Ngày thực hiện: 23/03/2015 Tiết 106: MỘT THỜI ĐẠI TRONG THI CA (Tiết 1) (Trích – Hoài Thanh) A – MỤC TIÊU BÀI HỌC 1. Kiến thức: Giúp học sinh: - Hiểu được quan niệm của Hoài Thanh về “tinh thần thơ mới” trong ý nghĩa văn chương và xã hội. - Thấy rõ nghệ thuật nghị luận văn chương khoa học, chặt chẽ, thấu đáo và cách diễn đạt tài hoa, tinh tế, giàu cảm xúc của tác giả. 2. Kĩ năng: Giúp học sinh phân tích được những nét đặc sắc trong phong cách nghị luận văn chương của Hoài Thanh. 3. Thái độ: Giúp học sinh nâng cao năng lực thẩm mĩ, giúp HS biết cảm thụ cái đẹp của ngôn ngữ văn chương. B – PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC 1. Giáo viên: Sách giáo khoa, sách giáo viên, giáo án, các tài liệu tham khảo, máy chiếu. 2. Học sinh: Sách giáo khoa, vở soạn (chuẩn bị bài học qua hệ thống câu hỏi sách giáo khoa). C – TIẾN TRÌNH GIỜ DẠY 1. Ổn định tổ chức lớp (lớp, sĩ số) 2. Kiểm tra bài cũ - Câu hỏi: Em hãy nêu vài nét về tác giả Nguyễn An Ninh, nêu nội dung và nghệ thuật của văn bản “Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức”. - Dự kiến trả lời: Nêu được các nét chính về tác giả, nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. 3. Bài mới Cuộc đời của Hoài Thanh từ thuở thiếu thời cho đến lúc trái tim ngừng đập là một chuỗi dài của những cuộc tìm kiếm đầy thích thú mê say cái hay và vẻ đẹp của văn chương. Như một nhà địa chất cần mẫn và yêu nghề, Hoài Thanh đã phát hiện được không ít vàng ngọc của thơ ẩn trong lớp bụi thời gian hoặc trong các mạch chìm nổi của cuộc đời, nhất là trong hiện tại” (Từ Sơn). Và cũng đúng như lời thơ bất hủ của Nguyễn Du: “Sống là thể phách, thác là tinh anh”, với Hoài Thanh, cái tinh anh mà ông để lại cho đời chính là những tác phẩm phê bình văn học tài hoa và tinh tế, mà đỉnh cao là cuốn “Thi nhân Việt Nam”. “Một thời đại trong thi ca” là bài viết tiêu biểu cho tài năng thẩm bình văn học của con người tài hoa này. Tiết học hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về Hoài Thanh và một đoạn trích trong bài viết “Một thời đại trong thơ ca” để thấy được quan niệm của tác giả về phong trào thơ mới và nghệ thuật lập luận, diễn đạt đặc sắc của Hoài Thanh. Hoạt động của GV và HS Nội dung cần đạt * Hoạt động 1: Tìm hiểu khái quát về tác giả, tác phẩm. GV: Yêu cầu học sinh đọc phần tiểu dẫn (SGK/100) HS: Đọc tiểu dẫn. GV: Qua phần tiểu dẫn em hãy nêu vài nét về tác giả Hoài Thanh? HS: Trả lời câu hỏi. GV: Nhận xét, bổ sung, chốt ý. + Hoài Thanh (1909-1982), xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở Nghệ An. + Là một trong những nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có biệt tài trong việc thẩm bình thơ. Cách phê bình của ông thiên về thưởng thức và ghi nhận ấn tượng. Ông gọi lối phê bình của mình là “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, tuy nhiên, không phải không có một căn cốt lí luận vững chắc. Văn phê bình của Hoài Thanh thường nhẹ nhàng, tinh tế, tài hoa và luôn thấp thoáng một nụ cười hóm hỉnh. Năm 2000, Hoài Thanh được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. “Một đời làm văn tôi chỉ tìm cái hay cái đẹp để bình. Đó là điều ham muốn của tôi. Vậy mà tôi đã vấp phải khối chuyện phiền: kẻ yêu, người ghét. Thậm chí tôi còn bị vu cáo, bị nói oan. Tôi biết vậy nhưng không thể sống khác, viết khác cái tạng của mình. Điều mà tôi có thể hoàn toàn yên tâm và tự hào trước lúc đi xa là tôi đã sống và viết hoàn toàn trung thực”(Hoài Thanh). GV: “Một thời đại trong thi ca” được đặt ở đầu cuốn “Thi nhân Việt Nam”, sau câu đề từ “Của tin gọi một chút này làm ghi (Nguyễn Du, Truyện Kiều); sau hai trang “Cung chiêu anh hồn Tản Đà”, hai bài thơ “Thề non nước” và “Tống biệt”, và nằm trước phần hợp tuyển của các nhà thơ mới. Bài tiểu luận hết sức công phu, phong phú và phức tạp dài gần 45 trang in, tổng kết toàn diện và sâu sắc, khoa học, đày sức thuyết phục về phong trào Thơ mới một cách uyên bác, tài hoa từ hoàn cảnh ra đời, quá trình phát triển, các dòng mạch, nội dung và nghệ thuật, tác giả và tác phẩm tiêu biểu đặt trong mối quan hệ với thơ cũ, với thời đại, xã hội và tâm lí lớp thanh niên đương thời. Bài tiểu luận là áng văn nghị luận về thơ dạt dào chất thơ của một tâm hồn nghệ sĩ suốt đời “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người” với khát vọng thành thực và trong sáng vô ngần. GV: Em hãy nêu vị trí và bố cục của đoạn trích “Một thời đại trong thi ca”? HS: Trả lời câu hỏi. GV: Đoạn trích này là phần căn cốt của bài tiểu luận cùng tên, được xem là công trình tổng kết có giá trị về phong trào thơ Mới. Nhìn tổng thể, Thi nhân Việt Nam là công trình biên khảo có giá trị tin cậy cao về phong trào Thơ mới, cả về ba mặt: nghiên cứu, phê bình và tuyển thơ. Một thời đại trong thi ca là điểm sắc nét của cuốn sách, đề cập đến nhiều vấn đề bao gồm: + Nguồn gốc thơ mới (không chỉ tìm nguồn gốc thơ mới từ sự tiếp xúc với phương Tây, mà trước hết phải tìm nó từ đời sống tinh thần xã hội Việt Nam đương thời); + Cuộc tranh luận thơ mới-thơ cũ; + Vài nét về con đường phát triển 10 năm của thơ mới; + Đặc điểm về hình thức và thể loại; + Triển vọng trước mắt của thơ mới; + Tinh thần cốt lõi của thơ mới; + Tấn bi kịch của cái "tôi"; + Sự bế tắc sau 10 năm phát triển của thơ mới (với sự xuất hiện của các khuynh hướng thơ bí hiểm như thơ Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh v.v.), đồng thời gợi ý cho các nhà thơ về nỗ lực vượt thoát khỏi sự bế tắc (trở về cội nguồn dân tộc, tìm đến di sản tinh thần của cha ông, nhất là ca dao). GV: Yêu cầu học sinh đọc văn bản. Để thể hiện được cái đặc sắc, độc đáo về tư tưởng và nghệ thuật của tác giả, cần xác định đúng giọng đọc và luyện đọc nhiều lần: giọng đọc kết hợp sự chậm rãi, bĩnh tĩnh, sâu lắng và thiết ta, sôi nổi, có đoạn trần ngâm, nghỉ ngơi, có đoạn rõ ràng, mạch lạc, có đoạn duyên dáng, bay bổng, có đoạn nhịp nhàng như thơ Chú ý đọc kĩ đoạn: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi” đến hết. HS: Đọc đoạn trích. I – Đọc – hiểu khái quát 1. Tác giả - Hoài Thanh (1909 – 1982), tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên. - Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước. - Là một trong những nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. - Tác phẩm chính: Văn chương và hành động (1936), Thi nhân Việt Nam (1942), Có một nền văn hóa Việt Nam (1946), - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000). 2. Tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” - Là bản tổng kết sự kiện văn học lớn: phong trào thơ mới-”cuộc cách mạng trong thi ca” Việt Nam đầu thế kỉ XX. - Tác phẩm có giá trị khoa học, là áng văn phê bình bất hủ. 3. Đoạn trích - Vị trí: Đoạn trích thuộc phần cuối của tiểu luận “Một thời đại trong thi ca”. - Bố cục 3 phần: + Phần 1: Từ đầu đến “...nhìn vào đại thể”: Nguyên tắc để xác định tinh thần thơ mới. + Phần 2: Tiếp đến “...tội nghiệp quá”: Tinh thần thơ mới: chữ tôi. + Phần 3: Còn lại: Sự vận động của thơ mới xung quanh cái tôi và bi kịch của nó. * Hoạt động 2: Đọc – hiểu văn bản GV: Mạch lập luận của đoạn trích: Đầu tiên, tác giả đặt vấn đề đi tìm “tinh thần thơ mới”, sau đó, thống nhất các tiêu chí để nghiên cứu vấn đề, chỉ ra hạt nhân cốt lõi của vấn đề (cái tôi), sự biểu hiện và vận động của nó trong phong trào thơ Mới. Như vậy, mạch lập luận khá chặt chẽ, logic, khoa học, thuyết phục được người đọc. GV: Giải thích thơ mới và thơ cũ: + Thơ cũ: thể hiện cái ta, cái ý thức chung, ý thức cộng đồng. Thơ cũ là thơ được làm bằng thể thơ Đường luật, phải tuân theo niêm, luật, vần, câu chữ, số chữ, + Thơ Mới: thể hiện cái tôi, cái riêng, ý thức cá nhân. Thơ Mới có nhiều cách tân hơn thơ cũ. Thể thơ tự do, không bị gò bó, cứng nhắc, ràng buộc số câu, số chữ, niêm luật, đăng đối, ngôn ngữ gần với cuộc sống, với lời nói cá nhân, không ước lệ cách điệu. GV: Trước khi đưa nguyên tắc xác định tinh thần thơ mới, Hoài Thanh đã nêu ra những khó khăn. Em hãy cho biết, theo Hoài Thanh, cái khó của việc xác định tinh thần thơ mới là gì? Nhận xét về câu văn, giọng văn của tác giả khi nêu ra những khó khăn? HS: Trả lời câu hỏi. GV: Hai câu thơ được tác giả trích dẫn thể hiện dụng ý của người viết. Một câu thơ hiện đại lại chứa đựng những hình ảnh mang tính ước lệ, đậm chất cổ điển, một câu thơ trung đại lại mang màu sắc hiện đại. Đó là một cách gợi mở rất khéo của tác giả, nó đặt ra trong tâm trí độc giả một dấu chấm hỏi về cái ranh giới đích thực giữa hai thời đại thơ ca. Từ đó, tác giả đã vạch ra cái khó trên con đường đi tìm tinh thần thơ mới, đó là: ranh giới giữa thơ cũ và thơ mới không phải rạch ròi, không dễ nhận ra, mà thơ hay, thơ dở thì thời nào cũng có (dẫn chứng: thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ...-> hiện tượng “lệch pha”, phá vỡ thi pháp văn học trung đại; thơ Xuân Diệu, Huy Cận,...phảng phất phong vị Đường thi, thơ Nguyễn Bính đậm màu sắc dân gian...). GV: Sau khi nêu lên những khó khăn, tác giả đã đề xuất nguyên tắc xác định tinh thần thơ mới? Đó là nguyên tắc gì? Nguyên tắc tác giả đưa ra có sức thuyết phục không? Vì sao? Hãy nhận xét. HS: Trả lời câu hỏi. GV: Để giải tỏa sự vướng mắc trong nhận thức của độc giả, Hoài Thanh đã xác lập những nguyên tắc cốt yếu khi đi tìm tinh thần thơ mới: phải sánh bài hay với bài hay, phải nhìn vào đại thể (đồng đại) và đặt thơ mới trong sự đối sánh với thơ cũ (lịch đại) đề nhận thấy sự khác biệt. II – Đọc – hiểu chi tiết 1. Phần 1: Nguyên tắc để xác định tinh thần Thơ mới * Khó khăn: - Ranh giới giữa thơ mới thơ cũ không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ nhận ra: Trời đất không phải dựng lên cùng một lần...hôm nay phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ. +Dẫn chứng: tác giả dẫn ra hai câu thơ của Xuân Diệu và một nhà thơ cũ → ranh giới không rõ ràng. - Cả thơ mới và thơ cũ đều có những cái hay, cái dở : Khốn nỗi cái tầm thường cái lố lăng chẳng phải của riêng thời nào. + Khó phân biệt vì: cái cũ và cái mới nối tiếp thay đổi, thay thế nhau: Hôm nay phôi phai từ hôm qua, và trong cái mới vẫn còn rơi rớt ít nhiều cái cũ. - Nhận xét: Giá các nhà thơ mới...thì tiện cho ta biết mấy... Giá trong thơ cũ ... thì cũng tiện cho ta biết mấy...Khốn nỗi....Âu là ta đành phải nhận rằng... → Bằng những câu văn giả định, cảm thán, với một giọng điệu thân mật, gần gũi, thiết tha, bức xúc mà chân thành, tác giả đã nêu lên được cái khó khăn mà cũng là cái khao khát của kẻ yêu văn quyết tìm cho được tinh thần thơ mới. * Nguyên tắc xác định tinh thần thơ Mới - So sánh bài hay với bài hay, không căn cứ vào bài dở (hương pháp so sánh). - Nhìn vào đại thể, không nhìn vào cục bộ (cái nhìn biện chứng, nhiều chiều, không phiến diện) - Phải so sánh thơ cũ với thơ mới. → Nguyên tắc ấy có sức thuyết phục. Bởi vì cái dở thời nào cũng có nó chẳng tiêu biểu gì hết, nó cũng không đủ tư cách đại diện cho thời đại và nghệ thuật luôn có sự tiếp nối giữa cái cũ và cái mớ. Đồng thời nhìn nhận đánh giá phải nhìn nhận toàn diện. => Lập luận chặt chẽ, thể hiện cái nhìn biện chứng, khách quan, khoa học của tác giả về một vấn đề văn học mới mẻ và phức tạp. 4. Củng cố: Yêu cầu học sinh: - Nắm được vài nét về tác giả Hoài Thanh và tác phẩm “Một thời đại trong thi ca”. - Nắm được những khó khăn và nguyên tắc để xác định tinh thần Thơ mới được tác giả đề cập trong phần 1. 5. Dặn dò - Đọc và học nội dung đã được học. - Chuẩn bị tiết 2 bài “Một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh).
File đính kèm:
- Tuan_31_Mot_thoi_dai_trong_thi_ca_20150725_040616.doc