Chiến dịch rải chất da cam của Mỹ ở Việt Nam

Bài báo của Richard Dudman đã tác động sâu sắc đến một nghị sĩ bang Wisconsin là Robert W. Kastenmeier, khiến ông viết thư cho Tổng thống Kennedy để hối thúc ông chủ Nhà Trắng từ bỏ việc sử dụng chất diệt lá ở Việt Nam và gọi đây là vũ khí hoá học.

Tháng 5/1964, Chiến dịch Ranch Hand tiếp tục bị báo chí Mỹ công kích dữ dội. Bài báo của phóng viên Jim G. Lucas thuộc hãng tin Scripps-Howard tố cáo một máy bay thuộc biệt đội Ranch Hand đã rải cả chất diệt lá xuống một ngôi làng không phải của đối phương ở đồng bằng sông Cửu Long, phá hoại cánh đồng lúa và vùng trồng dứa của người địa phương.

Tờ Washington Post cho đăng lại câu chuyện trên của Jim G. Lucas và đăng bài xã luận kêu gọi chấm dứt việc sử dụng chất diệt lá ở miền nam Việt Nam. Tờ báo cho rằng, chất độc diệt lá không thể nào phân biệt được đâu là quân du kích đâu là người địa phương để tấn công.

 

doc6 trang | Chia sẻ: halinh | Lượt xem: 1535 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chiến dịch rải chất da cam của Mỹ ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chiến dịch rải chất da cam của Mỹ ở Việt Nam
Chiến dịch phun hoá chất khai quang của không quân Mỹ xuống Việt Nam diễn ra từ năm 1962 đến 1971, có mật danh Ranch Hand. Chất này, thường được gọi là chất da cam, có chứa dioxin, độc tố kinh khủng nhất mà con người biết đến.
Máy bay Mỹ đang rải chất độc diệt lá xuống Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand. Ảnh: Mindfully.org
Trước chiến dịch này, đã có một cuộc tranh cãi gay gắt trong Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ. Một bên cho rằng chất diệt lá là phương tiện hiệu quả và kinh tế nhất để phá hoại những khu rừng đang che chở cho quân đội của đối phương, nhưng một bên lại nghi ngờ tính hiệu quả của chiến thuật này và lo ngại chiến dịch có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Mỹ với người dân Việt Nam. Theo những người phản đối, hoạt động này cũng sẽ khiến Mỹ bị buộc tội đang tiến hành một hình thức của cuộc chiến tranh hoá học.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn chung ủng hộ kế hoạch phá hoại bằng hóa chất mùa màng và cây cối có lợi cho quân đội miền bắc Việt Nam. Nhưng một số nhân vật có ảnh hưởng trong Bộ Ngoại giao Mỹ, mà nổi bật là Roger Hilsman và Averell Harriman, lại kiên quyết phản đối ý định này. Theo họ không có cách nào có thể đảm bảo rằng chỉ có mùa màng và cây cối của "Việt Cộng" (cách mà phía Mỹ gọi lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam) mới bị tiêu diệt. Ngoài ra những sai lầm không thể tránh khỏi trong hoạt động này sẽ khiến nông dân ở miền nam Việt Nam trở nên căm ghét người Mỹ.
Nhưng ngày 30/11/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã thông qua trên nguyên tắc việc sử dụng chất diệt lá tại chiến trường Việt Nam. Đến ngày 2/10/1962, Nhà Trắng cho phép bắt đầu tiến hành rải một cách hạn chế loại hoá chất diệt lá thông qua Chiến dịch Ranch Hand. Bản thân cái tên Ranch Hand không có ý nghĩa gì đặc biệt và chỉ là một trong những mật danh tương tự như kiểu Farm Gate hay Barn Door mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam.
Lê Thị Linh, một nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Linh đã 16 tuổi nhưng nặng chỉ khoảng 30kg. Cô bé bị câm và điếc. Ảnh: Anh Thư.
Biệt đội thực hiện Chiến dịch Ranch Hand được thành lập với 6 máy bay. Giai đoạn đỉnh cao của chiến dịch này vào năm 1969, biệt đội có tới 25 máy bay đặc chủng các loại. Cơ cấu tổ chức của biệt đội thay đổi theo thời gian. Trong giai đoạn cao điểm nhất của hoạt động rải chất diệt cỏ và rụng lá từ 1966-1970 nó được biết đến với tên gọi Phi đội biệt kích đường không số 12 (12th Air Commando Squadron) hay Phi đội chiến dịch đặc biệt số 12 (12th Special Operations Squadron). Về mặt nhân sự và phương tiện, Ranch Hand là một phần trong toàn bộ các chiến dịch của không quân Mỹ ở vùng Đông Nam Á.
Mục tiêu của Mỹ trong việc sử dụng chất diệt lá là tạo ra những vùng đất mà cây cối không thể mọc ở miền nam Việt Nam. Qua đó loại bỏ lớp nguỵ trang tự nhiên của quân đội từ miền bắc Việt Nam đang âm thầm tiến vào giải phóng miền nam tổ quốc.
Dọc các con đường, kênh rạch, và đường sắt huyết mạch, quân đội Mỹ cũng dùng hoá chất khai quang cây cối, nhằm tạo ra những "khu vực trắng" rộng hàng trăm mét gây khó khăn cho hoạt động phục kích của quân du kích.
Trên chiến trường Lào, Mỹ cũng dùng chất diệt lá để xoá sổ những khu rừng đang che chở cho mạng lưới giao thông và đường mòn bí mật che cho quân giải phóng miền nam Việt Nam. Ngoài ra, họ còn có ý định qua đó khiến đối phương dễ dàng lộ diện và bị tấn công từ trên không. Những khu vực nghi có các căn cứ của quân giải phóng đều bị Mỹ tập trung rải dày đặc loại hoá chất diệt lá. Nhưng có một điều mà từ các nhà khoa học đến người dân bình thường đều có thể hình dung ra, đó là khi hoá chất độc hại đã được rải xuống môi trường thì không chỉ có cây cối, mùa màng mà chính những thường dân không hề có bất cứ phương tiện bảo vệ nào cũng sẽ bị nhiễm độc.
Cho đến năm 1964, chiến dịch phá hoại mùa màng và cây cối tại Việt Nam của quân đội Mỹ vẫn diễn ra tương đối hạn chế. Nhưng sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, hoạt động này được mở rộng và thường xuyên hơn. Cũng từ đây, Chiến dịch Ranch Hand vấp phải những phản ứng gay gắt của công luận.
Máy bay Mỹ rải hoá chất độc xuống Việt Nam. Ảnh: Wikipedia.
Không quân Mỹ sử dụng các loại máy bay như C-47, T-28, B-26 và C-123 để rải hoá chất. Trong 9 năm tiến hành Chiến dịch Ranch Hand, Mỹ phun tổng cộng khoảng 19 triệu gallon chất diệt lá (tương đương 68.000 m³) xuống 20% diện tích rừng nhiệt đới và 36% khu rừng đước ở miền nam Việt Nam. Có 11 triệu gallon trong số này là chất độc Da cam (theo Operation Ranch Hand, Herbicides in Southeast Asia 1961-1971 của William A Buckingham trên websitecpcug.org).
Bên cạnh những cánh rừng, mục tiêu của Chiến dịch Ranch Hand còn là tiêu diệt các cánh đồng lúa nhằm phá hoại nguồn lương thực của quân đội giải phóng Việt Nam. Quá trình mở rộng hoạt động phá hoại này tỷ lệ thuận với sự dính líu ngày càng sâu của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Cuối năm 1965, Chiến dịch Ranch Hand bắt đầu tiến hành rải chất diệt lá xuống hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Khoảng một năm sau, hoạt động phá hoại mùa màng ở Lào cũng trở thành một phần nhiệm vụ của biệt đội Ranch Hand.
Trong năm 1966 và 1967, Washington thông qua quyết định cho phun thuốc diệt lá tại khu vực phi quân sự, nơi chia cắt giữa miền bắc và miền nam Việt Nam. Mức độ hoạt động của Chiến dịch Ranch Hand do đó tăng lên đều đặn và lên đến đỉnh cao vào năm 1967, thời điểm mà không quân Mỹ rải chất diệt lá trên phạm vi diện tích 1,7 triệu acre (tương đương 7.000 km vuông).
Mỹ vấp phải phản ứng dữ đội đầu tiên của công luận trong việc sử dụng chất diệt lá vào tháng 2/1963, khi nhà báo Richard Dudman viết một loạt bài về chính sách của Mỹ tại châu Á đăng trên tờ St. Louis Post-Dispatch và các báo khác. Một trong những bài báo này cáo buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đang sử dụng chiến thuật "chiến tranh bẩn thỉu" để chống lại miền bắc Việt Nam, gồm việc rải chất độc trong Chiến dịch Ranch Hand để phá hoại những cánh đồng lúa và khai quang khu vực quanh các con đường chính.
Bài báo của Richard Dudman đã tác động sâu sắc đến một nghị sĩ bang Wisconsin là Robert W. Kastenmeier, khiến ông viết thư cho Tổng thống Kennedy để hối thúc ông chủ Nhà Trắng từ bỏ việc sử dụng chất diệt lá ở Việt Nam và gọi đây là vũ khí hoá học.
Tháng 5/1964, Chiến dịch Ranch Hand tiếp tục bị báo chí Mỹ công kích dữ dội. Bài báo của phóng viên Jim G. Lucas thuộc hãng tin Scripps-Howard tố cáo một máy bay thuộc biệt đội Ranch Hand đã rải cả chất diệt lá xuống một ngôi làng không phải của đối phương ở đồng bằng sông Cửu Long, phá hoại cánh đồng lúa và vùng trồng dứa của người địa phương.
Tờ Washington Post cho đăng lại câu chuyện trên của Jim G. Lucas và đăng bài xã luận kêu gọi chấm dứt việc sử dụng chất diệt lá ở miền nam Việt Nam. Tờ báo cho rằng, chất độc diệt lá không thể nào phân biệt được đâu là quân du kích đâu là người địa phương để tấn công.
Sự chỉ trích của cộng đồng các nhà khoa học dân sự cũng là một trở ngại đối với Chiến dịch Ranch Hand. Đầu năm 1964, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ phản đối việc sử dụng chất diệt lá ở Việt Nam và cho rằng, Mỹ đang lợi dụng cuộc chiến như một cơ hội để thí nghiệm chiến tranh bằng vũ khí sinh học và hoá học.
Tháng 1/1966, Giáo sư John Edsall của Đại học Harvard cùng một nhóm 29 nhà khoa học Boston lên tiếng phản đối việc phá hoại mùa màng ở Việt Nam. Họ cho đây là hành động dã man và tấn công bừa bãi vào cả dân thường lẫn những người tham gia cuộc chiến đấu. Khoảng một năm sau, Cố vấn khoa học của tổng thống Mỹ nhận được bản kiến nghị có chữ ký của hơn 5.000 nhà khoa học, gồm 17 người được giải Nobel và 129 thành viên Viện hàn lâm khoa học quốc gia. Họ hối thúc Tổng thống Johnson phải ngưng việc sử dụng các loại hoá chất gây sát thương và phá hoại mùa màng ở Việt Nam. 
Tuy nhiên, vào thời điểm đó của cuộc chiến, sự phản ứng của công luận không thể ngưng được việc Mỹ mở rộng Chiến dịch Ranch Hand. Hoạt động phun hoá chất độc của không quân Mỹ xuống các cánh đồng và khu rừng ở Việt Nam vẫn tiếp tục bất chấp dư luận.
Khi chính quyền Nixon bắt đầu thực hiện chính sách giảm dần sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vào năm 1969, Chiến dịch Ranch Hand cũng vì đó chịu nhiều sức ép và cuối cùng phải chấm dứt.
Hai chiếc C-123 đang bay thấp để rải chất diệt lá xuống rừng Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand. Ảnh: Wikipedia.
Cuối năm 1969, biệt đội rải hoá chất độc của không quân Mỹ xuống Việt Nam nhận được lệnh giảm bớt 30% hoạt động. Trong thời gian này, Thượng viện Mỹ cũng đang tranh cãi về việc thông qua Công ước Geneva cấm tiến hành chiến tranh bằng vũ khí sinh học và hoá học. Tổng thống Nixon ủng hộ việc phê chuẩn nhưng muốn đảm bảo rằng, Công ước Geneva không áp dụng đối với chất diệt lá và những "hoá chất chống bạo loạn". Lúc đó chính quyền Nixon cũng có nhiều lý do chính trị để muốn dừng hoàn toàn Chiến dịch Ranch Hand.
Năm 1969, một nghiên cứu của Mỹ được công bố cho thấy, khi thí nghiệm trên chuột thì những thành phần của chất độc da cam sẽ dẫn tới việc sinh con quái thai, hoặc thai nhi chết ngay khi sinh. Trong khi đó, báo chí miền nam Việt Nam cũng đăng tải nhiều thông tin về việc chất độc da cam đã gây ra những khiếm khuyết của trẻ sơ sinh địa phương.
3 chuyến bay cuối cùng của những chiếc C-123 trong Chiến dịch Ranch Hand rải chất diệt lá và phá hoại mùa màng ở Việt Nam diễn ra vào ngày 7/1/1971, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Đến ngày 31/10 cùng năm, chiếc trực thăng chuyên đi rải chất diệt lá của Mỹ cũng tiến hành chuyến bay cuối cùng tại Việt Nam. Sau đó, hoạt động bị dư luận chỉ trích và lên án này bị ngưng vĩnh viễn sau 9 năm liên tục.
Nhưng sự chấm dứt của Chiến dịch Ranch Hand cũng không thể kết thúc cuộc tranh cãi về việc rải chất độc diệt lá trên diện rộng tại Việt Nam đã ảnh hưởng như thế nào đến hệ sinh thái và sức khỏe con người địa phương, cũng như những người Mỹ từng phục vụ tại đó. Theo một quyết định của quốc hội Mỹ, năm 1970 Bộ Quốc phòng nước này hợp đồng với Học viện khoa học quốc gia để nghiên cứu những ảnh hưởng của chất diệt lá tại Việt Nam, một cuộc nghiên cứu mà các nhà khoa học dân sự mong muốn từ lâu. Sau 3 năm, họ cũng thừa nhận chất diệt lá có gây ra những ảnh hưởng đối với trẻ em.
Vấn đề tác hại của chất diệt lá ở Việt Nam đối với sức khoẻ con người được khơi dậy vào ngày 22/3/1978, khi truyền hình Chicago phát một bản tin cho biết, có 41 cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam sống ở Midwest bị ảnh hưởng vì phơi nhiễm chất độc da cam trong Chiến dịch Ranch Hand. Những năm sau đó, ảnh hưởng của chất diệt lá đối với các cựu binh trở thành một chủ đề được quan tâm rộng rãi của giới khoa học và chính trị tại Mỹ.
Những người phản đối việc sử dụng chất diệt lá trong chiến tranh Việt Nam tiếp tục đặt câu hỏi về tác hại của nó, đặc biệt là chất độc da cam, đối với sức khoẻ con người. Theo nhiều tài liệu, quân đội Mỹ sử dụng 10 loại chất diệt lá khác nhau tại Việt Nam, phần lớn là biến thể của chất 2,4-D (D chỉ dichlorophenoyxyacetic acid) hoặc 2,4,5-T (T chỉ trichlorophenoxyacetic acid). Các tên gọi như "chất độc da cam", "chất độc hồng", "chất độc lục", "chất độc tía", "chất độc xanh"... là căn cứ trên những dải sơn của các thùng hoá chất sử dụng trong Chiến dịch Ranch Hand (mỗi thùng chứa 55 gallon). Trong đó, những thùng sơn màu da cam được xem là nguy hiểm nhất vì có chứa dioxin.
Ngày 17/4/1995, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, sau khi Mỹ rải hoá chất diệt lá ở Việt Nam thì mức độ dioxin có trong những người sống ở miền nam cao gấp 900 lần so với những người sống ở miền bắc. Phát hiện này cho thấy, những người ở miền nam Việt Nam từng bị phơi nhiễm trong chiến dịch rải hoá chất của Mỹ có nguy cơ rất cao mắc chứng bệnh ung thư, các căn bệnh về đường sinh sản và những vấn đề sức khoẻ khác.
Đình Chính (vnexpress.net)

File đính kèm:

  • docChien dich rai chat da cam cua My o Viet Nam.doc