Ôn tập Ngữ văn 10 - Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) của Đỗ Phủ
. “Kẻ không biết thì bảo “lưỡng khai” (nở hai lần) ấy là “tùng cúc” (tùng: khóm, bụi; cúc: hoa cúc) đâu biết rằng “lưỡng khai” ấy đều là “tha nhật lệ” (nước mắt ngày sau) ! Kẻ không biết thì bảo “cô chu” (chiếc thuyền lẻ loi) hà tất phải “nhất hệ” ấy chỉ là “cố viên tâm” (lòng nhớ vườn xưa) ! Trên chữ “lệ” đặt chữ “tha nhật”: tuyệt diệu ! Chỉ có chính mình ở vào cảnh đó thì mới biết được. Câu 7 nói “xứ xứ” (nơi nơi) chính là tiên sinh “buộc lòng” (hệ tâm) vào một nơi (nhất xứ). Bạch Đế thành ở phía Đông Quỳ Phủ: đây là nói gần để chỉ xa vậy. Trong bụng nghĩ đến “dao thước” (đao xích) trong nhà mà trong tai chỉ nghe thấy tiếng “châm” thành Bạch Đế; khách xa nhà vì thế mà rất mực thê lương. Dưới “châm” mà hạ chữ “thành cao” liền thấy được là tai xa nghe, mắt xa trông, nỗi khổ của khách xa nhà vì đó mà rất mực thê lương !”.
Phân tích bài thơ "Thu hứng" (Cảm xúc mùa thu) của Đỗ Phủ. Bài làm Thi thánh Đỗ Phủ để lại gần 1500 bài thơ. "Thu hứng" là chùm thơ 8 bài, viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Đây là bài thứ nhất trong chùm thơ ấy: Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm. Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng, Tái thượng phong vân tiếp địa âm. Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ, Cô chu nhất hệ cố viên tâm. Hàn y xứ xứ thôi đao xích, Bạch Đế thành cao cấp mộ châm. Bài thơ nói lên cảm xúc mùa thu của khách li hương. Cảnh thu: “Ngọc lộ”: móc ngọc, hình ảnh ẩn dụ nói về giọt nước (hạt sương) long lanh như hạt ngọc. “Ngọc lộ” đã làm héo hon, điêu tàn một rừng phong bao la. Hình ảnh rừng phong gợi lên một vẻ thu, một sắc thu tiêu điều, buồn bã. Rừng phong là một biểu tượng của mùa thu phương Bắc, là một thi liệu được nói đến nhiều trong thơ cổ, tuy mang tính ước lệ nhưng rất gợi cảm thi vị: “Mãn mục giai thu sắc” (Đâu đâu mắt cũng thấy sắc thu) (Tương âm dạ) “Thu mãn phong lâm sương diệp hồng” (Giữa thu sương xuống trên rừng phong lá đỏ) (Nhiếp khẩu đạo trung) “Rừng thu từng biếc chen hồng” (Câu 917 - Truyện Kiều) “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” (Câu 1520 - Truyện Kiều) Núi Vu, kẽm Vu ở Quỳ Châu mịt mờ khí thu (khí tiêu sâm). Cũng là một nét thu hiu hắt buồn. Hai câu đầu, hình ảnh ẩn dụ và nhân hóa với 2 từ gợi tả (điêu thương, tiêu sâm), Đỗ Phủ đã làm hiện lên một không gian núi rừng mang một màu sắc buồn thương, tàn tạ, hiu hắt. Nguyễn Công Trứ đã thay Vu Sơn, Vu Giáp bằng 2 chữ “ngàn non” cũng là một sự sáng tạo: “Lác đác rừng phong hạt móc sa, Ngàn non hiu hắt khi thu lòa” “Kẽm” là khoảng không gian giữa hai vách núi kề nhau. “Từ điển tiếng Việt”, Văn Tân chủ biên giải thích: “Kẽm là khe núi có sườn dốc, có lối đi được”. Sách Văn lớp 10 giáo viên có gợi ý: “Câu thơ thứ 3 tả riêng cảnh kẽm Vu, và câu thứ 4 tả riêng cảnh núi Vu”. Căn cứ vào chữ “kẽm” như đã trình bày, chúng tôi không nghĩ phần “thực” bài thơ “Thu hứng” này là như thế ! - Câu 3, 4 vẽ tiếp cảnh thu bằng hai hình ảnh vừa dữ dội vừa hoành tráng. Trên dòng sông thu, những đợt sóng cuồn cuộn vọt lên, vỗ tận lưng trời. Khắp cửa ải, mây từng lớp từng lớp đùn lên, sa sầm giáp mặt đất. Hình tượng thơ kì vĩ, sóng và mây đối nhau, cái hướng về trời cao, cái sa xuống đất thấp, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Một bức tranh thu nói về dòng sông và con sóng, về cửa ải và mây trời mang tầm vóc vũ trụ, hoành tráng: “Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng, Tái thượng phong vân tiếp địa âm” (Lưng trời sông rợn lòng sông thẳm, Mặt đất mây đùn cửa ải xa) Hai câu thơ này đã thể hiện sâu sắc những nét cơ bản trong phong cách thơ Đỗ Phủ ở giai đoạn cuối đời: trầm uất và bi tráng. Tóm lại, phần đầu bài thơ, cảnh thu từ rừng phong đến Vu Sơn, Vu Giáp, từ dòng sông sóng vỗ đến cửa ải xa mây đùn - tất cả đã gợi lên bao nỗi niềm, bao cảm xúc đối với kẻ tha hương: cô đơn và lạnh lẽo. Nỗi lòng thi nhân: Như ta đã biết, năm 759, Đỗ Phủ từ quan, dời nhà đến Tân Châu. Ông trải qua 7 năm trời lưu lạc (759 - 766): Chùm “Thu hứng” 8 bài được viết vào mùa thu năm 766, tại Quỳ Châu. Ngày thu đến, đối cảnh sinh tình, Đỗ Phủ vừa thương đời, vừa thương vợ con, thương mình gian truân, chìm nổi. Phần 2 bài “Thu hứng” này là nỗi lòng u ẩn của tác giả. Cúc, dòng lệ, con thuyền lẻ loi (cô chu), vườn cũ, dao thước, tiếng chày đập vải, vừa mang tính hiện thực, vừa mang màu sắc ước lệ tượng trưng, rất giàu chất trữ tình. Mùa thu trước, Đỗ Phủ ở Vân An, mùa thu này, ông ở Quỳ Châu. Hai mùa thu trôi qua, hai lần nhìn hoa cúc nở, cả hai lần đều rơi nước mắt: “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ”. Đã bao lần nhà thơ gửi gắm hi vọng được về quê bằng một con thuyền, nhưng chiếc thuyền vẫn bị buộc chặt ở bến sông, nơi đất khách quê người: “Cô chu nhất hệ cố viên tâm”. Nói về nỗi nhớ quê nhà, nỗi buồn ly hương thì đây là hai câu thơ tuyệt cú. Lời thơ đẫm lệ: “Khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ, Con thuyền buộc chặt mối tình nhà”. Trời thu phương Bắc càng về chiều càng rét, nhất là người luống tuổi, đang ốm đau và phải sống xa quê như Đỗ Phủ những năm cuối đời. Nghĩ đến chuyện may áo rét mà lòng thêm sầu thương. Hai chữ “dao thước” (đao xích) trong câu 7 tả ít mà gợi nhiều. Lúc hoàng hôn nơi thành cao Bạch Đế, tiếng chày đập vài dồn dập vang lên (cấp mộ châm); nỗi lòng kẻ ly hương càng thêm thổn thức. Tiếng vọng của âm thanh đời thường đã rung lên trong lòng nhà thơ bao cảm xúc bùi ngùi: “Hàn y xứ xứ thôi đao xích, Bạch Đế thành cao cấp mộ châm” (Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước, Thành Bạch chày vang bóng ác tà” Kim Thanh Thán, nhà phê bình văn học kiệt xuất đời Thanh viết: ... “Kẻ không biết thì bảo “lưỡng khai” (nở hai lần) ấy là “tùng cúc” (tùng: khóm, bụi; cúc: hoa cúc) đâu biết rằng “lưỡng khai” ấy đều là “tha nhật lệ” (nước mắt ngày sau) ! Kẻ không biết thì bảo “cô chu” (chiếc thuyền lẻ loi) hà tất phải “nhất hệ” ấy chỉ là “cố viên tâm” (lòng nhớ vườn xưa) ! Trên chữ “lệ” đặt chữ “tha nhật”: tuyệt diệu ! Chỉ có chính mình ở vào cảnh đó thì mới biết được. Câu 7 nói “xứ xứ” (nơi nơi) chính là tiên sinh “buộc lòng” (hệ tâm) vào một nơi (nhất xứ). Bạch Đế thành ở phía Đông Quỳ Phủ: đây là nói gần để chỉ xa vậy. Trong bụng nghĩ đến “dao thước” (đao xích) trong nhà mà trong tai chỉ nghe thấy tiếng “châm” thành Bạch Đế; khách xa nhà vì thế mà rất mực thê lương. Dưới “châm” mà hạ chữ “thành cao” liền thấy được là tai xa nghe, mắt xa trông, nỗi khổ của khách xa nhà vì đó mà rất mực thê lương !”. Tóm lại, nỗi lòng nhớ quê được biểu hiện một cách tinh tế sâu sắc, cảm động bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật điêu luyện. Cảnh và tình, hiện tại và quá khứ, sự vật và con người, âm thanh và nỗi lòng, gần và xa..., các chi tiết nghệ thuật ấy đan chéo vào nhau, hòa nhập vào nhau, để lại nhiều dư ba, chấn động trong lòng người đọc trên một nghìn năm nay, nhất là đối với những kẻ đã trải qua những năm dài ly hương, nếm trải nhiều cay đắng. Đỗ Phủ từng nói: “Làm người tính thích câu văn đẹp - Đọc chẳng kinh người, chẳng chịu thôi”. Đọc bài “Thu hứng” này, ta cảm nhận được cái hay của một áng thơ thất ngôn bát cú, mà mỗi câu, mỗi chữ đều mang cái “thần” của nó, phô diễn cảnh và tình bằng nhiều hình tượng cảm động. Rừng phong phương Bắc trong khí thu mờ, con thuyền lẻ loi và khóm cúc nơi vườn xưa với những hàng lệ của kẻ xa quê... làm ta thổn thức và nhớ mãi. Nỗi nhớ quê nhà, ước mơ được trở về vườn cũ, thăm ngôi nhà xưa, nơi chôn nhau cắt rốn,... không chỉ là tình cảm riêng, ước mơ riêng của Đỗ Phủ mà còn là tình cảm và ước mơ chung của hàng triệu con người trong loạn lạc chiến tranh, xưa và nay... Vì thế, “Thu hứng” chứa chan tình đời, và có giá trị nhân bản sâu sắc. Nguồn: Nhiều tác giả, 108 bài văn 10 chọn lọc, Nxb Tổng hợp TP. HCM
File đính kèm:
- CẢM XÚC MÙA THU.doc