Giáo án môn Kỹ năng sống Khối 9 - Tuần 5: Kỹ năng phòng tránh cháy bỏng

- GV hỏi HS: Đã bao giờ em bị bỏng chưa? Em đã gặp vụ hỏa hoạn nào gần nơi mình sinh sống chưa?

GV dẫn nhập: Rủi ro là những điều không mong muốn xảy ra. Trong cuộc sống rất khó để tránh được rủi ro. Tuy nhiên ta hoàn toàn có thể giảm bớt được những thiệt hại do rủi ro gây ra và học tập được những kỹ năng để tránh được nguy hiểm có thể gặp phải do rủi ro.

Việc nhận biết được những tình huống có thể dẫn tới hỏa hoạn, bỏng giúp chúng ta giảm bớt được nguy cơ dẫn tới thiệt hại về người và của do hỏa hoạn gây ra.

- GV hỏi: Những nguy cơ có thể dẫn tới cháy bỏng là gì?

HS trả lời, GV mời một hs tổng kết lên bảng.

GV tổng hợp:

+ Trong gia đình: Phích nước nóng, bỏng do canh, lẩu; điện giật; nhà tắm; bỏng khi nấu ăn, bỏng cồn

+ Bỏng do vôi mới tôi

+ Hỏa hoạn, chập cháy điện

 

doc20 trang | Chia sẻ: hatranv1 | Lượt xem: 1668 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án môn Kỹ năng sống Khối 9 - Tuần 5: Kỹ năng phòng tránh cháy bỏng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KỸ NĂNG PHÒNG TRÁNH CHÁY BỎNG
I. Mục tiêu bài giảng.
Học xong bài này, học sinh có khả năng:
- Về kiến thức:
+ Nhận biết được các tình huống gây hỏa hoạn và bỏng
+ Biết được cách phòng tránh khi gặp hỏa hoạn và bỏng
+ Tìm hiểu về kỹ năng sơ cứu khi bị bỏng và hỏa hoạn
- Về kỹ năng:
Học sinh có kỹ năng sơ cứu khi gặp nguy hiểm do hỏa hoạn và bỏng
- Về thái độ:
Học sinh bình tĩnh khi gặp các nguy hiểm thường gặp trong cuộc sống.
II. Tài liệu và phương tiện dạy học.
Giấy A4, giấy A3, bảng, bút...
Giáo án.
Phụ lục tìm hiểu về kỹ năng phòng tránh hỏa hoạn
Bảng, phấn.
Máy chiếu/máy tính
.....
III. Hoạt động dạy và học
1. Ổn định lớp: (2 phút)
- Giáo viên kiểm tra sỹ số, ổn định tổ chức.
2. Kiểm tra bài cũ: (3 phút)
Câu 1. Vì sao cần xây dựng nội quy trước khi làm việc nhóm?
Câu 2. Kể tên ba nguyên tắc vàng trong quá trình làm việc nhóm?
3. Nội dung bài học mới:
Nội dung hoạt động
Hoạt động của GV và HS
Kết quả cần đạt
HĐ1: Định hướng bài mới
- Thời gian: 10 phút
- Hình thức: Tổ chức trò chơi
- Phương pháp: Quan sát
- Chuẩn bị: Luật chơi
- GV giới thiệu trò chơi quan sát:
Luật chơi: GV cho cả lớp quan sát xung quanh lớp học trong vòng 30 giây. Sau đó yêu cầu học sinh trả lời một số câu hỏi sau:
+ Trong lớp có bao nhiêu cái quạt
+ Bao nhiêu bức tranh
+ Bao nhiêu quạt thông gió
+ Bao nhiêu điều hòa
+ Bao nhiêu cầu dao và công tắc điện
+ Bao nhiêu cửa sổ và cửa chính?
GV hỏi học sinh:
+ Em có nhớ gia đình mình có bao nhiêu cầu dao điện? Bao nhiêu cửa sổ? Lối thoát hiểm của các nhà chung cư thường là ở đâu?
Việc quan sát chi tiết những đồ vật nơi chúng ta sinh sống và học tập có quan trọng không? Vì sao?
--> Dẫn nhập vào bài: Quan sát là một kỹ năng rất cần thiết khi chúng ta đến một nơi ở mới. Điều này sẽ giúp chúng ta phòng tránh được các tai nạn Thương tích có thể gặp trong cuộc sống. Với bài học ngày hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các tình huống có thể dẫn tới cháy bỏng và cách phòng tránh, sơ cứu khi bị cháy bỏng.
- HS lắng nghe, mở vở ghi bài.
HS cảm thấy khởi đầu tiết học vui vẻ và nhớ được tên bài học.
Hs được rèn luyện KN quan sát – một trong những KN quan trọng nhất khi xác định tình huống gây cháy và bỏng
HĐ2: Các tình huống/ nguy cơ gây cháy bỏng
- Thời gian: 20 phút
- Nội dung trọng tâm: Xác định các tình huống gây cháy, bỏng thường gặp
- Phương pháp và KTDH: Động não, hỏi đáp
- Hình thức tổ chức: Cả lớp
- GV hỏi HS: Đã bao giờ em bị bỏng chưa? Em đã gặp vụ hỏa hoạn nào gần nơi mình sinh sống chưa?
GV dẫn nhập: Rủi ro là những điều không mong muốn xảy ra. Trong cuộc sống rất khó để tránh được rủi ro. Tuy nhiên ta hoàn toàn có thể giảm bớt được những thiệt hại do rủi ro gây ra và học tập được những kỹ năng để tránh được nguy hiểm có thể gặp phải do rủi ro.
Việc nhận biết được những tình huống có thể dẫn tới hỏa hoạn, bỏng giúp chúng ta giảm bớt được nguy cơ dẫn tới thiệt hại về người và của do hỏa hoạn gây ra.
- GV hỏi: Những nguy cơ có thể dẫn tới cháy bỏng là gì?
HS trả lời, GV mời một hs tổng kết lên bảng.
GV tổng hợp:
+ Trong gia đình: Phích nước nóng, bỏng do canh, lẩu; điện giật; nhà tắm; bỏng khi nấu ăn, bỏng cồn
+ Bỏng do vôi mới tôi
+ Hỏa hoạn, chập cháy điện
GV chốt: Việc tránh những nguy cơ trên là rất cần thiết. Chúng ta cần trang bị kỹ năng để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”
- HS biết được những tình huống nguy cơ có thể dẫn tới cháy bỏng thường gặp trong đời sống.
HĐ3: Cách phòng tránh cháy bỏng thường gặp
- Thời gian: 30 phút
- Nội dung trọng tâm: Các cách phòng tránh cháy bỏng thường gặp ở những khu vực khác nhau
- Phương pháp và KTDH: Thảo luận nhóm, thuyết trình, hỏi đáp.
- Hình thức tổ chức: Theo nhóm
- Chuẩn bị:
Giấy A3 và bút cho thảo luận nhóm
- GV chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm từ 3 – 4 hs. Mỗi nhóm được bốc thăm về một khu vực thường gặp có thể xảy ra cháy bỏng và cách phòng tránh ở khu vực đó.
Thời gian làm việc nhóm: 10 phút
Thời gian trình bày sản phẩm của mỗi nhóm: 3 phút
Các nhóm khác nhận xét, góp ý, bổ sung.
GV tổng kết như sau:
- Phòng tắm:
+ Lắp đặt thiết bị chống bỏng nếu có điều kiện.
+ Kiểm tra nhiệt độ nước bằng khuỷu tay khi tắm cho trẻ em
+ Rút dây cắm các thiết bị điện trong nhà tắm khi không sử dụng (máy sấy tóc, máy cạo râu hoặc bàn chải đánh răng bằng điện)
+ Lắp đặt bộ phận ngắt mạch nối đất trong nhà tắm
- Phòng bếp, phòng ăn:
+ Hướng quai nồi ra phía sau của bếp khi nấu ăn
+ Không để nước nóng, phích và các đồ gây bỏng gần tầm với của trẻ em
+ Rút dây điện các thiết bị khi không sử dụng
+ Tránh dùng khăn trải bàn hoặc khăn lót đĩa cỡ lớn vì trẻ em có thể kéo xuống gây bỏng.
- Trong gia đình:
+ Loại bỏ các thiết bị điện đã cũ hỏng
+ Đặt ti vi và các thiết bị âm thanh sát tường để trẻ em không với được vào ổ điện
+ Đèn ngủ không nên chạm vào ga trải giường hoặc rèm cửa
+ Không đốt pháo hoa, không nên hút thuốc trong nhà
+ Không luồn dây điện dưới thảm, đệm
+ Không dùng các ổ cắm điện quá tải
+ Nên có chuông báo khói trong gia đình và được thay pin 2 lần/ năm
+ Lắp đặt bình cứu hỏa trong bếp và biết cách sử dụng.
+ Thiết kế nhà cần có lối thoát hiểm
+ Mua mặt nạ chống độc dự trữ trong gia đình
+ Nhắc bố mẹ không nghe điện thoại gần cây xăng
Trên đây chỉ là những gợi ý của GV. HS cần bổ sung thêm trong quá trình ghi chép vào vở.
HS biết cách phòng tránh cháy bỏng ở một số khu vực quen thuộc nhất.
HĐ4: Cách xử lý khi gặp sự cố hỏa hoạn
- Thời gian: 30 phút
- Nội dung trọng tâm: Cách xử lý khi gặp hỏa hoạn
- Phương pháp và KTDH: Thảo luận nhóm, hỏi đáp
- Hình thức tổ chức: Theo nhóm, lớp.
- Chuẩn bị: Giấy A3, bút
- GV giữ nguyên nhóm cũ.
Các nhóm tiếp tục làm việc nhóm, ghi lại những hiểu biết của mình về cách xử lý khi gặp hỏa hoạn ở gia đình/ ở chung cư cao tầng
Sau khi các nhóm trình bày, GV tổng hợp lại những kiến thức trình bày trong phụ lục 1 và 2 để chia sẻ với học sinh.
Lưu ý: Kết thúc buổi học, GV có thể in phụ lục 1 và 2 để hs nghiên cứu.
Hs biết được một số kỹ thuật/ kỹ năng xử lý khi gặp hỏa hoạn. 
HĐ4: Cách xử lý khi bị bỏng
- Thời gian: 15 phút
- Nội dung trọng tâm: Cách xử lý khi bị bỏng
- Phương pháp và KTDH: Thảo luận nhóm, hỏi đáp
- Hình thức tổ chức: Theo nhóm, lớp.
- Chuẩn bị: Giấy A3, bút
- Các nhóm tiếp tục làm việc nhóm, ghi lại những hiểu biết của mình về cách xử lý khi bị bỏng.
- GV hỏi: Chúng ta có thể bỏng do đâu? 
HS trả lời: Do nước sôi, do hóa chất, bỏng bô, do hơi nóng, lửa
- Bỏng có mấy cấp độ? Cách xử lý như thế nào? Cách em thấy mọi người hay xử lý là gì?
Có ba cấp độ:
Bỏng độ 1 (Bỏng bề mặt): đây là cấp độ nhẹ nhất, khi bị bỏng thường có dấu hiệu da bỏng rát, đỏ giống như bị cháy nắng sau một vài ngày vết thương sẽ lành, không để lại sẹo.
Bỏng độ 2 (Bỏng một phần da): ở cấp độ này, lớp biểu bì và một phần lớp chân bì bị tổn thương, các túi nước phỏng được hình thành. Nếu túi nước này bị vỡ, nó sẽ gây ra đau rát cho vùng da bị tổn thương.
Bỏng độ 3: đây là mức nghiêm trọng, toàn bộ lớp da dưới biểu bì đều bị tổn thương. Ở mức độ bỏng này cần đưa ngay nạn nhân tới bệnh viện để các bác sĩ kịp thời cấp cứu, tránh những tổn thương nghiêm trọng hơn.
Khi bị bỏng, tùy vào cấp độ bỏng khác nhau ta cần phải có cách xử lý khác nhau. Bạn xử lý đúng cách sẽ làm cho vết bỏng có thời gian phục hồi nhanh hơn và không để lại sẹo.
- Cách xử lý với vết bỏng cấp độ 1 và 2?
Bước 1: loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, góp phần giảm diện tích và độ sâu tổn thương do bỏng (cởi bỏ quần áo vùng bị bỏng do quần áo vùng bị bỏng có tác dụng giữ nhiệt).
Bước 2: làm mát vùng bỏng, ngâm rửa hoặc tưới rửa vùng bỏng vào nước mát, sạch, nước có nhiệt độ 16 độ C đến 20 độ C trong 20 phút.
Bước 3: sử dụng các loại mỡ, kem điều trị bỏng tạo màng sinh học siêu thoáng lên bề mặt vết bỏng 2 lần mỗi ngày (không cần phải băng kín vết bỏng) ngay khi bị bỏng (đối với bỏng cấp độ 1) và khi bọc nước đã vỡ (đối với bỏng cấp độ 2), tránh tiếp xúc với nước và không khí, ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn.
Cách xử lý đối với vết bỏng ở cấp độ 3: Bệnh nhân cần phải tới gặp bác sĩ ngay lập tức.
HS biết 3 cấp độ bỏng.
HS ghi nhớ được các bước xử lý khi bị bỏng.
4. Tổng kết buổi học (3 phút)
- Giáo viên giải đáp thắc của học sinh.
- Tổng kết: Tiết này các con đã được tìm hiểu về kỹ năng phòng tránh tai nạn Thương tích. Thầy/ cô hy vọng các em sẽ áp dụng một cách linh hoạt, khéo léo các kiến thức đã học để đảm bảo sự an toàn cho bản thân, phòng chống các tình huống đáng tiếc xảy ra.
5. Bài tập về nhà (2 phút)
- Chia sẻ với cha/mẹ về bài học hôm nay và điều mà con ấn tượng nhất trong buổi học.
- Tìm hiểu trước về nội dung bài học hôm sau là phòng tránh tai nạn Thương tích do ngã.
RÚT KINH NGHIỆM SAU TIẾT HỌC
................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................. .................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................
GIÁO VIÊN
 ThS. Trần Thị Thảo
PHỤ LỤC 1
CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HỎA HOẠN
1. Báo cho tất cả mọi người thấy cháy
Phải đảm bảo rằng tất cả mọi người trong nhà biết có cháy – hét lên và tập hợp mọi người lại.
2. Biết đường thoát
Khi bất ngờ có mùi khói hoặc ngọn lửa bùng lên, hãy ra ngoài thật nhanh và an toàn. Nhưng khói từ đám cháy có thể mù mịt và che tầm nhìn. Việc học và nhớ các cách ra khỏi nhà là rất quan trọng.
Trong nhà ở chung cư, lối nào là lối thoát hiểm phải được nắm rõ trong lòng bàn tay. Phụ huynh cũng phải dạy con mình: tòa nhà có bao nhiêu lối thoát hiểm? Làm thế nào để đi tới những lối thoát hiểm đó...
3. Khi phát hiện cháy, cần nhớ:
Không cố thu những đồ có giá trị hay đi tìm vật nuôi trong nhà
Không tìm hiểu đám cháy, tò mò xem cháy ở đâu
Bò trên sàn nhà nếu có khói – không khí sạch hơn ở gần sàn nhà, để mũi, mặt càng thấp càng tốt; hãy nhớ – khói rất độc, và có thể giết bạn
Khi ra ngoài, chỉ mở cửa lối bạn cần đi và đóng tất cả các cửa đang mở để ngăn đám cháy lan rộng
Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở – mặt kia của cánh cửa đang cháy. Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay. Vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân của bạn khi bạn bò hay xuống thang cứu hỏa.
Nếu đang chạy thoát cùng người khác, hãy đi cùng nhau nếu có thể
Rất có thể lối thoát bị cháy hoặc có khói, vì thế, bạn cần phải biết những lối thoát khác ở chỗ nào. Ngoài ra, nếu bạn sống trong chung cư, bạn cũng cần phải biết cách tốt nhất đến cầu thang hay các lối thoát hiểm khác.
4. Kỹ năng đầu tiên khi thấy lửa bốc cháy:
Nếu đang ở trong phòng đóng cửa kín khi nhà bị cháy, bạn cần phải áp dụng các biện pháp an toàn sau:
Kiểm tra xem có lửa hay khói vào nhà qua các khe trên cửa hay không 
Nếu nhìn thấy khói bốc lên từ phía dưới cửa – không được mở cửa!
Nếu không nhìn thấy khói – hãy đặt mu bàn tay vào cánh cửa. Nếu cánh cửa nóng hay rất ấm – cũng không được mở cửa vì như đã nói ở trên, cánh cửa ấm nghĩa là lửa đã rất gần!
Nếu không nhìn thấy khói – và cánh cửa không nóng – hãy dùng mu bàn tay nhẹ nhàng chạm vào quả đấm cửa. Nếu quả đấm cửa nóng hoặc rất ấm – không mở cửa!
Nếu quả đấm cửa mát, và bạn không nhìn thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa rất chậm và cẩn thận. 
Khi mở cửa, nếu bạn thấy lửa bùng lên, hay có khói xông vào phòng, hãy đóng cửa thật nhanh và đảm bảo chắc chẳn rằng nó đã được đóng chặt. 
Nếu không có khói hay lửa khi bạn mở cửa, hãy tiến thẳng đến cửa thoát hiểm của bạn.
5. Luôn giữ người, nhất là mũi ở vị trí thấp nhất có thể
Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa. Bạn sẽ hít ít khói hơn nếu cơ thể bạn ở gần sát nền nhà. Theo tự nhiên, khói bay lên cao, vì thế, nếu có khói khi bạn đang trên đường thoát hiểm, ở vị trí thấp có nghĩa bạn bò dưới khói. Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà, và bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói.
Thoát hiểm qua cửa dẫn ra ngoài nên là lựa chọn đầu tiên. Nhưng bạn cũng có thể kiểm tra xem cửa sổ có thể là lối chạy thoát được không. Thậm chí cửa sổ trên tầng cao cũng có ích khi bạn cần giúp đỡ, từ lính cứu hỏa hay từ người khác.
Nếu trong nhà có thang thoát hiểm, hãy nhanh trí sử dụng khi khói đã bốc lên cao không thể xuống các tầng dưới.
Khi thoát hiểm, hãy thống nhất vị trí cả nhà sẽ gặp nhau ngoài trời. Điều này rất có ích vì khi hỗn loạn mọi người cần tập hợp ở một nơi, để mọi người biết rằng tất cả đều an toàn.
Lo lắng cho thú cưng hay đồ chơi yêu thích là điều bình thường, nhưng khi có cháy, bạn phải bỏ chúng lại - Điều quan trọng nhất là bạn phải ra được ngoài an toàn. Khi đã ra ngoài rồi, đừng quay lại để lấy bất cứ thứ gì – dù là thú cưng.
6. Nếu quần áo của bạn bắt lửa và bị cháy:
Đừng chạy vòng quanh – bạn sẽ chỉ quạt cho ngọn lửa và làm chúng cháy nhanh hơn thôi
Nằm xuống – việc này giúp lửa khó lan ra hơn và giảm tác động của lửa lên mặt và đầu bạn (lửa cháy từ dưới lên trên).
Dập lửa – bao trùm ngọn lửa bằng vật liệu nặng như áo khoác hay chăn, việc này giúp phá vỡ nguồn cung cấp oxi cho lửa.
Lăn vòng quanh – hành động lăn giúp dập lửa nhanh.
7. Làm gì nếu không thể ra ngoài ngay lập tức?
Trong trường hợp không thể thoát ra ngoài nhanh được vì lửa hay khói đã chặn mất lối thoát, nếu lối thoát hiểm của bạn bị chặn, hãy bình tĩnh, đừng hoảng loạn:
Nếu bạn ở tầng trệt, hãy ra ngoài bằng cửa sổ bằng cách ném chăn, gối, đệm xuống đất ở bên ngoài để đỡ bạn.
Nếu bạn không thể mở cửa sổ, hãy dùng một vật nặng để đập vỡ nó ở góc cuối cửa sổ. Tránh chạm vào các mép sắc của cửa bằng cách dùng vải, khăn mặt, hay chăn quấn quanh người.
Cho trẻ em ra trước: hạ trẻ xuống càng thấp càng tốt trước khi thả chúng xuống – để người lớn đỡ trẻ nếu có thể.
Hạ thấp cơ thể bạn bằng cách đặt tay lên bậc cửa sổ trước khi thả mình xuống.
8. Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng:
Chọn một phòng có cửa sổ (nếu có thể).
Hãy ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo hoặc băng dính.
Nếu trong phòng có cửa sổ nhưng không thể thoát ra được từ cửa sổ, hãy mở nó ra và đứng trước cửa sổ để hít thở và gọi giúp đỡ.
Nếu bạn có thể lấy được một mảnh quần áo hay khăn mặt, hãy đặt nó trên miệng để không hít khói vào. Nhúng ướt miếng vải trước khi che lên miệng.
Ngay từ bây giờ, khi đọc bài này, hãy nghĩ xem phòng nào là tốt nhất – bạn cần một cửa sổ có thể mở được, và nếu có thể, một chiếc điện thoại để gọi cấp cứu.
Nhớ rằng, dù có sợ hãi, bạn cũng không bao giờ được nấp dưới gầm giường hay phòng để đồ. Vì khi đó, sẽ rất khó khăn để lính cứu hỏa tìm ra bạn. Hãy nhớ rằng lính cứu hỏa và những người khác sẽ tìm bạn để giải thoát cho bạn. Họ tìm thấy bạn càng sớm, bạn sẽ ra ngoài được càng nhanh.
9. Gọi cứu hỏa
Khi đã ra ngoài được an toàn, hãy dùng điện thoại di động, điện thoại nhà hàng xóm, hay điện thoại công cộng để gọi dịch vụ cứu hỏa khẩn cấp. Khi nói chuyện với tổng đài viên, bạn hãy:
Cho biết địa chỉ chính xác của bạn
Nói với họ cái gì bị cháy, ví dụ như “một ngôi nhà hai tầng” chẳng hạn.
Giải thích xem có ai bị mắc kẹt không, nếu có, họ đang ở phòng nào – bạn càng cung cấp được nhiều thông tin cho dịch vụ cứu hỏa, cứu hỏa càng có thể giúp bạn nhanh và hiệu quả.
10. Không quay lại khi đã thoát ra ngoài
Bạn nên tìm một nơi an toàn gần nhà để đợi. Nếu còn có người trong nhà, hãy đợi đội lính cứu hỏa tới. Bạn có thể kể với họ về người bị mắc kẹt và họ sẽ tìm người mắc kẹt giúp bạn nhanh hơn.
Nếu quay lại nhà bị cháy, bạn sẽ làm cho những nỗ lực cứu người mất tích của lính cứu hỏa bị chậm lại, đồng thời tự đặt bản thân vào tình huống rất nguy hiểm.
11. Kỹ năng thoát hiểm trong chung cư cao tầng:
Nếu sống trong chung cư, dù chung cư có hệ thống PCCC tốt và hiện đại vẫn phải luôn chuẩn bị tình huống lửa có thể bắt ngay bên ngoài căn hộ nhà bạn hay trong cầu thang.
Nếu lửa bắt nguồn từ căn hộ của bạn hay trong cầu thang và bạn không thể ra ngoài:
Tập hợp mọi người vào một phòng với cửa sổ, đặt đệm, bộ đồ giường, hay quần áo quanh mép dưới của cửa để chặn khói vào phòng
Mở cửa sổ, hãy vẫy tấm vải ngoài cửa sổ để lính cứu hỏa biết bạn đang ở đó
Nếu ngọn lửa ở ngay ngoài căn hộ nhà bạn, hãy bịt kín khe cửa bằng băng dính nếu có thể, bạn cũng có thể sử dụng bộ chăn, ga giường, hay quần áo
Bịt lỗ thoáng khí hoặc quạt gió hướng bị cháy và và gọi cứu hỏa, cho biết số căn hộ của bạn
Tưới nước vào cửa nếu thấy cửa nóng
12. Kỹ năng thoát hiểm trong nhà cao tầng:
Sống ở tầng cao không có nghĩa là bạn sẽ nguy hiểm hơn khi có cháy. Các căn hộ cao tầng có tường, trần, và cửa chống lửa sẽ giúp chặn lửa và khói lại.
Hầu hết các kế hoạch thoát hiểm không khác gì nhà đất, nhưng có vài điểm khác biệt:
Bạn sẽ không thể dùng thang máy khi có cháy, vì thế, phải cân nhắc điều này khi chọn lối thoát hiểm.
Đếm xem có bao nhiêu cửa trên đường tới cầu thang khi bạn không thể sử dụng thang máy, đề phòng trường hợp bạn không nhìn thấy đường.
Đảm bảo rằng cầu thang bộ và cửa thoát hiểm không có chướng ngại vật và cửa không bao giờ bị khóa.
Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo rằng bạn có thể mở cửa cầu thang bộ từ cả hai phía.
Nếu có cháy ở nơi khác trong tòa nhà, thông thường bạn sẽ an toàn nhất khi ở trong căn hộ của bạn, trừ khi khói và lửa làm gây hại cho bạn. Nếu bị ảnh hưởng, hãy tìm cách ra ngoài, ở ngoài, và gọi cứu hỏa.
PHỤ LỤC 2
7 LÁ BÙA HỘ MỆNH CỨU SỐNG BẠN KHI BỊ CHÁY
Kỹ năng 1: Khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy thì các con phải gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa. Số điện thoại các chú là 114.
Kỹ năng 2: Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn có mặt ở đó.
Kỹ năng 3: Chỉ cho bé những lối có thể thoát ra ngoài khi có hỏa hoạn xảy ra. Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi điện cho cứu hỏa.
Kỹ năng 4: Nếu gia đình bạn sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, hãy dạy bé rằng đừng bao giờ di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy khi có hỏa hoạn vì khi đó thang máy có thể ngừng giữa chừng do ngắt điện. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới.
Kỹ năng 5: Nhớ rằng không những lửa mà khói và hơi độc cũng có thể dẫn đến tử vong. Để tránh bị ngộp vì khói, hãy dạy bé di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi. Hãy khoác thêm một chiếc áo được nhúng nước nếu có thể.
Kỹ năng 6: Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa hãy dạy bé phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn.
Kỹ năng 7: Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa rồi chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà. Bởi gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hỏa hoạn.

File đính kèm:

  • docGiao an ky nang song lop 9 tuan 5_12861885.doc
Giáo án liên quan