Đề thi tuyển sinh THPT môn thi Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Nguyễn Thị Thanh Hương (Có hướng dẫn chấm)

Câu 1 (2 điểm )

a. Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ “ Sang thu” ( 0,25đ)

- Tác giả: Hữu Thỉnh ( 0,25đ)

b. Hình ảnh ẩn dụ trong hai câu thơ cuối :

 Sấm cũng bớt bất ngờ

 Trên hàng cây đứng tuổi

- Hình ảnh ẩn dụ: Sấm và hàng cây đứng tuổi ( 0,5đ)

+ Sấm tượng trưng cho những gian khổ khó khăn, những tác động bất thường trong cuộc đời. ( 0,25đ)

+ Hàng cây đứng tuổi chỉ những con người đã có tuổi, đã trải nghiệm nhiều. (0,25đ)

- Ý nghĩa của hình ảnh ẩn dụ: Khi con người ta đã từng trải thì cũng vững vàng hơn, bình tĩnh hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh,

của cuộc đời. Như vậy hai câu cuối không còn chỉ là tả cảnh sang thu mà đã chất chứa suy ngẫm về con người và cuộc sống. (0,5đ)

 

doc6 trang | Chia sẻ: Khải Trần | Ngày: 05/05/2023 | Lượt xem: 135 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi tuyển sinh THPT môn thi Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Nguyễn Thị Thanh Hương (Có hướng dẫn chấm), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG
(Đề giới thiệu)
Người ra đề: Nguyễn Thị Thanh Hương
Trường THCS: Duy Tân
Liên hệ: huonggiang7979@gmail.com.vn
ĐỀ THI TUYỂN SINH THPT
MÔN: Ngữ văn
Năm học 2015 – 2016
Thời gian làm bài 120 phút
ĐỀ BÀI
Câu 1: (2 điểm)
Cho đoạn thơ sau:
 Vẫn còn bao nhiêu nắng
 Đã vơi dần cơn mưa
 Sấm cũng bớt bất ngờ
 Trên hàng cây đứng tuổi	
 ( Theo SGK Ngữ văn 9- Tập 2, NXBGD- 2006, trang 70)
a. Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ nào? Của ai?
b. Phân tích ngắn gọn ý nghĩa các hình ảnh ẩn dụ trong hai câu thơ cuối của đoạn thơ.
Câu 2 (3 điểm)
	LỖI LẦM VÀ SỰ BIẾT ƠN
Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận, và một người nổi nóng không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “ Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.
Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo, và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: “ Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.
Người kia hỏi: “ Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá” ? 
Anh ta trả lời : “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xoá nhoà theo thời gian, nhưng không ai có thể xoá được được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người ”.
Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.
 (Dẫn theo Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr 160).
 Từ câu chuyện trên, em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) bàn về sự tha thứ và lòng biết ơn của con người trong cuộc sống.
 Câu 3 (5 điểm)
 “Ta làm con chim hót
 Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
 Một nốt trầm xao xuyến
 Một mùa xuân nho nhỏ
 Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
 Hãy phân tích hai khổ thơ trên để làm rõ tâm nguyện cao đẹp của Thanh Hải : muốn được cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của cuộc đời mình cho cuộc đời chung – cho đất nước.
HƯỚNG DẪN CHẤM 
 1. Yêu cầu chung:
- Giám khảo cần nắm bắt được nội dung được thể hiện trong bài để đánh giá một cách tổng quát năng lực của thí sinh: năng lực tái hiện, vận dụng, sáng tạo kiến thức và khả năng tạo lập văn bản. 
- Chủ động, vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, cân nhắc từng trường hợp cụ thể để cho điểm: nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản hoặc có những kiến giải một cách mới mẻ, thuyết phục, giám khảo vẫn cho điểm tối đa.
- Khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo, tránh việc đếm ý cho điểm.
2. Yêu cầu cụ thể :
Câu 1 (2 điểm )
a. Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ “ Sang thu” ( 0,25đ)
- Tác giả: Hữu Thỉnh ( 0,25đ)
b. Hình ảnh ẩn dụ trong hai câu thơ cuối :
 Sấm cũng bớt bất ngờ
 Trên hàng cây đứng tuổi
- Hình ảnh ẩn dụ: Sấm và hàng cây đứng tuổi ( 0,5đ)
+ Sấm tượng trưng cho những gian khổ khó khăn, những tác động bất thường trong cuộc đời. ( 0,25đ)
+ Hàng cây đứng tuổi chỉ những con người đã có tuổi, đã trải nghiệm nhiều. (0,25đ)
- Ý nghĩa của hình ảnh ẩn dụ: Khi con người ta đã từng trải thì cũng vững vàng hơn, bình tĩnh hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, 	
của cuộc đời. Như vậy hai câu cuối không còn chỉ là tả cảnh sang thu mà đã chất chứa suy ngẫm về con người và cuộc sống. (0,5đ)
Câu 2 (3 điểm)
 a) Yêu cầu về kỹ năng: biết cách làm bài văn nghị luận xã hội ; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy ; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
 b) Yêu cầu về kiến thức: trên cơ sở hiểu biết của bản thân về nội dung câu chuyện Lỗi lầm và sự biết ơn, và từ câu chuyện đó gợi lên trong mình có những suy nghĩ về sự tha thứ và lòng biết ơn của con người trong cuộc sống, có thể triển khai theo nhiều cách, song bài viết cần làm rõ các nội dung sau:
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. 
 Khái quát chung và nắm bắt được ý nghĩa mà câu chuyện muốn đề cập. 
 Trình bày suy nghĩ của bản thân về sự tha thứ và lòng biết ơn của con người trong cuộc sống mà được gợi lên từ câu chuyện : 
 - Giải thích về vấn đề cần bàn luận : 
 + Thế nào là sự tha thứ và lòng biết ơn : tha thứ là việc bỏ qua, không trách cứ, chấp nhặt, hay trừng phạt những sai trái, lỗi lầm của người khác ;lòng biết ơn là sự thể hiện việc hiểu và nhớ công ơn của người khác đối với mình. 
 + Vì sao trong cuộc sống con người cần có sự tha thứ và lòng biết ơn ?: trong cuộc sống ai cũng có lúc gây ra những lỗi lầm, sai trái vì vậy cần phải nhận được sự tha thứ, bao dung của mọi người. Bởi chính sự tha thứ giúp cho người mắc lỗi có cơ hội được sửa chữa; giúp cho bản thân tìm thấy được sự thanh thản và làm cho cuộc sống bớt đi sự căng thẳng, xung đột và thêm đi sự hoà hợp, yêu thương, có nghĩa là phải biết viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát ; phải biết khắc ghi những ân nghĩa vào lòng, phải biết ơn những người đã đem đến cho mình những điều tốt đẹp, và biết khắc ghi những ân nghĩa lên đá, như cách ứng xử giữa những con người trong câu chuyện trên. 
 - Suy nghĩ của bản thân : 
+ Sự tha thứ và lòng biết ơn là một trong phẩm chất cần thiết, cao đẹp để hình thành nên một con người chân chính, bởi bên cạnh việc thu nhận kiến thức thì việc tu dưỡng, rèn luyện cho bản thân những đức tính về sự tha thứ và lòng biết ơn có một ý nghĩa rất lớn trên con đường hoàn thiện nhân cách của mỗi con người 
+ Sự tha thứ và lòng biết ơn không chỉ được thể hiện ở một cá nhân hay một bộ phận mà những đức tính đó cần phải được gắn kết và tạo thành những phẩm chất, đạo lí trong cuộc sống. Bởi đó chính là những nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam. 
 - Bài học nhận thức và hành động : 
 + Cần phải biết sống có tấm lòng bao dung, vị tha; biết ghi ơn những con người đã mang lại cho mình những điều tốt đẹp.
 + Cần phải được thể hiện sự tha thứ và lòng biết ơn của mình trên cả nhận thức và hành động cụ thể.
Câu 3 (5 điểm)
1. Nội dung (3điểm).
A - Mở bài :
 - Giới thiệu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, và đoạn trích hai khổ thơ trên.
 - Giới thiệu nhận xét về hai khổ thơ trên (như đề bài đã nêu).
* Mức tối đa (0,5): Giới thiệu vấn đề hay và tạo được ấn tượng cho người đọc.
* Mức chưa tối đa (0,25): Biết cách giới thiệu vấn đề nhưng chưa hay và chưa tạo được ấn tượng cho người đọc
* Mức không đạt: Lạc đề, sai kiến thức hoặc không có mở bài.
B - Thân bài: (2điểm)
 * Từ cảm xúc về mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước, nhà thơ có khát vọng thiết tha, làm “mùa xuân nho nhỏ” dâng cho đời.
 1. Ước nguyện được sống đẹp, sống có ích cho đời.	
 Muốn làm con chim hót, cành hoa, nốt trầm xao xuyến trong bản hoà ca.( Phân tích các hình ảnh này để thấy vẻ đẹp ước nguyện của Thanh Hải).
 - Điệp ngữ “Ta làm”, “Ta nhập vào” diễn tả một cách tha thiết khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống của đất nước được cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của cuộc đời mình cho cuộc đời chung – cho đất nước.
 - Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh thơ đẹp một cách tự nhiên giản dị.
 + “Con chim hót”, “một cành hoa”, đó là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Ở khổ thơ đầu, vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên đã được miêu tả bằng hình ảnh “một bông hoa tím biếc”, bằng âm thanh của tiếng chim chiền chiện “hót chi mà vang trời”. Ở khổ thơ này, tác giả lại mượn những hình ảnh ấy để nói lên ước nguyện của mình : đem cuộc đời mình hoà nhập và cống hiến cho đất nước.
 2. Ước nguyện ấy được thể hiện một cách chân thành, giản dị, khiêm nhường.
 - Nguyện làm những nhân vật bình thường nhưng có ích cho đời.
 + Giữa mùa xuân của đất nước, tác giả xin làm một “con chim hót”, làm “Một cành hoa”. Giữa bản “hoà ca” tươi vui, đầy sức sống của cuộc đời, nhà thơ xin làm “một nốt trầm xao xuyến”. Điệp từ “một” diễn tả sự ít ỏi, nhỏ bé, khiêm nhường. 
 - ý thức về sự đóng góp của mình: dù nhỏ bé nhưng là cái tinh tuý, cao đẹp của tâm hồn mình góp cho đất nước.
 - Hiểu mối quan hệ riêng chung sâu sắc: chỉ xin làm một nốt trầm khiêm nhường trong bản hoà ca chung.
 + Những hình ảnh con chim, cành hoa, nốt nhạc trầm cuối cùng dồn vào một hình ảnh thật đặc sắc: “Một mùa xuân nho nhỏ – Lặng lẽ dâng cho đời”. Tất cả là những hình ảnh ẩn dụ mang vẻ đẹp giản dị, khiêm nhường, thể hiện thật xúc động điều tâm niệm chân thành, tha thiết của nhà thơ.
 + Bằng giọng thơ nhỏ nhẹ, sâu lắng, ước nguyện của Thanh Hải đã đi vào lòng người đọc, và lung linh trong ánh sáng của một nhân sinh quan cao đẹp: Mỗi người phải mang đến cho cuộc đời chung một nét đẹp riêng, phải cống hiến cái phần tinh tuý, dù nhỏ bé, cho đất nước, và phải không ngừng cống hiến “Dù là tuổi hai mươi – Dù là khi tóc bạc”. Đó mới là ý nghĩa cao đẹp của đời người.
 - Sự thay đổi trong cách xưng hô “tôi” sang “ta” mang ý nghĩa rộng lớn là ước nguyện chung của nhiều người.
 - Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” đầy bất ngờ thú vị và sâu sắc: đặt cái vô hạn của trời đất bên cạnh cái hữu hạn của đời người, tìm ra mối quan hệ cá nhân và xã hội.
 - Ước nguyện dâng hiến ấy thật đẹp đẽ, lặng lẽ, suốt đời.
 * Khổ thơ thể hiện xúc động một vấn đề nhân sinh lớn lao.
“Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn ?
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình !”
 (Tố Hữu)
 Đặt khổ thơ trong mối quan hệ với hoàn cảnh của Thanh Hải lúc ấy, ta càng hiểu hơn vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ.
* Mức tối đa (2 điểm): Đảm bảo đầy đủ ND trên ; có suy nghĩ mới, thể hiện cái riêng của mình.
* Mức chưa tối đa (0,25 – 2đ): Đầy đủ nội dung trên song còn thiếu chi tiết cơ bản, chưa có suy nghĩ, chưa thể hiện được cái riêng của bản thân hoặc còn lan man...
* Mức không đạt: Lạc đề.
C- Kết bài :
 - Tất cả đều thật đáng yêu, đáng trân trọng, đáng khâm phục.
 - Chỉ một “mùa xuân nho nhỏ” nhưng ý nghĩa bài thơ lại rất lớn lao, cao đẹp.
* Mức tối đa (0,5): Biết kết thúc, để lại ấn tượng trong lòng người đọc.
* Mức chưa tối đa (0,25): Biết kết thúc, song chưa hay, chưa để lại ấn tượng trong lòng người đọc.
* Mức không đạt: Lạc đề hoặc không có kết bài.
2. Hình thức: (1điểm).
- Bố cục 3 phần rõ ràng, đầy đủ.
- Chữ viết đẹp, trình bày sạch.
- Dùng từ, đặt câu chuẩn; diến đạt trôi chảy.
3. Sáng tạo : (1điểm). 
- Sáng tạo trong việc dùng từ.
- Bài làm có suy nghĩ riêng, có cảm xúc tình cảm chân thành...
* GV căn cứ bài làm cụ thể của HS để cho điểm phù hợp, trân trọng những sáng tạo của học sinh trong cách viết trên cơ sở hiểu đúng vấn đề.

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_thpt_mon_thi_ngu_van_nam_hoc_2015_2016_ngu.doc