Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện đợt 1 môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2015-2016 - Đề 11 (Có hướng dẫn chấm)

Câu 1: ( 2 điểm)

Trong bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng (viết về những người chiến sĩ của đoàn binh Tây Tiến- sáng tác năm 1948) có câu thơ:

“ Heo hút cồn mây súng ngửi trời ”

Trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu cũng có câu:

“ Đầu súng trăng treo ”

 Hãy so sánh sự giống và khác nhau trong hai hình ảnh thơ ở hai câu thơ trên. Qua đó, em cảm nhận được gì về hình tượng người lính trong thơ ca Việt Nam.

Câu 2: ( 2 điểm)

Phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ trong câu thơ sau:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng

( Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm )

Câu 3: (6 điểm)

 Một trong những phương diện thể hiện tài năng của người nghệ sĩ là am hiểu và miêu tả thành công thế giới nội tâm của nhân vật trong tác phẩm văn học. Bằng những kiến thức đã học về đoạn trích: “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) em hãy làm sáng tỏ điều đó?

 

doc5 trang | Chia sẻ: Khải Trần | Ngày: 09/05/2023 | Lượt xem: 255 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện đợt 1 môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2015-2016 - Đề 11 (Có hướng dẫn chấm), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UBND HUYỆN LƯƠNG TÀI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN ĐỢT I
Năm học 2015 – 2016
Môn thi: Ngữ văn - Lớp 9
Thời gian làm bài:150 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1: ( 2 điểm)
Trong bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng (viết về những người chiến sĩ của đoàn binh Tây Tiến- sáng tác năm 1948) có câu thơ:
“Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
Trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu cũng có câu:
“Đầu súng trăng treo”
 Hãy so sánh sự giống và khác nhau trong hai hình ảnh thơ ở hai câu thơ trên. Qua đó, em cảm nhận được gì về hình tượng người lính trong thơ ca Việt Nam.
Câu 2: ( 2 điểm)
Phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ trong câu thơ sau:
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng
( Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm )
Câu 3: (6 điểm) 
 Một trong những phương diện thể hiện tài năng của người nghệ sĩ là am hiểu và miêu tả thành công thế giới nội tâm của nhân vật trong tác phẩm văn học. Bằng những kiến thức đã học về đoạn trích: “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) em hãy làm sáng tỏ điều đó?
 ---------HẾT---------
( Đề thi gồm có 1 trang)
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ và tên thí sinh..; Số báo danh
UBND HUYỆN LƯƠNG TÀI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn thi: Ngữ văn- Lớp 9
Câu
Đáp án
Điểm
1(2điểm)
Giống nhau:
Hai câu thơ đều xuất hiện hình ảnh người lính gắn liền với cây súng. Cây súng là vũ khí chiến đấu của người lính. Hai hình ảnh gắn liền với nhau và xuất hiện nhiều trong thi ca Việt nam.Tuy vậy hình ảnh cây súng xuất hiện trong hai câu thơ trên không gợi lên sự ác liệt, dữ dội của chiến tranh mà vẫn mang đến cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, bình thản.
0,5
Khác nhau:
Ở câu thơ: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” Hình ảnh người lính với cây súng được đặt trong không gian cao, rộng với “ cồn mây, trời”, gợi cho người đọc sự hình dung: người lính Tây Tiến leo dốc dài và gian khổ để lên được đỉnh núi rất cao. Hình ảnh “ súng ngửi trời” là hình ảnh nhân hóa gợi cho người đọc thấy được độ cao của núi, sự heo hút, âm u, mù mịt của cồn mây đồng thời thấy được cái dí dỏm, hài hước, tinh nghịch, hồn nhiên và tinh thần lạc quan vượt qua mọi khó khăn gian khổ của người lính Tây Tiến. Cách thể hiện ý thơ của Quang Dũng lãng mạn, hồn nhiên, phóng khoáng mà tài hoa.
0,5
 Câu thơ “ Đầu súng trăng treo” gợi một không gian yên tĩnh vắng lặng, người lính đứng gác mà trăng treo đầu súng. Súng và trăng gợi nhiều liên tưởng. Súng là vũ khí chiến đấu, trăng là biểu tượng hòa bình. Người lính chiến đấu để bảo vệ hòa bình cho đất nước. Câu thơ thể hiện khát vọng hòa bình của tác giả, của người chiến sĩ và của nhân dân ta. Hình ảnh thơ thể hiện sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, tâm hồn lãng mạn của người lính. Cách diễn đạt của Chính Hữu: bình dị , mộc mạc mà không kém phần tinh tế.
0,5
Qua đó thấy được nét chung về hình tượng người lính trong thơ ca Việt Nam: đó là những con người hồn nhiên, bình dị, tâm hồn lãng mạn, yêu cuộc đời, yêu đất nước, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc
0,5
2(2điểm)
Chỉ ra biện pháp tu từ: ẩn dụ ở hình ảnh “ Mặt trời của mẹ”
0,5
Phân tích tác dụng: Nếu như mặt trời của tự nhiên ( trong câu thơ thứ nhất) tỏa ánh hào quang đem đến cho cây bắp sự sống; quá trình đơm hoa kết trái thì mặt trời của mẹ (trong câu thơ thứ hai) chính là em Cu Tai, đứa con mẹ sinh ra. Em cũng giống như một mặt trời mang đến cho mẹ niềm vui sống, tình yêu, hạnh phúc. Em chính là động lực, là nguồn năng lượng tiếp thêm sức sống giúp mẹ hăng say tham gia lao động sản xuất, tham gia kháng chiến 
1,5
3(6 điểm)
I. Yêu cầu về kỹ năng: 
- Biết cách làm bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. 
- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, khuyến khích các bài viết sáng tạo.
II. Yêu cầu về kiến thức:
Giới thiệu vấn đề: “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, đặc biệt là đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” cho thấy sự am hiểu và miêu tả thành công thế giới nội tâm nhân vật Thúy Kiều là một phương diện thể hiện tài năng của Nguyễn Du 
0,5
Giải thích ý kiến: 
- Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật, chủ yếu là hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Một trong những phương diện thể hiện tài năng của nhà văn – người nghệ sĩ là am hiểu thế giới nội tâm nhân vật, nghĩa là hiểu tường tận, sâu sắc nhân vật.
- Miêu tả nội tâm trong tác phẩm văn học là tái hiện những suy nghĩ, cảm xúc, những băn khoăn trăn trở, những day dứt, suy tư, những nỗi niềm thầm kín và cả diễn biến tâm trạng của nhân vật.
Đó là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên sinh động, có hồn hơn. Nhà văn có thể miêu tả trực tiếp nội tâm hoặc miêu tả gián tiếp thông qua miêu tả cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục... của nhân vật.
1
 Chứng minh qua đoạn trích: 
a. Hoàn cảnh - Tình huống để Nguyễn Du miêu tả nội tâm nhân vật Kiều.
0,5
b. Miêu tả nội tâm trực tiếp qua những lời độc thoại nội tâm: 
- Tài năng của Nguyễn Du trước hết là để Kiều nhớ Kim Trọng trước, thương cha mẹ sau rất hợp tâm lý của con người, hợp lô gic tình cảm. Bởi chữ hiếu phần nào nàng đã làm tròn khi bán mình cứu gia đình, còn chữ tình nàng đã trở thành kẻ phụ bạc nên nàng không khỏi day dứt, ân hận. Hơn nữa, cảnh trước lầu có tấm trăng gần khiến nàng nhớ tới đêm trăng uống rượu thề nguyền cùng chàng Kim. 
- Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Nỗi nhớ Kim Trọng chủ yếu là liên tưởng, hình dung và tưởng tượng ( nêu dẫn chứng và phân tích làm bật lên tình yêu trong sáng, thủy chung và nỗi đau khi tình yêu tan vỡ). Nhớ cha mẹ chủ yếu là xót xa lo lắng thể hiện trách nhiệm và bổn phận của đạo làm con ( dẫn chứng và phân tích). 
- Ngôn ngữ độc thoại làm ta thấy ở nhân vật Kiều một tấm lòng chân thật. Tình cảm cất lên từ trái tim nên nó sâu sắc và dễ dàng chạm tới trái tim người đọc. Có thể khẳng định đại thi hào Nguyễn Du đã là người hiểu sâu sắc tâm lí nhân vật, biểu đạt tâm lí phù hợp. 
0,5
1
c. Miêu tả nội tâm gián tiếp qua cảnh vật thiên nhiên (bút pháp tả cảnh ngụ tình): (4đ)
- Cảnh thiên nhiên mênh mông, hoang vắng và rợn ngợp qua 6 câu đầu thể hiện nỗi buồn, cô đơn và tâm trạng ngổn ngang, vò xé của Kiều.
- Cảnh thiên nhiên trong 8 câu cuối thực sự là khung cảnh của bi kịch nội tâm. Mỗi cảnh vật thiên nhiên gợi những tâm trạng khác nhau trong lòng Kiều. Bức tranh thiên nhiên cũng là bức tranh tâm trạng (nêu dẫn chứng và phân tích)
- Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh và tình không chỉ cho ta thấy tài miêu tả tâm lí nhân vật mà còn thể hiện sự cảm thông cho thân phận người phụ nữ của nhà văn. Mỗi nét bút, mỗi dòng thơ ông thấm đẫm nỗi đau của nhân vật.
1,5
d. Vai trò của nghệ thuật miêu tả nội tâm trong việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật Kiều: Vẻ đẹp lòng hiếu thảo, thủy chung, ý thức về danh dự phẩm hạnh và thân phận cô đơn, hoảng sợ của Kiều trước một tương lai đầy cạm bẫy.
0,5
 Kết luận 
Có lẽ Truyện Kiều sống mãi một phần bởi nghệ thuật miêu tả nội tâm sâu sắc của Nguyễn Du. Đây cũng chính là yếu tố nghệ thuật quan trọng góp phần xây dựng nhân vật điển hình trong một văn bản truyện
0,5
* Lưu ý:
 - Giám khảo cần vận dụng linh hoạt khi chấm để đánh giá đúng bài làm của học sinh.
 - Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
 - Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25.

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_dot_1_mon_ngu_van_lop_9.doc