Đề tài Tích hợp kiến thức liên môn Văn - Sử - Địa... trong giảng dạy Tiết 1 - Bài 14 - Giáo dục công dân 10

Những tấm gương điển hình về sự sáng tạo: Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, với những sản phẩm sáng tạo như súng Bazooka, súng không giật SKZ, đạn bay.; bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc nước Penicillin, loại thuốc kháng sinh này đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nhà nông học Lương Định Của, tác giả của nhiều giống cây trồng cho năng suất cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho hậu phương cũng như tiền tuyến.

doc14 trang | Chia sẻ: dung89st | Lượt xem: 1829 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Tích hợp kiến thức liên môn Văn - Sử - Địa... trong giảng dạy Tiết 1 - Bài 14 - Giáo dục công dân 10, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ẳng định được vị trí quan trọng của môn học, mà còn thay đổi được cách nhìn nhận chưa đúng của xã hội về môn học này. 
 Trong những năm gần đây, tích hợp kiến thức liên môn trong dạy học đã và đang được coi là tâm điểm của giáo dục Việt Nam. Nguyên tắc này được thực hiện ở tất cả các cấp học, ngành học, môn học trong đó có môn Giáo dục công dân - một môn học quan trọng trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc giảng dạy môn học này chưa đạt được hiệu quả thực sự bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là dạy học theo quan niệm cũ (giáo viên là trung tâm của hoạt động dạy - học), chưa phù hợp. Bởi lẽ, môn học này giáo dục cho người học những phẩm chất và kĩ năng sống, do đó việc dạy học đòi hỏi phải có tính thực tiễn cao, trong khi đó dạy học theo quan niệm cũ thường nặng về truyền thụ lí thuyết, mang nặng tính hàn lâm kinh viện mà thiếu thực tiễn. Nhận thức được vấn đề đó, nhiều giáo viên dạy Giáo dục công dân đã tích cực tiếp cận quan niệm dạy học mới, theo mục tiêu của dạy học hiện đại là hướng học sinh vào trung tâm. Quá trình đổi mới bước đầu đã mang lại một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. 
 Hiện nay, khi mà tích hợp kiến thức liên môn trong dạy học đang được các nước phát triển sử dụng phổ biến thì ở nước ta nguyên tắc này còn khá xa lạ và mới mẻ, thậm chí nhiều giáo viên còn không biết đến khái niệm, bản chất của dạy học tích hợp là gì? Vì vậy, làm rõ hơn tính tích cực và khả năng vận dụng tích hợp kiến thức liên môn trong dạy học môn Giáo dục công dân sẽ giải đáp được phần nào những trăn trở của giáo viên về nguyên tắc dạy học này.
 Tuy nhiên, trong phạm vi đề tài này, tôi không có tham vọng chỉ rõ phương thức, kỹ thuật, hay tất cả những nội dung nào cần được tích hợp; cũng như không đưa ra một giáo án tích hợp hoàn chỉnh nào đó mà chỉ giới thiệu những nội dung cần và nên được tích hợp trong một tiết học cụ thể, đó là: Tích hợp kiến thức liên môn Văn - Sử - Địa... trong giảng dạy Tiết 1 - Bài 14 - Giáo dục công dân 10.
II/ CƠ SỞ LÝ LUẬN
 Tích hợp có nghĩa là sự hợp nhất, sự hoà nhập, sự kết hợp. Nội hàm khoa học khái niệm tích hợp có thể hiểu một cách khái quát là sự hợp nhất hay là sự nhất thể hoá đưa tới một đối tượng mới như là một thể thống nhất trên những nét bản chất nhất của các thành phần đối tượng, chứ không phải là một phép cộng giản đơn những thuộc tính của các thành phần ấy. Hiểu như vậy, tích hợp có hai tính chất cơ bản, liên hệ mật thiết với nhau, quy định lẫn nhau, là tính liên kết và tính toàn vẹn. Liên kết phải tạo thành một thực thể toàn vẹn, không còn sự phân chia giữa các thành phần kết hợp. Tính toàn vẹn dựa trên sự thống nhất nội tại các thành phần liên kết, chứ không phải sự sắp đặt các thành phần bên cạnh nhau. Không thể gọi là tích hợp nếu các tri thức, kĩ năng chỉ được tiếp thu, tác động một cách riêng rẽ, không có sự liên kết, phối hợp với nhau trong lĩnh hội nội dung hay giải quyết một vấn đề, tình huống. 
 Trong lí luận dạy học, tích hợp được hiểu là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống, ở những mức độ khác nhau, các kiến thức, kĩ năng thuộc các môn học khác nhau hoặc các hợp phần của bộ môn thành một nội dung thống nhất, dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập đến trong các môn học hoặc các hợp phần của bộ môn đó. 
 Khoa học sư phạm nhấn mạnh dạy tích hợp là dạy cách tìm tòi sáng tạo và cách vận dụng kiến thức vào các tình huống khác nhau. Tức là, dạy cho học sinh biết cách sử dụng kiến thức và kĩ năng của mình để giải quyết những tình huống cụ thể, có ý nghĩa nhằm mục đích hình thành, phát triển năng lực. Đồng thời chú ý xác lập mối liên hệ giữa các kiến thức, kĩ năng khác nhau của các môn học hay các phân môn khác nhau để bảo đảm cho học sinh khả năng huy động có hiệu quả những kiến thức và năng lực của mình vào giải quyết các tình huống tích hợp. 
 Và, như chúng ta biết: Những người theo quan điểm duy vật biện chứng khẳng định tính thống nhất vật chất của thế giới là cơ sở của mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tuợng. Như vậy, các sự vật, hiện tượng tạo thành thế giới luôn có mối quan hệ gắn bó với nhau, tồn tại trong sự tác động qua lại và chuyển hóa lẫn nhau theo những quan hệ xác định. Sự thay đổi sự vật, hiện tượng này có thể bắt nguồn từ sự thay đổi sự vật hiện tượng khác, và đồng thời nó sẽ ảnh hưởng đến một sự vật, hiện tượng khác nữa. Do đó, khi nhận thức về một vấn đề, chúng ta phải có quan điểm toàn diện, tránh quan điểm phiến diện chỉ xét sự vật, hiện tượng ở một mối liên hệ rồi vội vàng kết luận bản chất và quy luật của chúng. Vì vậy, để nhận thức đúng đắn một vấn đề phải đặt chúng trong mối liện hệ giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt của chính sự vật, hiện tượng đó, trong sự tác động qua lại giữa sự vật đó với sự vật khác, kể cả mối liên hệ trực tiếp và mối liên hệ gián tiếp, trên cơ sở đó ta mới nhận thức đúng và đầy đủ một vấn đề.
III/ CƠ SỞ THỰC TIỄN
 Nhìn chung, trên thế giới, nhiều nước có xu hướng tích hợp các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân để tạo thành môn học mới, với hình thức tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn. Xu hướng thứ hai là việc thực hiện quan điểm tích hợp nhưng không tạo môn học mới. Đại diện cho xu hướng này là Cộng hòa Liên bang Đức, Hà Lan
 Ở Việt Nam, thời Pháp thuộc quan điểm tích hợp đã được thể hiện trong một số môn học của trường tiểu học. Từ những năm 1987, việc nghiên cứu xây dựng môn Tự nhiên - Xã hội theo quan điểm tích hợp đã được thực hiện và đã được thiết kế đưa vào dạy học từ lớp 1 đến lớp 5. Cho đến nay việc nghiên cứu quan điểm tích hợp trong quá trình dạy học chưa được thực hiện một cách hệ thống, đầy đủ, đặc biệt là ở bậc trung học. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do yêu cầu của xã hội, nhiều nội dung mới đã được tích hợp vào các môn học, nhất là đối với môn Giáo dục công dân: Nếu như giai đoạn trước là yêu cầu tích hợp, lồng ghép các vấn đề giáo dục pháp luật an toàn giao thông trong trường học thông qua việc thực hiện công văn liên bộ giữa Bộ Giáo dục - đào tạo và Bộ Giao thông vận tải... Kế tiếp là tích hợp, lồng ghép các môn học về giáo dục quốc phòng; giáo dục dân số và sức khỏe sinh sản vị thành niên; giáo dục bảo vệ môi trường; giáo dục giá trị, kỷ năng sống; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Và gần đây là việc tích hợp, lồng ghép giáo dục chương trình phòng chống tham nhũng; phòng chống tác hại game online có nội dung bạo lực, không lành mạnh cũng đang được Bộ Giáo dục - đào tạo “gửi gắm” vào bộ môn Giáo dục công dân.
 Như thế, có thể nói, giáo viên Giáo dục công dân đã được làm quen và vận dụng nguyên tắc dạy học tích hợp từ khá sớm. Thế nhưng, trong thực tế giảng dạy, phần lớn giáo viên đã vận dụng nguyên tắc này một cách sơ sài, hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức độ liên hệ thông thường, thậm chí có giáo viên còn bỏ qua... nên chưa phát huy được tính tích cực trong học tập của học sinh, chưa đạt được hiệu quả trong giảng dạy của giáo viên.
 Vì vậy, có thể nói, việc nắm bắt bản chất, phương thức, kĩ thuật, nội dung tích hợp (nhất là việc tích hợp những nội dung kiến thức của các bộ môn liên quan: Văn - Sử - Địa...), cũng như tầm quan trọng và hiệu quả của nguyên tắc dạy học này vẫn còn là điều khá xa lạ và mới mẻ đối với giáo viên Giáo dục công dân hiện nay.
 Và vì vậy, với đề tài này, tôi xin mạnh dạn giới thiệu những nội dung cần và nên được tích hợp trong giảng dạy Tiết 1 - Bài 14 - Giáo dục công dân 10(1) để cùng tham khảo.
Chú thích:
(1) Để thuận tiện, tôi xin giới thiệu theo bố cục (từng phần, mục cụ thể) của bài học.
IV/ NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ TÍCH HỢP TRONG BÀI HỌC
Bài 14: Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
(Tiết 1)
1. Lòng yêu nước
 a. Lòng yêu nước là gì ?
 Để giảng dạy phần này thì không gì tốt hơn là liên hệ, phối hợp với các kiến thức Văn học, ví dụ tốt nhất chính là đoạn thơ của Chế Lan Viên mà sách giáo khoa đã đưa ra: 
Ôi! Tổ quốc, ta yêu như máu thịt,
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng!
Ôi Tổ quốc! Nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...
- Sao chiến thắng -
 Từ đó, (thông qua Thảo luận lớp) giáo viên phân tích kết luận: 
- Lòng yêu nước là tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc. 
- Lòng yêu nước bắt nguồn từ những tình cảm bình dị nhất và gần gũi nhất đối với con người như yêu gia đình, yêu người thân, yêu những thành quả lao động do mình tạo ra, yêu nơi mình đã sinh ra và lớn lên... Những tình cảm giản dị ban đầu đó dần dần phát triển thành tình cảm gắn bó với làng xóm, quê hương và được nâng lên thành lòng yêu nước...
- Tấm gương sáng về lòng yêu nước là vị Cha già kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã cống hiến cả cuộc đời mình vì đất nước
 b. Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam
 Khi giảng dạy phần này, trước hết, giáo viên cần phân tích chỉ rõ: “Yêu nước là một truyền thống đạo đức cao quý và thiêng liêng nhất của đân tộc Việt Nam, là cội nguồn của các giá trị truyền thống khác...”, sau đó giáo viên hướng dẫn học sinh vận dụng các kiến thức liên môn Văn - Sử - Địa và những hiểu biết xã hội khác để tiến hành Thảo luận nhóm, tìm hiểu về các biểu hiện của lòng yêu nước Việt Nam.
 Khi các nhóm trình bày, giáo viên nên trình chiếu các hình ảnh minh họa để giờ học thêm sinh động, thu hút sự chú ý của học sinh(1)
 * Nhóm 1: Vận dụng kiến thức Văn học, Địa lý và các hiểu biết xã hội khác để thảo luận về tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước:
Chú thích:
(1) Xem Phụ lục.
- Văn học: Những câu ca dao, đoạn thơ nói lên tình cảm hướng về cội nguồn, về ông bà, cha mẹ, tổ tiên và quê hương, đất nước như: 
+ Về ông bà, cha mẹ:
Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt, nhớ ông bà bấy nhiêu...
Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi
Ngó không thấy mẹ bùi ngùi nhớ thương...
 - Ca dao -
+ Về quê hương, đất nước: 
Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay...
(Đêm thu - Hồ Chí Minh)
- Hiểu biết xã hội: 
+ Tục thờ cúng ông bà, cha mẹ và tổ tiên của mỗi gia đình, dòng họ... 
+ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: 
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba.
- Địa lý: Đền thờ Hùng Vương ở đâu? (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
 * Nhóm 2: Vận dụng kiến thức Văn học và các hiểu biết xã hội khác để thảo luận về tình thương yêu đối với giống nòi, đồng bào, dân tộc:
- Văn học:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
	 	- Ca dao -
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
(Việt Bắc - Tố Hữu)
- Hiểu biết xã hội:
+ Những hoạt động từ thiện, nhân đạo: Ủng hộ: Người nghèo; trẻ em khuyết tật; nạn nhân bom mìn sau chiến ttanh, chất độc màu da cam; đồng bào bị thiên tai, bão lũ...
+ Những hoạt động tình nguyện của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay: “Tiếp sức đến trường”; hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Uống nước nhớ nguồn”; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng
 * Nhóm 3: Vận dụng kiến thức Văn học, Lịch sử, Địa lý và các hiểu biết xã hội khác để thảo luận về lòng tự hào dân tộc chính đáng:
- Văn học: Hiểu biết về các danh nhân văn hóa: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh...
- Lịch sử: Kiến thức về những anh hùng dân tộc, những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng đất nước: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung...
- Hiểu biết xã hội:
+ Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử Nam Bộ...
+ Di sản thiên nhiên: Hồ Ba Bể, Vịnh Hạ Long, Quần đảo Cát Bà, Cao nguyên đá Đồng Văn, Vườn quốc gia: Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cát Tiên...
+ Sản vật quê hương: Gốm sứ Bát Tràng, các mặt hàng thổ cẩm của đồng bào các dân tộc vùng cao, tranh dân gian Đông Hồ... 
- Địa lý: Vị trí địa lý của các địa danh trên (thuộc tỉnh nào; vùng, miền nào ở nước ta?).
 * Nhóm 4: Vận dụng kiến thức Văn học, Lịch sử, Địa lý và các hiểu biết xã hội khác để thảo luận về tinh thần đoàn kết, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm:
- Văn học: Những câu thơ thể hiện tinh thần bất khuất:
Đạp bằng sông núi ta đi
Máu xương chẳng tiếc, tiếc gì tuổi xanh...
 - Vô danh -
- Lịch sử:
+ Những câu nói bất hủ:
“Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”
- Bà Triệu (225 - 248) -
“Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc.”
- Trần Bình Trọng (1259 - 1285) - 
“Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”
- Nguyễn Trung Trực (1839 - 1868) -
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”...
+ Những hình ảnh bất khuất: hình ảnh “quyết đánh” của các vị bô lão tại Hội nghị Diên Hồng (1282), hình ảnh “bóp nát quả cam” của thiếu niên anh dũng Trần Quốc Toản (1267 - 1285)...
+ Những chiến thắng hào hùng của dân tộc: Bạch Đằng vào các năm 938, 981 và 1288, Chi Lăng (981), Như Nguyệt (1077), Đông Bộ Đầu (1258), Hàm Tử, Chương Dương (1285), Chi Lăng - Xương Giang (1427), Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), Điện Biên Phủ (1954), “Điện Biên Phủ trên không” (1972)...
- Địa lý: Vị trí địa lý của các địa danh trên (thuộc tỉnh nào; vùng, miền nào ở nước ta?).
- Hiểu biết xã hội: Cuộc bình chọn 10 vị tướng tài giỏi nhất thế giới mọi thời đại do Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh tổ chức năm 1984...
 * Nhóm 5: Vận dụng kiến thức Văn học và các hiểu biết xã hội khác để thảo luận về sự cần cù và sáng tạo trong lao động:
- Văn học: Những câu ca dao nói về đức tính cần cù:
Lao xao gà gáy rạng ngày
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu
Bước chân xuống cánh đồng sâu
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày...
- Hiểu biết xã hội: 
+ Những anh hùng lao động:
TT
Họ và tên
Ngành nghề
Năm được phong
1
Hoàng Hanh
Nông dân
1952
2
Ngô Gia Khảm
Quân giới
1952
3
Tôn Thất Tùng
Y tế
1962
4
Hồ Giáo
Chăn nuôi
1966, 1986
5
Nguyễn Thị Suốt
Giao thông vận tải
1967
6
Cù Thị Hậu
Dệt
1973
...
(Nguồn: Giải thưởng Việt Nam: 
+ Những tấm gương điển hình về sự sáng tạo: Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, với những sản phẩm sáng tạo như súng Bazooka, súng không giật SKZ, đạn bay...; bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc nước Penicillin, loại thuốc kháng sinh này đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nhà nông học Lương Định Của, tác giả của nhiều giống cây trồng cho năng suất cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho hậu phương cũng như tiền tuyến...
V/ KẾT QUẢ THU ĐƯỢC
 Với những nội dung tích hợp trên, và với việc sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực (chia nhóm, giao nhiệm vụ, công đoạn, động não...) kết hợp với các phương pháp thảo luận lớp, thảo luận nhóm... giờ học đã tạo ra sự hứng thú và phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc khám phá, lĩnh hội các tri thức mới. Qua đó cũng giúp hình thành cho học sinh các kỹ năng sống như: tự nhận thức, tìm kiếm và xử lí thông tin, tìm kiếm sự hỗ trợ, giao tiếp có hiệu quả, hợp tác...
 Và, đặc biệt hơn, khi Bộ - Sở Giáo dục & Đào tạo phát động cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn”, với tình huống mà tôi đặt ra là: “Một đoàn du khách nước ngoài đến thăm và có nhu cầu tìm hiểu về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Em (nhóm em) được cử làm người giới thiệu cho đoàn du khách ấy. Như vậy, em (nhóm em) sẽ phải viết một bài giới thiệu về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam”, thì học sinh các lớp do tôi phụ trách đã hăng hái tham gia viết bài dự thi. Có em viết độc lập (Trần Thị Hường, Vũ Thị Oanh - Lớp 10A9...), có em viết theo nhóm từ 2 đến 3 người, có em tham gia viết trong nhiều nhóm khác nhau (Phạm Thị Lệ Xuân Nhung - Lớp 10A7)... Kết quả thu được là hơn 60 bài viết khác nhau, trong đó có nhiều bài viết tốt như bài của các em Trần Thị Hường - Lớp 10A9..., các nhóm: Đặng Thị Hiền và Vũ Thị Tâm, Triệu Thị Hương Giang và Phạm Thị Thêu (Lớp 10A6); Dương Thị Thùy Dung và Trần Minh Tuấn (Lớp 10A7); Tạ Thị Hương, Vũ Thị Oanh và Vũ Thị Vân (Lớp 10A8)... mà một trong những bài viết tốt đó (của các em Vũ Thị Châu Mỵ và Trần Thị Thảo - Lớp 10A10) đã được lựa chọn để dự thi cấp tỉnh, và (theo tôi được biết) đã tiếp tục được lựa chọn để dự thi cấp quốc gia. Đây quả là một kết quả đáng tự hào.
VI/ KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
 Từ kết quả thu được và, hơn nữa, từ bản thân môn Giáo dục công dân (vốn đã là một môn học tổng hợp, bao gồm các kiến thức: triết học; đạo đức; kinh tế - chính trị học; chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... lại còn được tích hợp, lồng ghép các nội dung: giáo dục dân số và sức khỏe sinh sản vị thành niên; giáo dục môi trường; giáo dục giá trị, kỹ năng sống; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... từ khá sớm), thiết nghĩ việc tích hợp, lồng ghép các nội dung kiến thức liên quan vào bài học là không khó, hoàn toàn có tính khả thi trong việc phát huy hơn nữa khả năng tự học của người học, cũng như góp phần hình thành và rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh, đáp ứng được mục tiêu giáo dục hiện nay.
 Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này vào trong dạy học còn gặp nhiều khó khăn do sách báo, tài liệu tham khảo, cơ sở vật chất, trang thiết bị... phục vụ cho quá trình dạy học còn thiếu và yếu; đời sống của giáo viên Giáo dục công dân cũng còn nhiều khó khăn nên khó tự trang bị. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sưu tầm các tư liệu điện tử, tranh ảnh, phim liên quan đến nội dung bài học còn hạn chế; việc chuẩn bị giáo án điện tử đòi hỏi rất công phu nên nhiều khi giáo viên còn ngại thực hiện.
 Do đó, đề nghị các cấp lãnh đạo, quản lý giáo dục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa trong việc trang bị sách báo, tài liệu, đồ dùng dạy học... để giáo viên chúng tôi có thể áp dụng nguyên tắc dạy học này một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Xin cảm ơn!
-------------oOo------------
PHỤ LỤC
Các hình ảnh minh họa trong giờ dạy
* Tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Về với cội nguồn
* Tình thương yêu đối với đồng bào, giống nòi, dân tộc.
Chương trình “Lục lạc vàng”
TNTN chăm sóc trẻ em khuyết tật
* Lòng tự hào dân tộc chính đáng.
- Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể:
Thánh địa Mỹ Sơn
Cồng chiêng Tây Nguyên
- Danh nhân văn hóa:
Nguyễn Trãi (1380 - 1442)
Nguyễn Du (1766 - 1820)
- Di sản thiên nhiên: 
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - Kẻ Bàng
- Sản vật quê hương:
Bình gốm Bát Tràng
Túi xách thổ cẩm
* Đoàn kết, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm.
- Những chiến thắng hào hùng:
Chiến thắng Bạch Đằng - 1288
Chiến thắng Điện Biên Phủ - 1954
- Anh hùng hào kiệt:
Trần Quốc Tuấn
(1228 - 1300)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(1911 - 2013)
* Cần cù và sáng tạo trong lao động.
GS, VS. Trần Đại Nghĩa
(1913 - 1997)
BS. Đặng Văn Ngữ
(1910 - 1967)
Nhà nông học Lương Định Của (1920 - 1975)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. NNC. Hồng Hạnh: Dạy học “tích hợp”: Học sinh được lợi gì?
2. ThS. Đào Thị Hồng - Viện NCSP - Trường ĐHSP Hà Nội: Ý nghĩa của dạy học theo quan điểm tích hợp.
3. Nguyễn Thị Thúy Hồng: Dạy học tích hợp - hấp dẫn như người lạ quen biết. 
4. Cao Văn Sâm: Một số định hướng về dạy học tích hợp. Tổng Cục dạy nghề. Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 2006. 
5. TS. Hoàng Thị Tuyết - Khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm TP.HCM: “Đào tạo - dạy học theo quan điểm tích hợp: Chúng ta đang ở đâu?”
https://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=12962%3Aao-to-dy-hc-theo-quan-im-tich-hp-chung-ta-ang-au&catid=1917%3Agdthhi-tho-hi-ngh&Itemid=3606&lang=vi&site=58
6. Nhóm Nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (2012). Đề xuất phương án tích hợp và phân 

File đính kèm:

  • docSKKN_TICH_HOP_KTLM_V__S__D_TRONG_GIANG_DAY_T1__B14__GDCD_10doc_20150727_020818.doc
Giáo án liên quan