Bài dự thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh THCS
Đình Đông Dương vừa là kiến trúc nghệ thuật, là quần thể di tích bao gồm: Đình Tiền, đình Hậu, nhà thờ Thánh, nhà thờ tổ, bình phong, trụ biểu, sân và thành bao quanh. Toàn bộ di tích nằm trên diện tích 4000m2, xung quanh là rừng trâm bầu mọc trên cát. Đình Đông Dương được xây dựng vào năm Đinh Sửu (1875), đình làm theo kiểu kiến trúc bằng gỗ, cột, kèo, xuyên, theo kiến trúc đình làng Việt Nam, xung quanh xây tường. Đình Tiền có 3 gian, 4 vài, 2 vách, gỗ lim, mỗi vài có 5 cột, cột cao nhất có chiều dài 4,5m, cột thấp nhất có chiều dài 2,7m, kèo chạm nổi hình phượng, rồng, nguyệt, có một lớp màu ánh bạc.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG TRẠCH TRƯỜNG THCS QUẢNG PHƯƠNG - Địa chỉ: Xóm 3- Pháp Kệ - Quảng Phương. - Điện thoại: 0523513341 - Email: thcsqphuong@quangbinh.edu.vn - Họ và tên: Hồ Thị Thảo Vân - Lớp: 73 BÀI DỰ THI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN DÀNH CHO HỌC SINH THCS Năm học: 2014- 2015 BÀI DỰ THI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN DÀNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC Môn: GIÁO DỤC CÔNG DÂN - Lớp 73 - Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình - Phòng Giáo Dục và Đào tạo Quảng Trạch - Trường Trung học cơ sở Quảng Phương - Địa chỉ: Xóm 3 – Pháp Kệ - Quảng Phương - Quảng Trạch - Quảng Bình - Điện thoại :0523513341 - Email: thcsqphuong@quangbinh.edu.vn - Họ và tên: Hồ Thị Thảo Vân - Lớp: 73 1. TÊN TÌNH HUỐNG Trong tiết học môn Giáo dục công dân, cô giáo giao bài tập về nhà chuẩn bị cho tiết thực hành ngoại khoá: “ Em hãy tìm hiểu và giới thiệu về một di sản văn hoá của địa phương nơi em ở”. Là nhóm trưởng và là một người con của quê hương Đông Dương - Quảng Trạch - Quảng Bình, em hãy giới thiệu về đình làng Đông Dương - một di tích lịch sử cấp Quốc gia. 2. MỤC TIÊU GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG - Giúp các thầy, cô giáo và các bạn học sinh lớp 7 trường THCS Quảng Phương hiểu biết sâu rộng hơn về đình làng Đông Dương - một di tích lịch sử cấp quốc gia - nơi cội nguồn của dân tộc – nơi thờ cúng linh thiêng, nơi sinh hoạt cộng đồng - nơi hội tụ khí thiêng của sông núi. - Nhằm nâng cao lòng tự hào dân tộc tình yêu với quê hương Đông Dương nói riêng và Quảng Phương nói chung. - Khơi gợi ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng, giữ gìn và phát huy di sản văn hoá của địa phương và của đất nước. 3. TỔNG QUAN VỀ CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG Để các thầy cô giáo và các bạn học sinh lớp 7 trường THCS Quảng Phương có được những hiểu biết về dình Làng Đông Dương, em đã vận dụng kiến thức các môn học sau: - Môn Địa lý: Địa hình, vị trí địa lý và khí hậu của Đông Dương - Quảng Phuơng - Môn Lịch sử: lịch sử hình thành và phát triển của đình làng Đông Dương - Môn Ngữ văn: Văn thuyết minh, chương trình địa phương Ngữ văn, các bài thơ - Về môn Giáo dục công dân: Di sản văn hoá. - Môn Âm nhạc: bài hát về quê hương Đông Dương. - Sưu tầm tài liệu từ các trang web mạng uy tín. - Tài liệu về địa phương về Đông Dương - Quảng Phương - Quảng Trạch - Quảng Bình. 4.GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG Để giải quyết tình huống, em đã vận dụng kiến thức liên môn đã được học tập trong nhà trường kết hợp với những hiểu biết của bản thân về Đình làng Đông Dương - mảnh đất chôn rau cắt rốn giới thiệu với các thầy, cô giáo và các bạn học sinh lớp 7 về đình làng Đông Dương, một di sán văn hoá – di tích lịch sử cấp quốc gia. 5.GIỚI THIỆU VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐÌNH LÀNG ĐÔNG DƯƠNG. Đình làng Đông Dương thời phong kiến thuộc tổng Phong Trạch, phủ Quảng Trạch. Năm 1945, thuộc xã Phong Trạch, huyện Quảng Trạch, từ hòa bình lập lại đến nay thuộc xã Quảng Phương. Đình nằm ở rìa làng, hướng về phía Tây, cách thị trấn Ba Đồn khoảng 4km về phía Tây Bắc, cách chợ Lộc Điền (Quảng Thanh) chừng 5 km về phía Bắc. Khí hậu loại nhiệt đới gió mùa, mỗi năm có 2 mùa. Mùa Hạ khô và nóng, mùa Đông lạnh có mưa. Bản đồ hành chính huyện Quảng Trạch (cũ) Đình gắn liền với những sự kiện lịch sử sôi động của địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung. Đình có vị trí vô cùng quan trọng trong những ngày tiền khởi nghĩa, đặc biệt là cách mạng Tháng Tám 1945, trong 9 năm chống thực dân Pháp và trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đình được xây dựng ở một vị trí ba bề là rừng, rất thuận lợi cho việc sinh hoạt, hội họp của các tổ chức cách mạng. Nếu khi bị lộ, lập tức được rút và tản vào rừng để giữ gìn lực lượng. Những ngày đầu của cách mạng, các tổ chức, các cơ sở Đảng ở địa phương đã dùng đình làm nơi họp bí mật để truyền đạt những chủ trương lớn của Đảng. Những đồng chí đảng viên cộng sản tiền bối, trung kiên như đồng chí Tế (sau này là Bí thư đầu tiên của huyện Quảng Trạch) cũng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp để bàn về những vấn đề lớn, quan trọng của Đảng ở đình. Đình cũng là nơi tổ chức thành lập chi bộ đầu tiên của xã Phong Trạch. Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, cùng với Chiến khu Trung Thuần, đình là nơi đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã bí mật tổ chức các cuộc họp, bắt liên lạc với các nơi, truyền đạt tinh thần tổng khởi nghĩa để cùng nhân dân toàn huyện khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ. Trong chín năm trường kỳ kháng Pháp, đình làng là căn cứ chỉ huy, trụ sở của đơn vị chủ lực 365 của huyện, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ huy đơn vị và đóng quân tại đình. Đơn vị đã tham gia nhiều trận trên chiến trường của huyện và chiến thắng vẻ vang. Hòa cùng chiến trường cả nước và tỉnh nhà, ở Quảng Trạch, từ đình Đông Dương, từ căn cứ xuất phát, các anh bộ đội cụ Hồ đã tham gia chiến dịch giải phóng quê hương, các đồn hương vệ, các đồn như Ba Đồn, Mỹ Hòa, Thanh Khê... Đình cũng là nơi đón tiếp, tập trung của các đoàn dân công hoả tuyến phục vụ chiến trường. Năm 1949-1950, Uỷ ban kháng chiến của huyện Quảng Trạch đã đóng tại đình Đông Dương. Sau hòa bình, những năm 1963 - 1965 tại đình, nhiều lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho cán bộ chiến sĩ và lần lượt lớp này đến lớp khác, khóa này đến khóa khác, thay nhau rời ngôi đình đã từng một thời kỳ gắn bó, để vào chiến trường chiến đấu tham gia đánh Mỹ góp phần quan trọng trong nhiều chiến dịch to lớn giải phóng miền Nam. Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, đạn bom liên tiếp, dội xuống Quảng Bình, xuống Quảng Trạch, đế quốc Mỹ điên cuồng hòng dùng bom đạn để làm nhụt ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam của quân dân ta. Trong thời kỳ này, các cơ sở trạm xá, bệnh viện, trường học... đều sơ tán lên Quảng Phương, dựa vào cát, dựa vào rừng cây xanh để che mặt giặc lái. Bệnh viện Quảng Phương kiên cường trong khói lửa cũng đã về đây, đình Đông Dương lại là trụ sở của những chiến sỹ mặc áo trắng, do có nhiều thành tích trong chiến tranh, Bệnh viện Quảng Trạch được tuyên dương anh hùng trong những năm chống Mỹ. Giai đoạn 1969-1972, các đơn vị ra đa của bộ đội lại về đây rồi Bệnh viện 41 quân đội, các đơn vị pháo mặt đất, Mảnh đất Đông Dương, đình Đông Dương lại sôi động dưới các lùm cây xanh cùng quân dân cả nước, cả Tỉnh, đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vô cùng ác liệt trong những năm tháng này, đình Đông Dương lại vừa là kho dự trữ lương thực phục vụ cho chiến trường, các đoàn an dưỡng B ngắn, B dài lại tấp nập về đình về nơi tạm nghỉ, trung chuyển khi tiếp ra Bắc. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ chấm dứt, làng Đông Dương nhanh chóng cùng cả nước, cả tỉnh xây dựng CNXH, đình trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, nơi hội họp HTX. Đình Đông Dương có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp chống Pháp, chống Mỹ. Đình Đông Dương vừa là kiến trúc nghệ thuật, là quần thể di tích bao gồm: Đình Tiền, đình Hậu, nhà thờ Thánh, nhà thờ tổ, bình phong, trụ biểu, sân và thành bao quanh. Toàn bộ di tích nằm trên diện tích 4000m2, xung quanh là rừng trâm bầu mọc trên cát. Đình Đông Dương được xây dựng vào năm Đinh Sửu (1875), đình làm theo kiểu kiến trúc bằng gỗ, cột, kèo, xuyên, theo kiến trúc đình làng Việt Nam, xung quanh xây tường. Đình Tiền có 3 gian, 4 vài, 2 vách, gỗ lim, mỗi vài có 5 cột, cột cao nhất có chiều dài 4,5m, cột thấp nhất có chiều dài 2,7m, kèo chạm nổi hình phượng, rồng, nguyệt, có một lớp màu ánh bạc. Đình trước đây lợp ngói (liệt) vảy, nay lợp ngói Hưng Ký. Mái đình lượn hai góc trước uốn hình hai con nghê đắp nổi làm cho đình thêm thanh thoát, trên nóc đình có hai con rồng lượn chầu đầu vào mặt trăng. Dưới các xà xuyên có khắc hình rồng lượn, trăng mây. Các kèo có cột chống được cách điệu hình cánh chim đội trên mình rồng hình khối chính diện làm cho phong cách tạo dáng kiến trúc thêm tính nghệ thuật cao và uy nghiêm. Đình có 5 cửa, cửa chính rộng 4,5m, hai cửa hai bên rộng 2m, hai cửa phía ngoài rộng 1,5m. Chiều dài đình 30m, chiều rộng 20m. Diện tích đình 600m2. Đình Hậu được xây tiếp phía sau của đình Tiền, được qua lại với nhau bằng cửa hậu. Đình có 3 gian, 4 vài chất liệu bằng gỗ lim, có cùng một kiểu xây dựng như đình Tiền. Có chiều rộng 7,5m, chiều dài 22,5m. Đình Hậu là nơi các tổ chức cách mạng kháng chiến của ta cất dấu tài liệu, vũ khí, là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật của Đảng. Năm 1947, thực dân Pháp càn quét sâu vào các cơ sở của ta, chúng phát hiện ra nơi tàng trữ cất dấu tài liệu, vũ khí nên chúng đã ra lệnh đốt phá huỷ diệt mất đình Hậu, nay chỉ còn lại các móng tường. Đình thờ thánh nằm ở phía Bắc đình, cách đình Tiền 8,5m, có chiều rộng 12,5m, chiều dài 20m. Một cửa rộng 3m, lợp ngói liệt, cấu trúc bằng gỗ lim. Thờ đức Khổng Tử, cũng bị thực dân Pháp đốt năm 1947. Đình thờ Tổ nằm ở phía Nam cách đình Tiền 4,5m, chiều rộng 11m, chiều dài 17,5m, có 3 cửa, cửa giữa rộng 4m,hai cửa hai bên rộng 2,5m. Mái lợp ngói liệt, cấu trúc bằng gỗ lim. Nhà thờ 9 vị tổ có công lần lượt lập làng, gồm các vị họ Phạm, Nguyễn, Ngô...Năm 1947, bị thực dân Pháp càn quét và đốt cháy. Bình phong cách đình 16m mặt trước, có chiều dài 4m, rộng 3,5m. Cửa rộng 1,5m cũng bị thực dân Pháp phá huỷ năm 1947. Hai trụ biểu nay cũng không còn. Tổng thể của đình làng Đông Dương Trước đây chưa có nhà văn hoá của thôn thì các sinh hoạt cộng đồng đều diễn ra tại đình làng. Ngày nay đã có nhà văn hoá của Thôn thì đây là nơi thờ cúng linh thiêng của Làng và đặt biệt là các hoạt động về ca trù đều diễn ra tại đây ngay trên sân đình, lễ hội mừng thọ cho các cụ ông, cụ bà cao niên cũng diễn ra tại đây. Nếu có dịp bạn đến Đông Dương vào đúng ngày lễ hội rằm tháng Giêng thì không khí ở đây thật nhộn nhịp. Vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch thì các trưởng họ đã tụ tập tại đình Làng và ở lại đây để chuẩn bị cho công tác cúng rằm và sáng hôm sau. Vào ngày rằm, các gia đình trong thôn đều có một mân cỗ thật thịnh soạn với đầy đủ nghi lễ để dâng lên đình với mong muốn cầu tổ tiên ông bà phù hộ cho một năm mới bình an, hạnh phúc, mưa thuận gió hoà, kinh tế phát triển. Trong không khí linh thiêng khói hương nghi ngút đại diện cho các họ tộc, gia đình cầu khấn mong sao cho tổ tiên phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, học hành tấn tới, tiếp nối truyền thống cha ông, rạng danh tiên tổ. Mân cổ cúng rằm tháng Giêng của người dân địa phương Lễ hội rằm tháng giêng còn thu hút khách thập phương hơn với các trò chơi dân gian, đặt biệt là môn thể thao truyền thống đấu vật. Các xóm đều lựa chọn những trai làng mạnh khoẻ và dũng cảm nhất đại diện cho xóm mình để ra thi đấu. Lễ hội đấu vật được diễn ra ngay tại sân đình, bà con trong thôn, xã và cả du khách thập phương cũng thi nhau kéo đến xem đông nườm nượp. Các trai làng đang đấu vật “ Làng quê yêu thương, bên luỹ tre xanh thắm rặng trâm bầu, thoang thoảng trưa hè chói chang. Giếng nước cây Đa, đình làng, Đông Dương quê tôi rộn vang khúc ca ân tình” ( Lời bài hát của nhạc sĩ Thanh Lung). Nếu như nhắc đến làng quê là nhắc đến cây đa, giếng nước, sân đình thì làng Đông Dương hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố đó. Ngay phía bên phải sân đình có một cây đa cổ thụ đã lâu năm,tương truy ền rằng hễ như mỗi lần có một rế đa xanh từ trên cây cắm thẳng vào lòng đất thì trong làng sẽ có người làm quan. Ngay ngoài đình có một giếng nước trong vắt mà ngày xưa gần như nhân dân cả thôn đến đây để lấy nước về dùng. Không khí rằm tháng Giêng ở đây đã nhộn nhịp thì vào những dịp có lễ hội và các sự kiện văn hoá khác đình làng còn nhộn nhịp hơn với hát ca trù. Đông Dương là Làng quê duy nhất ở Quảng Bình còn lưu giữ được nhiều điệu ca trù cổ. Không chỉ những nghệ nhân lớn tuổi biểu diễn mà hiện nay nhiều ca nương của Đông Dương đang ở tuổi cắp sách đến trường như bạn: Kiều Anh (91), Trang, Phương (93), Phú (82) Được các nghệ nhân tận tình chỉ bảo các bạn học sinh đã không ngừng học hỏi để phát huy truyền thống của quê hương. Trong hội thi ca trù toàn quốc không chuyên các bạn đã dành được huy chương Đồng. Đội ca trù hai thế hệ của thôn Đông Dương tại sân đình Sân đình còn là nơi diễn ra hoạt động mừng thọ cho những cụ ông, cụ bà của hội phụ lão. Hoạt động này thường được diễn ra hàng năm đều đặn. Đình làng Đông Dương có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Đông Dương. Dù đi xa khắp mọi nẻo đường, nhưng hàng năm vào dịp tết đến hoặc rằm tháng Giêng thì con cháu khắp nơi của quê hương lại về đây tụ họp. Họ dâng lên tổ tiên tấm lòng thành kính, họ báo cáo về những thành quả mình đã đạt được trong cuộc sống. Đây còn là nơi vô cùng linh thiêng trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây. Từ khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, lãnh đạo và chính quyền địa phương nơi đây đã rất quan tâm đến công tác bảo tồn, gìn giữ và trùng tu đình làng. Ông Hồ Viết Lâm - chủ tịch xã Quảng Phương đang phát biểu tại đình làng. Với vai trò quan trọng của đình làng Đông Dương trong đời sống tín ngưỡng và tinh thần của người dân nơi đây. Đảng, chính quyền và các cơ quan đoàn thể rất quan tâm và luôn có những hoạt động vệ sinh khuôn viên, chăm sóc, gìn giữ đình làng. Đồng thời có các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và giáo dục cho thế hệ trẻ có ý thức tự hào, giữ gìn và phát huy giá trị của di tích lịch sử cấp quốc gia này. Thế hệ trẻ Đông Dương sau buổi vệ sinh đình làng. 6. Ý NGHĨA CỦA VIỆC GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG Bài giới thiệu của em đã giúp các thầy cô giáo và các bạn học sinh thêm hiểu biết sâu sắc, yêu mến tự hào về đình làng Đông Dương cũng như quê hương Đông Dương nói riêng và Quảng Phương nói chung. Hơn nữa giúp các bạn ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa và tiềm năng sẵn có của quê hương. Bài giới thiệu giúp em tự tin, vững vàng hơn với những kiến thức được học về các bộ môn Địa lí, Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân...nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa việc “học đi đôi với hành”. Hết *************************************
File đính kèm:
- bai_tich_hop_kien_thuc_lien_mon_de_giai_quyet_van_de_thuc_tien_20150726_121540.doc