Bài dự thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn
Hòa chung không khí của những ngày lễ, ngày hội đầu xuân trên cả nước, quê hương tôi cũng tưng bừng mở hội. Cứ mỗi dịp xuân đến, du khách khắp nơi lại tràn về Tây Thiên để góp mình vào niềm vui lớn của ngày hội, về Hải Lựu để được cảm nhận không khí náo nhiệt, hồi hộp của những cuộc chọi trâu, về Bàn Giản để cùng tham gia vào những màn cướp phết cam go, quyết liệt,. Và về với Vĩnh Phúc còn bao nhiêu những trò chơi dân gian đang chờ đợi du khách bốn phương như: chơi đu (Tam Dương), bắt trạch cầu đinh ở làng Thạc Chục (Lập Thạch và Vĩnh Tường), leo cầu ùm ở Bình Dương (Vĩnh Tường),.
BÀI DỰ THI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN 1. Tên tình huống: Trên đường đi thăm nhà bác mình ở Thành phố Hồ Chí Minh, em đã tình cờ được gặp gỡ và nói chuyện với một vị khách nước ngoài. Vị khách ấy rất muốn em giới thiệu về quê hương Vĩnh Phúc - nơi em đang sinh sống. Em đã hứa sẽ viết một bài văn về quê hương mình để gửi cho người đó vào một dịp gần nhất. Vậy, em sẽ giới thiệu như thế nào về Vĩnh Phúc để vị khách ấy thêm hiểu về mảnh đất này hơn? 2. Mục tiêu giải quyết tình huống: Bài viết đạt yêu cầu về: - Nguồn gốc. - Vị trí địa lí. - Đặc điểm địa hình. - Đặc điểm về điều kiện tự nhiên, dân số. - Lịch sử đấu tranh và phát triển. - Hoạt động kinh tế, xã hội. 3. Tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết tình huống: Kết hợp các tri thức khách quan ở địa phương: - Đặc điểm địa lí, địa hình của tỉnh Vĩnh Phúc. - Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Vĩnh Phúc. - Đặc điểm khinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. 4. Giải pháp giải quyết tình huống: Vận dụng các kiên thức liên môn: - Ngữ văn: sử dụng từ ngữ; phương thức biểu đạt thích hợp cho bài văn (thuyết minh, nghị luận, biểu cảm,...); - Lịch sử: nguồn gốc; lịch sử đấu tranh và phát triển; - Địa lí: vị trí địa lí; địa hình; dân số và đặc điểm kinh tế; - Giáo dục công dân: bài học về lòng yêu quê hương, đất nước. 5. Thuyết minh tiến trình giải quyết tình huống: Viết các ý chính -> Tìm hiểu -> Trao đổi -> Viết thành bài văn. - Tư liệu sử dụng: sách Lịch sử địa phương, Địa lí địa phương, tài liệu Dư địa chí Vĩnh Phúc,... - Ứng dụng công nghệ thông tin: máy tính, máy ảnh, tìm kiếm google, Trên cơ sở các kiến thức đó để trình bày thành bài văn thuyết minh: Như lớp đất phù sa năm tháng vẫn bồi đắp cho những dòng sông xanh thêm màu mỡ, quê hương bao đời nay đã trở thành người mẹ hiền hòa bao bọc, nâng niu tâm hồn mỗi chúng ta. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Phúc, ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên, tôi luôn tự hào về mảnh đất yêu thương này - nơi đây đã trở thành máu thịt thiêng liêng, là chốn đi về không thể thiếu đối với mỗi người con khi xa xứ. Trở về với cội nguồn xa xưa của lịch sử, có thể nói cách đây khoảng 4.000 năm về trước, người Việt cổ đã có mặt ở Vĩnh Phúc. Về sau, với sự xuất hiện của nghề luyện kim đồng và đặc biệt là sự ra đời của nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, cư dân lúc bấy giờ đã tiến dần xuống khai phá vùng đồng bằng phù sa cổ ven các sông suối, đầm hồ... Đó là tiền đề đầu tiên về cội nguồn Vĩnh Phúc. Trải qua mấy nghìn năm hình thành và phát triển, ngày nay, tuy Vĩnh Phúc là tỉnh nhỏ, đất không rộng, người không đông, song biết phát huy những ưu thế của mình, dựa vào sức mình, Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc và có tên trong "câu lạc bộ ngàn tỉ". Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/02/1950, trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên. Sau nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, đến nay tổng diện tích tự nhiên của Vĩnh Phúc là 1.236,5 km2. Bản đồ hành chính Vĩnh Phúc Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có vị trí địa lí thuận lợi; phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang, Phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông và phía Nam giáp Thủ đô Hà Nội. Tỉnh lị của tỉnh Vĩnh Phúc là Thành phố Vĩnh Yên, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 25km, cảng Hải Phòng khoảng 150km và cảng nước sâu Cái Lân khoảng 170km. Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính bao gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, các huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc. Dân số năm 2012 là 1.021 nghìn người, bao gồm 15 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, dân tộc thiểu số chiếm 4,3%. Vĩnh Phúc nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng gò đồi, trung du với vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng; bởi vậy, địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và chia làm 3 vùng sinh thái: vùng núi, trung du và đồng bằng. Nói về địa hình này, người dân ở mảnh đất này có câu ca rằng: Nhất cao là núi Ba Vì Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn Mỗi dân tộc trong quá trình đấu tranh sinh tồn đều có những trang sử hào hùng, vẻ vang của họ. Vĩnh Phúc cũng không nằm ngoài vòng quay của quỹ đạo ấy. Có lẽ khi lật từng trang sử của mảnh đất này, mỗi chúng ta đều cảm thấy trong mình trào dâng một niềm tự hào khôn xiết. Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người dân Vĩnh Phúc đã được hun đúc, kết tinh và tỏa sáng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40) chống quân xâm lược nhà Hán, mở ra kỉ nguyên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam và cuộc khởi nghĩa của Lí Bí (542-550) chống lại quân xâm lược nhà Lương. Dọc theo chiều dài của lịch sử Vĩnh Phúc thời phong kiến, mấy ai quên được vị danh tướng được đánh giá là giỏi nhất Việt Nam thời kì này, đó chính là Trần Nguyên Hãn - người đã phò tá thành công cho Lê Lợi đánh tan quân Minh tàn bạo, củng cố nước nhà. Để rồi, lịch sử không ngần ngại khi gọi ông là người “Khai quốc nguyên huân” (công đầu mở nước). Đền thờ Trần Nguyên Hãn ở xã Sơn Đông - huyện Lập Thạch Cùng chung nỗi đau thương mất mát mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu trong hai cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp và chống Mĩ, nhân dân Vĩnh Phúc đã lần lượt dấy lên những phong trào khởi nghĩa, góp phần vào chiến thắng lẫy lừng năm châu, đánh đuổi hai tên đế quốc sừng sỏ, hùng mạnh ra khỏi bờ cõi nước nhà. Những cái tên như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Viết Xuân,... vì thế đã trở thành tên trường, tên đường, tên phố, trở thành điểm tựa vững chắc, là ngọn hải đăng soi đường để chúng tôi - những thế hệ đi sau noi gương và học tập. Khi những cuộc chiến tranh đang điên cuồng tàn phá quê hương thì vấn đề lương thực để cung cấp cho địa phương cũng như tiền tuyến là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Câu hỏi đặt ra trong hoàn cảnh này là làm thế nào để có lương thực, để người dân hăng say làm việc, để tạo được hiệu quả năng xuất trong lao động? Trong thời đại ấy, lịch sử Vĩnh Phúc đã sinh ra một con người - “vị cha đẻ của khoán hộ", mà người ta còn gọi là "khoán mười", cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp ở Việt Nam - đồng chí Kim Ngọc. Chân dung đồng chí Kim Ngọc Kim Ngọc là nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú, tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1917 tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ông là người khởi xướng việc "khoán hộ", trong nông nghiệp ở Việt Nam vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Thời kỳ đó do sự bắt chước một cách máy móc mô hình tổ chức xã hội của Liên Xô, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng ta khi đó đã không đánh giá đúng về khoán hộ, nên không có sự đồng thuận và bị hạn chế. Nhưng ông Kim Ngọc đã đưa ra những kiến giải mà chính ông đã chiêm nghiệm qua thực tiễn cơ sở. Ông cho rằng: chưa thể xây dựng quy mô sản xuất tập trung, khi nông dân thừa lao động, thiếu xăng dầu, chi phí sản xuất cao, nông dân không chịu được, không thể áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá khi trình độ người dân mới thoát mù chữ, đồng thời không thể có mô hình văn hoá chung cho tất cả làng xã, khi đình chùa bị phá huỷ, mà cơ cấu mới chưa ổn định. Nông thôn cần có thời gian để chuẩn bị, người nông dân cần được tích lũy tiềm lực kinh tế, một khi có kinh tế thì hãy nói đến học hành và xây dựng thiết chế văn hoá mới. Chúng ta hiện đang cần nông dân phát huy hết kinh nghiệm và nội lực của mỗi cá nhân để tạo dựng nền tảng. Kim Ngọc xuống cơ sở (Kim Ngọc mặc áo trắng, đi giữa) Cho đến hôm nay, những sáng kiến của đồng chí Kim Ngọc vẫn đang được thực thi, không hề lạc hậu. Nhận xét về vị Bí thư Tỉnh ủy này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: "Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân... . Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong". Bên cạnh tinh thần đấu tranh anh dũng, người dân Vĩnh Phúc còn tự hào biết mấy vì nơi đây còn là nơi cất giữ nhiều di tích mang dấu ấn sâu đậm về lịch sử, văn hóa, tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật đỉnh cao. Tính đến tháng 6 năm 2013, Vĩnh Phúc có 375 di tích, danh thắng; trong đó xếp hạng quốc gia có 65 di tích, cấp tỉnh có 310 di tích. Các di tích đền, chùa đều là những công trình nghệ thuật kiến trúc tinh tế, phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của người Vĩnh Phúc. Tiêu biểu là đình Thổ Tang (Vĩnh Tường), cụm đình Hương Canh (Bình Xuyên), tháp Bình Sơn (Sông Lô), Thiền viện trúc lâm Tây Thiên (Tam Đảo),... Tháp Bình Sơn Được kiến tạo trên cơ sở địa hình vùng núi là chủ yếu, thiên nhiên Vĩnh Phúc đã ban tặng cho con người nơi đây những danh lam thắng cảnh không thể bắt gặp ở chốn nào: Quần thể khu du lịch Tam Đảo Khu du lịch Tây Thiên Khu du lịch Đại Lải (hồ giữa núi) Đây chính là tiềm năng hiếm có để tỉnh Vĩnh Phúc phát triển ngành du lịch sinh thái - văn hóa. Số lượng khách đến tham quan qua các năm ngày càng tăng nhanh. Chính vì thế, Vĩnh Phúc đang và sẽ có những dự án đầu tư nhằm tăng chất lượng du lịch, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà. Hòa chung không khí của những ngày lễ, ngày hội đầu xuân trên cả nước, quê hương tôi cũng tưng bừng mở hội. Cứ mỗi dịp xuân đến, du khách khắp nơi lại tràn về Tây Thiên để góp mình vào niềm vui lớn của ngày hội, về Hải Lựu để được cảm nhận không khí náo nhiệt, hồi hộp của những cuộc chọi trâu, về Bàn Giản để cùng tham gia vào những màn cướp phết cam go, quyết liệt,.... Và về với Vĩnh Phúc còn bao nhiêu những trò chơi dân gian đang chờ đợi du khách bốn phương như: chơi đu (Tam Dương), bắt trạch cầu đinh ở làng Thạc Chục (Lập Thạch và Vĩnh Tường), leo cầu ùm ở Bình Dương (Vĩnh Tường),... Chọi trâu Hải Lựu Cướp phết Bàn Giản Lễ hội Tây Thiên Trong một lần về thăm Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: phải quyết tâm “xây dựng Vĩnh Phúc thành một tỉnh giàu mạnh nhất ở đồng bằng Bắc Bộ”. Thực hiện lời dạy của Người, với những chính sách tiến bộ, kinh tế Vĩnh Phúc đã có nhiều khởi sắc để hội nhập cùng nền kinh tế trong và ngoài nước. Từ 1997-2005, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Vĩnh Phúc nằm trong nhóm cao nhất cả nước (15%). Từ năm 2005-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 17,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỉ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Năm 2012, tỉnh có cơ cấu kinh tế là: công nghiệp, xây dựng đạt 54,4%; dịch vụ 33,1%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 13,5%. GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt 47,4 triệu đồng, tăng 20% so với năm 2011. Thực hiện nhiệm vụ: lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, nhiều khu công nghiệp được hình thành như: Bình Xuyên, Khai Quang, Bá Thiện, Chấn Hưng,... Khu công nghiệp Bình Xuyên Khu công nghiệp Khai Quang Xuất hiện nhiều công trình nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài hàng nghìn tỉ đồng như: công ty Honda, Toyota. Nhà máy Honda Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn là nơi phát triển nhiều làng nghề truyền thống như: làng gốm Hương Canh, làng đục đá Hải Lựu (Sông Lô), làng rèn Lí Nhân (Vĩnh Tường),... . Những sản phẩm này được đem đi bán khắp cả nước, nổi tiếng khắp nơi. Làng nghề gốm Hương Canh Làng đục đá Hải Lựu Ngày nay, Vĩnh Phúc quê tôi đang trên đà thay da đổi thịt, con thuyền ấy vẫn đang vươn mình để cập đến bến bờ thắng lợi. Hi vọng rằng sự thắng lợi ấy không chỉ là hôm nay mà còn là mãi mãi theo thời gian năm tháng để người dân quê tôi luôn có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh giàu mạnh nhất ở đồng bằng Bắc Bộ như lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Người về thăm tỉnh nhà. 6. Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống. Việc tích hợp các kiến thức liên môn không phải là vấn đề quá mới mẻ, tuy nhiên để vận dụng nó vào giải quyết các tình huống thực tiễn một cách hiệu quả thì không phải dễ dàng. Trên đây là sự tích hợp của nhiều kiến thức phân môn khác nhau như Địa lí, Lịch sử, Giáo dục công dân,... vào môn Ngữ văn để làm cho bài văn thuyết minh được sáng tỏ, thuyết phục, giúp học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo, giáo dục thêm những hiểu biết về quê hương và hơn thế còn rèn luyện các kĩ năng giải quyết tình huống trong thực tiễn. Sự vận dụng kiến thức liên môn như trên cũng giúp người tiếp nhận có thể hình dung phần nào về hình ảnh của quê hương Vĩnh Phúc thân yêu. Từ đó, mỗi trái tim đang hướng về mảnh đất này càng thêm yêu mến, trân trọng và phát huy những truyền thống tốt đẹp, những tiềm năng đang ấp ủ để xây dựng hai tiếng VĨNH PHÚC trở thành điểm dừng chân tươi sáng của chốn đi về.
File đính kèm:
- van_dung_kien_thuc_lien_mon_20150726_125918.doc