Tiếp cận "Sóng" từ góc nhìn văn hóa

Nhà thơ rất tinh tế khi sắp đặt những tính từ. Biến đổi cảm xúc trong tình yêu thì luôn bất ngờ không hẹn trước, có thể khi bạo liệt, khi ồn ào, dữ dội nhưng cái đích tìm về của tình yêu, của niềm hạnh phúc ngàn đời thì lúc nào cũng cần sự dịu êm bình yên và lặng lẽ không khoa trương. Khi yêu thì nỗi nhớ là điều thường trực nhất. Người con gái khẳng định mình chỉ có một phương để hướng về đấy là phương anh (như cách nói của Thúy Bắc trong Sợi nhớ sợi thương). Hình tượng sóng và em hóa thân vào nhau, khi song hành khi bao chứa đã thể hiện rõ sự chuyển đổi cung bậc tình cảm, những yêu thương nhung nhớ khi xa cách, và ở trạng thái nào cũng thường trực một sự hòa hợp: Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ để tình yêu là duy nhất, là bền chặt ngàn năm. Xuân Quỳnh thể hiện những trăn trở của mình khi qua một hành trình đầy chiêm nghiệm, và cái đích cuối cùng của cuộc hiện sinh, không gì khác là khát vọng hạnh phúc.

doc3 trang | Chia sẻ: halinh | Lượt xem: 1436 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiếp cận "Sóng" từ góc nhìn văn hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiếp cận "Sóng" từ góc nhìn văn hóa
M. Bakhtin cho rằng, văn học là một bộ phận không thể tách rời khỏi văn hóa, không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời nó tồn tại; không được tách nó khỏi các bộ phận khác của văn hóa, cũng như không được như người ta vẫn làm, là trực tiếp gắn nó với các nhân tố xã hội, kinh tế vượt qua đầu văn hóa. Văn hóa có khả năng quyết định sự phát triển của văn học trong một giới hạn, một mức độ nhất định; ngược lại, sự tác động ảnh hưởng trở lại với văn hóa của văn học cũng không nhỏ. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học gắn bó mật thiết ở cả hai phương diện đồng đại và lịch đại, do vậy nghiên cứu một hiện tượng văn học trong quan hệ đồng đại với văn hóa sẽ thấy được vai trò sáng tạo văn hóa, thấy được cấu trúc, chức năng văn hóa của văn học. Tuy nhiên, văn học không chỉ là sản phẩm của văn hóa một thời, mang trong mình giá trị của văn hóa một giai đoạn cụ thể mà là sản phẩm của cả một quá trình văn hóa.
Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh có những điểm thành công nổi trội mà chúng ta vẫn thường phân tích như hình tượng sóng và em; trạng thái tinh vi, phức tạp của tình yêu; khát vọng hạnh phúc... nhưng đặt nó trong mối quan hệ văn hóa - văn học sẽ hiểu được cặn kẽ hơn cũng như có những lý giải xác đáng. Khám phá bài thơ không chỉ bằng những ngôn từ, giọng điệu, hình ảnh hiển lộ trong bài, cần đặt tác phẩm vào hoàn cảnh ra đời, vào thời điểm lịch sử và cả những biến động xã hội xung quanh mới thấy được hết những thành công độc đáo khiến bài thơ ra đời là được sự đón nhận của độc giả và cả những “vị nể” của nhiều nhà thơ tên tuổi cùng thời(1).
Bắt đầu bài thơ là những trạng thái của sóng và một hành trình đi tìm kiếm, cắt nghĩa chính mình: Dữ dội và dịu êm/... Sóng tìm ra tận bể. Trái tim đang yêu của những con người đầy nhiệt huyết và trẻ tuổi ấy bất lực trong việc lý giải bởi sóng bắt đầu từ gió nhưng gió bắt đầu từ đâu? Đi qua những nỗi nhớ, đi qua những khát khao tới bờ, dẫu cuộc đời dài rộng bao nhiêu thì vẫn một mơ ước được vẫy vùng giữa biển lớn tình yêu: Làm sao được tan ra... Để ngàn năm còn vỗ. Trục cảm xúc vận động mang lại cho những vần thơ ấy một hiệu quả nghệ thuật cao là sự vận động từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ những rung động trực tiếp đến chiều sâu của nhận thức. Sự nồng nàn của cảm xúc cộng với sự sâu sắc của suy nghĩ đã tạo cho bài thơ tính triết luận và màu sắc suy tưởng.
Trong bài thơ Sóng, với cách lý giải từ văn hóa ứng xử của người phụ nữ trong cuộc sống cũng như trong tình yêu, độc giả sẽ có được cái nhìn sâu hơn về cách thể hiện của tác giả. Đặt bài thơ trong chiều lịch đại, chúng ta không khó để nhìn ra những nữ sĩ tài danh đã không ngần ngại thể hiện bản thân mình trong sáng tác. Truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam lưu danh những tên tuổi như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Lê Ngọc Hân... trong những thế kỷ bão táp của lịch sử dân tộc, và “chúng ta có quyền ngờ rằng, nhiều bài dân ca, truyện nôm khuyết danh xưa nếu không phải do người phụ nữ sáng tạo thì không thể nào biểu hiện được trung thực niềm khát khao đến cháy bỏng tình yêu cuộc sống và nỗi oan đến vật đổi sao rời như Thị Mầu, Thị Kính và nhiều bài ca trữ tình khác”(2). Với cái nhìn đồng đại, những nhà thơ cùng thế hệ (như Dương Thị Xuân Quý) cũng thể hiện tiếng nói của người phụ nữ trong một thời đại mới, cuộc sống mới mà sự trân trọng bản thân, sự ngợi ca tình yêu, đức hi sinh của người phụ nữ chưa bao giờ thôi mới mẻ. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước đánh dấu sự xuất hiện đông đảo, ào ạt của một thế hệ những nhà văn nhà thơ trẻ, họ đem vào văn học những giọng nói tươi mới. Xuân Quỳnh viết bài thơ năm 1967 khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, lớp lớp thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mà không hẹn ngày về mới thấy thấm thía nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu.
Bài thơ nói về tình yêu nhưng cũng chính là nói về lẽ đời, về niềm tin. Trong bối cảnh cuộc sống đầy bất trắc của chiến tranh, từ bản năng của một người phụ nữ, Xuân Quỳnh ý thức được sức mạnh của tình yêu thương sẽ là điểm tựa vững chắc giúp vượt qua những khốc liệt. Chị tự tin bộc lộ tình yêu vì coi đó là cứu cánh, là lẽ sống. Điều này có nét giống mà khác Xuân Diệu, bởi những cung bậc tình yêu của người nữ khác với người nam. Chị hay ưu tư hơn, dù khi thiết tha đắm say nhất vẫn thường trực một nỗi lo âu và khắc khoải về sự vô tận trong tình yêu:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?...
Tất cả những điều ấy xuất phát từ bản năng che chở của người phụ nữ, họ tự nhận về mình cái sứ mệnh thiêng liêng là duy trì tình yêu, hạnh phúc cho cuộc đời. Những thiệt thòi của cá nhân chị lại khiến cho sự bao dung, che chở ấy thành một khát vọng đau đáu hơn. Trong Thơ vui về phái yếu chị vừa khẳng định vừa muốn vượt thoát khỏi những định kiến xã hội khi khuôn người phụ nữ vào những điều nhỏ bé: Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất/ Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày... nhưng Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông/ Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét. Do gắn với gia đình trực tiếp và thường xuyên hơn nên người phụ nữ thiên về duy tình, muốn ổn định, hy sinh hơn là thay đổi, bứt phá. Theo Jung, nhà tâm lý học Thụy Sĩ, tâm lý nữ giới thuộc loại hình tình cảm, mang những đặc điểm rõ ràng hơn tư duy. Bằng sự mẫn cảm giới tính, thơ nữ mang những nét sắc sảo và tinh tế mà ở nhà thơ nam khó lòng nắm bắt được. Xuân Quỳnh có một cách riêng để nhận thức và khái quát hiện thực:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Trước đối tượng thẩm mỹ, nhờ thiên tính nữ của mình, các nhà thơ nữ thường bộc lộ những xúc cảm và cả những cảm nhận tinh tế mà người nam không có được, không nhìn ra được. Ấn tượng về giọng điệu của bài thơ một phần nhờ những câu hỏi tu từ và cách nhà thơ tự trả lời bằng một giọng điệu đầy nữ tính: Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau. Những trạng thái tinh vi, phức tạp của tình yêu qua cảm nhận và biểu lộ của một người phụ nữ trẻ và nhạy cảm:
- Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
- Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được... 
Nhà thơ rất tinh tế khi sắp đặt những tính từ. Biến đổi cảm xúc trong tình yêu thì luôn bất ngờ không hẹn trước, có thể khi bạo liệt, khi ồn ào, dữ dội nhưng cái đích tìm về của tình yêu, của niềm hạnh phúc ngàn đời thì lúc nào cũng cần sự dịu êm bình yên và lặng lẽ không khoa trương. Khi yêu thì nỗi nhớ là điều thường trực nhất. Người con gái khẳng định mình chỉ có một phương để hướng về đấy là phương anh (như cách nói của Thúy Bắc trong Sợi nhớ sợi thương). Hình tượng sóng và em hóa thân vào nhau, khi song hành khi bao chứa đã thể hiện rõ sự chuyển đổi cung bậc tình cảm, những yêu thương nhung nhớ khi xa cách, và ở trạng thái nào cũng thường trực một sự hòa hợp: Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ để tình yêu là duy nhất, là bền chặt ngàn năm. Xuân Quỳnh thể hiện những trăn trở của mình khi qua một hành trình đầy chiêm nghiệm, và cái đích cuối cùng của cuộc hiện sinh, không gì khác là khát vọng hạnh phúc.
Điểm dễ nhận ra trong tâm lý học sáng tạo của phụ nữ là những liên tưởng đóng khung trong một không gian hẹp, họ khó thoát ra được bản thân mình, ngôi nhà, cánh cửa... Ở bài thơ Sóng, hình ảnh thơ lại mang đến những khoáng đạt, phóng túng trong một không gian rộng với sóng bể, đại đương, mây trời khi biểu đạt một tình yêu nồng nàn của tuổi trẻ. Sau này, qua những chặng đường trải nghiệm, khi bộc lộ tình yêu của một người phụ nữ đã nếm trải hi sinh, Xuân Quỳnh lại trở về với không gian nhỏ của mình, nơi những Tấm rèm cửa màu xanh/ Trang thơ còn viết dở/ Tách nước nóng trên bàn/ Và lòng em thương nhớ (Anh)...
Hyppolite Taine căn cứ vào chủng tộc (race), hoàn cảnh môi trường (milieu), thời điểm (moment) để giải thích sự hình thành một tác giả. Cuộc đời bất hạnh (mồ côi từ nhỏ) rồi những mất mát, vất vả khiến cho nghị lực vượt lên của Xuân Quỳnh càng mạnh mẽ. Trong bài thơ, sự chủ động trong tình yêu được bộc lộ kín đáo mà sôi nổi, đắm say mà vẫn giữ được sự nữ tính. Đóng góp của Xuân Quỳnh qua Sóng cũng như nhiều bài thơ khác (Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Tự hát...) là tạo nên một tiếng nói của người phụ nữ làm chủ cuộc đời, làm chủ tình yêu; vừa không xa rời truyền thống vừa thể hiện được cách nhìn của thời đại. Cái mạnh bạo, chủ động và quyết liệt ấy của chị chẳng phải do ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây (người ta vẫn gọi thơ tình Xuân Diệu là “Tây”, là “mới nhất trong các nhà thơ Mới”) mà hoàn toàn có căn nguyên cội rễ từ văn hóa phương Đông, nơi không thiếu những nữ sĩ đã tự khẳng định mình trong tình yêu cũng như cuộc sống. Xuân Quỳnh từ con người có nhu cầu tự ca hát về tình yêu và cuộc săn đuổi hạnh phúc của mình thành một nhà thơ viết về tình yêu vào loại phong phú nhất trong số các nhà thơ cùng thế hệ, với quan niệm về “chuẩn mực tình yêu” như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng “chuẩn mực tình yêu ở nhà thơ khao khát yêu đương ấy vẫn có vẻ gì rất đồng nội, quê kiểng, nó gắn với sự duy nhất, sự chung tình, với tổ ấm, với mái nhà, với hạnh phúc của hôn nhân, nó đòi tuyệt đối, nó dứt khoát không chấp nhận mọi ngập ngừng, trù trừ, láu cá, nó không chịu bị xẻ chia, bị vay mượn...”(3). Ca dao Việt Nam bên cạnh những câu hát than thân, xuất hiện không ít những câu ca khẳng định vai trò của người phụ nữ trong tình yêu, họ chủ động bộc lộ nỗi nhớ khi yêu, nỗi buồn khi xa cách và cả sự quyết liệt: Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua. Bài thơ Sóng khắc họa nỗi nhớ “cả trong mơ còn thức”, ca dao cũng viết: Có đêm thơ thẩn một mình/ Ở đây thức cả năm canh rõ ràng/ Có đêm tạc đá ghi vàng/ Ngày nào em chả nhớ chàng, chàng ơi; rồi khát vọng những con sóng tới bờ “dù muôn vời cách trở”, ca dao cũng diễn tả thẳng thắn: Em về em thưa với mẹ cha/ Có cho em lấy chồng xa quê người/ Em về hỏi mẹ thầy rồi/ Chồng xa cũng lấy quê người cũng đi...
Bài thơ Sóng thể hiện thiên tính nữ rất rõ như chính con người Xuân Quỳnh. Chị làm thơ là để thể hiện lòng mình và những khát vọng về hạnh phúc chưa bao giờ nguôi ngoai. Khi yêu nồng cháy “tưởng như chết vì tình ái” cũng như khi “luôn hi vọng để rồi luôn thất vọng”, chị vẫn một ước mơ “làm sao được tan ra/ thành trăm con sóng nhỏ/ giữa biển lớn tình yêu” mà mình hằng tin tưởng và sùng bái. Có thể khẳng định “Xuân Quỳnh là hiện tượng rất quan trọng của nền thơ chúng ta, có lẽ từ thời Hồ Xuân Hương qua các chặng đường phát triển phải đến Xuân Quỳnh nền thơ ấy mới thấy lại một nữ thi sĩ mà tài năng và sự đa dạng của tâm hồn được thể hiện ở một tầm cỡ đáng kể như vậy”. Sóng là bài thơ tiêu biểu cho tài năng của nữ sĩ ấy, nó khiến chúng ta trân trọng một trái tim phụ nữ dám sống, dám tận hiến cho tình yêu, khát khao có được sự hòa hợp tuyệt đối, biết rằng “sau vô biên dẫu chỉ có vô biên” (Lưu Quang Vũ) nhưng vẫn cháy hết mình cho những điều tin tưởng. Mỗi câu thơ hay lại sống lại đến bất tận từ tro tàn của nó (Paul Valéry). Những lời tự hát ngợi ca sự thủy chung sắt son của người phụ nữ như những con sóng giữa biển lớn tình yêu luôn tìm được sự đồng cảm và sẻ chia của những trái tim đang yêu ở mọi thời đại, và nói như cách của Dêgơcx, chừng nào tâm hồn một con người còn cần đến với một tâm hồn khác, chừng đó tác phẩm nghệ thuật còn cần thiết cho con người.
*************************
- Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Thơ chị là tiếng lòng của một tâm hồn tươi trẻ, luôn khát khao tình yêu, “nâng niu chi chút” từng hạnh phúc bình dị đời thường. Trong số các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Xuân Quỳnh xứng đáng được gọi là nhà thơ tình yêu. Chị viết nhiều, viết hay về tình yêu trong đó “Sóng” là một bài thơ đặc sắc.
 - Đặc điểm nổi bật trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh là chị vừa khát khao một tình yêu lý tưởng và hướng tới một hạnh phúc bình dị thiết thực: “Đến Xuân Quỳnh, thơ hiện đại Việt Nam mới có một tiếng nói bày tỏ trực tiếp những khát khao tình yêu vừa hồn nhiên chân thực, vừa mãnh liệt sôi nổi của một trái tim phụ nữ.
- “Sóng” là bài thơ đã kết tinh những gì sở trường của hồn thơ Xuân Quỳnh. Nhưng thành công đáng kể nhất là Xuân Quỳnh đã mượn hình tượng sóng để diễn tả những cảm xúc vừa phong phú phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực khao khát yêu đương.
**************************

File đính kèm:

  • docTai lieu on thi HSG Song.doc
Giáo án liên quan