Sáng kiến kinh nghiệm Rèn cho học sinh lớp 5 đọc diễn cảm - Trường Tiểu học Thường Quan

Để đạt được mục tiêu trên giáo viên chỉ dạy đủ nội dung cho từng phân môn thôi chưa đủ mà còn phải làm thế nào để dạy tốt dạy hay, phải đổi mới phương pháp giảng dạy để cho mỗi giờ học thực sự “Nhẹ nhàng hơn, tự nhiên hơn và hiệu quả hơn. ”

Môn Tiếng việt được chia làm nhiều phân môn nhỏ : Tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn. Riêng với phân môn Tập đọc, việc luyện đọc nói chung và phương pháp luyện đọc diễn cảm nói riêng có một vai trò rất lớn đối với học sinh khi luyện đọc.

Đọc diễn cảm được thực hiện trong mọi giờ học của bậc Tiểu học nhưng đặc biệt nhất là ( lớp 4 + 5 ). Các em đã đọc thông viết thạo rồi nhưng chưa đọc diễn cảm được. Chính vì vậy nên các em không cảm thụ và tiếp xúc được với ngôn ngữ nghệ thuật, cảm thụ hết cái hay, cái đẹp của văn chương. Do vậy các em cần sự giúp đỡ của người thầy, người cô để giúp các em có kỹ năng đọc tốt, tạo điều kiện cho các em đọc để cảm nhận được tốt môn Tiếng Việt cũng như những môn khác.

 

doc13 trang | Chia sẻ: Khải Trần | Ngày: 28/04/2023 | Lượt xem: 212 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm Rèn cho học sinh lớp 5 đọc diễn cảm - Trường Tiểu học Thường Quan, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hể thực hiện việc cải tiến phương pháp dạy học nói chung và môn Tiếng Việt lớp 5 nói riêng nhằm gây hứng thú học tập, tạo niềm tin, niềm vui bằng sự hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt: nghe, nói, đọc, viết để học sinh giao tiếp. Thông qua việc dạy Tiếng Việt góp phần rèn luyện thao tác tư duy.
Tiếng Việt là tiếng ghi âm, nghĩa là viết như thế nào thì đọc như thế ấy, có đọc được thì mới hiểu được nội dung. Vì thế phân môn Tập đọc có vị trí đặc biệt trong chương trình Tiểu học. Nó đảm nhiệm việc hình thành và phát triển cho học sinh kĩ năng đọc, một kĩ năng quan trọng hàng đầu của học sinhTiểu học đồng thời làm cơ sở, nền móng cho mọi sự phát triển. Đọc trở thành nhiệm vụ cấp thiết của mỗi người đi học. Biết đọc con người đã nhân khả năng tiếp nhận lên nhiều lần, từ đây họ biết tìm hiểu, đánh giá cuộc sống, nhận thức các mối quan hệ tự nhiên, xã hội. 
Nhờ đọc mà con người bày tỏ ý kiến của mình. Từ đó con người có điều kiện tự học và hiểu biết các môn học khác. Như vậy có thể khẳng định rằng đọc là cầu nối của mọi tri thức, của mọi môn học. Đọc chính là học, học nữa, học mãi, đọc để tự học, học cả đời. Bởi vậy dạy cho học sinh biết đọc, đọc đúng, đọc hiểu và đọc diễn cảm là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng. 
Trong thực tế hiện nay, ở trường Tiểu học việc dạy đọc, bên cạnh những thành công, còn nhiều hạn chế. Học sinh của chúng ta chưa đọc được như mong muốn, kết quả đọc của các em chưa đáp ứng được yêu cầu của việc hình thành kĩ năng đọc. Các giờ Tập đọc thì hầu như học sinh chỉ mới biết đọc đúng, đọc trơn, số lượng học sinh biết đọc diễn cảm tốt còn rất hữu hạn. Giáo viên còn lúng túng khi dạy Tập đọc đồng thời những phương pháp cụ thể hướng dẫn rèn đọc diễn cảm cho học sinh Tiểu học cũng rất ít được quan tâm.
Vậy để giúp học sinh đọc đúng, đọc diễn cảm, hiểu và cảm thụ được bài văn, bài thơ thì đòi hỏi người giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng mới đó là “Mọi học sinh đều phải tích cực tham gia vào hoạt động học tập”.
Do đó với mong muốn làm thế nào để chất lượng đọc đúng, đọc diễn cảm của học sinh lớp 5 ngày càng nâng cao, tôi đã chọn đề tài “ Rèn cho học sinh lớp 5 đọc diễn cảm” làm đề tài nghiên cứu.
2. Cơ sở lý luận của vấn đề
 Môn Tiếng việt giữ một vai trò quan trọng trong chương trình tiểu học. Học tốt môn Tiếng việt là tiền đề để học tốt những môn học khác. Nói về mục tiêu của môn Tiếng việt bậc tiểu học, văn bản dự thảo “Chương trình môn Tiếng việt bậc tiểu học” do tiểu ban Tiếng việt (Bộ giáo dục - Đào tạo) tổ chức soạn thảo năm 1996 (cho giai đoạn sau năm 2000) ghi rõ : 
 Mục tiêu của môn Tiếng Việt bậc tiểu học là: 
Hình thành và phát triển kỹ năng đọc, viết, nghe, nói cho học sinh nhằm giúp các em sử dụng Tiếng việt có hiệu quả trong việc học tập và giao tiếp ở gia đình trường học và xã hội. 
Góp phần cùng môn học khác phát triển năng lực tư duy cho học sinh. 
Trang bị cho học sinh những hiểu biết ban đầu về văn học, văn hoá và ngôn ngữ, văn hoá thông qua một số sáng tác văn học và một số loại văn bản khác của Việt Nam và thế giới nhằm hình thành ở các em nhu cầu thưởng thức cái đẹp, khả năng dung cảm trước cái đẹp trước những buồn vui yêu ghét của con người. 
Góp phần hình thành nhận thức tình cảm, thái độ hành vi đúng đắn của con người Việt Nam hiện đại trong quan hệ gia đình và xã hội. 
Để đạt được mục tiêu trên giáo viên chỉ dạy đủ nội dung cho từng phân môn thôi chưa đủ mà còn phải làm thế nào để dạy tốt dạy hay, phải đổi mới phương pháp giảng dạy để cho mỗi giờ học thực sự “Nhẹ nhàng hơn, tự nhiên hơn và hiệu quả hơn. ” 
Môn Tiếng việt được chia làm nhiều phân môn nhỏ : Tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn... Riêng với phân môn Tập đọc, việc luyện đọc nói chung và phương pháp luyện đọc diễn cảm nói riêng có một vai trò rất lớn đối với học sinh khi luyện đọc. 
Đọc diễn cảm được thực hiện trong mọi giờ học của bậc Tiểu học nhưng đặc biệt nhất là ( lớp 4 + 5 ). Các em đã đọc thông viết thạo rồi nhưng chưa đọc diễn cảm được. Chính vì vậy nên các em không cảm thụ và tiếp xúc được với ngôn ngữ nghệ thuật, cảm thụ hết cái hay, cái đẹp của văn chương. Do vậy các em cần sự giúp đỡ của người thầy, người cô để giúp các em có kỹ năng đọc tốt, tạo điều kiện cho các em đọc để cảm nhận được tốt môn Tiếng Việt cũng như những môn khác.	
3. Thực trạng của vấn đề
Qua quá trình giảng day nhiều năm ở trường Tiểu học, tôi nhận thấy việc rèn đọc diễn cảm cho học sinh trong giờ học chiếm một vị trí rất quan trọng đặc biệt đối với học sinh lớp 5.
 Tìm hiểu về những thuận lợi và khó khăn trong việc rèn đọc diễn cảm của học sinh lớp 5 qua giờ Tập đọc, tôi thấy học sinh có nhiều điều kiện tốt giúp cho việc rèn đọc có kết quả. Những điều kiện đó là về chương trình, trình độ học sinh, sự quan tâm của gia đình, thầy cô và bạn bè. Mặc dù có thuận lợi như vậy, thực tế tôi thấy khả năng đọc của học sinh không đồng đều, một số em có khả năng đọc rất tốt chỉ là sau khi nghe giáo viên đọc mẫu và hướng dẫn là các em có thể đọc khá đạt một tác phẩm. Song bên cạnh đó, có những em có khả năng đọc còn hạn chế mặc dù đã được hướng dẫn tỉ mỉ. Nguyên nhân tình trạng này có cả nguyên chủ quan và khách quan. Nguyên nhân khách quan là do những lỗi sai chung của địa phương khi phát âm và do phương pháp hướng dẫn của giáo viên, nên chưa phù hợp với toàn bộ học sinh. Bên cạnh nguyên nhân, chính là nguyên nhân chủ quan, từ phía học sinh các em chưa tích cực rèn luyện, chậm trong tiếp thu kiến thức. Từ sự chênh lệch như vậy, với mục tiêu chung đặt ra đối với giáo dục, là phát triển đồng bộ học sinh về các mặt. Trên cơ sở bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, khuyến khích quan tâm các học sinh tiếp thu chậm, giúp các em đạt trình độ chung. 
 Qua thực tế giảng dạy ở lớp 5, tôi thấy việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh có một số vấn đề như sau: 
3.1. Về phía giáo viên: 
- Đối với đa số giáo viên, Tập đọc không phải là phân môn khó dạy. Hầu hết trong số họ đều có nhiều cố gắng trong việc tìm tòi phương pháp, nghiên cứu nội dung, học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt có đổi mới phương pháp giảng dạy “Lấy học sinh làm trung tâm” nhưng kết quả cho thấy học sinh chưa đọc được hay ( đọc diễn cảm) bài đọc. Bởi trong khi dạy, giáo viên thường mới chỉ coi trọng và sửa cho học sinh vấn đề đọc to, rõ ràng, lưu loát chứ chưa quan tâm nhiều đến kỹ thuật đọc, giọng đọc, cách đọc diễn cảm của học sinh hay việc đọc mẫu của giáo viên. 
- Giáo viên dạy Tập đọc như dạy Văn trước đây. Nhìn chung phương pháp còn mang tính chất hưởng thụ và áp đặt ( về cách hiểu nội dung bài, cách đọc bài). - Giáo viên giảng giải quá nhiều về các từ khó, về ý nghĩa của bài mà xem nhẹ phần luyện đọc, đặc biệt là luyện đọc diễn cảm. 
- Bên cạnh đó, do khách quan, một số giáo viên không có chất giọng tốt để đọc hay bài đọc. 
- Giáo viên Tiểu học lại dạy quá nhiều môn trong một buổi học nên việc đầu tư thời gian để luyện đọc trước khi lên lớp còn có phần hạn chế... 
3.2. Về phía học sinh: 
- Học sinh không quan tâm đến phương pháp đọc của mình, do đó các em rất yếu về năng lực di chuyển kĩ năng đọc đã được hình thành ở các lớp trước, các bài trước để giải quyết những vấn đề đặt ra trong bài mới. 
- Các em đã đọc thành tiếng, phát âm đúng và rõ các tiếng có vần khó. Nhưng đọc để thể hiện nội dung bài đọc thì còn thấp. Khi đọc, nhiều em chưa hiểu ý của từng đoạn, từng bài, các em ngắt nghỉ câu văn, ngắt nhịp câu thơ chưa chính xác, chưa thể hiện được nội dung và tình cảm bài đọc bằng sắc thái giọng đọc vui, buồn, trầm, bổng, gợi cảm... 
- Kĩ năng đọc lướt để tìm hiểu nội dung bài chưa tốt ở đa số các em. Ảnh hưởng của phương ngữ: tình trạng phát âm lẫn giữa thanh ngã và thanh sắc,... còn nặng nề. 
- Do đặc điểm vùng miền, kinh tế ở gia đình chưa cao nên các em chưa được tạo điều kiện tốt để học tập. 
Qua điều tra khảo sát chất lượng đọc của học sinh ngay từ đầu năm học, tôi thấy lượng học sinh đã biết đọc diễn cảm bài văn, bài thơ rất ít, nhất là đối với những học sinh tiếp thu chậm.
Cụ thể điều tra chất lượng đọc của học sinh lớp 5D đầu năm học này có số liệu như sau:
 Lớp 5D đầu năm học 2017- 2018
Sĩ số
HS đọc nhỏ, chậm
HS đọc to, lưu loát
HS đọc diễn cảm
Số lượng
%
Số lượng
%
Số lượng
%
15
8
53,3
5
33,3
2
13,3
4. Các giải pháp, biện pháp thực hiện
 Từ những hiểu biết của mình về phân môn Tập đọc nói chung và rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 5 nói riêng, tôi đã suy nghĩ tự đặt ra cho mình phải nhận thức được tầm quan trọng của phân môn. Đặc biệt quan tâm nhiều đến việc rèn đọc diễn cảm cho học sinh với những yêu cầu đề ra. Thực tế, tôi luôn luôn tìm tòi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của lớp người đi trước để tìm ra phương pháp giảng dạy, truyền thụ kiến thức và đặc biệt cách rèn đọc diễn cảm cho học sinh.
Chúng ta đều biết đọc diễn cảm khó hơn đọc bình thường. Đọc bình thường chỉ đòi hỏi phát âm đúng, đọc lưu loát, biết nghỉ đúng chỗ theo các dấu ngắt câu, biết lên, xuống giọng. Đọc diễn cảm đòi hỏi người đọc phải nắm chắc nội dung từng đoạn từng bài, tâm tình và lời nói của từng nhân vật để diễn tả cho đúng tinh thần của câu văn, bài văn, tức là đi sâu vào bản chất của câu văn, bài văn. Cho nên, mục đích đọc diễn cảm là bộc lộ ra được cái bản chất của nội dung và trên cơ sở đó muốn truyền đạt đúng những ý nghĩ và tình cảm của tác giả. Muốn đọc diễn cảm tốt phải hiểu kỹ nội dung của bài tập đọc và phải truyền đạt tốt sự hiểu biết của mình tới người nghe. Học sinh đọc diễn cảm chưa tốt là do nguyên nhân: giáo viên chưa giúp học sinh cảm thụ tốt nội dung bài tập đọc và nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là khả năng đọc mẫu của giáo viên còn hạn chế.
Muốn đọc diễn cảm tốt, ta cần:
 4.1. Giúp học sinh cảm thụ tốt nội dung bài tập đọc
a, Bám sát yêu cầu của bài tập đọc
- Yêu cầu của bài tập đọc phải được xác định từ khi soạn bài ở nhà.
Bám sát yêu cầu của bài tập đọc, trong 3 yêu cầu ấy phải được toát ra từ bản thân bài tập đọc và giáo viên phải vận dụng vào thực tế lớp mình giảng dạy thì việc bám sát yêu cầu của bài tập đọc mới thực sự hiệu quả.
b, Giảng từ và khai thác nghệ thuật.
- Giảng từ: trong bài tập đọc thường có nhiều từ. Vậy ta cần phải giảng những từ nào?
- Qua kinh nghiệm về giảng dạy phân môn Tập đọc tôi thấy có thể chia những từ để giảng làm 3 loại: loại từ khó, loại từ gắn với chủ đề đang học và loại từ 
chìa khoá (từ trung tâm). 
 + Từ khó có thể là từ địa phương được tác giả đưa vào bài, là loại từ Hán Việt, là danh từ riêng. Loại từ này thường có trong phần chú giải cho nên sau khi đọc mẫu xong tôi cho học sinh đọc phần chú giải để học sinh hiểu ngay được những từ này khi bắt đầu tiếp xúc với bài tập đọc.
 + Từ chủ đề: Trong mỗi chủ đề tập đọc có một số từ ngữ mà giáo viên cần lưu ý bởi đó là những từ làm toát lên chủ đề. Từ chủ đề cũng có khi là từ khó. Giáo viên có thể kết hợp giảng các từ chủ đề với các từ khó hoặc với các từ trung tâm trong quá trình khai thác.
 + Từ trung tâm: Đây là những từ có sức nặng, giáo viên cần khai thác để làm toát lên nội dung bài học.
 Ta chia những từ cần giảng làm 3 loại như vậy để dễ phân biệt còn trong thực tế nhiều khi từ khó cũng là từ chủ đề hoặc từ trung tâm.
- Vậy khi giảng từ ta có thể dùng những phương pháp nào? Những phương pháp phổ biến là phương pháp trực quan, liên hệ, so sánh, phương pháp định nghĩa, giảng giải.
 + Khi dùng phương pháp trực quan, tôi áp dụng bằng nhiều hình thức: Trực quan bằng giọng nói, giọng đọc, nét mặt, ánh mắt, dáng điệu, động tác, hình mẫu, tranh ảnh vật thực. Phương pháp trực quan là phương pháp rất tốt để học sinh có thể hiểu và nhớ lâu nghĩa của từ nhưng phương pháp này chỉ dùng để giảng từ cụ thể. Khi gặp những từ trừu tượng như sắc lệnh, tổng tuyển cử, hữu nghị, khiêm tốn thì rất khó dùng phương pháp này. Do vậy, ngoài phương pháp này tôi còn sử dụng nhiều phương pháp khác.
 + Phương pháp định nghĩa, giảng giải.
 Ở lớp 5 nhận thức lý tính tổng quát của học sinh đã phát triển nên trong khi giảng từ cho học sinh hiểu tôi vẫn thường dùng phương pháp định nghĩa hay giảng giải xen lẫn các phương pháp khác.
 + Phương pháp so sánh:
 Khi giảng về từ lạnh tê tái, tôi nêu lên một loạt các khái niệm lạnh lẽo, lạnh buốt, lạnh giá để học sinh thấy được lạnh tê tái ở mức độ cao hơn. Mặt khác, tôi cho học sinh tìm từ trái nghĩa với từ lạnh tê tái là nóng hầm hập để học sinh càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa của từ này.
Khai thác nghệ thuật:
 Theo tôi bài tập đọc là một thể thống nhất giữa hai mặt nội dung và nghệ thuật, do vậy, tôi nghĩ chúng ta phải thông qua việc khai thác nghệ thuật để làm toát lên nội dung tư tưởng. Tôi thấy trong khi dạy tập đọc vốn kiến thức văn học mà học sinh tích luỹ được chưa nhiều.
 Vậy: “Khai thác nghệ thuật của một bài tập đọc là khai thác những gì?”
 Theo tôi tuỳ từng bài mà chúng ta phải xem bài tập đọc ấy có những nét gì nổi bật về nghệ thuật cần khai thác.
- Tuy nhiên vẫn phải kết hợp xen kẽ các hình thức nghệ thuật khác nhau như: Khai thác nghệ thuật dùng từ, khai thác nghệ thuật viết câu văn, khai thác nghệ thuật xây dựng bố cục bài văn Có như thế, phần khai thác nội dung bài mới đầy đủ. Song, nói như vậy cũng chưa thật đầy đủ nếu ta không nhắc đến biện pháp khai thác biện pháp nghệ thuật tu từ. Qua thực tế nhiều năm giảng dạy tôi thấy các biện pháp tu từ ở tiểu học cần tập trung khai thác là: Biện pháp so sánh, điệp từ, nhân hoá.nếu khai thác tốt các biện pháp tu từ này thì giúp ích rất nhiều trong việc hướng dẫn học sinh cảm thụ bài văn.
c, Giảng ý và liên hệ thực tế
- Giảng ý: Qua kinh nghiệm giảng dạy tôi khẳng định một điều: giảng từ và giảng ý thường phải gắn chặt với nhau. Ta phải giảng từ, khai thác hình ảnh để làm toát lên ý của bài hay nói cách khác ta phải khai thác nghệ thuật để làm toát lên nội dung.
- Tóm lại trong quá trình giảng dạy những câu hỏi giảng ý thường gắn với những câu hỏi giảng từ và câu hỏi khai thác hình ảnh thành một hệ thống câu hỏi dẫn dắt học sinh thâm nhập vào nội dung của bài để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bài văn. Từ đó học trò mới có cảm xúc thực sự và mới đọc hay bài tập đọc được.
d. Liên hệ thực tế
 Các bài tập đọc cung cấp cho học sinh những kiến thức phong phú về cuộc sống muôn màu muôn vẻ của nhân dân ta. Những kiến thức đó muốn được cụ thể, sinh động thì tuỳ từng bài mà giáo viên cần có sự liên hệ với thực tế cho phù hợp
 Rõ ràng chỉ sau khi giáo viên đã giảng thật kĩ nội dung bài, học sinh hiểu bài, thâm nhập nội dung của bài thì lúc đó các em mới có thể truyền tải tới người nghe những ý nghĩ, tình cảm của tác giả (Tức là lúc đó các em mới đọc diễn cảm được).
 4.2. Giúp học sinh đọc diễn cảm bài tập đọc
Phần hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm được tiến hành ngay sau khi tìm hiểu nội dung của toàn bài. Cách tiến hành hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm:
- Tôi chép từng đoạn thơ lên bảng phụ. Sau khi hỏi học sinh về nội dung của từng đoạn, tôi hỏi về cách đọc hay của từng đoạn sau đó cho học sinh khá hoặc cô giáo đọc mẫu để thể hiện cách đọc hay của từng đoạn đó; cho học sinh khác phát hiện ra những điểm nhấn, giáo viên gạch chân những từ cần nhấn và gọi học sinh khác luyện đọc lại.
- Nghệ thuật đọc diễn cảm thể hiện ở việc nhấn giọng, cao giọng hay hạ giọng trong một bài, một đoạn, bài không phải đọc với giọng đều đều như nhau mà có từ ngữ đọc nhấn giọng hơn. Việc nhấn gọng hay hạ giọng phải đúng, chính xác, nhằm vào những từ mấu chốt, những từ có ý nổi bật, bộc lộ rõ nội dung câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ, bài văn, bài thơ.
- Cái gốc để giúp cho học sinh có thể đọc diễn cảm tốt là phải giúp học sinh cảm thụ tốt nội dung bài tập đọc. Cách thức giúp học sinh cảm thụ tốt nội dung bài tập đọc chính là các bước tiến hành mà tôi đã nêu ra ở trên. Song, học sinh có thể đọc diễn cảm tốt hơn nếu như học sinh được nghe cô giáo mình đọc hay, đọc tốt. Cách đọc của cô chính là một thứ phương tiện trực quan có hiệu quả nhất góp phần minh chứng cho những gì mà cô và trò cùng thống nhất ở trên. Để rèn cho mình khả năng đọc diễn cảm tôi thường soạn bài thật kỹ (bài soạn của tôi dựa trên những gợi ý của sách giáo viên song cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế của lớp mình về trình độ nhận thức cũng như khả năng đọc của học sinh để có một bài soạn phù hợp nhất, cân đối nhất giữa hai phần rèn đọc và cảm thụ). Xem lại toàn bộ nội dung bài soạn trước khi lên lớp để nắm chắc nội dung bài, thẩm thấu toàn bộ nội dung của bài và nắm được suy nghĩ, tình cảm của tác giả được gửi gắm trong bài văn và đặt mình vào hoàn cảnh của tác giả để nhằm truyền tới người nghe hiểu biết của mình và tình cảm của tác giả. Với các bước tiến hành rèn luyện như vậy cùng với sự kiên trì tập luyện mà mỗi lần tôi đọc mẫu đã thực sự cuốn hút các em chú ý vào nội dung của bài.
 Trước những việc làm nêu trên, ngoài ra trong giờ tập đọc, tôi thường xuyên quan tâm đến những em rụt rè, nhút nhát, kịp thời khuyến khích động viên để các em có hứng thú đọc tốt hơn. Đối với những em đọc nhỏ, chậm, ngoài việc hướng dẫn chung đọc diễn cảm cho cả lớp, tôi đã có kế hoạch bồi dưỡng ngay từ đầu như: thường xuyên uốn nắn việc phát âm tiếng có vần khó, hướng dẫn đọc dứt khoát từng từ, từng ngữ. Với những câu văn dài tôi cho học sinh này dùng bút chì vạch sẵn những chỗ ngắt nhịp vào sách giáo khoa, giúp các em ngắt nhịp đúng chỗ, cứ như vậy uốn nắn dần để các em đọc tốt dần lên. Đặc biệt trong giờ Tập đọc, tôi luôn tạo cho lớp học một không khí thoải mái để các em phấn khởi học tập. Trong việc rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh tôi không sử dụng sự gò ép, áp đặt, mà thường xuyên sử dụng phương pháp gợi mở để phát huy tính chủ động, tích cực và sự sáng tạo ở mỗi học sinh, từ đó các em có điều kiện để thể hiện mình.
5. Kết quả đạt được
 Xuất phát từ thực tiễn của lớp, tôi đã thực hiện các biện pháp trên, qua một thời gian tôi thấy lớp có chuyển biến rõ rệt, các em học sinh đọc diễn cảm tốt hơn. Trong giờ học các em tiếp thu bài tốt hơn, không khí học tập sôi nổi hơn. Các em rất hứng thú say mê trong học tập. Qua đó các em dần có thói quen đọc và viết ngày một chuẩn hơn. 
Sau đây là kết quả kiểm tra đánh giá, phân loại ở 2 thời điểm đầu năm và cuối HKI năm học 2017-2018 của lớp 5D: 
Thời điểm
Sĩ số
HS đọc nhỏ, chậm
HS đọc to, lưu loát
HS đọc diễn cảm
Số lượng
%
Số lượng
%
Số lượng
%
Đầu năm
15
8
53,3
5
33,3
2
13,3
Cuối HKI
15
4
26,7
6
40
5
33,3
* Nhận xét: Kết quả thực nghiệm ở bảng trên cho thấy dạy theo phương pháp đổi mới đã có hiệu quả nhất định đối với việc rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh, học sinh đã có tiến bộ khá rõ rệt. Tuy rằng đây mới chỉ là kết quả hết sức khiêm tốn và việc “Rèn cho học sinh lớp 5 đọc diễn cảm” là một quá trình lâu dài, song với những kết quả bước đầu như trên, nếu tiếp tục rèn luyện các em sẽ có kỹ năng đọc diễn cảm. 
6. Điều kiện để sáng kiến được nhân rộng 
 - Để nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh lớp 5 đọc diễn cảm, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo tạo điều kiện và quan tâm hơn nữa trong việc bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Mỗi giáo viên cần nghiên cứu kĩ bài giảng trước khi lên lớp.
 - Địa phương cần có cơ sở vật chất tốt theo quy định của trường chuẩn Quốc gia để giúp các em học tập, vui chơi và tham gia các hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao chất lượng dạy học. 
	Trên đây chỉ là một vài kinh nghiệm nhỏ trong việc “Rèn cho học sinh lớp 5 đọc diễn cảm” của cá nhân tôi. Trong quá trình nghiên cứu, trình bày không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong nhận được ý kiến đóng góp của Hội đồng Sáng kiến để việc giảng dạy phân môn Tập đọc trong nhà trường ngày càng được nâng cao về chất lượng, giúp học sinh học tập đạt kết quả tốt hơn.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
 1. Giáo trình Tiếng Việt I
 Lê A, Lê Phương Nga, Đặng Kim Nga, Lê Hữu Tỉnh, Đỗ Xuân Thảo 
 Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội - năm 2006
 Giáo trình Tiếng Việt II
Lê Phương Nga, Nguyễn Trí
 Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội - năm 2006
 Giáo trình Tiếng Việt III
 Lê A
 Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội - năm 2006
 Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho GV Tiểu học 
 Nhà xuất bản Giáo dục - năm 2005

File đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_ren_cho_hoc_sinh_lop_5_doc_dien_cam_tr.doc
Giáo án liên quan