Những kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi văn 9

Bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải viết vào năm 1980, trong khung cảnh hoà bình, xây dựng đất nước. Một hồn thơ trong trẻo. Một điệu thơ ngân vang. Sáu câu thơ đầu như một tiếng hát reo vui đón chào một mùa xuân đẹp đã về. Tín hiệu đầu xuân là bông hoa tím biếc mọc trên dòng sông xanh của quê hương. Màu xanh của nước hoà với màu “ tím biếc” của hoa đã tạo nên bức tranh xuân chấm phá mà đằm thắm. Bức tranh thơ ấy sống động hơn, có giá trị thẩm mĩ đặc sắc bởi một hình ảnh thơ gợi tả gợi cảm: tiếng chim. Đứng trước dòng sông xanh, bông hoa tím, ngẩng nhìn bầu trời, nhà thơ vui sướng lắng tai nghe chim chiền chiện hót. Chim chiền chiện còn gọi là chim sơn ca, bạn của nhà nông. Từ “ơi” cảm thán biểu lộ niềm vui ngây ngất khi nghe chim hót:

doc263 trang | Chia sẻ: dung89st | Lượt xem: 2067 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Những kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi văn 9, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
(1). Nguyễn Huệ thật “ lão luyện dũng mãnh và có tài cầm quân”(2). Ngày 24 tháng Chạp năm Mậu Thân ( 1788) nhận được tin cấp báo về thế giặc ở Thăng Long, để danh chính ngôn thuận xuất quân đánh giặc cõi Bắc, ông lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung(3). Ngày 25 còn ở Thuận Hoá thế mà ngày 19 đã hành quân tới Nghệ An, mộ thêm binh tinh, tổ chức duyệt binh và truyền hịch đánh giặc cứu nước(4). Chỉ hơn một ngày đêm, ông dã kéo quân tới Tam Điệp, lệnh cho tướng sĩ ăn tết trước, hẹn đến mùng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc ăn mừng, rồi chia đại quân thành 5 đạo binh lớn “ gióng trống lên đường ra Bắc”( 5). Ông đã lấy yếu tố bất ngờ để đánh thắng giặc: bắt sống toàn bộ quân giặc do thám ở sông Thanh Quyết và đồn Hà Hồi; bao vây tiêu diệt đồn Ngọc Hồi, hàng vạn giặc bị giết “ thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối”(6). Tại Đầm Mực làng Quỳnh Đô, giặc Thanh bị bủa vây “ quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người”( 7). Trong khi đó, một trận “ rồng lửa” diễn ra ác liệt tại Khương Thượng, xác giặc chất thành 12 gò cao như núi(8). Nguyễn Huệ đã tiến công như vũ bão, khác nào “ Tướng ở trên trời rơi xuống, quân chui dưới đất lên”, làm cho Tôn Sĩ Nghị “ sợ mất mật ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giápnhắm hướng bắc mà chạy”(9). Trưa mùng 5, Nguyễn Huệ và đại quân kéo vào thành Thăng Long trước kế hoạch tác chiến 2 ngày( 10). Chiến thắng Đống Đa năm Kỉ Dậu ( 1789) đã dựng lên tượng đài tráng lệ, hùng vĩ về vua Quang Trung để dân tộc ta đời đời tự hào và ngưỡng mộ: 
	“ Mà nay áo vải cờ đào
	Giúp dân dựng nước biết bao công trình”
	( “ Ai tư vãn” - Ngọc Hân công chúa) (11).
	Mô hình cấu trúc doạn văn: Đoạn văn tổng phân hợp:
	Câu chủ đề bậc 1: câu 1. Giới thiệu nhận định về Nguyễn Huệ.
	Các câu khai triển: câu 2 -10. Chứng minh tài cầm quân của Nguyễn Huệ.
	Câu chủ đề bậc 2: câu 11. Cảm nghĩ về hình tượng người anh hùng.
	Ví dụ 3:
- Bài tập: Viết một đoạn văn diễn dịch, phân tích lòng yêu nghề, say mê công việc của anh thanh niên trong tác phẩm “ Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long (kết thúc đoạn là một câu cảm thán).
- Đoạn văn minh hoạ: 
	Anh thanh niên trong truyện ngắn “ Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là một người yêu nghề, say mê công việc, có tinh thần trách nhiệm cao. Công việc của anh là làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu với nhiệm vụ cụ thể là đo gió, đo mưa, tính nắng, tính mây, đo sự chấn động của vỏ trá đất. Anh làm việc đó một mình ở đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét , nơi chỉ có cây cỏ và sương mù bao phủ quanh năm. Công việc anh làm gian khổ, thầm lặng nhưng có ý nghĩa giúp dự báo thời tiết để nhân dân ta sản xuất và chiến đấu. Phải là người yêu nghề, say mê với công việc, anh mới trụ vững ở đỉnh Yên Sơn, mới chiến thắng được sự cô đơn một mình. Đam mê với công việc nên anh tìm thấy niềm vui trong công việc “ Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao có trể gọi là một mình được”. Thật cảm động khi anh tâm sự bày tỏ với ông hoạ sĩ “ Công việc gian khổ như thế đấy, nhưng cất nó đi, cháu buồn chết đi được”. Suy nghĩ của anh chính là suy nghĩ của thế hệ trẻ ở thập niên 70 của thế kỉ XX, thật đẹp biết bao!”
	Mô hình cấu trúc đoạn văn: Đoạn văn diễn dịch:
	Câu chủ đề: câu 1. Nêu đặc điểm bao quát của anh thanh niên.
	Các câu sau triển khai chứng minh cho đặc điểm đó.
	Câu kết đoạn đánh giá suy nghĩ về lẽ sống đẹp của anh. 
	 Ví dụ 4:
- Bài tập:
	Viết một đoạn văn khoảng 10 – 12 câu, theo cách lập luận diễn dịch phân tích về đặc điểm nổi bật của nhân vật ông Hai trong truyện Ngắn “ Làng” của Kim Lân. Đoạn văn có sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm (gạch chân yếu tố miêu tả, biểu cảm đó).
- Đoạn văn minh hoạ:
	Ông Hai trong truyện ngắn “ Làng” của kim Lân là nhân vật điển hình cho người nông dân trong kháng chiến chống Pháp có tình yêu làng, yêu nước cảm động. Ông Hai yêu làng Chợ Dầu của mình nên thường khoe và tự hào làng của ông là làng cách mạng, làng kháng chiến. Vì hoàn cảnh ông phải đi tản cư, ông luôn nhớ về làng “ Chao ôi, lão thấy nhớ làng mình quá!”. Gặp đoàn tản cư ông lão hỏi thăm tin tức làng Chợ Dầu thì được người tản cư cho biết làng ông làm Việt gian theo Tây. Ông cảm thấy đau đớn, xấu hổ “ da mặt tê rân rân, cổ nghẹn đắng lại, không thở được”, “ông cúi gằm mặt, lảng đi về nhà”. Tin dữ ám ảnh ông, biến ông thành con người khác, chỉ ru rú ở nhà không dán ra ngoài, hay cáu bẳn, gắt gỏng. Khi mụ chủ nhà có ý định đuổi khéo gia đình ông, ông rơi vào trạng thái bế tắc, tuyệt vọng. Ở hoàn cảnh đó ông đấu tranh giằng xé: hay là về làng? Nhưng vừa nghĩ ông đã gạt phắt đi vì về làng tức là theo Tây, bỏ Cụ Hồ, bỏ kháng chiến. Trong sự bế tắc đó, ông tâm sự với con út như một cách ngỏ lòng mình rằng: ở ông, tình yêu làng, trung thành với cách mạng, với kháng chiến không bao giờ thay đổi. Khi được tin cải chính, ông Hai như người chết sống lại, ông lại sung sướng đi khoe làng bị đốt, nhà mình bị cháy. Đó là minh chứng hùng hồn chứng minh làng ông là làng Cách mạng, làng kháng chiến.
	Mô hình cấu trúc đoạn văn: Đoạn văn diễn dịch:
	Câu chủ đề là câu mở đoạn: nêu đặc điểm nổi bật của nhân vật ông Hai.
	Các câu sau triển khai chứng minh lòng yêu làng, yêu nước của ông Hai.
Ví dụ 5:
- Bài tập: - Viết một đoạn văn theo kiểu quy nạp, phân tích tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm của cô thanh niên xung phong Phương Định trong tác phẩm “ Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê. Trong đoạn văn, sử dụng ít nhất hai phép liên kết câu (gạch dưới những từ ngữ này)
Đoạn văn minh hoạ:
“ Những ngôi sao xa xôi” của nữ nhà văn Lê Minh Khuê kể về ba nữ thanh niên xung phong là Nho, Phương định và chị Thao làm thành “tổ trinh sát mặt đường”. Họ ở trên một cao điểm giữa một vùng trong điểm trên tuyến đường Trường Sơn – con đường huyết mạch, con đường nối hậu phương miền Bắc với tiền phương miền Nam, con đường trọng yếu của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh. Cả ba cô gái trong tác phẩm đều đáng mến, đáng cảm phục. Nhưng người đọc vẫn có ấn tượng sâu sắc nhất với Phương Định. Vốn là một cô gái thành phố, thích mơ mộng, cô có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên người mẹ, một căn buồng nhỏ ở một đường phố yên tĩnh. Những kỉ niệm ấy luôn sống lại trong cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt. Vào chiến trường đã ba năm, đã quen với những thử thách và nguy hiểm, giáp mặt hằng ngày với cái chết, nhưng ở cô cũng như ở đồng đội không mất đi sự hồn nhiên, trong sáng và những ước mơ về tương lai. Định còn là một cô gái rất hồn nhiên, yêu đời và thích hát. Định hát ngay trong những khoảnh khắc “im lặng”, khi máy bay trinh sát bay rè rè. Cô hát cả khi “ máy bay rít, bom nổ, nổ trên cao điểm, cách cái hang này khoảng 300 mét”. Đúng là “ tiếng hát át tiếng bom”. Cô yêu quý hai người đồng đội, đặc biệt cô dành tình cảm và niềm cảm phục cho tất cả những chiến sĩ mà cô gặp hằng đêm trên trọng điểm của con đường ra mặt trận. Cũng giống như những cô gái mới lớn, Phương Định nhạy cảm và quan tâm tới hình thức của mình: “ Nói một cách khiêm tốn tôi là một cô gái khá, hai bím tóc dày tương đối mềm, cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!” . Cô biết mình được nhiều người, nhất là các anh lính trẻ để ý và có thiện cảm. Điều đó làm cô thấy vui và cả tự hào nhưng chưa dành riêng tình cảm của mình cho một ai. Nhạy cảm nhưng cô lại không hay bộc lộ tình cảm của mình, tỏ ra kín đáo giữa đám đông, tưởng như là kiêu kì. Phương Định hay hồi tưởng về những kỉ niệm của tuổi học trò hồn nhiên, vô tư pha một chút tinh nghịch và mơ nộng của một thiếu nữ: “Cô hay ngồi trên thành cửa sổ để hát, hát say sưa đến nỗi suýt lộn nhào xuống đất”! Công việc phá bom đối với cô là một công việc quen thuộc nhưng cũng rất nguy hiểm. Thậm chí một ngày phá tới năm quả bom. Mỗi lần là một thử thách với giây thần kinh cho tới từng cảm giác. Nhân vật Phương Định còn để lại trong lòng người đọc những tình cảm sâu sắc bởi chính tâm hồn trong sáng, mộng mơ của cô. Giữa tuyến lửa Trường Sơn, cô vẫn dành một khoảng tâm hồn mình nhớ về hình ảnh người mẹ, nhớ về Hà Nội, nhớ về những ngôi sao trên bầu trời thành phố, nhớ về cái vòm tròn của nhà hát. Tất cả những kỉ niệm đó chính là niềm động viên, khích lệ cô gái hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Hình ảnh của Phương Định cùng các đồng đội ,với vẻ đẹp của lòng dũng cảm, vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, yêu đời, vẻ đẹp của tâm hồn trong sáng mãi mãi lung linh, toả sáng như những ngôi sao trên bầu trời.
Mô hình cấu trúc đoạn văn: Đoạn văn quy nạp:
- Các câu trên phân tích, chứng minh những vẻ đẹp của nhân vật Phương Định. 
- Câu kết đoạn nêu cảm nhận, đánh giá về nhân vật.
Phép liên kết: 
	- Phép nối: Cả nhưng.
	- Phép thế: nữ thanh niênhọđồng đội; Phương Địnhgô gáicô.
Luyện tập:
- Viết một đoạn văn có sử dụng phép lặp, phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “ Chuyện người con gái Nam Xương” của nhà văn Nguyễn Dữ.
- Viết một đoạn văn có sử dụng phép nối, phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm “ Làng” của Kim Lân.
- Viết một đoạn văn có sử dụng phép thế, phân tích nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm “ Lặnh lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
- Viết một đoạn văn quy nạp có sử dụng than từ, phân tích tình yêu ba mãnh liệt của bé Thu trong truyện “ Chiếc lựơc ngà” của Nguyễn Quang Sáng. 
- Viết một đoạn văn theo kiểu diễn dịch, phân tích tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm của cô thanh niên xung phong Phương Định trong tác phẩm “ Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê. Trong đoạn văn, sử dụng ít nhất hai phép liên kết câu (gạch dưới những từ ngữ này)
6. Đoạn văn phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ.
	Hướng dẫn viết đoạn:
Yêu cầu về nội dung:
- Xác định chính xác câu thơ, câu văn trích trong tác phẩm nào, của tác giả nào, nội dung phản ánh là gì; biện pháp tu từ được sử dụng trong câu đó là biện pháp gì.
- Phân tích hiệu quả tu từ của biện pháp tu từ trong việc thể hiện nội dung.
- Đánh giá câu thơ, câu văn đó. 
Yêu cầu về hình thức: như yêu cầu về hình thức chung của đoạn văn.
 Ví dụ 1: 
- Bài tập: 
Viết một đoạn văn phân tích giá trị gợi hình và biểu cảm của các từ láy trong hai câu thơ sau:
	“ Một bếp lửa chờn vờn trong sương sớm
	Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”.
	( “ Bếp lửa” - Bằng Việt) 
- Đoạn văn minh hoạ:
 Đây là hai câu thơ mở đầu bài thơ “ Bếp lửa”, khơi nguồn cho kí ức Bằng Việt từ nơi xa nhớ về quê hương, nhớ về người bà kính yêu của mình: 
“ Một bếp lửa chờn vờn trong sương sớm
	Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”.
 Nhà thơ nhớ về những kỉ niệm gắn với hình ảnh “ bếp lửa”: “ Một bếp lửa chờn vờn trong sương sớm”. Từ láy tượng hình “ chờn vờn” gợi ánh lửa cháy bập bùng được nhìn qua làn sương mỏng giăng giăng buổi sớm. Đó là một hình ảnh thực in dấu trong tâm khảm, được nhà thơ nhớ lại nó thành một hình ảnh huyền ảo trong ánh hồi quang, mang đầy kỉ niệm đẹp về bếp lửa quê hương. Từ hình ảnh ấy nhà thơ cảm nhận được một sức ấm nóng toả ra không chỉ từ bếp lửa hồng sớm mai: “ Một bếp lử ấp iu nồng đượm”. Từ láy tượng hình “ ấp iu” trong câu thơ có giá trị biểu cảm cao, gợi đôi bàn tay nhóm lửa khéo léo, tần tảo, chịu thương, chịu khó của bà “ mỗi sớm, mỗi chiều lại bếp lửa bà nhen”. Đồng thời từ “ấp iu” còn gợi tấm lòng chăm chút yêu thương của tình bà dành cho cháu trong suốt những năm tháng tuổi thơ sống bên bà. Tình cảm bà cháu lớn lên cùng hình ảnh bếp lửa ngày càng “nồng đượm”. Với sự góp mặt của hai từ láy “ chờn vờn”, “ấp iu” khiến cho câu thơ mang nặng kỉ niệm về kí ức ân tình, về bếp lửa, về tấm lòng bà, về tình bà cháu thiêng liêng. 
Ví dụ 2:
- Bài tập: 
Viết một đoạn văn tổng phân hợp trình bày cảm nhận của em về hai câu thơ:
	“ Cỏ non xanh tận chân trời
	Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
	( “Truyện Kiều” - Nguyễn Du)
( Trong đó có sử dụng câu văn đánh giá, so sánh câu thơ của Nguyễn Du với câu thơ cổ Trung Quốc có nội dung tương tự).
Đoạn văn minh hoạ: 
Hai câu thơ trên trích trong bài “ Cảnh mùa xuân” ( “ Truyện Kiều” - Nguyễn Du) là hai câu thơ đặc sắc tả cảnh thiên nhiên mùa xuân trong tiết thanh minh. Nguyễn Du không miêu tả nhiều mà ông chỉ chọn tả một số hình ảnh đặc sắc, tiêu biểu, đó là hình ảnh “ cỏ non xanh” tận chân trời, “ cành lê trắng” điểm vài bông hoa. Cỏ xanh non, tươi tốt mơn mởn, mỡ màng được trải dài đến tận chân trời dường như còn được nối với xanh của bầu trời mùa xuân. Thảm cỏ non làm nền để làm nổi bật vẻ đẹp của mấy cành lê đang ra hoa, hoa nở điểm xuyết trên cành. Bằng nghệ thuật đảo ngữ “ trắng điểm”, tác giả đã tạo nên một điểm nhấn cho bức tranh, tô đậm sắc trắng tinh khiết của hoa lê nổi bật trên nền xanh non của cỏ. Hai câu thơ của Nguyễn Du thực ra có mượn hai câu thơ cổ của Trung Quốc:
	“ Phương thảo liên thiên bích
	Lê chi sổ điểm hoa”
	( Cỏ thơm liền với trời xanh
	Cành lê có điểm một vài bông hoa)
Hai câu thơ cổ Trung Quốc chỉ gợi mà không tả, còn hai câu thơ của Nguyễn Du tả rõ màu sắc khiến câu thơ sinh động, có hồn với màu sắc tươi tắn đậm chất hội hoạ. Từ câu thơ ngũ ngôn mang phong vị Đường thi, dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du thành câu thơ lục bát uyển chuyển mang đậm hồn thơ dân tộc. Chỉ với hai câu thơ tả cảnh với bút pháp chấm phá, Nguyễn Du cho ta cảm nhận được bức tranh xuân tươi tắn, tràn đầy sức sống phơi phới của mùa xuân. 
	Đoạn văn có mô hình cấu trúc tổng phân hợp:
	- Câu mở đoạn là câu chủ đề bậc 1: Nêu ấn tượng chung về hai câu thơ Nguyễn Du.
	- Các câu tiếp triển khai phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của hai câu thơ đó, có so sánh với hai câu thơ cổ Trung Quốc.
	- Câu kết đoạn là câu chủ đề bậc 2: Nêu nhận xét về giá trị hai câu thơ đó.
 Ví dụ 3:
- Bài tập:
 Viết một đoạn văn ngắn phân tích hiệu quả nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ sau ( trong đó có sử dụng câu mở rộng thành phần, gạch chân câu đó):
	“ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
	 Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”
	( “ Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ” - Nguyễn Khoa Điềm)
Đoạn văn minh hoạ: 
Trong chiến tranh gian khổ, xuất hiện những con người giàu đức hi sinh, cống hiến hết mình cho đất nước. Tiêu biểu cho những con người đó là bà mẹ Tà – ôi, Nguyễn Khoa Điềm đã khắc hoạ hình ảnh của bà mẹ:
	“ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
	Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”
Với hai câu thơ này, người đọc thấy hiện ra trước mắt hình ảnh bà mẹ Tà – ôi địu con lên núi Ka – lưi trỉa bắp thật thân thương. Trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm có dãy núi hoang sơ, có nương bắp đang trồng, có mặt trời trên đỉnh núi, có “ mặt trời” trên lưng mẹ. Hình ảnh mặt trời ở câu thơ thứ nhất là mặt trời của tự nhiên, của vũ trụ toả sáng đem sự sống đến cho vạn vật. Còn ở câu thơ thứ hai, hình ảnh mặt trời mang ý nghĩa ẩn dụ thật độc đáo. Em bé Cu – tai nằm trên lưng mẹ được tác giả ví như “ mặt trời của mẹ”. Em là mặt trời bé bỏng, đáng yêu, ấm áp của lòng mẹ. Em là ánh sáng là niềm vui, là báu vật, là hạnh phúc của đời mẹ. Hai hình ảnh sóng đôi “ mặt trời của bắp”, “ mặt trời của mẹ” tạo nên một sự liên tưởng bất ngờ, thú vị. Mặt trời có ý nghĩa với muôn loài thế nào thì em Cu – tai có ý nghĩa thiêng liêng với đời mẹ như thế. Với cách viết như vậy, Nguyễn Khoa Điềm đã tạo ra một câu thơ hay, độc đáo trong thơ hiện đại. 
Câu mở rộng thành phần bổ ngữ: Với hai câu thơ này, người đọc thấy hiện ra trước mắt hình ảnh bà mẹ Tà – ôi địu con lên núi Ka – lưi trỉa bắp thật thân thương.
	- Đề ngữ: Với hai câu thơ này.
	- Chủ ngữ: người đọc.
	- Vị ngữ: thấy hiện ra trước mắt hình ảnh bà mẹ Tà – ôi địu con lên núi Ka – lưi trỉa bắp thật thân thương.
- Động từ trung tâm: thấy.
	- Bổ ngữ: hiện ra trước mắt hình ảnh bà mẹ Tà – ôi địu con lên núi Ka – lưi trỉa bắp thật thân thương.
- Trong bổ ngữ có:
	+ Chủ ngữ: mắt hình ảnh bà mẹ Tà – ôi địu con lên núi Ka – lưi trỉa bắp.
	+ Vị ngữ: thật thân thương.
	Ví dụ 4:
- Bài tập: Viết một đoạn văn phân tích giá trị tu từ của những thanh bằng trong câu thơ cuối của khổ thơ sau:
	“ Không có kính ừ thì ướt áo
	Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
	Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
	Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi”.
- Đoạn văn minh hoạ:
	Khổ thơ thứ tư, nhà thơ lại tiếp tục ghi lại những gian khổ mà người lính đã trải qua:
	-“ Không có kính ừ thì ướt áo
	Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
	Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
	Mưa ngừng gió lùa mau khô thôi”.
	Lại một lần nữa, người đọc bắt gặp hình ảnh người lái xe trong cái vẻ ngang tang, chấp nhận mọi thử thách: “Ừ thì ướt áo” như một tiếng tặc lưỡi. Luôn luôn là một thái độ bất cần, bất chấp hoàn cảnh. Khó khăn, gian khổ cũng không làm ảnh hưởng đến ý chí của họ, không gì ngăn nổi bánh xe lăn, không gì cản được trái tim người chiến sĩ hướng về tiến phương. Nhiệt tình cách mạng của người lái xe không còn là trừu tượng nữa mà được tính bằng cung đường “ lái trăm cây số nữa”. Những cung đường ấy trong mưa bom bão đạn phải trả bằng mồ hôi xương máu. Gian khổ là vậy, nhưng hình ảnh người lái xe vẫn phơi phới niềm tin, tràn đầy nghị lực đã được thể hiện qua câu thơ cuối khổ bốn:
	“ Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi”.
	Một câu thơ với cấu trúc khá đặc biệt, có bảy từ mà đến sáu thanh bằng góp phần diễn tả sự lâng lâng bay bổng. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã không chỉ ở mưa bom bão đạn của kẻ thù mà còn là “mưa rừng Trường Sơn” - những cơn mưa lũ xối xả, người chiến sĩ lái xe không hề chùn bước, ngại ngùng. Trái lại, như thép đã tôi luyện, họ càng dày dạn, vững vàng, coi mưa gió là chuyện thường. Ngồi sau vô lăng, chạy xe trong mưa rừng, tranh thủ từng phút vượt qua cung đường dài đầy nguy hiểm để đưa hàng tới đích phục vụ tiền phương. Câu thơ không chỉ là miêu tả, không chỉ là lời tự động viên, đằng sau câu thơ là một tâm hồn yêu đời lạc quan, một tính cách trẻ trung đầy chất lính. 
	Ví dụ 5:
- Bài tập: Viết một đoạn văn phân tích giá trị tu từ của biện pháp hoán dụ trong khổ thơ cuối bài thơ “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật:
	“ Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.	
Đoạn văn minh hoạ:
Khổ cuối đã làm nổi bật cái dữ dội và khốc liệt của chiến tranh. Chiếc xe mang đầy thương tích:
	“ Không có kính, rồi xe không có đèn
	Không có mui xe, thùng xe có xước”
	Hai dòng thơ với sự tập hợp của ba cái “ không có” và chỉ có một cái “ có”. Tất cả đã khắc hoạ lên trước mắt người đọc hình ảnh những chiếc xe vận tải quân sự mang đầy thương tích chiến tranh. Nhưng những chiếc xe không kính đó vẫn chạy bon bon trên đường Trường Sơn với một niềm tự hào, khẳng định dáng đứng và tâm thế của người lính - thể hiện tuổi trẻ Việt Nam:
	“ Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Hình ảnh hoán dụ “ trái tim” là biểu tượng của ý chí, của bầu nhiệt huyết, của khát vọng tự do, hoà bình cháy bỏng trong tim người chiến sĩ. Không mà lại có, cái có của người lính lái xe là một trái tim, một người yêu nước, một lòng khao khát giải phóng miền Nam thì tất cả những cái thiếu kia đâu có hề gì. Vậy đó, khí phách ngang tàng mà vẫn tha thiết yêu thương, đó là anh lính lái xe thời chống Mĩ của Phạm Tiến Duật.
Luyện tập:
- Phân tích ý nghĩa của các từ láy trong đoạn thơ:
	“ Nao nao dòng nước uốn quanh
	Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềng bắc ngang
	Sè sè nắm đất bên đàng
	Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”
	( Trích “ Truyện Kiều” - Nguyễn Du).
- Trong câu thơ “ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu rõ hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ ấy.
Em hãy phân tích cái đặc sắc của hai câu thơ sau:
“ Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
	( Trích “Đồng chí” – Chính Hữu)
Nói về nỗi nhớ gia đình, quê hương của anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm dài máu lửa, Chính Hữu đã viết: “ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”. Em hãy cho biết cái hay của câu thơ là ở chỗ nào?
Xác định và chỉ rõ tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng ở câu cuối cùng của bài thơ “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ( Phạm Tiến Duật): “ Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:
“ Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài th

File đính kèm:

  • docON_THI_HSG_VAN_9__THANH_CONG_LA_DAY_20150725_034040.doc