Một số biện pháp giáo dục những học sinh chưa thực hiện tốt về đạo đức

Nghiên cứu chọn đề tài này, tôi phải giải quyết các nhiệm vụ sau:

+ Tìm đến nguyên nhân dẫn đến thái độ không hòa đồng, nói năng vô lễ phép, sinh hoạt xa rời tập thể, thường xuyên trốn học, không thuộc bài, không làm bài, hay đánh bạn của từng đối tượng.

+ Đưa ra các biện pháp hữu hiệu để giáo dục 2 học sinh chưa thực hiện tốt đạo đức này, từ đó giúp đỡ các em học tốt và hoàn thiện nhân cách tốt hơn.

 

doc6 trang | Chia sẻ: dungnc89 | Lượt xem: 1082 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số biện pháp giáo dục những học sinh chưa thực hiện tốt về đạo đức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÁO DỤC NHỮNG HỌC SINH
CHƯA THỰC HIỆN TỐT VỀ ĐẠO ĐỨC
PHẦN I : NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI :
Trường tiểu học “ Đ” Bình Mỹ là một ngôi trường nhỏ nằm ven con rạch Thầy Phó, học sinh ở trên nhiều địa bàn khác nhau ( cuối huyện Châu Thành và huyện Châu Phú ), đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, đa số chỉ đi làm mướn sinh sống hàng ngày, từ đó quên đi trách nhiệm dạy bảo con cái trong gia đình.
Vì thế trường tiểu học “ Đ” Bình Mỹ phải chịu một trách nhiệm nặng nề để giáo dục những mầm non tương lai của đất nước. Để gìn giữ bản chất văn hóa, đạo đức tác phong của người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một giáo viên đứng trên bụt giảng tôi rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học là rất quan trọng và rất cần thiết để góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học. Học sinh có đạo đức sẽ giúp các em trở thành một học sinh tốt, là một đứa con ngoan, hiếu thảo trong gia đình, giúp các em có một tình cảm tư tưởng trong sáng.
Trên cơ sở đó, học sinh có được đức tính tốt như: cần cù, siêng năng, chăm chỉ, lễ phép và biết vâng lời cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi, biết cách cư xử đối với những người xung quanh, với bạn bè.
Trong năm học 2008 -2009 bản thân chủ nhiệm lớp 2A trường tiểu học “ Đ” Bình Mỹ tôi nhận thấy học sinh trong lớp mình có nhiều em đã chấp hành tốt các qui định và yêu cầu của nhà trường, bên cạnh đó vẫn còn 2 em chưa thực hiện đầy đủ những điều qui định của nhà trường đề ra
+ Một học sinh nói năng vô lễ phép, thường hay gây gổ và đánh nhau với bạn, nói tục chữi thề.
+ Một học sinh có tính không hòa nhập với bạn bè, đi học trễø.
Hai em này thường xuyên trốn học, đến lớp không thuộc bài, không làm bài, thường xuyên quên tập vở, không chuẩn bị bài vở ở nhà. Làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của chính bản thân, của nhóm và của cả lớp.
Trước tình hình đó, trách nhiệm của một giáo viên tôi nhận thấy rằng cần phải tìm hiểu thực trạng của hai em này ở từng gia đình và từ đó tôi đề xuất một số biện pháp khắc phục những học sinh có đạo đức chưa tốt ở lớp mình đi theo đúng mục tiêu, yêu cầu giáo dục đặt ra, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tập thể học sinh của lớp mình.
Với những vấn đề trên, tôi không ngần ngại chọn đề tài: “ một số biện pháp giáo dục những học sinh chưa thực hiện tốt về đạo đức”
II. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ CHỌN ĐỀ TÀI:
1. Mục đích:
 Đề tài này nhằm từng bước tìm hiểu thực trạng học sinh chưa thực hiện tốt về đạo đức. Từ đó đề xuất một số biện pháp giúp đỡ học sinh trong lớp, trong trường hay trong ngành có những hành vi thái độ chuyển biến tốt về đạo đức, tác phong của người học sinh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Nhiệm vụ:
Nghiên cứu chọn đề tài này, tôi phải giải quyết các nhiệm vụ sau:
+ Tìm đến nguyên nhân dẫn đến thái độ không hòa đồng, nói năng vô lễ phép, sinh hoạt xa rời tập thể, thường xuyên trốn học, không thuộc bài, không làm bài, hay đánh bạn của từng đối tượng.
+ Đưa ra các biện pháp hữu hiệu để giáo dục 2 học sinh chưa thực hiện tốt đạo đức này, từ đó giúp đỡ các em học tốt và hoàn thiện nhân cách tốt hơn.
III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:
“ Một số biện pháp giúp đỡ học sinh chưa thực hiện tốt đạo đức tác phong của người học sinh”
IV. PHẠM VI NGHIÊN CỨU:
Trong quá trình thực hiện đề tài, bản thân tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: 
+ Phương pháp điều tra.
+ Phương pháp giám sát.
+ phương pháp trò chuyện.
- Dùng phương pháp điều tra với mục đích tìm hiểu nguyên nhân các em trốn học, không học bài, không làm bài, có thái độ không hòa nhập với bạn bè, thiếu lễ phép với người lớn, sống tự ti xa rời tập thể, thường xuyên đi trễ và hay nghỉ học.
- Kết hợp với các phương pháp quan sát trong giờ học, giờ ra chơi và các hoạt động khác để nắm sở thích và hứng thú của từng học sinh.
- Sử dụng phương pháp trò chuyện với cha mẹ các em để biết thêm hoàn cảnh sống, đặc điểm tâm lý của các em khi ở nhà cũng như khi ở trường và cách giáo dục của từng gia đình, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề xuất.
PHẦN II: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH LỚP:
Lớp có 26 học sinh, trong đó có 13 nam và 13 nữ, với 65.38% học sinh gia đình sống bằng cách làm mướn, 11.53% học sinh có gia đình sống bằng nghề bắt cá và cua còn lại 23.09% học sinh có cuộc sống làm ruộng và làm công nhân nhà máy Thuận An. Nơi cư trú của gia đình học sinh là nông thôn nên sinh hoạt của trẻ con có nhiều hạn chế, phần lớn gia đình đều lo cho cuộc sống hằng ngày, nên việc học tập và giáo dục các con chủ yếu trong nhờ sự giảng dạy của thầy cô và ý thức vốn có của mỗi em. Các em sinh hoạt, học hành, vui chơi ít người quản lý và không có thời gian biểu cụ thể. Việc này làm ảnh hưởng khá lớn đến tình hình học tập và đạo đức của học sinh trong lớp.
Với tình hình trên. Tôi nhận thấy rằng việc giáo dục cho học sinh có những thuận lợi và khó khăn sau:
- Thuận lợi: 
+ Gặp gỡ được phụ huynh trong các lần họp định kỳ của lớp.
+ Được sự tính nhiệm cao của gia đình học sinh trong công tác.
+ Đặc điểm chung của trẻ là ham học rất kính trọng thầy cô giáo, nên dễ tiếp nhận sự giáo dục của nhà trường.
- Khó khăn:
+ Hầu hết các gia đình thiếu quan tâm đến việc học tập của con em, do sự nhận thức và trình độ học vấn chưa cao của từng gia đình.
+ Trẻ chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội nhiều hơn môi trường sư phạm.
+ Quan hệ giữa giáo viên và gia đình thiếu thuận tiện ( gia đình thường bận rộn trong sinh hoạt hằng ngày)
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN:
1. Khái niệm:
 Học sinh chưa thực hiện tốt về đạo đức là những học sinh chưa thực hiện tốt về hạnh kiểm, còn những hạn chế một vài yêu cầu trong nhiệm vụ của mỗi học sinh, kĩ năng sống, vốn giao tiếp kém, không có tính tập thể
2. Những biện pháp giáo dục:
Dùng phương pháp điều tra, quan sát hằng ngày qua quá trình học tập, vui chơi của học sinh. Bên cạnh đó, tôi cùng trò chuyện với các giáo viên trong trường, phụ huynh học sinh và bạn bè của các em. Tôi đã đưa ra một số nguyên nhân và biện pháp khắc phục từng đối tượng của lớp cụ thể như sau:
Trước tiên tôi bắt đầu tìm hiểu hoàn cảnh sống của từng em.
a. Em Võ Thanh Hữu: là con trong một gia đình nuông chiều chỉ có một mình em, vì hoàn cảnh gia đình nghèo cha mẹ đi làm ăn ở xa ít quan tâm đến em, em sống ở nhà với ngoại, tuy ngoại đã già nhưng hàng ngày vẫn phải đi làm mướn để sinh sống. Từ đó, ở nhà không ai quan tâm nên em kết bạn với bọn trẻ phá phách, nghịch ngợm, nói năng vô lễ, chơi lêu lỏng, không chịu học hành.
- Nguyên nhân: Qua việc tìm hiểu trên tôi thấy nguyên nhân câu chuyện để dẫn đến em Hữu thường nói năng vô lễ, nói tục chữi thề, ăn hiếp và đánh bạn. Tất cả các khuyết điểm trên là do:
+ Gia đình thiếu quan tâm.
+ Chơi với bạn bè xấu.
+ Chưa biết được các chuẩn mực đạo đức và nhiệm vụ của học sinh.
- Biện pháp: Từ những nguyên nhân trên tôi thực hiện các biện pháp sau:
+ Thăm gia đình học sinh theo định kỳ, nhắc nhở phụ huynh chú ý hơn đến việc học tập của con em mình. Qua nhiều lần nhắc nhở gia đình đã khuyên bảo em có tiến bộ.
+ Riêng tôi là giáo viên chủ nhiệm của em nên tôi thường xuyên nhắc nhở, đặc biệt quan tâm đến em nhiều hơn trong buổi học ( học 2 buổi/ngày hạn chế thời gian lêu lỏng cùng bạn bè xấu khi ở nhà) thường xuyên kiểm tra bài vở, đồng thời tôi còn phụ đạo, trò chuyện cùng em trong giờ giải lao. 
+ Kết quả là em đã chịu khó học tập chăm chỉ cùng chúng bạn, không còn cãi nhau, ăn hiếp bạn nữa. Em đã từ từ đi vào nề nếp trong học tập của lớp.
+ Riêng việc nói năng vô lễ của em tôi thường xuyên nhắc nhở, điều chỉnh ngay mỗi khi em nói thiếu lễ độ, thiếu lễ phép và gây với bạn hay trong những giờ đạo đức tôi liên hệ thực tế để em hiểu và giáo dục em trở thành người có hạnh kiểm tốt.
+ Cũng như họp định kỳ phụ huynh học sinh hàng tháng để thông báo kết quả học tập và hạnh kiểm của các em, đồng thời cũng tìm hiểu thêm những tin khác của học sinh khi ở gia đình và cứ như thế cho đến cuối học kỳ em đã trở thành một học sinh khá và ngoan.
b. Lê Thị Ngọc Mỹ: Là một đứa trẻ sống trong một gia đình thiếu thốn đông con, không nghề nghiệp. Cả cha và mẹ đều làm mướn (lấy đất làm gạch) hàng ngày để sinh sống nên ít quan tâm đến việc học tập của con cái, em thường xuyên đi học trễ, không thuộc bài, không làm bài, ít tập trung vào các buổi học.
- Nguyên nhân: Từ việc tìm hiểu trên tôi thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến em mỹ thường xuyên đi học trễ, không thuộc bài, không làm bài và không hòa nhập với bạn bè trong lớp với lý do:
+ Gia đình thiếu thốn, nghèo không mua sách vở, dụng cụ đầy đủ.
+ Gia đình không quan tâm đến việc học của con em mình.
- Biện pháp: Để khắc phục hiện tượng trên tôi áp dụng biện pháp như sau:
+Tôi đến nhà gặp phụ huynh em phân tích, lý giải một vài vấn đề để giúp em học tốt hơn. Cũng như tôi liên hệ với Thư viện để mượn sách giáo khoa, xin tập vở dụng cụ học tập, quần áo đồng phục cho em để em không còn mặc cảm về sự thiếu thốn của gia đình, tạo cho em tinh thần thoải mái học tập cùng chúng bạn.
+ Trong giờ học, tôi gần gũi em nhiều hơn, đồng thời nhắc nhở các em học sinh cùng lớp biết quan tâm giúp đỡ bạn nhiều hơn, tôi thường xuyên phụ đạo em trong giờ rảnh rỗi.
+ Để đáp lại sự quan tâm của thầy cô, bạn bè Mỹ đã dần dần tiến bộ trong học kỳ. Thực hiện nghiêm túc nội quy của nhà trường, không đi học trễ, đến lớp chăm chú nghe giảng, thi đua cùng bạn học tập, em đã cố gắng rất nhiều và đã có tiến bộ trong học tập cũng như trong hạnh kiểm.
PHẦN III : KẾT LUẬN
 	Tóm lại: Sau khi nghiên cứu các hiện tượng trên tôi đã sử dụng đúng các biện pháp giáo dục chuẩn mực đạo đức cho học sinh, từ đó tôi rút ra được kết luận sau:
- Nguyên nhân chung: 
+ Gia đình thiếu đi sự quan tâm đến con em, không coi trọng đến vấn đề học tập và tác phong đạo đức của các em.
+ Học sinh chưa hiểu đúng về chuẩn mực đạo đức, ảnh hưởng thói xấu của những người xung quanh, thiếu sự tự tin của bản thân.
- Biện pháp chung: Để khắc phục hiện tượng trên, bản thân tôi thực hiện các biện pháp sau:
+ Trước tiên tôi nắm ngay lý lịch của từng em để nắm rõ hoàn cảnh, đặc điểm của học sinh từ đó sắp xếp chỗ ngồi cho hợp lý. Các em có hoàn cảnh khó khăn ngồi chung với các em có gia đình khá giả, các em học yếu ngồi gần các em học khá giỏi để các em không có sự phân biệt giữa nghèo và giàu, giữa giỏi và yếu mà phải biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong học tập và đối xử không phân biệt vì tất cả đều có quyền lợi như nhau.
+ Thăm hỏi gia đình các em mỗi tháng theo định kỳ, phát động phong trào thực hiện tốt nội qui của trường – lớp vào giờ sinh hoạt cuối tuần sẽ khen thưởng.., thường xuyên kiểm tra việc thực hiện học sinh khá giỏi kèm học sinh yếu.
+ Trên lớp, tôi kết hợp các phương pháp dạy học cũng như phương pháp giáo dục “ Đặc biệt ở phân môn Đạo đức” để khắc phục tình trạng nói năng vô lễ phép với người lớn, từ đó tạo điều kiện cho các em có lối sống và tình cảm lành mạnh, tư tưởng trong sáng, quan hệ tốt với những người xung quanh.
+ Từ những kết quả giáo dục trên, tôi thấy rằng mình đã áp dụng đúng các biện pháp giáo dục cho từng đối tượng học sinh về học tập cũng như về đạo đức và đã thu được kết quả tốt, tất cả đều thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức của người học sinh. Từ đó tôi có nhận định rằng: Kết quả giáo dục đạo đức có liên quan đến kết quả học tập của học sinh.
- Từ việc giáo dục học sinh chưa thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức trên tôi rút ra được cho bản thân mình bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác chủ nhiệm cũng như trong việc giảng dạy ở những năm sau bản thân tôi cần:
+ Giáo viên chủ nhiệm phải hiểu rõ học sinh mình về mọi mặt, đăïc biệt quan tâm đến học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt, phải nhiệt tình và yêu thương học sinh.
+ Phải cảm hóa học sinh bằng chính sự nhiệt quyết, bằng tình cảm, bằng tinh thần trách nhiệm của bản thân giáo viên.
+ Xây dựng tập thể học sinh lành mạnh, tạo cho lớp học sự sinh động cho các em phát biểu theo cảm nghĩ của mình không gò bó, rập khuôn để các em thấy rằng đi học “ rất vui” chứ không lúc nào cũng căng thẳng, coi đó là môi trường phương tiện giáo dục mạnh mẽ, để học sinh thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức.
+ Trong quá trình dạy học cần kết hợp chặt chẽ phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục để học sinh hoàn thiện mình, trở thành con ngoan trò giỏi, biết vâng lời ông bà, cha mẹ, biết lễ phép với người lớn tuổi. Từ đó góp phần thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng.
Trên đây là kinh nghiệm nhỏ mà tôi đã rút ra được trong quá trình giảng dạy, mong sự góp ý của cấp lãnh đạo nhằm góp phần hoàn thiện mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Cuối cùng tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám Hiệu trường tiểu học “ Đ” Bình Mỹ cùng Ban chấp hành Công Đoàn trường đã nhiệt tình giúp đỡ tôi hoàn thành bài sáng kiến.
Bình Mỹ, ngày 11 tháng 01 năm 2009
 Người viết
 LÊ ÂU DIỄM TRANG

File đính kèm:

  • docSANG KIEN K.NGHIEM.doc
Giáo án liên quan