Giáo án Tiếng Việt Khối 3 - Tuần 21

Tìm hiểu bài:

Câu 1: Từ mỗi tờ giấy, cô giáo đã làm ra những gì? (Em hãy đọc khổ thơ 1, 2, 3)

Câu 2: Hãy tả bức tranh cắt dán giấy của cô giáo. (Em đọc bài thơ, tưởng tượng ra các sự vật, màu sắc của chúng để tả lại bức tranh cô giáo cắt dán)

Câu 3: Em hiểu hai dòng thơ cuối bài như thế nào? (Em đọc lại 2 dòng thơ cuối và nói lên cảm nhận của mình)

 

doc7 trang | Chia sẻ: Liiee | Ngày: 10/11/2023 | Lượt xem: 209 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án Tiếng Việt Khối 3 - Tuần 21, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MÔN TẬP ĐỌC
Học sinh đọc bài nhiều lần và vận dụng trả lời câu hỏi số 1,2,3 SGK trang 23.
Ông tổ nghề thêu​
   1. Hồi còn nhỏ, cậu bé Trần Quốc Khái rất ham học. Cậu học cả khi đi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, lấy ánh sáng đọc sách. Chẳng bao lâu, Khái đỗ tiến sĩ, rồi làm quan to trong triều đình nhà Lê.
   2. Một lần, Trần Quốc Khái được triều đình cử đi sứ bên Trung Quốc. Vua Trung Quốc muốn thử tài sứ thần, sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên chơi, rồi cất thang đi. Không còn lối xuống, ông đành ở lại trên lầu. Lầu chỉ có hai pho tượng Phật, hai cái lọng, một bức trướng thêu ba chữ "Phật trong lòng" và một vò nước.
   3. Bụng đói mà không có cơm ăn, Trần Quốc Khái lẩm nhẩm đọc ba chữ trên bức trướng, rồi mỉm cười. Ông bẻ tay pho tượng nếm thử. Thì ra hai pho tượng ấy nặn bằng bột chè lam. Từ đó, ngày hai bữa, ông cứ ung dung bẻ dần tượng mà ăn. Nhân được nhàn rỗi, ông mày mò quan sát, nhớ nhập tâm cách thêu và làm lọng.
   4. Học được cách thêu và làm lọng rồi, ông tìm đường xuống. Thấy những con dơi xòe cánh chao đi chao lại như chiếc lá bay, ông liền ôm lọng nhảy xuống đất bình an vô sự. Vua Trung Quốc khen ông là người có tài, đặt tiệc to tiễn về nước.
   5. Về đến nước nhà, Trần Quốc Khái truyền dạy cho dân nghề thêu và nghề làm lọng. Dần dần, nghề thêu lan rộng ra khắp nơi. Nhân dân vùng Thường Tín, quê ông, lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.
Theo NGỌC VŨ
- Đi sứ: đi giao thiệp với nước nhà theo lệnh vua.
- Lọng: vật làm bằng vải hoặc lụa căng trên khung tre, gỗ hay kim loại, thường dùng để che đầu tượng thần, tượng Phật hay vua, quan trong nghi lễ long trọng.
- Bức trướng: bức lụa, vải, trên có thêu chữ hoặc hình, dùng làm lễ vật, tặng phẩm.
- Chè lam: bánh ngọt làm từ bột bỏng nếp ngào mật, pha nước gừng.
- Nhập tâm: nhớ kĩ, như thuộc lòng.
- Bình an vô sự: bình yên, không có chuyện gì xấu xảy ra.
- Thường Tín: một huyện thuộc tỉnh Hà Tây.
à LƯU Ý: 
- Đọc trôi chảy toàn bài. Đọc đúng các từ ngữ dễ phát âm sai : đốn củi, vỏ trứng, triều đình, lẩm nhẩm, mỉm cười, nhàn rỗi.
- Hiểu các từ ngữ mới được chú giải cuối bài (đi sứ, lọng, bức trướng, chè lam, nhập tâm, bình an vô sự.
- Hiểu nội dung truyện: Ca ngợi Trần Quốc Khái thông minh, ham học hỏi, giàu trí sáng tạo ; chỉ bằng quan sát và ghi nhớ nhập tâm đã học được nghề thêu của Trung Quốc và dạy lại cho dân.
Tìm hiểu bài: 
Câu 1: Hồi nhỏ, Trần Quốc Khái ham học như thế nào? (Em hãy đọc đoạn 1)
Câu 2: Vua Trung Quốc nghĩ ra cách gì để thử tài sứ thần Việt Nam? (Em hãy đọc đoạn 2)
Câu 3: Trần Quốc Khái đã làm thế nào? (Em hãy đọc đoạn 3, 4)
Học sinh đọc bài nhiều lần và vận dụng trả lời câu hỏi số 1,2,3 SGK trang 25.
Học sinh học thuộc lòng cả bài thơ.
Bàn tay cô giáo
Một tờ giấy trắng
Cô gấp cong cong
Thoắt cái đã xong
Chiếc thuyền xinh quá!
Một tờ giấy đỏ
Mềm mại tay cô
Mặt trời đã phô
Nhiều tia nắng toả.
Thêm tờ xanh nữa
Cô cắt rất nhanh
Mặt nước dập dềnh
Quanh thuyền sóng lượn.
Như phép mầu nhiệm
Hiện trước mắt em:
Biển biếc bình minh
Rì rào sóng vỗ...
Biết bao điều lạ
Từ bàn tay cô.
Nguyễn Trọng Hoàn
- Phô : bày ra, để lộ ra.
à LƯU Ý: 
Đọc đúng các từ ngữ: cong cong, thoắt cái, toả, dập dềnh, rì rà,..
Biết đọc bài thơ với giọng ngạc nhiên, khâm phục.
Nắm được nghĩa và biết cách dùng từ mới.
Hiểu nội dung bài thơ: Ca ngợi bàn tay kì diệu của cô giáo. Cô đã tạo ra biết bao điều lạ từ đôi bàn tay khéo léo của mình.
Tìm hiểu bài:
Câu 1: Từ mỗi tờ giấy, cô giáo đã làm ra những gì? (Em hãy đọc khổ thơ 1, 2, 3)
Câu 2: Hãy tả bức tranh cắt dán giấy của cô giáo. (Em đọc bài thơ, tưởng tượng ra các sự vật, màu sắc của chúng để tả lại bức tranh cô giáo cắt dán)
Câu 3: Em hiểu hai dòng thơ cuối bài như thế nào? (Em đọc lại 2 dòng thơ cuối và nói lên cảm nhận của mình)
MÔN CHÍNH TẢ
Câu 1: Nghe - viết : Ông tổ nghề thêu (từ đầu đến triều đình nhà Lê. )
Ông tổ nghề thêu​
   	Hồi còn nhỏ, cậu bé Trần Quốc Khái rất ham học. Cậu học cả khi đi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, lấy ánh sáng đọc sách. Chẳng bao lâu, Khái đỗ tiến sĩ, rồi làm quan to trong triều đình nhà Lê.
Lưu ý:
 Phụ huynh hướng dẫn học sinh luyện đọc bài viết 3 lần. Cho học sinh viết bảng con hoặc nháp các từ khó có trong đoạn văn.
 Phụ huynh đọc bài cho học sinh nghe – viết.
Học sinh kiểm tra lỗi chính tả. Nếu sai trên 5 lỗi học sinh sẽ chép lại đoạn văn trên.
Câu 2: Điền vào chỗ trống tr hay ch ?
     Trần Quốc Khái thông minh, .ăm chỉ học tập nên đã .ở thành tiến sĩ, làm quan to .ong .iều đình nhà Lê. Được cử đi sứ Trung Quốc, .ước thử thách của nhà vua láng giềng, ông đã xử .í rất giỏi làm .o mọi người phải kính .ọng. Ông còn nhanh .í học được nghề thêu của người Trung Quốc để .uyền lại .o nhân dân.
Câu 3: Nhớ  - viết: Bàn tay cô giáo (cả bài)
Lưu ý:
 Phụ huynh nhắc nhở học sinh học thuộc lòng bài thơ. Cho học sinh viết bảng con hoặc nháp các từ khó có trong bài thơ.
 Phụ huynh cho học sinh nhớ - viết cả bài thơ.
Học sinh kiểm tra lỗi chính tả. Nếu sai trên 5 lỗi học sinh sẽ chép lại bài thơ trên.
Câu 4: Đặt trên chữ in đậm dấu hỏi  hay dấu ngã ?
   Trên đồng ruộng, trong nhà máy, trên lớp học hay trong bệnh viện, ơ đâu, ta cung gặp nhưng trí thức đang lao động quên mình. Các ki sư nông nghiệp nghiên cứu giống lúa mới, ki thuật trồng trọt, chăn nuôi mới. Các ki sư cơ khí cùng công nhân sản xuất máy móc, ô tô. Các thầy giáo, cô giáo dạy ta thành người có ích cho xa hội. Các bác si chua bệnh cho dân.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Bài: Nhân hoá. Ôn cách đặt và trả lời câu hỏi “Ở đâu?”
Bài tập 1: HS đọc bài thơ sau: (đọc 3 lần) 
Ông trời bật lửa
Chị mây vừa kéo đến
Trăng sao trốn cả rồi
Đất nóng lòng chờ đợi
Xuống đi nào, mưa ơi !
Mưa ! mưa xuống thật rồi !
Đất hả hê uống nước
Ông sấm vỗ tay cười
Làm bé bừng tỉnh giấc.
Chớp bỗng loè chói mắt
Soi sáng khắp ruộng vườn
Ơ ! Ông trời bật lửa
Xem lúa vừa trổ bông
                   Đỗ Xuân Thanh
Bài tập 2: Trong bài thơ trên, những sự vật nào được nhân hoá? Chúng được nhân hoá bằng những cách nào?
 Gợi ý :
a) Các sự vật được gọi bằng gì?
b) Các sự vật được tả bằng các từ ngữ nào?
c) Trong câu "Xuống đi nào, mưa ơi !, tác giả nói với mưa thân mật như thế nào?
Bài tập 3: Tìm bộ phận câu trả lời cho câu hỏi "Ở đâu?" :
Gợi ý: Em hãy tìm bộ phận chỉ địa điểm, nơi chốn có trong câu.
Trần Quốc Khái quê ở huvện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
Ông học được nghề thêu ở Trung Quốc trong một lần đi sứ.
c)   Để tưởng nhớ công lao của Trần Quốc Khái, nhân dân lập đền thờ ở quê hương ông.
TẬP LÀM VĂN
Bài: Nói về tri thức. Nghe – kể: Nâng niu từng hạt giống.
Câu 1: Quan sát các tranh dưới đây và cho biết những người tri thức trong các bức tranh ấy là ai, họ đang làm việc gì:
Câu 2: Đọc câu chuyện “Nâng niu từng hạt giống” và trả lời các câu hỏi sau: 
Nâng niu từng hạt giống
     Viện nghiên cứu của ông Lương Định Của bất ngờ nhận được một món quà do một người bạn của ông gửi tặng. Đó là mười hạt giống lúa quý. Đang lúc trời rét đậm kéo dài, ông Của chia mười hạt giống ra làm hai. Một nửa gieo ở phòng thí nghiệm, còn một nửa ông đem về, dùng nước ấm để ngâm, rồi gói vào khăn. Tối tối, ông ủ vào trong người để nhờ nhiệt độ cơ thể giúp hạt giống nảy mầm. Quả nhiên sau đợt rét, chỉ có năm hạt giống ủ trong người là nảy mầm xanh tốt.
     Ông là một nhà khoa học đã tạo ra được nhiều giống lúa quý cho nền nông nghiệp Việt Nam. 
Trả lời các câu hỏi dưới đây: 
Viện nghiên cứu được nhận quà gì?
Vì sao ông Lương Định Của không đem gieo ngay cả mười hạt giống?
Ông đã làm gì để bảo vệ giống lúa?
ĐÁP ÁN MÔN CHÍNH TẢ
Câu 2: Điền vào chỗ trống tr hay ch ?
     Trần Quốc Khái thông minh, chăm chỉ học tập nên đã trở thành tiến sĩ, làm quan to trong triều đình nhà Lê. Được cử đi sứ Trung Quốc, trước thử thách của nhà vua láng giềng, ông đã xử trí rất giỏi làm cho mọi người phải kính trọng. Ông còn nhanh trí học được nghề thêu của người Trung Quốc để truyền lại cho nhân dân.
Câu 4: Đặt trên chữ in đậm dấu hỏi  hay dấu ngã ?
   Trên đồng ruộng, trong nhà máy, trên lớp học hay trong bệnh viện, ở đâu, ta cũng gặp những trí thức đang lao động quên mình. Các kĩ sư nông nghiệp nghiên cứu giống lúa mới, kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới. Các kĩ sư cơ khí cùng công nhân sản xuất máy móc, ô tô. Các thầy giáo, cô giáo dạy ta thành người có ích cho xã hội. Các bác sĩ chữa bệnh cho dân.
ĐÁP ÁN LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Câu 2: Trong bài thơ trên, những sự vật nào được nhân hoá? Chúng được nhân hoá bằng những cách nào ?
a) Các sự vật được gọi bằng gì ?
- Mây được gọi bằng chị, sấm được gọi bằng ông, trời cũng được gọi bằng ông.
b) Các sự vật được tả bằng các từ ngữ nào ?
- Các sự vật cũng có hành động, ý nghĩa như người: trăng sao biết trốn, đất nóng lòng chờ đợi, đất hả hê uống nước, ông sấm vỗ tay cười, ông trời bật lửa xem lúa trổ bông.
c) Trong câu "Xuống đi nào, mưa ơi !", tác giả nói với mưa thân mật như thế nào?
- Tác giả coi mưa như một người bạn thân thiết đã từ lâu đi vắng, nay nóng lòng muốn gặp lại nên đã gọi rất thân mật "Xuống đi nào, mưa ơi !"
Câu 3: Tìm bộ phận câu trả lời cho câu hỏi "Ở đâu?" :
Trần Quốc Khái quê ở huvện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
Ông học được nghề thêu ở Trung Quốc trong một lần đi sứ.
c)   Để tưởng nhớ công lao của Trần Quốc Khái, nhân dân lập đền thờ ở quê hương ông.
ĐÁP ÁN TẬP LÀM VĂN
a) Viện nghiên cứu nhận được quà gì?
- Đó là mười hạt lúa được gửi từ nước ngoài về.
b) Vì sao ông Lương Định Của không đem gieo ngay mười hạt giống?
 - Vì lúc đó trời rét đậm mà phòng thí nghiệm lại không đủ tiện nghi, ông sợ những hạt giống sẽ chết vì rét.
c) Ông đã làm gì để bảo vệ giống lúa?
- Ông đem mười hạt giống chia làm hai phần, mỗi phần năm hạt. Ông gieo trong phòng thí nghiệm năm hạt, năm hạt còn lại ông ngâm vào nước ấm, gói vào khăn. Mỗi tối, ông đem ủ trong người, trùm chăn ngủ để hơi ấm làm cho thóc nảy mầm.
KÍNH NHỜ QUÝ PHỤ HUYNH CHO CÁC CON LÀM BÀI VÀO VỞ ĐỂ GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM TIỆN KIỂM TRA VÀ NHẬN XÉT SAU KHI ĐI HỌC TRỞ LẠI. 
CHÂN THÀNH CẢM ƠN!
CÔ CHÚC CÁC CON HỌC THẬT VUI VÀ LÀM BÀI TẬP THẬT TỐT NHÉ!

File đính kèm:

  • docgiao_an_tieng_viet_khoi_3_tuan_21.doc