Giáo án Ngữ văn 12 - Lý thuyết Luật thơ - Năm học 2015-2016 - Trần Văn Chường

? GV: Hướng dẫn HS tổ chức thành 5 nhóm xác định các đặc điểm về số tiếng, gieo vần, cách ngắt nhịp, hài thanh của thể lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú. Ngữ liệu do HS tự chọn là các tác phẩm đã học (thể lục bát, song thất lục bát lấy 4 dòng thơ, các thể còn lại yêu cầu lấy dẫn chứng là một bài thơ). Thời gian thảo luận của mỗi nhóm là 3 phút, cử đại diện lên bảng trình bày, thời gian trình bày tối đa là 5 phút. Các nhóm tiến hành nhận xét bài của nhau và cho điểm bài nhóm bạn dưới sự hướng dẫn của GV.

+ Nhóm 1: thể lục bát

+ Nhóm 2: thể song thất lục bát

+ Nhóm 3: thể ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật

+ Nhóm 4: thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

+ Nhóm 5: thể thất ngôn bát cú Đường luật .

 

docx11 trang | Chia sẻ: xuannguyen98 | Lượt xem: 1024 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án Ngữ văn 12 - Lý thuyết Luật thơ - Năm học 2015-2016 - Trần Văn Chường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Giáo án bài lý thuyết Luật thơ
 Mục tiêu bài học: Giúp HS
Về kiến thức:
Hiểu được khái niệm về luật thơ, các thể thơ Việt Nam được chia thành 3 nhóm: thể thơ truyền thống của dân tộc (lục bát, song thất lục bát, hát nói), thể thơ Đường luật (ngũ ngôn, thất ngôn tứ tuyệt & bát cú), thể thơ hiện đại (5 tiếng, 7 tiếng, 8 tiếng, hỗn hợp, thơ tự do, thơ - văn xuôi,);
Thấy được vai trò của tiếng trong luật thơ: tiếng là một nhân tố để xác định thể thơ, vần của tiếng là cơ sở của vần thơ, thanh của tiếng tạo ra nhịp điệu và sự hài thanh,;
Xác định được luật thơ trong các thể thơ lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn (tứ tuyệt và bát cú): số câu trong bài, số tiếng trong mỗi dòng thơ; sự hiệp vần giữa các câu thơ; sự phân nhịp trong các câu thơ; sự hài thanh trong câu thơ và bài thơ; kết cấu, sự phân khổ trong bài thơ;
Phát hiện ra những yếu tố kế thừa và đổi mới của thơ ca hiện đại so với thơ ca truyền thống.
Về kĩ năng:
Nhận biết và phân tích được luật thơ ở một bài thơ cụ thể thuộc thể lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn và thất ngôn Đường luật (tứ tuyệt và bát cú);
Đọc - hiểu một bài thơ theo đặc trưng của luật thơ;
Về thái độ:
Thấy được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt, từ đó có thái độ trân trọng, yêu quý, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt;
Trau dồi tình yêu thơ ca, thấy được sự độc đáo, đa dạng, nét đặc sắc của các thể thơ Việt Nam, trân trọng những sáng tạo thơ ca của thi nhân;
Sử dụng ngôn từ nghệ thuật nhằm đạt hiệu quả cao trong giao tiếp nghệ thuật cũng như giao tiếp trong đời sống.
 Phương pháp, phương tiện dạy học
Phương pháp
GV: sử dụng phương pháp: thuyết trình, vấn đáp, thảo luận nhóm, dạy học dự án, WebQuest - khám phá trên mạng,
Phương tiện
GV: SGK Ngữ văn 12, tập 1; giáo án; bảng biểu;
HS: SGK Ngữ văn 12, tập 1; vở ghi, vở soạn bài
 Tiến trình dạy học
Ổn định tổ chức, kiểm tra sĩ số
Kiểm tra bài cũ:
Câu hỏi: Khi chứng minh Tố Hữu đặc biệt thành công trong việc vận dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc đặc biệt là thơ lục bát, bạn An lấy bài Khi con tu hú, Việt Bắc, làm dẫn chứng. Tuy nhiên, An có chép sai một vài từ trong bài Khi con tu hú. Quan sát đoạn thơ dưới đây, theo em, bạn An chép sai những từ nào? Hãy dựa vào kiến thức về thể thơ để sửa lại cho đúng? Bạn nào trả lời đúng và nhanh nhất sẽ ghi được 10 điểm.
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái xoài ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve kêu
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào”
Đáp án + Sai từ “xoài” vì không hiệp vần với từ “bầy” ở câu lục, từ “xoài” lại cùng thanh với từ “dần”. Sửa từ “xoài” thành từ “cây”.
+ Sai từ “kêu” vì không hiệp vần với từ “dần” ở câu trên, không hiệp vần với từ “sân” ở câu dưới. Sửa từ “kêu” thành “ngân”.
Hoạt động dạy bài mới:
Lời vào bài: Các em thân mến! Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop đã từng thổ lộ:
	 THƠ CA
“Có công việc làm, hẳn có lúc ngừng tay,
Có cuộc hành trình phải có mươi phút nghỉ.
Thơ vừa là nghỉ ngơi, vừa là việc đầy lao lực,
Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình.
Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé
Như mơ ước mùa xuân, như khát vọng chiến công
Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện.
Thơ đã sinh ra, tình yêu cũng đến cùng.
Khi tôi nhỏ, thơ giống như bà mẹ.
Tôi lớn lên, thơ lại giống người yêu.
Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ làm con gái,
Lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hóa thơ lưu”
Thơ ca là một trong những “niềm vui cao cả nhất mà loài người tạo ra cho mình” (C.Mac). Khám phá về thơ và công việc làm thơ là một hành trình đầy thú vị, bất ngờ. Trong CT, SGK Ngữ văn THCS, các em đã được học các bài làm thơ Tập làm thơ bốn chữ, Tập làm thơ năm chữ, Làm thơ lục bát, Hoạt động Ngữ văn làm thơ bảy chữ, Tập làm thơ tám chữ. Trong tiết học hôm nay, thầy trò ta cùng tiếp tục khám phá về các thể thơ để có thêm những tri thức về thơ nâng cao năng lực đọc hiểu thơ và cùng khám phá tâm hồn thi sĩ – cái nhà thơ trong mỗi chúng ta.
Hoạt động dạy bài mới:
Hoạt động của GV và HS
Nội dung cần đạt
Hoạt động 1
I Khái quát về luật thơ
? GV: Trong văn học trung đại, mỗi nhà văn, nhà thơ khi sáng tác văn học ở mỗi thể loại đều phải tuân theo những quy tắc, khuôn mẫu nhất định gọi là luật. Vậy theo em, em hiểu thế nào là luật thơ (luật của một thể thơ)? Lấy ví dụ?
HS : trả lời
? GV: Cho các thể thơ lục bát, song thất lục bát, bảy tiếng, thơ - văn xuôi, tám tiếng, hát nói, ngũ ngôn Đường luật, hỗn hợp và thất ngôn Đường luật. Em hãy xếp các thể thơ trên vào các nhóm phù hợp, sau đó lý giải sự sắp xếp?
HS : trả lời
? GV: Sự hình thành luật thơ cũng như sự vay mượn, mô phỏng và cách tân các thể thơ đều phải dựa trên đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt, theo em đó là đơn vị ngữ âm nào?
HS: trả lời
? GV: cho hai ngữ liệu sau:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
 (Nguyễn Du)
“Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền”
 (Chinh phụ ngâm khúc)
Quan sát 2 ngữ liệu, em hãy xác định: số tiếng trong mỗi dòng thơ, cách ngắt nhịp, cách gieo vần và thanh điệu (B - T) của mỗi tiếng? (Gọi 2 HS lên bảng trình bày, các HS còn lại làm vào vở nháp, quan sát bài trên bảng và nhận xét).
HS: 2 HS lên bảng trình bày, các HS còn lại làm vào vở nháp, quan sát bài trên bảng và nhận xét.
? GV: Qua việc tìm hiểu hai ngữ liệu, em có nhận xét gì về vai trò của thanh, vần, số tiếng của tiếng trong việc hình thành luật thơ?
HS : trả lời
? GV: Dựa vào các bài thơ đã học, theo em luật của một thể thơ còn chịu sự quy định của những yếu tố nào? Lấy ví dụ?
HS : trả lời
Khái niệm
Luật thơ của một thể thơ là toàn bộ những quy tắc về số câu, số tiếng, cách hiệp vần, phép hài thanh, ngắt nhịp, trong các thể thơ được khái quát theo những kiểu mẫu nhất định.
Ví dụ: luật của thể lục bát, song thất lục bát,
Phân loại: 2 loại
Các thể thơ truyền thống:
+ Các thể thơ dân tộc: lục bát, song thất lục bát, hát nói.
+ Các thể thơ Đường luật: ngũ ngôn, thất ngôn (tứ tuyệt và bát cú)
Các thể thơ hiện đại: năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng,
Cơ sở hình thành luật thơ
Vai trò của tiếng
Xét ngữ liệu:
+ Ngữ liệu 1: về số tiếng ở dòng 1 có 6 tiếng (dòng lục), dòng 2 có 8 tiếng (dòng bát); hiệp vần “a” ở tiếng thứ 6 của 2 dòng; 2 dòng đều ngắt nhịp là 2/2; hài thanh ở dòng lục là B - B - B - T - B - B, dòng bát là T - B - T - T - B - B - T - B.
+ Ngữ liệu 2: gồm 2 dòng 7 tiếng (song thất) và một cặp lục bát; 2 dòng thất hiệp vần chính “ọc”, cặp lục bát hiệp vần thông (buồn, khôn); ngắt nhịp ở 2 dòng thất là 3/4 , cặp lục bát là 2/2; hài thanh ở các dòng lần lượt là : 
 Dòng 1: B - B - B - T - B - B – T; 
 Dòng 2: B - B - B - T - T - T – B; 
 Dòng 3: B - B - B - T - T – B;
 Dòng 4: T - B - B - T - T - B - B - B.
Kết luận: Tiếng có vai trò quan trọng trong việc hình thành luật thơ :
+ Tiếng là căn cứ để lập ra các thể thơ;
+ Tiếng là căn cứ để ngắt nhịp trong thơ;
+ Thanh của tiếng là căn cứ để xác định luật bằng trắc và tạo ra nhạc điệu thơ;
+ Vần của tiếng là căn cứ để xác định hiệp vần và liên kết các dòng thơ.
b. Luật thơ còn xác định dựa theo số dòng thơ trong bài, quan hệ các dòng thơ về kết cấu, ý nghĩa. Điều này phụ thuộc vào từng thể thơ.
- Ví dụ: thơ thất ngôn tứ tuyệt có 4 dòng, quan hệ từng dòng thơ lần lượt là khai - thừa - chuyển - hợp.
Hoạt động 2:
II. Một số thể thơ truyền thống
? GV: Hướng dẫn HS tổ chức thành 5 nhóm xác định các đặc điểm về số tiếng, gieo vần, cách ngắt nhịp, hài thanh của thể lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú. Ngữ liệu do HS tự chọn là các tác phẩm đã học (thể lục bát, song thất lục bát lấy 4 dòng thơ, các thể còn lại yêu cầu lấy dẫn chứng là một bài thơ). Thời gian thảo luận của mỗi nhóm là 3 phút, cử đại diện lên bảng trình bày, thời gian trình bày tối đa là 5 phút. Các nhóm tiến hành nhận xét bài của nhau và cho điểm bài nhóm bạn dưới sự hướng dẫn của GV.
+ Nhóm 1: thể lục bát
+ Nhóm 2: thể song thất lục bát
+ Nhóm 3: thể ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật 
+ Nhóm 4: thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật 
+ Nhóm 5: thể thất ngôn bát cú Đường luật .
HS: thực hiện
GV: yêu cầu HS quan sát phần trình bày ngữ liệu
? GV: Qua việc phân tích ngữ liệu, em có nhận xét gì về đặc điểm của thể thơ lục bát? Ví dụ sau có phải thể thơ lục bát không? Tại sao?
HS: trả lời
? GV: kể tên những tác phẩm tiêu biểu làm bằng thể lục bát? Ví dụ sau có phải là thể thơ lục bát không? Tại sao?
“Các bạn trong lớp ta ơi
Thi đua học tập phải thời tiến lên
Tiến lên liên tục đừng quên
Nhì trường, nhất khối, khỏi phiền thầy cô
Chúc mừng các bạn hoan hô
Liên hoan sơ kết ven bờ hồ Tây”.
HS: trả lời (ví dụ trên chỉ là văn vần vì không có giá trị biểu cảm).
? GV: Yêu cầu HS quan sát ngữ liệu
? GV: Những đặc điểm về số tiếng, vần, nhịp, hài thanh, của đoạn thơ trên tiêu biểu cho đặc điểm của thể song thất lục bát. Em hãy khái quát lại những đặc điểm của thể song thất lục bát? 
HS: trả lời
? GV: Kể tên một số tác phẩm tiêu biểu sử dụng thể song thất lục bát? Những ưu điểm và hạn chế của thể thơ này?
HS: trả lời
GV: nhận xét, kết lại vấn đề
? GV: Yêu cầu HS quan sát ngữ liệu
? GV: Em hãy khái quát lại những đặc điểm tiêu biểu của thể ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật? 
HS: trả lời
? GV: Kể tên một số tác phẩm tiêu biểu có sử dụng thể ngũ ngôn Đường luật tứ tuyệt và bát cú?
HS: trả lời
? GV: yêu cầu HS quan sát ngữ liệu
? GV: tìm hiểu ngữ liệu, em hãy rút ra những đặc điểm của thể thất ngôn tứ tuyệt? Kể tên một số tác phẩm làm bằng thể tư tuyệt trong chương trình, SGK Ngữ văn.
HS: trả lời
? GV: Yêu cầu HS quan sát ngữ liệu
? GV: Quan sát ngữ liệu, em hãy rút ra những đặc điểm của thể thất ngôn bát cú Đường luật? Kể tên một số tác phẩm tiêu biểu mà em biết?
HS :trả lời
?GV: Từ việc tìm hiểu các thể thơ Đường luật trên, em hãy chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của chúng?
HS: trả lời
Thể lục bát
Xét ngữ liệu:
Kết luận:
- Số tiếng: mỗi cặp lục bát gồm 2 dòng (dòng lục: 6 tiếng, dòng bát: 8 tiếng). Bài thơ lục bát là sự kế tiếp của các cặp như thế.
- Vần: Hiệp vần ở tiếng thứ 6 của hai dòng và giữa tiếng thứ 8 của dòng bát với tiếng thứ 6 của dòng lục. Thể lục bát có khả năng kết hợp cả gieo vần chân (vần cước) và vần lưng (vần yêu).
- Nhịp: thường là nhịp chẵn dựa vào các tiếng có thanh không đổi (tức các tiếng 2, 4, 6). Vì vậy thơ lục bát dễ đọc, dễ ngâm, dễ thuộc. Tuy nhiên, thể lục bát cũng ngắt nhịp khá linh hoạt phụ thuộc vào tình ý người sáng tạo.
- Hài thanh: Có sự đối xứng luân phiên B - T - B ở các tiếng 2, 4, 6 trong dòng thơ; đối lập âm vực ở tiếng thứ 6 và thứ 8 dòng bát.
- Tuy nhiên, thể lục bát có hạn chế:
+ Khi diễn tả cảnh dồn dập, mạnh mẽ thường gặp khó khăn; 
+ Kết cấu 6-8 đôi khi tạo ra sự ép vần, ngắt dòng đột ngột không hết ý;
+ Nếu người sáng tạo không có bước đột phá thì nếu kéo dài cặp lục bát dễ tạo cảm giác nhàm chán.
Thể song thất lục bát
Xét ngữ liệu:
Kết luận:
- Số tiếng: cặp song thất (7 tiếng) và cặp lục bát (6-8 tiếng) luân phiên kế tiếp nhau trong bài.
- Vần : cặp song thất có vần trắc ở tiếng thứ 5 và thứ 7, cặp lục bát có vần bằng, giữa cặp song thất và cặp lục bát có vần liền.
- Nhịp: 2 câu thất nhịp 3 / 4 và 2/2/2 ở cặp lục bát.
- Hài thanh: cặp song thất lấy tiếng thứ ba làm chuẩn, có thể có thanh bằng hoặc trắc nhưng không bắt buộc; còn cặp lục bát có sự đối xứng bằng - trắc chặt chẽ.
- Thể song thất lục bát có sự cân đối về vần điệu và phong phú về nhạc điệu. Do nhạc điệu thơ linh hoạt thích hợp với lối tự tình, ngâm khúc. Tuy vậy, nhịp điệu còn dàn trải, thiếu sự súc tích.
Các thể ngũ ngôn Đường luật
Xét ngữ liệu
Kết luận
Số tiếng:
+ 5 tiếng, 4 dòng: thể ngũ ngôn tứ tuyệt
+ 5 tiếng, 8 dòng: thể ngũ ngôn bát cú
- Vần: chủ yếu là độc vận, gieo vần cách
- Nhịp: nhịp lẻ
- Hài thanh: có sự luân phiên B - T hoặc niêm B - B, T - T ở tiếng thứ 2 và thứ 4
Các thể thất ngôn Đường luật
Thất ngôn tứ tuyệt
Xét ngữ liệu:
Kết luận:
+ Số tiếng, số dòng: 7 tiếng, 4 dòng
+ Vần: vần chân, độc vận, gieo vần cách
+ Nhịp: 4/3
+ Hài thanh: nhất - tam - ngũ bất luận, nhị - tứ - lục - phân - minh.
+ Bố cục : khai - thừa - chuyển - hợp
+ Niêm : 1 - 4 , 2 - 3
+ Đối : 1 - 2, 3 - 4	
Thất ngôn bát cú
Xét ngữ liệu:
Kết luận:
+ Số tiếng: 7 tiếng, số dòng : 8 dòng
+ Vần: vần chân, độc vận
+ Nhịp: 4/3
+ Hài thanh: nhất - tam - ngũ bất luận, nhị - tứ - lục phân minh
+ Bố cục: khai - thừa - chuyển - hợp
+ Niêm: 1 - 8, 2 - 3, 4 - 5, 6 - 7.
+ Đối: dòng 3 - 4 , dòng 5 – 6
* Các thể thơ Đường luật ngắn gọn, hàm súc, giàu chất nhạc, chất họa. Tuy nhiên với quy định chặt chẽ về thi luật tạo ra những khó khăn khi sáng tác.
Hoạt động 3
III. Các thể thơ hiện đại
? GV: Qua việc chuẩn bị bài thầy giao tìm hiểu về các thể thơ Việt Nam hiện đại ở nhà, thầy mời 2 bạn, một bạn đóng vai nhà thơ, một bạn đóng vai là người dẫn chương trình, các bạn còn lại đóng khán giả. Người dẫn chương trình và khán giả sẽ có những câu hỏi đặt ra cho nhà thơ, những trao đổi về sự kiện đánh dấu việc đổi mới thơ ca Việt Nam hiện đại, các thể thơ Việt Nam hiện đại, các bài thơ tiêu biểu, về yếu tố kế thừa và đổi mới của các thể thơ hiện đại so với thơ ca truyền thống (minh chứng qua bài Tây Tiến vừa học), Thực hiện trao đổi trong khoảng thời gian 10 phút.
HS: thực hiện
? GV: ngoài những thể thơ trên, theo các em thơ ca Việt Nam còn được sáng tác theo những thể thơ nào?
HS: trả lời
GV: giới thiệu thêm một số bài thơ tiêu biểu ở các thể thơ hiện đại, một số thể thơ đặc biệt của dân tộc và tiếp thu từ nước ngoài như vĩ tam thanh, thuận nghịch độc, thơ hai-ku,..
- Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) đã mở đầu cho việc đổi mới thơ Việt Nam. Nhiều thể thơ hiện đại xuất hiện từ đây.
Các thể thơ Việt Nam hiện đại rất đa dạng và phong phú: năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, tự do, thơ - văn xuôi,  Chúng vừa tiếp nối luật thơ trong truyền thống, vừa có sự cách tân.
Ví dụ:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(Quang Dũng, Tây Tiến)
+ Số tiếng : 7 tiếng, số dòng: không hạn định
+ Ngắt nhịp: 4/3
+ Hiệp vần: gieo vần “ơi”, vần chân, vần cách
+ Hài thanh: không theo quy luật (có câu toàn vần bằng)
Hoạt động 4
Luyện tập
? GV: gọi HS đọc bài tập, sau đó mời 2 HS lên bảng so sánh
HS: thực hiện, làm và nhận xét bài của bạn trên bảng
Bài tập SGK trang 107
Trong hai câu song thất ở thể song thất lục bát:
+ Gieo vần lưng: nguyệt - mịt
+ Nhịp: 3/ 4
+ Hài thanh: lấy tiếng thứ 3 làm chuẩn (đều là thanh bằng) thành - tuyền
Trong bài thơ hiện đại:
+ Vần: 1 vần, vần chân (cuối các câu 1,2,4)
+ Nhịp: 4/3 (câu 2, 3), nhịp 2/5 (câu 1, 4)
+ Hài thanh: dòng 1 - 4 (T - B - T), dòng 2 - 3 (B - T - B).
Củng cố, dặn dò:
HS hoàn thành phiếu bài tập để củng cố nội dung bài học.
Nắm được khái niệm luật thơ, phân loại các thể thơ Việt Nam; ghi nhớ được đặc điểm của các thể thơ truyền thống, các thể thơ hiện đại;
Hoàn thành các bài tập bài Luật thơ trong sách bài tập Ngữ văn 12, tập 1;
Sưu tầm hoặc tự viết lời bình về những đoạn thơ, bài thơ có cách hiệp vần, hài thanh, ngắt nhịp độc đáo;
Sáng tác một bài thơ với thể thơ tự chọn.
GV phát hệ thống bài tập luyện tập để HS chuẩn bị cho tiết học luyện tập.

File đính kèm:

  • docxGIAO_AN_BAI_LUAT_THO.docx
Giáo án liên quan