Giáo án Ngữ văn 10 - Trần Thị Thu Thùy - Bạch Đằng giang phú

- Biện pháp nghệ thuật:

+ Thủ pháp liệt kê hàng loạt địa danh tạo ấn tượng về khoảng không gian rộng lớn, bao la với biển lớn, sông hồ, những vùng đất nổi tiếng mang đậm dấu ấn huyền thoại.

+ Thời gian được đề cập đến là thời gian liên tiếp (sớm gõ thuyền., chiều lần thăm.) tạo ấn tượng về một cuộc du ngoạn không ngừng nghỉ.

 

doc9 trang | Chia sẻ: halinh | Lượt xem: 2848 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án Ngữ văn 10 - Trần Thị Thu Thùy - Bạch Đằng giang phú, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiết : BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ
Kết quả cần đạt
Về nội dung: hiểu được nội dung chủ yếu của bài phú: niềm tự hào vè truyền thống của dân tộc và tư tưởng nhân văn của tác giả với việc đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử.
Về kỹ năng: làm quen và rèn luyện kỹ năng đọc – hiểu một tác phẩm văn học được viết theo thể phú. Tích hợp với kiến thức đã được tìm hiểu về hào khí Đông A qua các bài thơ Lý Trần như Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải).
Về tư tưởng: bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc.
Chuẩn bị của thầy và trò
Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập I ban cơ bản.
Sách giáo viên, sách thiết kế giáo án Ngữ văn 10 tập I ban cơ bản.
Bản đồ tỉnh Quảng Ninh.
Tranh ảnh về bãi cọc Bạch Đằng và thủy chiến Bạch Đằng.
Hình ảnh nguyên tác Bạch Đằng giang phú.
Các bước lên lớp
Ổn định tổ chức, kiểm tra sĩ số
Kiểm tra bài cũ
Dẫn vào bài mới
 Việt Nam là đất nước của những dòng sông. Sông mang phù sa bồi đắp, sông là chiến trận diệt thù. Bạch Đằng là một địa danh lịch sử, đi vào thơ văn với chói lọi chiến công, một dòng sông “Kình ngạc băm vằm non mấy khúc/ Giáo chìm gươm gãy bãi bao tầng” (Nguyễn Trãi), một dòng sông “Ánh nước chiều hôm màu đỏ khé/ Tưởng rằng máu giặc vẫn chưa khô” (Trần Minh Tông), một dòng sông “Mồ thù như núi, cỏ cây tươi/ Sóng biển gầm vang, đá ngất trời” (Nguyễn Sưởng) đã thêm một lần đi vào tác phẩm được đánh giá là mẫu mực của thể loại phú trong văn học trung đại: “Bạch Đằng giang phú” (Trương Hán Siêu).
Đọc – hiểu văn bản
Hoạt động của giáo viên và học sinh
Nội dung kiến thức cần đạt
I - Tìm hiểu chung
1. Tác giả
+ GV yêu cầu HS đọc phần Tiểu dẫn (SGK/3) phần viết về tác giả Trương Hán Siêu và cho biết những nét chính về cuộc đời tác giả?
+ HS đọc theo yêu cầu và lựa chọn chi tiết, trả lời câu hỏi.
I – Tìm hiểu chung
1. Tác giả
Trương Hán Siêu (? – 1354) tự Thăng Phủ:
Quê: làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, nay thuộc thị xã Ninh Bình.
Con người: Là người có tính tình cương trực, học vấn uyên thâm, vừa có tài chính trị, vừa có tài văn chương, được các vua Trần tin cậy và nhân dân kính trọng.
Hoạn lộ: từng là môn khách của Trần Hưng Đạo, làm quan to dưới bốn triều vua. Khi mất, được vua tặng tước Thái Bảo, Thái Phó và được thờ ở Văn Miếu (Hà Nội). Có công cùng với Nguyễn Trung Ngạn soạn bộ “Hoàng triều đại chí” và bộ “Hình thư” để ban hành trong xã hội.
Tác phẩm còn lại không nhiều: 4 bài thơ, 3 bài văn (trong đó có Bạch Đằng giang phú)
2. Địa danh: sông Bạch Đằng
+ GV yêu cầu HS tiếp tục theo dõi phần tiếp theo của Tiểu dẫn và cho biết: đặc điểm vị trí địa lý và những chiến công lịch sử gắn với sông Bạch Đằng?
+ HS đọc theo yêu cầu, lựa chọn chi tiết, trả lời câu hỏi.
2. Địa danh: sông Bạch Đằng
- Vị trí địa lý: Là một nhánh sông đổ ra biển thuộc Quảng Ninh, gần Thuỷ Nguyên (Hải Phòng).
- Những chiến công lịch sử: 
+ Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán (938).
+ Trần Quốc Tuấn đại thắng quân Nguyên – Mông lần thứ 3 (1288)
à Nhận xét: Sông Bạch Đằng vừa là một danh thắng lịch sử gắn với những chiến công lẫy lừng của dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm vừa là nguồn đề tài cho văn học.
3. Thể phú
+ GV yêu cầu HS tiếp tục đọc phần còn lại của Tiểu dẫn và nêu lên những hiểu biết của bản thân về thể phú?
+ HS đọc theo yêu cầu, tìm chi tiết, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
3. Thể phú
- Nguồn gốc: Kinh thi.
- Phú là phơi bày, mô tả, lột tả. Tính chất của nó là đi trực tiếp vào vấn đề, thể hiện rõ nét đặc điểm của thực tế được mô tả.
- Nội dung: rất đa dạng, từ thiên nhiên đến con người, từ cá nhân tới toàn xã hội.
- Hình thức: thường được viết bằng văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi, có thể có đối hoặc không.
- Phân loại: 
+ Phú cổ thể: có trước đời Đường (Trung Quốc), đặc trưng chủ yếu là mượn hình thức đối đáp giữa hai nhân vật chủ- khách để bày tỏ, diễn đạt nội dung, chưa quy định chặt chẽ về luật.
+ Phú cận thể (phú Đường luật): có những quy định chặt chẽ về vần (độc vận, liên vận, hạn vận, phóng vận) và đối.
- Bố cục: 4 đoạn: mở - giải thích – bình luận – kết.
Tác phẩm
+ GV đặt câu hỏi: theo em Bạch Đằng giang phú thuộc tiểu loại phú nào? Tác phẩm ra đời vào khoảng thời gian nào? Có thể chia bố cục bài phú ra sao?
+ HS suy nghĩ, trả lời.
Tác phẩm
Bạch Đằng giang phú là phú cổ thể: có vần, không nhất thiết phải có đối, cuối bài thường được kết lại bằng thơ.
Thời gian sáng tác: chưa rõ chính xác sáng tác năm nào, có lẽ vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông thắng lợi, khi tác giả quay lại thăm chiến trường xưa, tức cảnh sinh tình mà sáng tác.
Bố cục: gồm 4 đoạn:
+ Đoạn mở: từ đầu à “còn lưu”: Tráng chí và cảm xúc của nhân vật khách trước cảnh sắc trên sông Bạch Đằng.
+ Đoạn giải thích: tiếp theo à “nghìn xưa ca ngợi”: Các bô lão kể lại các chiến tích trên sông Bạch Đằng.
+ Đoạn bình luận: tiếp theo à “chừ lệ chan”: Các bô lão suy ngẫm và bình luận về nguyên nhân chiến thắng trên sông Bạch Đằng.
+ Đoạn kết: còn lại: Lời ca khẳng định, đề cao vai trò, đức độ của con người Đại Việt của các bô lão và nhân vật khách.
II – Tìm hiểu chi tiết
Đoạn mở đầu
+ GV gọi HS đọc lại đoạn mở đầu và yêu cầu học sinh dựa vào nội dung đoạn này, tiếp tục chia đoạn mở đầu thành những đoạn nhỏ để tìm hiểu.
+ HS đọc diễn cảm đoạn mở đầu và trả lời câu hỏi.
II – Tìm hiểu chi tiết
1. Đoạn mở đầu
Có thể dựa vào nội dung để chia đoạn mở đầu thành 2 đoạn nhỏ:
- Từ đầu à “thú tiêu dao”: Nhân vật khách với thú tiêu dao.
- Tiếp theo à “luống còn lưu”: Cảnh trí sông Bạch Đằng và tâm trạng của khách.
a. Nhân vật “khách” với thú tiêu dao.
- Mở đầu bài phú nổi bật lên hình tượng nhân vật nào? (theo dõi phần chú thích chân trang và giải thích)
a. Nhân vật “khách” với thú tiêu dao
- Mở đầu bài phú nổi bật lên hình tượng nhân vật khách. 
- Phú cổ thể thường dùng lối “chủ - khách đối đáp” nên có nhân vật khách kể chuyện cho hấp dẫn.
- Khách ở đây cũng có thể là sự phân thân của tác giả, tạo tính khách quan cho những điều sẽ nói.
- Khách đã gợi ra những địa danh nào trong đoạn này? Bằng biện pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng để thể hiện cách tiêu dao của khách? 
- Khách đã gợi ra những địa danh chủ yếu có trong điển tích, hết sức nổi tiếng, tiêu biểu ở đất nước Trung Hoa: sông Nguyên, sông Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, đầm Vân Mộng à GV dừng lại giải thích thêm về một số địa danh à đây là cuộc du ngoạn thông qua hiểu biết sách vở, qua trí tưởng tượng của tác giả.
- Biện pháp nghệ thuật: 
+ Thủ pháp liệt kê hàng loạt địa danh tạo ấn tượng về khoảng không gian rộng lớn, bao la với biển lớn, sông hồ, những vùng đất nổi tiếng mang đậm dấu ấn huyền thoại. 
+ Thời gian được đề cập đến là thời gian liên tiếp (sớm gõ thuyền..., chiều lần thăm...) tạo ấn tượng về một cuộc du ngoạn không ngừng nghỉ.
+ Sử dụng những động từ thể hiện động tác mạnh (giương buồm, giong gió, lướt bể, chơi trăng, gõ thuyền, lần thăm), những số từ chỉ số nhiều (vài trăm, bốn phương), cách nói khẳng định (nơi có người đi, đâu mà chẳng biết).
- Như vậy khách du ngoạn nhằm mục đích gì?
- Mục đích dạo chơi thiên nhiên, chiến địa của khách:
+ Thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên.
+ Tìm hiểu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức.
- Chỉ với những câu phú đầu tiên này, em có cảm nhận gì về nhân vật khách?
- Khách tự họa bức chân dung tinh thần của mình là một hồn thơ, một khách hải hồ, một kẻ sĩ thiết tha với đất nước và lịch sử dân tộc:
+ Có vốn hiểu biết phong phú.
+ Yêu thiên nhiên, say đắm thưởng ngoạn, tìm hiểu thiên nhiên (Giương buồm... mải miết).
+ Có tâm hồn khoáng đạt, có hoài bão lớn lao (Nơi có người đi... tha thiết).
b. Cảnh trí sông Bạch Đằng và tâm trạng của “khách”.
+ GV dẫn dắt và đặt câu hỏi: Khác với cuộc du ngoạn bằng trí tưởng tượng qua các địa danh nổi tiếng trên đất nước Trung Hoa ở trên, tới đây, khách đã học thú tiêu dao của Tử Trường để “Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều”, tìm về với sông Bạch Đằng, dòng sông trên lãnh thổ nước Việt, dòng sông làm chứng nhân lịch sử. Em hãy cho biết sự khác nhau giữa hai cuộc du ngoạn này?
b. Cảnh trí sông Bạch Đằng và tâm trạng của “khách”.
- Cảnh miêu tả ở phần trên chủ yếu được vé nen bằng ngòi bút khái quát, ước lệ, không – thời gian đã được tượng trưng hóa.
- Cảnh sông Bạch Đằng là cảnh thực, với không gian cụ thể (cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng) và phong cảnh cụ thể (nước trời một sắc, bờ lau san sát, bến lách đìu hiu) à cảnh thực hiện lên ngày một rõ nét qua cái nhìn hồi tưởng của khách.
+ GV đặt câu hỏi: Em hãy cho biết cảnh trí sông Bạch Đằng được tác giả miêu tả với những sắc thái nào?
+ HS lắng nghe, suy nghĩ, tìm dẫn chứng để trả lời câu hỏi.
- Cảnh sắc của thiên nhiên trên sông Bạch Đằng:
+ Hùng vĩ, hoành tráng: “Bát ngát...một màu”.
+ Trong sáng, nên thơ: “Nước trời...ba thu”.
+ Ảm đạm, hiu hắt, hoang vu do dòng thời gian đang làm mờ bao dấu vết: “cảnh thảm”.
+ GV đặt câu hỏi: Cảm xúc của khách trước khung cảnh thiên nhiên sông Bạch Đằng là gì? Lí giải?
+ HS suy nghĩ, trả lời.
à GV bình thêm: Trước cảnh sông nước Bạch Đằng, một tính cách và một tâm hồn phóng khoáng, mạnh mẽ cũng trở nên sững sờ, tiếc nhớ, hoài niệm về một quá khứ oanh liệt đã qua. Điều này chứng tỏ nhân vật khách là một con người có tính cách mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng là một hồn thơ dạt dào, nhạy cảm, là một kẻ sĩ năng lòng ưu hoài trước thiên nhiên, chiến tích, thiết tha với lịch sư dân tộc.
- Tâm trạng của tác giả trước những sắc thái đối lập của thiên nhiên:
+ Phấn khởi, tự hào trước bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoành tráng mà trong sáng, thơ mộng.
+ Buồn thương, nuối tiếc trước vẻ ảm đạm , hiu hắt, hoang vu do thời gian đang xóa nhòa, làm mờ hết những dấu tích oai hùng của chiến trường xưa: “Buồn vì ...còn lưu”.
" Kết quả của cảm hứng hoài cổ- một xúc cảm quen thuộc của các nhà thơ xưa trước những địa danh lịch sử. (Liên hệ Bạch Đằng hải khẩu, Dục Thúy sơn- Nguyễn Trãi, Thăng Long thành hoài cổ- Bà Huyện Thanh Quan).
2. Đoạn giải thích
+ GV gọi HS đọc diễn cảm lại đoạn này và hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung – nghệ thuật đoạn giải thích bằng hệ thống câu hỏi.
+ HS đọc diễn cảm, lắng nghe, suy nghĩ, tìm dẫn chứng và trả lời.
2. Đoạn giải thích
- Các bô lão là nhân vật có thật hay do tác giả hư cấu?
- Hình tượng các bô lão có thể là nhân vật có thật (là những người dân địa phương ven sông Bạch Đằng mà tác giả gặp trên đường vãn cảnh) hoặc có thể họ là nhân vật hư cấu (là tâm tư tình cảm của tác giả hiện thân thành nhân vật trữ tình để những nhận xét về các trận chiến trên sông Bạch Đằng trở nên khách quan hơn).
- Vai trò của hình tượng các bô lão trong bài phú?
- Vai trò: 
+ Là người chứng kiến chiến tích lịch sử.
+ Là người kể lại các chiến tích hào hùng đó cho khách nghe.
- Thái độ của các bô lão đối với khách?
- Thái độ của các bô lão đối với khách: nhiệt tình, hiếu khách và tôn kính khách.
- Qua lời kể của các bô lão, các chiến tích vang dội nào trên sông Bạch Đằng đã được tái hiện? Trận chiến nào được các bô lão thuật lại tỉ mỉ hơn cả?
- Với niềm say mê, hào hứng, các bô lão đã đề cập tới 2 chiến tích vang dội của:
+ Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán (938)
+ Trần Hưng Đạo đánh thắng giặc Nguyên – Mông lần thứ 3 (1288).
- Với tư cách là chứng nhân của lịch sử, các bô lão sau khi nhắc tới chiến thắng của Ngô chúa đã thuật lại tỉ mỉ hơn cả chiến thắng của quân đội nhà Trần trước giặc Nguyên – Mông hung hãn.
- Qua lời kể của các bô lão, chiến tích của quân đội nhà Trần đã hiện lên sống động như thế nào (quang cảnh, không khí chiến trận; tính thế gay go, giằng co quyết liệt; chiến thắng vang dội của quân đội nhà Trần)? (chú ý các biện pháp nghệ thuật).
+ Quang cảnh, không khí chiến trận: bừng bừng, quyết liệt. Nhà Trần ra quân với binh lực hùng hậu (thuyền bè muôn đội, tinh kỳ phấp phới, hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói), với khí thế quyết chiến quyết thắng.
+ Tính chất gay go giằng co quyết liệt của cuộc chiến được gợi lên từ: 
* Chênh lệch tương quan lực lượng giữa kẻ thù (nhiều mưu ma chước quỷ, lực lượng đông đảo, hùng hậu à sức mạnh vật chất) >< ta (đội quân chính nghĩa, thuận ý trời, hợp lòng người, có tinh thần đoàn kết, có người lãnh đạo kiệt xuất, có đường lối đúng đắn à sức mạnh tinh thần).
* Hình ảnh phóng đại: nhật nguyệt- mờ; trời đất - đổi.
+ Kết quả: chiến thắng vang dội của quân đội nhà Trần – đội quân chính nghĩa được gợi lên từ:
* Đối lập: sự huyênh hoang, hung hăng, kiêu ngạo của kẻ thù îí sự thực thất bại thảm hại. 
* Hình ảnh so sánh: Thế trận của ta và địch – Trận Xích Bích, Hợp Phì (những trận đánh lớn, quyết liệt, nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc) 
- Thái độ, giọng điệu của các bô lão khi kể chuyện? Ngôn ngữ lời kể có đặc điểm gì?
- Thái độ, giọng điệu của các bô lão khi kể chuyện: nhiệt huyết, tự hào, mang cảm hứng của người trong cuộc.
- Ngôn ngữ lời kể:
+ Súc tích, cô đọng, vừa khái quát, vừa gợi lại được diễn biến, ko khí của các trận đánh rất sinh động (“Đây là buổi... Hoằng Thao”).
+ Các câu dài, dõng dạc tạo ko khí trang nghiêm 
(“Đây là...Hoằng Thao”).
+ Các câu ngắn gọn, sắc bén gợi khung cảnh chiến trận căng thẳng, gấp gáp ( “Thuyền bè...sáng chói”).
3. Đoạn bình luận
+ GV gọi HS đọc lại đoạn này và đặt câu hỏi: Qua lời bình luận của các bô lão, trong các yếu tố: thời thế (thiên thời), địa thế núi sông (địa lợi) và con người thì yếu tố nào là yếu tố giữ vai trò quảntọng nhất làm nên thắng lợi? (GV nhắc nhớ cho hs câu chuyện lịch sử về Trần Hưng Đạo)
+HS đọc diễn cảm đoạn phú, lắng nghe câu hỏi, suy nghĩ, tìm dẫn chứng và trả lời.
Đoạn bình luận
- Nguyên nhân làm nên thắng lợi:
+ Thời thế thuận lợi (thiên thời): “trời cũng chiều người”.
+ Địa thế núi sông (địa lợi): “trời đất cho nơi hiểm trở”.
+ Con người- người tài, có đức lớn " giữ vai trò quyết định quan trọng nhất đến thắng lợi.
- Tác giả gợi lại hình ảnh Trần Quốc Tuấn và những hình ảnh so sánh với người xưa " khẳng định sức mạnh, tài năng và đức lớn của con người- nhân tố quyết định thắng lợi.
" Cảm hứng mang giá trị nhân văn và có tầm triết lí sâu sắc.
Đoạn kết
+ GV yêu cầu HS đọc diễn cảm đoạn kết và hướng dẫn HS tìm hiểu đoạn này bằng hệ thống câu hỏi sau.
+ HS đọc diễn cảm, lắng nghe, suy nghĩ, tìm dẫn chứng và trả lời câu hỏi
4. Đoạn kết
- Lời ca của các bô lão nhằm khẳng định điều gì?
- Tuyên ngôn về chân lí của các bô lão: 
+ Những người bất nghĩa (Lưu Cung, Hốt Tất Liệt) sẽ tiêu vong.
+ Những người anh hùng, nhân nghĩa (Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo) thì mãi lưu danh thiên cổ.
" Đó là chân lí có tính chất vĩnh hằng như sông Bạch Đằng ngày đêm “luồng to sóng lớn đổ về bể đông” muôn đời theo quy luật tự nhiên.
- Lời ca tiếp nối của khách nhằm khẳng định điều gì?
- Lời ca tiếp nối của khách:
+ Ca ngợi sự anh minh của 2 vị thánh quan (Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông).
+ Ca ngợi chiến tích trên sông Bạch Đằng.
+ Khẳng định chân lí: vai trò và vị trí quyết định của con người trong tương quan với yếu tố đất đai hiểm yếu.
" Niềm tự hào dân tộc và tư tưởng nhân văn cao đẹp.
- So sánh lời ca của khách và bài thơ của Nguyễn Sưởng?
+ Điểm tương đồng:
- Cảm hứng ngợi ca, tự hào về chiến thắng và cảnh núi sông hiểm trở, hào hùng.
- Khẳng định vai trò có tính chất quyết định chiến thắng của địa thế núi sông và con người tài đức.
+ Khác biệt:
- Nguyễn Sưởng đặt hai yếu tố trên ngang hàng " hạn chế.
- Trương Hán Siêu đã khắc phục hạn chế đó khi nhấn mạnh vai trò cốt yếu của con người.
III – Tổng kết
+ GV đặt câu hỏi: Em hãy Khái quát lại những giá trị nội dung và nghệ thuật chính của tác phẩm?
+ HS suy nghĩ, tổng hợp kiến thức và trả lời.
III – Tổng kết
1. Giá trị nội dung:
- Lòng yêu nước.
- Tự hào dân tộc về truyền thống anh hùng bất khuất và đạo lí nhân nghĩa.
- Tư tưởng nhân văn cao đẹp:
+ Khẳng định và đề cao vai trò của con người, đạo lí chính nghĩa.
+ Nỗi niềm cảm khái trước sông Bạch Đằng trong hiện tại.
2. Nghệ thuật:
- Cấu tứ: đơn giản mà hấp dẫn.
- Bố cục: chặt chẽ.
- Hình tượng nghệ thuật: sinh động, vừa gợi hình sắc trực tiếp vừa mang ý nghĩa khái quát, triết lí.
- Ngôn ngữ: trang trọng, hào sảng vừa lắng đọng, gợi cảm.
" Bài phú là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam.
Củng cố, dặn dò
Đọc và học thuộc phần Ghi nhớ (SGK/7).
Học thuộc lòng và phân tích đặc sắc nội dung, nghệ thuật đoạn phú mà em thích nhất.
Soạn bài: “Đại cáo bình Ngô”.

File đính kèm:

  • docBACH DANG GIANG PHU - CHI TIET TOI TUNG CHI TIET.doc
Giáo án liên quan