Giáo án môn Kỹ năng sống Khối 9 - Tuần 4: Kỹ năng làm việc nhóm

- Gv hỏi học sinh: Tại sao chúng ta cần có quy tắc/ nguyên tắc khi làm việc nhóm?

- HS trả lời, GV mời 1 HS khác ghi các câu trả lời của học sinh lên bảng.

- Gv tổng hợp lại các câu trả lời của Hs và chốt lại tầm quan trọng của quy tắc nhóm

Gv tổng kết: Tầm quan trọng của quy tắc nhóm:

+ Giúp cả nhóm đạt được mục tiêu chung

+ Giúp các thành viên phát huy được sức mạnh cá nhân và sức mạnh tập thể

+ Phân công công việc rõ ràng, cụ thể.

+ Mỗi cá nhân có trách nhiệm với công việc chung

+ Mọi người lắng nghe nhau, tránh mâu thuẫn, xung đột (liên hệ với nội dung chương trình lớp 8)

+ Thưởng phạt phân minh, tạo động lực cho mỗi cá nhân.

- Hs ghi chép lại vào vở những ý quan trọng nhất, có thể tự bổ sung những ý khác mà các em cho là quan trọng

 

doc14 trang | Chia sẻ: hatranv1 | Lượt xem: 5607 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án môn Kỹ năng sống Khối 9 - Tuần 4: Kỹ năng làm việc nhóm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM
I. Mục tiêu bài giảng.
Học xong bài này, học sinh có khả năng:
- Về kiến thức: 
+ Giải thích được tại sao cần có quy tắc khi làm việc nhóm/ tầm quan trọng của quy tắc nhóm
+ Hiểu và nhớ được BA quy tắc quan trọng nhất trong quá trình làm việc nhóm
+ Thực hành ba quy tắc được học trong các tình huống
- Về kỹ năng:
Học sinh vận dụng được những quy tắc nhóm khi làm việc trong nhóm học tập và các nhóm khác
- Về thái độ:
Học sinh tôn trọng nội quy của lớp học/ nhà trường và học cách lắng nghe người khác trong quá trình làm việc nhóm.
II. Tài liệu và phương tiện dạy học.
Giấy A4, giấy A0, bảng, bút...
Tình huống “Ai là người lãnh đạo trên đảo hoang” dành cho thảo luận nhóm.
Giáo án.
Video “Bài học từ đàn ngỗng”
1 túi kẹo (số lượng kẹo bằng số lượng học sinh trong lớp. Nên mua loại kẹo Oishi hoặc kẹo có vỏ bọc)
Bảng, phấn.
Máy chiếu/máy tính
.....
III. Hoạt động dạy và học
1. Ổn định lớp: (2 phút)
 - Giáo viên kiểm tra sĩ số, ổn định tổ chức.
2. Kiểm tra bài cũ: (3 phút)
Câu 1: Kể tên những hành động thể hiện sự cảm thông chia sẻ với những người có hoàn cảnh đặc biệt
Câu 2: Gia đình/ bạn bè của em có ai có hoàn cảnh đặc biệt không? Em nghĩ mình nên làm gì trong thời gian tới để thể hiện sự quan tâm tới họ?
3. Nội dung bài học mới:
Nội dung hoạt động
Hoạt động của GV và HS
Kết quả cần đạt
HĐ1: Khởi động
- Thời gian: 10 phút
- Phương pháp và KTDH: Tổ chức trò chơi
- Hình thức: Nhóm đôi.
- Chuẩn bị: Luật chơi; một túi kẹo
- GV tổ chức trò chơi: “bài tập” Ăn kẹo
Luật chơi: GV chia lớp thành hai hàng đứng đối diện với nhau. Trong đó có một hàng được phát kẹo, hàng còn lại là hàng sẽ được ăn kẹo.
GV hướng dẫn học sinh: Tay phải cầm kẹo đưa thẳng ra phía trước, tay trái để phía sau lưng.
Hai học sinh đứng đối diện nhau cần cố gắng tìm cách ăn được kẹo. Lưu ý là học sinh cầm kẹo chỉ được cầm bằng tay phải, học sinh ăn kẹo chỉ được dùng miệng, không được dùng tay hay bất cứ bộ phận nào khác trên cơ thể để hỗ trợ việc lấy kẹo ra khỏi vỏ bọc.
Gv thưởng kẹo/ quà cho đôi nào ăn xong kẹo đầu tiên.
- Kết thúc trò chơi, GV hỏi:
1. Hỏi đội chiến thắng: Em nghĩ vì sao đội mình giành được phần thắng? Hai bạn đã hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc nhóm như thế nào? Hai bạn có thảo luận/ bàn bạc kế hoạch trước khi bắt đầu cuộc chơi không?
--> GV chốt 1: Bài học đầu tiên rút ra là khi làm việc nhóm, nếu các thành viên trong một đội cùng bàn bạc và đưa ra những quy tắc nhất định thì hiệu quả làm việc nhóm sẽ cao hơn. Một việc rất đơn giản như “Ăn kẹo” nhưng nếu như có những trao đổi trước thì có để đạt kết quả tốt hơn.
2. Nếu học sinh trả lời Không; Gv sẽ tiếp tục hỏi Hs: Nếu cả hai bạn cùng bàn bạc, thống nhất trước, kết quả có nhanh hơn không?
--> Dẫn nhập vào bài: Việc đưa ra quy tắc khi làm việc nhóm rất quan trọng. Nếu các thành viên trong một nhóm cùng thống nhất quy tắc và hành động theo quy tắc, hiệu quả làm việc sẽ tốt hơn rất nhiều việc làm việc nhóm tự phát. Trong bất cứ một tổ chức, công ty, trường học nào, cũng cần có nội quy. Và trong một nhóm cũng cần có quy tắc. Bài học hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về những nguyên tắc quan trọng nhất khi làm việc nhóm.
- HS lắng nghe, mở vở ghi bài.
HS cảm thấy hào hứng khi bắt đầu tiết học.
Hs được làm việc nhóm và bước đầu biết được tầm quan trọng khi đưa ra nguyên tắc khi làm việc nhóm.
HĐ2: Tầm quan trọng của quy tắc nhóm
- Thời gian: 15 phút
- Phương pháp và KTDH: Hỏi đáp, động não
- Hình thức tổ chức: Cả lớp
- Gv hỏi học sinh: Tại sao chúng ta cần có quy tắc/ nguyên tắc khi làm việc nhóm?
- HS trả lời, GV mời 1 HS khác ghi các câu trả lời của học sinh lên bảng.
- Gv tổng hợp lại các câu trả lời của Hs và chốt lại tầm quan trọng của quy tắc nhóm
Gv tổng kết: Tầm quan trọng của quy tắc nhóm:
+ Giúp cả nhóm đạt được mục tiêu chung
+ Giúp các thành viên phát huy được sức mạnh cá nhân và sức mạnh tập thể
+ Phân công công việc rõ ràng, cụ thể.
+ Mỗi cá nhân có trách nhiệm với công việc chung
+ Mọi người lắng nghe nhau, tránh mâu thuẫn, xung đột (liên hệ với nội dung chương trình lớp 8)
+ Thưởng phạt phân minh, tạo động lực cho mỗi cá nhân.
- Hs ghi chép lại vào vở những ý quan trọng nhất, có thể tự bổ sung những ý khác mà các em cho là quan trọng
- HS hiểu được tầm quan trọng của việc đặt ra nội quy trước khi làm việc nhóm.
HĐ3: Các quy tắc giúp nhóm hoạt động hiệu quả
- Thời gian: 25 phút
- Nội dung trọng tâm: Các quy tắc trong làm việc nhóm
- Phương pháp và KTDH: Thảo luận nhóm, hỏi đáp.
- Hình thức tổ chức: Theo nhóm
- Chuẩn bị: Giấy A3 để các nhóm thảo luận và ghi ý tưởng
- GV chia lớp thành các nhóm. Mỗi nhóm khoảng 4 – 5 học sinh.
- Mỗi nhóm thảo luận và thống nhất trên giấy A3 về những nội quy quan trọng nhất của một nhóm, giúp nhóm hoạt động hiệu quả (thời gian: 10 phút). Khuyến khích học sinh trình bày dưới dạng sơ đồ tư duy.
- Các nhóm cử một thành viên đại diện lên trình bày. 
- Gv mời một học sinh ghi chép lại trên bảng dưới dạng sơ đồ tư duy.
- Gv tổng kết và giới thiệu Ba nguyên tắc vàng khi làm việc nhóm như sau:
1. Luôn đặt mục tiêu của nhóm lên hàng đầu
Khi làm việc nhóm cần tránh xao nhãng, mất tập trung, tránh nói chuyện về những chủ đề không liên quan
2. Lắng nghe
Tránh ngắt lời người khác, luôn tôn trọng ý kiến của mỗi cá nhân, không chỉ trích.
3. Có trách nhiệm với công việc chung
- Hs chia sẻ ý kiến cá nhân về các nguyên tắc giúp làm việc nhóm hiệu quả.
- Hs nhớ được các nguyên tắc vàng trong quá trình làm việc nhóm:
+ Luôn đặt mục tiêu của nhóm lên hàng đầu
+ Lắng nghe
+ Có trách nhiệm với công việc chung
HĐ4: Ai là người lãnh đạo trên đảo hoang?
- Thời gian: 25 phút
- Nội dung trọng tâm: Thực hành nguyên tắc làm việc nhóm hiệu quả.
- Phương pháp và KTDH: Sử dụng tình huống gây mâu thuẫn, thuyết trình.
- Hình thức tổ chức: Theo nhóm, lớp.
- Chuẩn bị: Tình huống “Ai là người lãnh đạo trên đảo hoang”; Giấy A3, bút
- GV tiếp tục cho các nhóm ngồi làm việc theo nhóm 4 – 5 người (nhóm cũ)
- Mỗi nhóm được phát một phiếu học tập với nội dung và yêu cầu như sau: Tìm người lãnh đạo phù hợp nhất của nhóm bạn trên hoang đảo?
(Gv tham khảo tình huống trong phần Phụ lục)
Các nhóm có 10 phút để làm việc nhóm trên giấy A3 và 2 phút để trình bày (Người lãnh đạo là ai và Lí do vì sao lại lựa chọn người lãnh đạo này?)
- Gv quan sát các nhóm làm việc xem có thực hiện đúng ba nguyên tắc hay không (Lắng nghe, trách nhiệm và cùng hướng tới mục tiêu). GV lưu ý ghi chép lại quá trình làm việc của các nhóm để nhận xét sau khi các nhóm trình bày.
(Lưu ý: Đây là một tình huống có “vấn đề”, sẽ gây nhiều mâu thuẫn, tranh cãi giữa các thành viên trong nhóm. Có thể mỗi thành viên lại đưa ra một người lãnh đạo khác nhau theo ý kiến riêng của mình. Cả nhóm cần thống nhất nguyên tắc khi làm việc nhóm để tìm ra người lãnh đạo phù hợp trong tình huống này).
- Các nhóm trình bày.
- Gv nhận xét về quá trình làm việc của các nhóm; nhóm nào hoạt động hiệu quả, thống nhất được ý kiến các thành viên dựa trên nguyên tắc lắng nghe, tôn trọng; nhóm nào chưa thực hiện theo ba nguyên tắc được học. 
- GV cho Hs rút ra bài học sau khi trình bày tình huống: Mỗi người sẽ có một người lãnh đạo phù hợp cho riêng mình. Trong tình huống này, ai cũng có khả năng lãnh đạo, miễn là cả nhóm cần thống nhất được nguyên tắc làm việc trên đảo hoang và đồng lòng thực hiện theo nguyên tắc đó.
- GV chốt: 
Xây dựng nguyên tắc khi làm việc nhóm rất cần thiết để cả nhóm làm việc hiệu quả. Hãy luôn nhớ ba nguyên tắc vàng này khi bạn làm việc trong bất cứ nhóm nào.
- Hs thực hành ba nguyên tắc làm việc nhóm dựa trên một tình huống cụ thể.
HĐ5: Tổng kết
- Thời gian: 10 phút
- Nội dung trọng tâm: Tổng kết bài học
- Phương pháp và KTDH: Thuyết giảng
- Hình thức tổ chức: Toàn lớp
- Chuẩn bị: 
Video/ câu chuyện về bài học từ loài ngỗng
- GV chiếu video hoặc câu chuyện về Loài ngỗng trên Slide
Gv có thể mời một học sinh đọc lại câu chuyện trên silde.
- GV hỏi học sinh: Các em rút ra được bài học gì từ loài ngỗng? 
Có những nguyên tắc ngẫu nhiên mà chúng ta học được từ loài vật nhưng có ích rất nhiều cho con người trong làm việc nhóm. Hãy luôn nhớ tới loài ngỗng khi các bạn thực hành làm việc nhóm nhé!
- GV tổng kết bài học bằng hai câu hỏi sau đây:
Tại sao chúng ta cần thống nhất cụ thể về những nguyên tắc trước khi làm việc nhóm?
Em hãy nhắc lại ba nguyên tắc vàng trong làm việc nhóm?
- HS tổng kết nội dung bài học bằng 2 câu hỏi
- HS liên hệ được những quy tắc làm việc nhóm của loài vật trong tự nhiên vào cuộc sống con người.
4. Tổng kết buổi học (3 phút)
- Giáo viên giải đáp thắc của học sinh.
- Tổng kết: Tiết này các em đã được tìm hiểu lí do vì sao cần có nội quy khi làm việc nhóm và một vài quy tắc quan trọng nhất trong quá trình làm việc nhóm. Thầy/ cô mong rằng các em sẽ sử dụng những kiến thức được học này một cách linh hoạt nhất để hoạt động hiệu quả trong các nhóm làm việc khác nhau. Chúc các em thành công!
5. Bài tập về nhà (2 phút)
- Chia sẻ với cha/mẹ về bài học hôm nay và điều mà con ấn tượng nhất trong buổi học.
- Tìm hiểu trước về nội dung bài học hôm sau là: Kỹ năng Phòng tránh tai nạn thương tích (Trả lời hai câu hỏi: Kể tên những tai nạn thương tích thường gặp? Cách em/ bố mẹ thường xử lý sự cố khi gặp thương tích?)
RÚT KINH NGHIỆM SAU TIẾT HỌC
................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................. .................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................
GIÁO VIÊN
 	 ThS. Trần Thị Thảo
PHỤ LỤC
TÌNH HUỐNG HOANG ĐẢO
Một nhóm gồm 7 người cùng tham gia vào một chuyến đi dài tuần trên một du thuyền sang trọng. Vào ngày thứ ba, một cơn bão khủng khiếp đã đẩy con thuyền mắc cạn vào một hoang đảo. Ngoài những vết xây xát và bầm tím nhẹ, toàn bộ thủy thủ và du khách không bị thương nghiêm trọng. Nhưng thật không may, con thuyền đã bị phá hủy không thể cứu vãn. Chiếc radio duy nhất trên thuyền cũng bị hỏng. Nó chỉ có thể nhận được tín hiệu mà chẳng thể truyền đi được. Vài ngày sau, họ nghe được qua chiếc radio rằng mọi nỗ lực để định vị con thuyền và cứu họ đã bị từ bỏ. Cả nhóm có thể sẽ phải chết. Hòn đảo đó bị bỏ hoang. Chỉ có một lượng không xác định rau xanh và nước sạch để giúp họ duy trì sự sống tạm thời. 
Dù người ta phỏng đoán họ đã chết ngoài biển, cả nhóm vẫn cố tìm cách để trở về nhà. Trong khi chờ đợi, họ phải tự chuẩn bị cho mình một cuộc sống ngoài hoang đảo. 
Những người bị kẹt trên hoang đảo gồm có:
Thuyền trưởng: 
Thuyền trưởng Reynolds, 64 tuổi, bắt đầu làm việc trên những chuyến tàu tuần dương cho đối tượng khách hàng giàu có sau khi ông rời công tác Hải Quân về nghỉ hưu. Mặc dù hiện nay trong tình trạng khó khăn, song ông vẫn được xem là một thuyền trưởng vô cùng tài năng. Nhưng không may, sức khỏe của ông đã giảm sút trong một năm vừa qua. Ông đã cân nhắc một cách nghiêm túc chuyện nghỉ hưu.
Thuyền phó thứ nhất: 
Mario Gonzales, 28 tuổi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh ta làm công việc của một người thuyền phó, đồng thời lựa chọn mục tiêu của cuộc đời mình. Hiện nay, Mario đang theo học một khóa đào tạo kỹ sư tại một trường đại học của cộng đồng địa phương. Năm ngoái, anh đã góp công thành lập một nhóm thu dọn bãi biển ở vùng lân cận. Anh là một người sáng tạo và luôn hấp dẫn trong mắt bạn bè.
Nữ minh tinh: 
Debra Shore, 32 tuổi, một trong những diễn viên thuộc loại hàng khủng trên thế giới. Cô đã tốt nghiệp một trường đại học thuộc nhóm Ivy League University và đã hoàn thành bộ phim đầu tay của mình. Những người làm trong ngành công nghiệp giải trí cảm thấy làm việc với cô khá dễ chịu. Người hâm mộ rất sùng bái cô. Cô đã ly hôn 4 lần và có tin đồn về việc cô có vấn đề lạm dụng hôn nhân để kiếm chác tài sản. Cô lên con thuyền này là để nghỉ ngơi và đọc kịch bản của mình.
Bác sỹ tâm lý
43 tuổi, Bác sĩ Margaret Finnegan có một phòng mạch tư nổi tiếng và hai cuốn sách bán chạy có tựa đề ‘Điều đó không tệ như bạn vẫn tưởng’ và ‘Đương đầu với thời kỳ khủng hoảng’. Bà cũng là MC của một talk show trên đài tiếng nói quốc gia. Mới đây, bà mới bị I.R.S. (Internal Revenue Service) sờ gáy và có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về việc trốn thuế. Vụ việc chưa được làm sáng tỏ. Bà tham gia hành trình này với tư cách là bạn đồng hành của William Bates.
Tỷ phú: 
45 tuổi, William Bates là một tỷ phú. Tài sản của ông là thành quả của việc thành lập một công ty về công nghệ thông tin và hiện đang là một trong những tập đoàn tư nhân thành công nhất trong nước. Đối thủ đánh giá ông là người tài ba nhưng tàn nhẫn, trong khi những nhân viên của ông trước đây miêu tả ông là người sống tách biệt và kiêu ngạo. Ông tham gia chuyến tuần dương này đồng hành cùng nữ bác sỹ Margaret Finnegan.
Bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình: 
Sang Kim, 40 tuổi, người Mỹ gốc Hàn. Sau khi chuyển tới Mỹ, ông theo học trường y nhờ học bổng. Ông tốt nghiệp với điểm top của lớp. Trước khi bắt đầu sự nghiệp phẫu thuật chỉnh hình, ông đã làm việc hùng hục trong những phòng khám chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo. Ông là nhà lãnh đạo tài ba của một cộng đồng người Mỹ gốc Hàn. Tuy nhiên, tiếng Anh của ông nhiều khi khó hiểu. Gần đây, ông bị hay bị căng thẳng và lên con thuyền này để nghỉ ngơi.
Công nhân nhà máy: 
Norma Ryan, 47 tuổi. Cô bắt đầu làm việc cho xí nghiệp sau khi rời khỏi một trường cấp 3 năm 16 tuổi. Những năm gần đây, cô nhận được những tuyên dương về sự chăm chỉ của mình và được tặng thưởng danh hiệu ‘Công nhân xuất sắc của năm’ 4 lần. Hiện nay, cô đang lãnh đạo hội lao động địa phương. Cô cũng rất tích cực trong P.T.A. (Parent-Teacher Association). Cả 3 con của cô đều đang theo học đại học. Cô tham gia chuyến tàu này nhờ chiến thắng trong một cuộc cá cược đua ngựa.
Nhiệm vụ:
Nhóm hãy thảo luận và lựa chọn ra người lãnh đạo thích hợp nhất trong tình huống này và lý giải tại sao?

File đính kèm:

  • docGiao an ky nang song lop 9 tuan 4_12861884.doc
Giáo án liên quan