Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Trường THCS TT Kinh Môn (Có hướng dẫn chấm)

Câu 1. (2điểm)

Nêu ý nghĩa của những chi tiết kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ?

Câu 2. (3 điểm):

Viết một đoạn văn nghị luận (từ 10 đến 12 câu) nêu suy nghĩ của em về đạo lý Uống nước nhớ nguồn.

Câu 3.(5 điểm)

“Lặng lẽ Sa Pa”- Một bài ca ca ngợi những con người có lẽ sống cao đẹp đang lặng lẽ quên mình, cống hiến cho Tổ quốc.

 Bằng hiểu biết của em về tác phẩm “ Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

 

doc4 trang | Chia sẻ: Khải Trần | Ngày: 10/05/2023 | Lượt xem: 308 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Trường THCS TT Kinh Môn (Có hướng dẫn chấm), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD & ĐT KINH MÔN
TRƯỜNG THCS TT KINH MÔN
MÃ ĐỀ: V-02-TS10-TTKM-PGDKM
ĐỀ THI VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2014 - 2015
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút
(Đề gồm 3 câu, 01 trang)
Câu 1. (2điểm)
Nêu ý nghĩa của những chi tiết kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ? 
Câu 2. (3 điểm): 
Viết một đoạn văn nghị luận (từ 10 đến 12 câu) nêu suy nghĩ của em về đạo lý Uống nước nhớ nguồn. 
Câu 3.(5 điểm)
“Lặng lẽ Sa Pa”- Một bài ca ca ngợi những con người có lẽ sống cao đẹp đang lặng lẽ quên mình, cống hiến cho Tổ quốc.
	Bằng hiểu biết của em về tác phẩm “ Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
...............................Hết...............................
PHÒNG GD & ĐT KINH MÔN
TRƯỜNG THCS TT KINH MÔN
MÃ ĐỀ: V-02-TS10-TTKM-PGDKM
HƯỚNG DẪN CHẤM 
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2014 - 2015
MÔN: NGỮ VĂN
 (Hướng dẫn chấm, 03 trang)
Câu
Mục đích – Yêu cầu
Điểm
1
Học sinh cần trình bày được:
- Kể ra những chi tiết kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương: Phan Lang nằm mộng, thả rùa; lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi yến tiệc, gặp Vũ Nương - người cùng làng đã chết, rồi được sứ giả của Linh Phi đưa về dương thế; Vũ Nương hiện ra với kiệu hoa, võng lọng... lúc ẩn lúc hiện sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang.
- Nêu ý nghĩa của những chi tiết kỳ ảo trên: 
+ Là yếu tố nghệ thuật độc đáo, góp phần tạo nên sức hấp dẫn, lung linh của thiên truyện, đáp ứng được yêu cầu của thể loại truyền kỳ. 
+ Góp phần thể hiện giá trị tư tưởng của tác phẩm, đặc biệt là giá trị nhân đạo: tô đậm thêm vẻ đẹp phẩm chất của Vũ Nương - vẫn khao khát trở về dương thế, phục hồi danh dự; khiến câu chuyện có màu sắc như cổ tích với kết thúc có hậu, nói lên khát vọng, ước mơ của tác giả cũng như của nhân dân về sự công bằng, tốt đẹp trong cuộc đời. Ở một góc độ khác, chi tiết kỳ ảo ở cuối truyện cũng đồng thời cũng tô đậm bi kịch của Vũ Nương - hạnh phúc dương thế mà nàng khao khát chỉ là ảo ảnh, hiện ra trong thoáng chốc rồi biến mất, thể hiện niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ dưới xã hội phong kiến. 
0,5
0,5
1,0
2
Đề bài yêu cầu học sinh viết đoạn văn từ 10 đến 12 câu, nêu suy nghĩ của bản thân về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đây là đề bài có tính chất tích hợp trong việc kiểm tra kỹ năng viết đoạn văn và hiểu biết về một vấn đề xã hội ở học sinh. Do vậy, học sinh cần bảo đảm được những yêu cầu cơ bản sau: 
- Kỹ năng viết đoạn văn: bảo đảm được bố cục của một đoạn văn (tức là có phần mở, thân và kết đoạn); bảo đảm mối liên kết nội dung và hình thức; viết đúng chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 
- Nêu suy nghĩ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”: học sinh không nhất thiết phải đi vào giải thích từ ngữ cụ thể nhưng cần khái quát được nội dung câu tục ngữ, trình bày được suy nghĩ, đánh giá của bản thân về đạo lý tốt đẹp của dân tộc thể hiện qua câu tục ngữ, chẳng hạn: 
+ Câu tục ngữ là lời nhắc nhở, lời khuyên về lòng biết ơn. 
+ Biểu hiện của lòng biết ơn: biết ơn ông bà, cha mẹ; biết ơn thầy cô; không quên ơn những người đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ đất nước... 
+ Đây là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy.
0,5
1,5
1,0
3
a. Mục đích: Kiểm tra kĩ năng đọc – hiểu văn bản, phát hiện giá trị của hình ảnh trong văn bản, đánh giá được ý nghĩa, vai trò của nhân vật; khắc sâu chủ đề văn bản, hình thành kĩ năng nghị luận về tác phẩm truyện.
b. Yêu cầu: 
* Về kĩ năng: học sinh biết bám sát văn bản ngôn từ, biết phát hiện và phân tích giá trị nghệ thuật, biết cảm nhận về hình ảnh những con người lao động mới XHCN, biết lập luận và trình bày thành một văn bản hoàn chỉnh.
* Yêu cầu về kiến thức:
* Về nội dung kiến thức: Học sinh cần bám sát lời nhận định trên và văn bản để trình bày các ý sau:
- Giới thiệu chung:
+ Tình hình đất nước ta thời kì năm 1970: Miền Bắc đi lên xây dựng XHCN
+ Mục đích sáng tác tác phẩm của tác giả: ngợi ca những con người lao động và cống hiến âm thầm cho quê hương đất nước.
- Tác phẩm ngợi ca những con người có lẽ sống cao đẹp:
 + Họ đều là những người có lí tưởng sống cao đẹp: hết lòng cống hiến cho Tổ quốc, cho quê hương (phân tích lí tưởng sống của anh thanh niên, ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ lập bản đồ sét, ông họa sĩ, cô kĩ sư) và luôn mơ ước được làm việc, được cống hiến nhiều 
 + Họ đều có tình yêu đối với công việc, trách nhiệm cao với công việc: Họ hăng say làm việc, miệt mài không quản ngày đêm, không quản khó khăn vất vả, thậm chí còn hi sinh cả hạnh phúc riêng tư của mình vì công việc; họ gắn bó với công việc của mình và luôn coi công việc là bạn, họ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc ( lấy dẫn chứng và phân tích ở các nhân vật trong truyện)
 + Họ có tình yêu con người, yêu cuộc sống: biết quan tâm đến mọi người xung quanh, trân trọng sự đóng góp và thành công của mọi người, luôn coi sự đóng góp của mình là bé nhỏ và cần phải cố gắng nhiều hơn (phân tích lời tâm sự của anh thanh niên); họ biết tạo dựng cho mình một cuộc sống có ý nghĩa, phong phú
- Một số nghệ thuật đặc sắc:
+ Tên các nhân vật: Các nhân vật không có tên riêng, được gọi theo lứa tuổi, nghề nghiệp có tác dụng thể hiện tập trung, nổi bật chủ đề ngợi ca những con người lao động, cống hiến âm thầm cho đất nước
+ Chất thơ của tác phẩm: Giọng điệu, ngôn ngữ nhịp nhàng, ngân nga giống như một bài ca để ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp tâm hồn con người lao động ở Sa Pa “ Sa Pa mà nghe tên người ta đã nghĩ ngay đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”
c. Biểu điểm chấm:
* Điểm 5 : Bài làm đảm bảo các yêu cầu trên. Thể hiện được năng lực cảm thụ văn học. Có kỹ năng phân tích, tổng hợp vấn đề và biết cách bình luận, hệ thống luận điểm rõ ràng. Có được những đoạn hay. 
* Điểm 4 : Đạt những yêu cầu chính. Văn viết có cảm xúc. Bố cục tương đối hợp lý. Diễn đạt gọn, ít lỗi diễn đạt.
* Điểm 3 : Bài làm chưa sáng tạo, chỉ phân tích tác phẩm, chưa biết chia luận điểm. Cảm nhận chung chung, không sâu, chưa biết sử dụng dẫn chứng để chứng minh. Còn mắc lỗi diễn đạt.
* Điểm 2 : Kể lại nội dung của truyện. Cảm nhận không xuất phát từ tác phẩm. Chưa có bố cục hợp lí, chưa biết xây dựng hệ thống luận điểm bám sát vào lời nhận định, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
* Điểm 1 : Cảm nhận và phân tích chưa đúng hướng, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chưa có bố cục, chưa biết tổ chức luận điểm.
* Điểm 0 : Bài làm lạc đề hoặc chỉ viết vài dòng, sai cả nội dung và phương pháp.
Lưu ý : Giám khảo nghiên cứu kĩ Mục đích, Yêu cầu và Biểu điểm để cho các điểm lẻ còn lại.
0,5
0,5
1,0
1,0
1,0
0,5
0,5
....................Hết.....................

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_mon_ngu_van_nam_hoc_2014_2015.doc