Đề tài Cách cảm thụ văn học, rèn luyện kĩ năng viết văn

Ngôn ngữ giọng điệu của lời văn có vai trò rất quan trọng trong việc diễn đạt các trạng thái cảm xúc, thái độ của người viết. Vì vậy khi viết văn cần lựa chọn từ ngữ và sắp xếp lời văn để diễn đạt cao nhất. Có thể sử dụng từ ngữ mang sắc thái trang trọng, dùng cách nói giảm nói tránh, sử dụng từ ngữ có giá trị biểu cảm cao, kết hợp cách nói tu từ. Ta biết rằng, những câu văn hay không nhiều và cũng không dễ có, mà nó được chưng cất, được thanh lọc và được viết ra từ gan ruột của họ mà có khi ta phải dạy, phải rèn cả mấy tháng trời, cả một quá trình, may ra mới có được.

doc16 trang | Chia sẻ: dung89st | Lượt xem: 1582 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Cách cảm thụ văn học, rèn luyện kĩ năng viết văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ọc môn văn vì sau này ít có cơ hội chọn nghề, học sinh thì không có hứng thú vì không tìm thấy sự hấp dẫn ở môn văn, hơn nữa học môn văn thường điểm không cao (vì giáo viên chỉ hay cho thang điểm 5-6-7, hiếm khi được điểm 8 điểm 9 cho dù học sinh đã có những cố gắng). Còn người dạy thì cứng nhắc, rập khuôn, làm hạn chế sức sáng tạo của học sinh, (vì em nào viết văn phải theo như đáp án mới cao điểm). 
Mặt khác, để học sinh cảm thụ văn học tốt cần phải có kiến thức văn học và kĩ năng cơ bản khi viết bài. Những kiến thức cơ bản đó có từ đâu? Đó chính là từ những bài giảng, từ sự hướng dẫn của giáo viên và từ cách cảm thụ của học sinh. Vì vậy qua thực tế giảng dạy, tôi muốn cùng các đồng nghiệp trao đổi một số kinh nghiệm dạy văn : " Cách cảm thụ văn học, rèn luyện kĩ năng viết văn." 
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu:
 Đề tài được tôi thực hiện tại trường PTCS Tân Hiệp B3 trong hai năm học : 2012- 2013 và 2013- 2014 với đối tượng thực hiện là học sinh lớp 9
 Phạm vi thực hiện: ứng dụng vào các tiết học văn bản, tập làm văn, các tiết bồi dưỡng, phụ đạo và ôn thi chuyển cấp vào lớp 10. 
4. Mục đích của đề tài.
 Giáo viên cần cung cấp giúp học sinh nắm chắc những kiến thức cơ bản, cách cảm nhận những "tín hiệu" trong tác phẩm, từ đó hướng dẫn rèn luyện cho các em kĩ năng từ viết đúng, dần dần hướng tới bài viết hay, có ý tứ sâu xa, lời văn chuẩn xác, gợi cảm, bài viết mạch lạc và có sức thuyết phục.
5. Điểm mới trong kết quả nghiên cứu: 
Từ những kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn 9, giáo viên phải luôn tự hoàn thiện bản thân xứng đáng là một nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động : “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong quá trình nghiên cứu xây dựng đề tài tôi nhận thấy học sinh từng bước được nâng cao chất lượng về kiến thức và ngày càng yêu thích môn học hơn.
6. Khẳng định tính sáng tạo về khoa học và thực tiễn của vấn đề.
 Việc giáo viên giảng dạy văn cung cấp kiến thức cho học sinh là "cần" nhưng chưa "đủ" mà giáo viên cần phải có phương pháp hướng dẫn học sinh cảm nhận tác phẩm, kích thích lòng say mê, sáng tạo của học sinh. Mỗi giáo viên phải biết khơi dậy tình cảm, niềm tin trong bản thân học sinh. Phải làm sao để học sinh yêu thích môn văn, coi giờ học văn là một tiết học lí thú và bổ ích, như thế tiết học mới dễ dàng thành công. 
II. PHẦN NỘI DUNG
1. Cơ sở lý luận:
 Đối với học sinh bậc phổ thông nói chung và bậc THCS nói riêng, ở vào độ tuổi này bản thân các em rất giàu cảm xúc và trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Việc cảm thụ và tiếp nhận vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống trong đời sống hàng ngày cũng như trong tác phẩm văn chương đang chuyển dần từ cảm tính sang lí tính. Đây là giai đoạn các em bộc lộ năng khiếu nghệ thuật nói chung và năng khiếu văn chương nói riêng. Khi tiếp xúc với tác phẩm văn chương, các em tự đặt mình trong cảnh ngộ tâm trạng của nhân vật. Cùng vui buồn, sướng khổ với nhân vật trong tác phẩm. Thế giới hình tượng và tiếng lòng của người nghệ sĩ giúp các em mở rộng tâm hồn mình với thế giới xung quanh. Vì vậy, giáo viên cần khơi dậy, khích lệ các em giúp các em biết cách cảm nhận tác phẩm văn học, qua đó rèn luyện kĩ năng viết văn cho các em. Đó là việc làm mang ý nghĩa nhằm bồi dưỡng cảm xúc, năng lực cảm thụ văn học của học sinh. Nó góp phần không nhỏ trong việc giảng dạy của giáo viên, giúp học sinh học tập tích cực, yêu thích môn văn. 2. Thực trạng vấn đề:
 Hiện nay, phần lớn học sinh không thích học văn nên thường học qua loa, đối phó, không biết cách tổ chức sắp xếp và diễn đạt, không được quan sát thực tế, thiếu đi vốn sống, không nắm được các giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của các tác phẩm, không nhớ tác phẩm đó của ai, hoàn cảnh sáng tác như thế nào? thậm chí nếu tác phẩm là thơ thì cũng không thèm học thuộc (cho dù những bài thơ thật hay). Những nét khái quát của tác phẩm không nắm được thì không có gì để viết, dẫn đến bài viết nghèo ý; văn viết khô khan, trần trụi; nghĩ sao viết vậy chứ không biết gọt dũa, không biết dùng các biện pháp tu từ thích hợp để cho bài viết sinh động. 
Từ thực tế trên, qua những việc đã làm của bản thân, tôi muốn được cùng các đồng nghiệp chia sẻ, trao đổi để ngày càng có nhiều học sinh “chịu” học văn hơn. Do đó , tôi mạnh dạn đề xuất một số biện pháp mà bản thân tôi đã làm trong thời gian qua như sau:
3. Các biện pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề.
 Bước 1: Phát hiện những học sinh có khả năng cảm thụ văn học:
 Qua một thời gian dạy, sau những bài kiểm tra và bài viết, em nào có cách diễn đạt linh hoạt, không viết lại những nội dung mà giáo viên đã cho ghi khi học, không theo khuôn mẫu nào...thì giáo viên nên khuyến khích, động viên (có thể cho điểm cao, mặc dù bài viết chưa xứng đáng như thế) để các em mạnh dạn viết theo cách hiểu, cách cảm của mình, có như thế mới phát huy được tính sáng tạo trong học sinh. Mà muốn cho học sinh biết cảm thụ thì trước hết người dạy phải đem được cái hay của văn chương đến cho người học, giúp cho học sinh kỹ năng cảm thụ cái hay cái đẹp của tác phẩm qua những biện pháp tu từ mà tác giả đã dụng công sử dụng. 
 Thường, những em học giỏi là những em luôn khát khao bay vào thế giới tri thức, ham hiểu biết, muốn khám phá và đó cũng chính là những em biết thưởng thức cái đẹp, có tâm hồn trong sáng, lãng mạn nên bài viết thường đậm chất nhân văn, vì thế sau khi được tiếp xúc với những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, thấm đẫm tinh thần nhân đạo thì các em đã phần nào cảm thụ được cái hay của tác phẩm, chỉ cần giáo viên hướng dẫn các em cách tiếp cận, cách khai thác là các em có thể chiếm lĩnh tác phẩm (ở đây chỉ bàn về việc tiếp cận các tác phẩm là thơ).
 Bước 2: Giúp học sinh nhận biết một số “tín hiệu”để có cơ sở hiểu các tầng nghĩa mà người viết muốn gửi gắm:
 Để có quan điểm đúng khi tiếp cận tác phẩm, giáo viên cần cho học sinh thấy được mối quan hệ giữa “cảnh” và “tình” trong dụng ý tả cảnh của tác giả.
 Quan điểm đó đã được đại thi hào Nguyễn Du viết: 
 Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
	Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
 Ví dụ trong đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích” ngòi bút Nguyễn Du hết sức tinh tế khi tả cảnh cũng như ngụ tình. Mỗi biểu hiện của cảnh phù hợp với từng trạng thái của tình. Hình ảnh: non xa, trăng gần, cát vàng, bụi hồng có thể là cảnh thực mà cũng có thể là hình ảnh mang tính ước lệ để gợi sự mênh mông, rợn ngợp của không gian, qua đó diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều. Cụm từ “ mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín. Thời gian cũng như không gian giam hãm con người. Nàng rơi vào cảnh cô đơn tuyệt đối. Hoặc tám câu cuối của đoạn trích, thể hiện tâm trạng buồn lo của Kiều qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Nguyễn Du đã chọn cách biểu hiện “ tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” . Mỗi biểu hiện của cảnh như: cánh buồm thấp thoáng, cánh hoa trôi man mác, đến nội cỏ rầu rầu, tiếng sóng ầm ầm, đều thể hiện tâm trạng và cảnh ngộ của Kiều: sự cô đơn, thân phận nổi trôi, nỗi buồn tha hương và cả sự bàng hoàng lo sợ. 
Một ví dụ khác trong “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, để khắc hoạ đậm nét thời tàng tạ của Nho học (khi mà xu hướng Tây học đang dần dần lấn át xu hướng Hán học), tác giả chỉ cần sử dụng một lát cắt của cuộc sống qua hình ảnh ông đồ cùng “mực tàu, giấy đỏ” vào những ngày tết đến xuân về, nhưng ở những khổ thơ khác nhau thì ông đồ cũng hiện lên khác nhau. Người đọc sẽ nhận thấy thời hoàng kim của ông đồ khi mà “bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ hoa tay thảo những nét / Như phượng múa rồng bay” và cũng dễ dàng nhận ra cái thời huy hoàng đó đang dần lùi xa, nhường chỗ cho sự tàn lụi (ông đồ vẫn ngồi đấy/ qua đường không ai hay/ lá vàng rơi trên giấy/ ngoài trời mưa bụi bay) qua hình ảnh “lá vàng rơi”, “mưa bụi bay” cùng với sự thời ơ, vô cảm của dòng người đang hối hả đi sắm tết (ông đồ vẫn ngồi đấy/ qua đường không ai hay/ lá vàng rơi trên giấy/ ngoài trời mưa bụi bay.)
 Tóm lại: giữa “cảnh” và “tình” có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với nhau,cho nên qua “cảnh” ta có thể hiểu “tình” và ngược lại qua “tình” ta cũng có thể hiểu “cảnh” để từ đó có định hướng hiểu đúng tác phẩm.
 Bước 3: Yêu cầu học sinh nắm chắc tiểu sử tóm tắt của các tác giả và xuất xứ, cung cấp một số kiến thức lịch sử liên quan để có cơ sở hiểu đúng tác phẩm:
 Hoàn cảnh sáng tác tác phẩm có vai trò rất quan trọng khi cần đánh giá nhận xét một tác phẩm văn học. Đặt tác phẩm vào hiện thực xã hội lúc đó, ta sẽ hiểu rõ và nhìn nhận đúng hơn về tâm trạng, hành động suy nghĩ của nhân vật trong tác phẩm hoặc đoạn trích hay tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Từ đó có thể làm rõ các vấn đề: Tại sao đối tượng lại có hành động , suy nghĩ như vậy? Tâm trạng cảm xúc đó nói lên phẩm chất gì của đối tượng. Hoặc nếu không nắm được tiểu sử tác giả và hoàn cảnh sáng tác thì khi phân tích dễ có sự lệch lạc, không hiểu đúng tác phẩm và nhất là không có kiến thức để viết phần mở bài (nếu không nhớ năm sinh, năm mất thì cũng phải nhớ được thời đại tác giả sống). Còn nếú không nắm được các mốc lịch sử thì sẽ không có cơ sở để hiểu một số tác phẩm. Ví dụ: nếu không biết năm 1954, nước ta tạm thời chia làm hai miền bằng giới tuyến quân sự tạm thời ở sông Bến Hải thì sẽ không hiểu được những câu thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. 
 Bài thơ viết vào năm 1958, khi đất nước đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và đi vào xây dựng cuộc sống mới. Không khí hào hứng, phấn chấn, tin tưởng bao trùm trong đời sống xã hội và ở khắp nơi dấy lên phong trào phát triển sản xuất xây dựng đất nước. 
 Hay khi tìm hiểu bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Cần biết hoàn cảnh sáng tác bài thơ là năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất , lăng Bác cũng vừa khánh thành. Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác. Bài thơ Viếng lăng Bác được viết trong dịp đó. Để thấy được lòng thành kính, niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác. 
 Tóm lại, muốn có kiến thức để viết bài và hiểu đúng tác phẩm thì việc hiểu tác giả và nắm chắc các mốc lịch sử là điều không thể thiếu.
 Bước 4: Cho học sinh tiếp cận với những bài thơ, đoạn thơ hay:
 Mục đích của việc này là tạo hứng thú và niềm đam mê học văn cho các em 
 ( giáo viên nên phân tích và chỉ cho học sinh thấy cái hay của những bài đó). Đặt ra cho học sinh câu hỏi: Bài thơ hay là do đâu ? Những hình ảnh, những câu từ nào đã góp phần làm nổi bật cái hay ? Nhờ biện pháp tu từ nào mà họ làm cho ta thấy được cái hay của bài thơ, đoạn thơ đó...v.v. Muốn thế, khi tiếp cận đoạn thơ, ta hãy chú ý đến : màu sắc, hình khối, đường nét, âm thanh mà tác giả đã sử dụng. Gọi tên được các biện pháp tu từ và thấy được tác dụng của biện pháp tu từ đó, đồng thời chú ý đến nhịp thơ: cách ngắt nghỉ, nhịp thơ dài hay ngắn; cách dung các từ láy (từ láy tượng hình hay tượng thanh)...v.v.
Ta biết “Trong thơ có hoạ” nên cách miêu tả màu sắc, âm thanh, đường nét, hình khối ...cũng góp phần làm nên hình tượng thơ thật đặc sắc. Thử đọc khổ đầu của bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Ta như thấy trước mắt ta là một bức tranh của mùa xuân xứ Huế với hoa nở, chim hót, sông xanh, trời rộng cùng với những “giọt âm thanh long lanh” của con chim chiền chiện đang chao liệng trên bầu trời thanh bình, yên ả. Vẻ đẹp nao lòng đó chính là lời mời gọi tha thiết của những người con xứ Huế dành cho những ai chưa một lần đặt chân đến mảnh đất thơ mộng này.
Còn đây là những hình ảnh cô đúc như “đầu súng trăng treo” ( Đồng chí- Chính Hữu) Những hình ảnh ấy mang ý nghĩa biểu tượng . Súng và trăng là gần và xa, thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ
Ngoài ra, giáo viên cần gợi cho học sinh biết liên tưởng: nếu có óc liên tưởng sẽ dễ dàng giúp ta biết “huy động” những kiến thức mà ta đã có để vận dụng vào việc phân tích và chứng minh cho vấn đề mình vừa phân tích
 Ví dụ: Mặt trời xuống biển như hòn lửa
 Sóng đã cài then, đêm sập cửa
 Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi
 (Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận )
 Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với màng đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng là then cửa, vì bài thơ tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ở vùng biển miền Bắc, mà ở bờ biển nước ta, trừ vùng tây nam thường chỉ thấy cảnh mặt trời mọc trên biển chứ không thể thấy cảnh mặt trời lặn xuống biển. Thực ra, hình ảnh mặt trời xuống biển là được nhìn từ trên con thuyền đang ra biển hoặc từ một hòn đảo vào lúc hoàng hôn, nhìn về phía tây, qua một khoảng biển thì vẫn có thể thấy mặt trời xuống biển. 
 Bước 5: Rèn kỹ năng viết những câu văn giàu hình tượng, có sự liên kết câu và liên kết đoạn văn, và lựa chọn từ ngữ phù hợp.
Ngôn ngữ giọng điệu của lời văn có vai trò rất quan trọng trong việc diễn đạt các trạng thái cảm xúc, thái độ của người viết. Vì vậy khi viết văn cần lựa chọn từ ngữ và sắp xếp lời văn để diễn đạt cao nhất. Có thể sử dụng từ ngữ mang sắc thái trang trọng, dùng cách nói giảm nói tránh, sử dụng từ ngữ có giá trị biểu cảm cao, kết hợp cách nói tu từ. Ta biết rằng, những câu văn hay không nhiều và cũng không dễ có, mà nó được chưng cất, được thanh lọc và được viết ra từ gan ruột của họ mà có khi ta phải dạy, phải rèn cả mấy tháng trời, cả một quá trình, may ra mới có được.
 Để giúp học sinh biết viết câu văn giàu hình tượng, trước hết tôi thường cho học sinh nhận xét được sự khác nhau giữa hai câu văn có cùng một ý nhưng cách diễn đạt khác nhau. 
 Ví dụ: Bầu ơi thương lấy bí cùng
 Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
 ( Ca dao)
 Ai ơi thương lấy nhau cùng
 Tuy rằng khác họ nhưng chung xóm làng 
 Giáo viên cho học sinh nhận biết các “tín hiệu” cần thiết (có thể có các ý kiến khác nhau). Câu ca dao có sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ nên giàu hình ảnh hơn cách nói thông thường. Vậy nhờ đâu, do cách viết như thế nào mà cách viết ở câu ca dao lại sinh động hơn? Giáo viên giúp học sinh thấy: do sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ; do sử dụng hợp lý các hình ảnh...v.v. 
 Hoặc các câu trong đoạn phải liên kết với nhau thì ta mới có một đoạn văn hoàn chỉnh. Nếu các câu không liên kết với nhau thì ta có thể chỉ có “ một chuỗi câu hỗn độn” .
 Ví dụ: 
 - Đoạn văn có sự liên kết: Mùa thu đã về thật rồi. Nắng thu vàng óng trải dài trên những con đường làng. Gió thu nhè nhẹ thoang thoảng mùi hương cốm.
 - Chuỗi câu hỗn độn: Cây đa cổ thụ ở đầu làng bốn mùa tươi tốt. Không hiểu sao cá chết trắng cả ao. Con bò bỗng ngẩng đầu lên ngơ ngác.
 Nếu tách riêng từng câu thì mỗi câu đều đúng ngữ pháp và có nghĩa, nhưng khi đặt cạnh nhau thì chúng trở nên hỗn độn.
Bước 6: Bố cục chặt chẽ, hợp lí.
 Mở bài, thân bài, kết bài tách bạch rõ ràng. Trình bày các ý dứt khoát, tránh lan man đi xa đề, trình tự các ý phải theo một lôgic hợp lí. 
Bước 7: Tiến hành viết bài:
Trong các tiết dạy, sau khi đưa những đoạn văn hay, hoặc thơ hay, giáo viên giúp học sinh định hướng cách phân tích qua những dấu hiệu nghệ thuật để học sinh biết cảm thụ. Từ những gì đã thu lượm được, học sinh vận dụng để viết tại lớp. Viết những đoạn văn ngắn (chỉ yêu cầu viết trong khoảng thời gian 10 hoặc 15 phút) rồi giáo viên đọc và trực tiếp sửa ngay cho từng em. Khi sửa phải tuỳ từng đoạn, tuỳ từng lỗi nhưng phải trân trọng những ý tưởng mà các em đã đưa ra, rồi từ đó mình biết cách khơi gợi, mở rộng, (tránh trường hợp chỉ cho học sinh viết bài mà giáo viên không hướng dẫn hoặc hướng dẫn thật ít vì như thế thì quá lãng phí thời gian). Thường, viết bài ở lớp chất lượng không cao, vì thời gian có hạn nhưng vẫn phải rèn (đặc biệt là cần cho học sinh làm quen với lượng thời gian tương ứng với dung lượng đề bài để khi đi thi các em có thói quen chủ động). Nói chung, người dạy phải linh hoạt, tuỳ từng em, tuỳ từng buổi học phát sinh ra tình huống nào để mà chọn dạy cái gì, dạy như thế nào.
4/ Kết quả đạt được 
 Có thể nói dạy học cũng là một nghệ thuật, vì thế mỗi người sẽ có một “con đường đi” khác nhau nhưng cái đích để đến thì đều giống nhau, đó là “thước đo”. Qua những năm tôi thực hiện giải pháp trên, kết quả các năm học của môn văn ngày càng tăng đó là một minh chứng để có cơ sở đánh giá công sức của người dạy và người học. Ngoài ra, tôi thấy các em hứng thú với môn văn hơn, nhất là các em yếu , kém cũng chịu tìm tòi đọc sách báo. Đây là một kỹ năng quan trọng của môn văn, nó là bệ phóng để các em tiếp thu văn học. Kết quả các năm học như sau: 
Năm học 2012- 2013
Khối
Lớp
Số HS
Giỏi
Khá
Trung bình
Yếu
Số lớp
Số HS
SL
%
SL
%
SL
%
SL
%
9
2
58
4
6,9%
20
34,5%
33
56,9%
1
1,7%
Năm học 2013- 2014 
Khối
Lớp
Số HS
Giỏi
Khá
Trung bình
Yếu
Số lớp
Số HS
SL
%
SL
%
SL
%
SL
%
9
2
55
5
9,1%
22
40%
28
50,9%
 So với các kết quả trước đây khi chưa thực hiện đề tài, tôi thấy kết quả có sự thay đổi rõ rệt, tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng lên, tỉ lệ học sinh trung bình, yếu giảm hẳn. 
III. PHẦN KẾT LUẬN.
1. Một số bài học kinh nghiệm:
 Trong quá trình thực hiện và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, tôi đã rút ra được những bài học quý giá để bổ sung kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học như sau:
 - Thực hiện đúng theo các văn bản chỉ đạo của ngành, bám sát chủ đề kế hoạch thực hiện phù hợp với từng đặc điểm của mỗi lớp, mỗi học sinh.
 - Luôn tạo sự đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy để tăng sự thu hút từ phía học sinh.
 - Cần chuẩn bị trước nội dung và các câu hỏi gợi mở từ cơ bản đến nâng cao 
 Để đạt được kết quả như trên bản thân luôn không ngừng học tập, trao đổi kinh nghiệm, luôn lắng nghe, rút kinh nghiệm từ sự thất bại , không nản lòng, sẳn sàng chia sẽ những kinh nghiệm vốn có giúp đỡ đồng nghiệp bằng tất cả khả năng.
2. Ý nghĩa của đề tài:
 Có thể môn văn là một môn khó đòi hỏi người dạy có tâm huyết, đủ tri thức để giảng dạy. Khi người thầy biết cảm thụ văn chương, biết truyền cái hay của tác phẩm đến cho người học thì sẽ giúp cho tâm hồn các em được thanh lọc, được bừng tỉnh, dần dần các em sẽ tìm thấy hứng thú trong các giờ văn, từ đó mà yêu thích môn văn...Muốn vậy, người thầy phải nêu cao vai trò “tự học, sáng tạo” để tích luỹ kiến thức cần thiết để vừa có kiến thức giảng dạy vừa đáp ứng với nhu cầu của xã hội. 
3. Khả năng áp dụng:
 Qua nhiều năm thực hiện các biện pháp trên đã đạt được một số kết quả khả quan, từ những kinh nghiêm trên có thể vận dụng thực tế vào việc giảng dạy môn Ngữ văn của trường THCS.
4. Đề xuất và kiến nghị:
 Vai trò của người giáo viên là hết sức to lớn, quyết định đến sự thành công của hoạt động học tập của học sinh và chất lượng giáo dục. Trong giảng dạy môn Ngữ văn, giáo viên chỉ có nhiệt tình thôi chưa đủ, mà phải có phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực lấy học sinh làm trung tâm.
 Khi thực hiện kinh nghiệm này, tôi có một số băn khoăn muốn đưa ra để đồng nghiệp và các các ngành quan tâm hơn nữa:
 - Giáo viên phải tích cực hơn nữa trong phong trào đổi mới phương pháp dạy , tạo hứng thú , say mê trong học Văn ở học sinh.
 - Cần đầu tư mở rộng thư viện phòng đọc, bổ sung các loại sách tham khảo, tranh ảnh minh hoạ cho các tác phẩm, máy chiếu để phục vụ cho giáo viên và học sinh.
 - Kinh nghịêm của tôi đưa ra rất mong nhận được sự góp ý cụ thể của đồng nghiệp để việc giảng dạy đạt kết quả cao hơn góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
 Trên đây là những suy nghĩ của tôi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn Ngữ văn . Có thể kinh nghiệm này của tôi còn nhiều thiếu sót. Tôi rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô và các đồng nghiệp.
Tân Hiệp B3 Ngày 1 tháng 3 năm 2015
 Người Viết
 Trần Thanh Hòa
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sách giáo viên Ngữ văn 9- Nhà xuất bản giáo dục
2. Sách Thiết kế bài giảng Ngữ văn 9- Nguyễn Văn Đường
3. Các tài liệu bồi dưỡng thường xuyên giáo viên THCS.
4. Các tài liệu trên mạng internet của đồng nghiệp.
 MỤC 

File đính kèm:

  • docSang_kien_kinh_nghiem_20150725_033115.doc