Đề luyện thi thừ vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn

A. Yêu cầu chung:

- Học sinh phải nắm được những kiến thức cơ bản của chương trình Ngữ văn 9. Có năng lực cảm thụ văn chương. Từ hiểu biết về văn chương để có những hiểu biết về cuộc sống.

- Có kỹ năng tạo lập văn bản; biết vận dụng những kiến thức đã học vào những kiểu bài cụ thể.

- Bài làm phải diễn đạt trong sáng, mạch lạc, rõ ràng.

 Hướng dẫn chấm này chỉ đưa ra thang điểm và gợi ý cơ bản. Giám khảo căn cứ vào bài làm thực tế của học sinh để cho điểm toàn bài một cách hợp lí. Tránh đếm ý cho điểm.

 Tổng điểm toàn bài: 10 điểm, chiết đến 0,5 điểm.

 

doc3 trang | Chia sẻ: hatranv1 | Lượt xem: 499 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề luyện thi thừ vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUYỆN ĐỀ THI
(ĐỀ 1)
Câu 1. (2.0 điểm)
	Cho đoạn văn:
	(1) Đặc biệt, một số chính khách nước ngoài khi đến Việt Nam đã dùng thơ (mà đặc biệt là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du) để thể hiện tình cảm của họ với Việt Nam. (2) Ông Bill Clinton khi đến thăm đã dùng câu: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. (3) Hay mới đây tổng thống Mĩ Barack Obama sang thăm cũng dùng câu: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”. (4) Thật tự hào biết bao khi tiếng Việt được các chính khách dùng tinh tế, ý nghĩa đến vậy. (5) Vì thế, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một việc cần phải làm từ hôm qua, hôm nay và mãi mai sau nhằm góp phần làm cho đất nước giàu đẹp, văn minh và ngang tầm với các cường quốc trên thế giới
(Trích Tiếng Việt cần có luật – Báo Thanh niên, ngày 06/11/2016)
	a. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên?
	b. Tìm và gọi tên thành phần biệt lập có trong câu (1) ?
	c. Chỉ ra phép liên kết câu giữa câu (4) và câu (5) trong đoạn văn?
d. Tóm tắt nội dung chính đoạn trích trên bằng một câu văn.
Câu 2. (3.0 điểm)
Trên cơ sở văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” của Vũ Khoan, hãy viết một bài văn ngắn , trình bày suy nghĩ của em về hành trang của thanh niên trong thời đại ngày nay. 
Câu 3. (5.0 điểm)
"Chúng tôi, mọi người - kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
	- Baaa ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.
Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.”
(Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng - Ngữ văn 9, Tập I)
Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong đoạn trích trên.
---------- Hết ----------
LUYỆN ĐỀ THI
(ĐỀ 1)
HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM ĐỀ THI THỬ VÀO 10 THPT
MÔN: NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm này gồm 02 trang)
Yêu cầu chung:
Học sinh phải nắm được những kiến thức cơ bản của chương trình Ngữ văn 9. Có năng lực cảm thụ văn chương. Từ hiểu biết về văn chương để có những hiểu biết về cuộc sống.
Có kỹ năng tạo lập văn bản; biết vận dụng những kiến thức đã học vào những kiểu bài cụ thể.
Bài làm phải diễn đạt trong sáng, mạch lạc, rõ ràng.
	Hướng dẫn chấm này chỉ đưa ra thang điểm và gợi ý cơ bản. Giám khảo căn cứ vào bài làm thực tế của học sinh để cho điểm toàn bài một cách hợp lí. Tránh đếm ý cho điểm.
	Tổng điểm toàn bài: 10 điểm, chiết đến 0,5 điểm.
Yêu cầu cụ thể
Câu 1. (2.0điểm)
	a, Phương thức biểu đạt chính : nghị luận (0.5đ)
	b, Thành phần biệt lập trong câu (1) là thành phần phụ chú : (mà đặc biệt là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du) (0.5đ)
	c, Phép liên kết câu (4) và câu (5) là phép nối : Vì thế (0.5đ)
d , Ví dụ: - Tiếng Việt đã được các nhà chính khách sử dụng thật tinh tế và ý nghĩa, vì vậy nó cần được giữ gìn, trau dồi (0.5đ).
 hoặc - Tiếng Việt cần được mọi người dân Việt Nam giữ gìn để góp phần làm nên sự trong sáng, giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc.(0,5 đ). 
Câu 2. (3,0 điểm)
a) Yêu cầu về kỹ năng: HS biết cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề của đời sống xã hội, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi dùng từ.
b) Yêu cầu về kiến thức:
Dựa trên văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” của Vũ Khoan, HS cần nêu được các ý cơ bản sau:
- Hành trang của thanh niện thời đại ngày nay: Tri thức, văn hóa, sức khỏe, ...
Nêu được lý do tại sao thanh niên ngày nay cần có những hành trang đó: do yêu cầu của thời đại, xã hội, gia đình, bản thân, ....
- Liên hệ bản thân: Cần có thái độ tích cực, cần chuẩn bị hành trang cho mình, tránh tư tưởng thụ động, chờ may mắn, giúp đỡ.
Câu 3. (5.0 điểm)
· Yêu cầu về kỹ năng:
Học sinh biết trình bày đúng kiểu bài nghị luận văn học có bố cục 3 phần.
Diễn đạt trong sáng, rõ ràng, mạch lạc.
Chính tả, dùng từ, đặt câu đúng.
· Yêu cầu về kiến thức: 
	Biết đặt đoạn trích trong tổng thể tác phẩm để cảm nhận nhân vật bé Thu trong đoạn trích được chọn.
	Bài làm của học sinh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau. Dưới đây là một số định hướng cơ bản:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích và nhân vật bé Thu.
Cảm nhận về nhân vật bé Thu:
	+ Cảm nhận tình huống xúc động, éo le: nhận ra ba khi ba phải lên đường.
	+ Cảm nhận được tình yêu ba mãnh liệt được biểu hiện cụ thể qua tâm trạng, lời nói, cử chỉ, hành động () Tình yêu thương và nỗi mong nhớ người cha xa cách bị dồn nén nay bùng ra mãnh liệt, hối hả, cuống quýt có xen lẫn sự hối hận.
Đánh giá:
	+ Nghệ thuật miêu tả nhân vật: Sử dụng kết hợp các biện pháp so sánh, tăng tiến, liệt kê, các yếu tố miêu tả, bình luận tập trung biểu đạt thật ấn tượng và cảm động tình yêu ba của bé Thu - một cô bé có tình cảm thật sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng dứt khoát, rạch ròi.
	+ Ý nghĩa: 
	 - Giúp người đọc hiểu hơn sự nghiệt ngã của chiến tranh. Chiến tranh đã gây ra nhiều mất mát, hy sinh nhưng đồng thời cũng làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của các thế hệ người Việt Nam yêu nước.
	 - Thể hiện thái độ cảm thông, chia sẻ, trân trọng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
· Cách cho điểm:
Đầy đủ các yêu cầu trên:	5,0đ
Biết viết bài văn nghị luận, đạt hơn ½ về kiến thức:	 4,0đ
Đạt ½ yêu cầu:	2,5đ
Sa vào thuật chuyện, kỹ năng yếu.	 1,0đ	
· Lưu ý: Các mức điểm khác, giám khảo linh động chiết điểm phù hợp.
Đáp án và biểu điểm câu 3 chỉ là những hướng dẫn cơ bản, giám khảo cần căn cứ vào bài làm cụ thể của thí sinh để linh hoạt khi chấm, chiết điểm cho phù hợp.

File đính kèm:

  • docGiao an hoc ki 2_12686013.doc