Bài dự thi: “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh Trung học” - Lớp 8B Trường THCS Lê Quý Đôn
- Vận dụng Kiến thức Địa lí kết hợp kiến thức đời sống được học hỏi được từ các bậc cao niên nhằm giới thiệu vị trí của Làng Về vị trí, ngôi đình tọa lạc ngay đầu làng, ở phía Đông Bắc của làng, nhìn về hướng Đông Nam, soi mình bên giếng nước. Ba phía Đông, Tây, Nam áp sát với khu dân cư. Phía Bắc nhìn ra cánh đồng thẳng cánh cò bay. Đây là nơi có thế đất đẹp, phong cảnh hữu tình, thuận lợi cho việc đi lại, lễ bái, hội họp của bà con.
Vận dụng Kiến thức đời sống được học hỏi được từ các bậc cao niên nhằm giới thiệu về chức năng của ngôi đình nói chung để thấy được ý nghĩa của đình Thanh Cù với cuộc sống ở làng Đình trước đây ngoài thờ Thành Hoàng làng còn là trụ sở để hội họp bàn việc làng và nay còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cả thôn làng. Ngôi đình chính là bộ mặt, là niềm tự hào của dân làng, và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc tổng thể làng quê. Ngôi đình Thanh Cù mang đầy đủ những ý nghĩa thiêng liêng ấy trong tiềm thức người dân. Ngày lễ hội ở đình cũng là ngày Hội truyền thống của làng (ngày 10/3 Âm lịch hàng năm).
Phiếu thông tin về nhóm học sinh dự thi - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tỉnh Hưng Yên - Phòng Giáo dục và Đào tạo Kim Động - Trường THCS Lê Quý Đôn - Địa chỉ: Thị trấn Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên - Điện thoại: 03213811450 - Email: c2lequydonkd.hungyen@moet.edu.vn - Tên tình huống: Vận dụng kiến thức môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Mĩ thuật và Kiến thức đời sống vào viết bài Tập làm văn số 5, Ngữ văn 8: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh của địa phương Thông tin về nhóm học sinh: 1. Họ và tên : Hà Thị Khánh Linh Ngày sinh: 12/ 11 / 2002 Lớp: 8B 2. Họ và tên: Đào Thị Huyền Ngày sinh: 5/11/ 2002 Lớp: 8BPHIẾU MÔ TẢ DỰ ÁN DỰ THI 1. Tên tình huống: Chuẩn bị viết bài Tập làm văn số 5, Ngữ Văn 8, cô giáo gợi cho lớp 8B chúng em một số chủ đề để tìm hiểu trước: a/ Một di tích lịch sử văn hóa của quê hương em b/ Món ăn truyền thống ngày Tết cổ truyền ở quê em. Rất thích thú với chủ đề a), song nhiều bạn cho rằng : quê mình chẳng có điểm di tích lịch sử nào nổi bật cả, chẳng lẽ lại thuyết minh về danh thắng nổi tiếng của vùng quê khác? Trước sự băn khoăn ấy của học sinh, cô giáo gợi ý, mỗi ngôi đền, ngôi chùa, mái đình ở làng quê mình đều có thể là điểm di tích lịch sử văn hóa để thuyết minh, nếu chúng em nghiêm túc tìm hiểu. Riêng nhóm chúng em, quê ở làng Thanh Cù, lại vô cùng vui mừng vì đây là cơ hội để giới thiệu cho cô giáo cùng các bạn về một di tích lịch sử văn hóa truyền thống đáng tự hào của quê mình: Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1993 - Đình làng Thanh Cù, xã Ngọc Thanh huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên. Với Kĩ năng viết văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh được học, kết hợp kiến thức các môn Ngữ Văn, Giáo dục công dân, Mĩ thuật, Lịch sử, Địa lí và những Kiến thức thực tế đời sống, chúng em mạnh dạn lựa chọn dự án này: Giới thiệu về một Di tích lịch sử địa phương từ kiến thức liên môn. 2. Mục tiêu giải quyết tình huống: Nhiệm vụ đổi mới Giáo dục hiện nay đòi hỏi học sinh chúng em phải trở thành chủ nhân tương lai của đất nước không chỉ có trí tuệ, năng lực mà cần có những phẩm chất tốt, biết sống yêu thương, có trách nhiệm, tự tin, ... Vì thế, mỗi tiết học, các thày cô thường hướng chúng em vào việc tích hợp kiến thức nhiều môn học có liên quan vào bài học. Từ đó, chúng em thấy được: các môn học tưởng riêng biệt độc lập, lại có sự gắn bó nâng đỡ hỗ trợ nhau để việc học trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả. Vì thế, để viết có hiệu quả bài Tập làm văn số 5 Ngữ Văn 8 nói trên, chúng em nhận thấy không thể không vận dụng và tích hợp các môn học Ngữ văn với Giáo dục công dân, Lịch sử, Mĩ thuật, cũng như Kiến thức thực tế đời sống. Mục tiêu của sự vận dụng ấy cần đạt được là: a) Về kiến thức: Giúp chúng em: - Nắm rõ và giới thiệu được vẻ đẹp, giá trị của di tích lịch sử văn hóa Đình Thanh Cù– một biểu tượng của truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn của làng quê - Củng cố các kiến thức - cách làm về văn thuyết minh một danh lam thắng cảnh; - Hiểu về lịch sử địa lí văn hóa địa phương; - Hiểu được mối quan hệ của Lịch sử - Văn hóa – Kiến trúc – Mĩ thuật trong đời sống thực tế. b) Về kĩ năng – năng lực, giúp chúng em: - Rèn kĩ năng thu thập, lựa chọn và xử lí thông tin tri thức liên quan; Kĩ năng phân tích và tổng hợp, tích hợp hệ thống hóa các nguồn tri thức liên môn ; - Rèn kĩ năng dùng từ, đặt câu, viết đoạn văn, bài văn thuyết minh đảm bảo tính liên kết, mạch lạc và thống nhất về chủ đề. - Phát triển năng lực: hợp tác, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, giải quyết vấn đề và sáng tạo; sử dụng công nghệ thông tin,... c) Về thái độ, giúp chúng em: - Hứng thú, tích cực nghiên cứu và chủ động học tập môn Văn. - Tự giác tìm hiểu những di tích, danh thắng ở quê hương mình. Có ý thức hiểu môi trường văn hóa xã hội càng cần được trân trọng và bảo tồn cũng như môi trường thiên nhiên - Bồi dưỡng tình yêu với quê hương đất nước, phát huy đạo lí Uống nước nhớ nguồn; có ý thức trách nhiệm bản thân với gia đình, quê hương, đất nước; sự tự tin tự chủ. 3. Tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết tình huống: Kiểu văn bản Thuyết minh trong môn Ngữ văn nói chung, ở lớp 8 nói riêng, mang tính thực tiễn cao, gắn liền với những vấn đề quan trọng, gần gũi trong cuộc sống, do đó có sự tổng hợp của nhiều nguồn tri thức khoa học, khách quan. Đặc biệt, để thuyết minh về một danh lam thắng cảnh, dù dưới góc độ văn bản nghệ thuật hay một bài báo, một bài giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch hay của một học sinh Trung học chúng em thì người viết cần có sự tổng hợp từ nhiều nguồn kiến thức với các lĩnh vực của các môn học khác nhau. Với chủ đề thuyết minh một di tích lịch sử văn hóa địa phương, chúng em nhận thấy cần có sự tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn cụ thể như sau: - Vận dụng những tri thức từ môn Giáo dục công dân ( Biết ơn – lớp 6; Bảo vệ di sản văn hóa; quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo – Lớp 7; Tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội; Góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư; Nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản nhà nước và lợi ích công cộng – Lớp 8) - Môn Lịch sử ( Lịch sử thời kì Văn Lang – Âu Lạc; Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống thời Lí ; Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên của nhà Trần và danh tướng, triều đại thời Trần ) - Môn Địa lí (cách xác định hướng và vị trí địa lí của một địa danh ) - Môn Mĩ thuật (Mĩ thuật và công trình mĩ thuật tiêu biểu thời Lê; ) - Tri thức đời sống học hỏi từ những người hiểu biết: Đình làng, lễ hội văn hóa ở làng, - Môn Văn: Kiến thức Văn học dân gian địa phương, văn học sử, Chương trình địa phương Ngữ văn – phần văn Thuyết minh, Kiến thức Tiếng Việt và các kĩ năng tạo lập văn bản Thuyết minh đã học để làm nổi bật đối tượng cần thuyết minh. 4. Giải pháp giải quyết tình huống: Để có tri thức đầy đủ, chính xác và khoa học, hoàn thành cho bài thuyết minh về di tích lịch sử văn hóa – Đình làng Thanh Cù, và để người đọc thấy rõ việc giữ gìn và bảo tồn công trình di tích lịch sử cũng như môi trường văn hóa lịch sử ở mỗi địa phương hiện nay là vô cùng cấp thiết, hướng giải pháp cụ thể về tích hợp liên môn của chúng em như sau: + Vận dụng tri thức những môn liên quan để giới thiệu được những tri thức quan trọng tiêu biểu (Vị trí địa lí, lịch sử hình thành, đặc điểm kiến trúc, các hoạt động văn hóa xã hội ở đình, ý nghĩa và sự gắn bó của đình làng với cuộc sống dân quê,...) để mọi người biết và hiểu được vẻ đẹp và giá trị lịch sử, văn hóa của đình Thanh Cù quê em. Đó không chỉ là một công trình kiến trúc kiến trúc độc đáo mà còn là biểu tượng cho tinh thần yêu nước của cha ông thưở trước, biểu tượng cho đạo lí uống nước nhớ nguồn cũng như những tập quán đẹp của người dân quê em qua các hoạt động lễ hội văn hóa của đình làng. + Để có nguồn tư liệu về đình làng, chúng em tra cứu tài liệu liên quan trên mạng Internet; gặp Ban quản lí Di tích ở địa phương để có tri thức; chụp ảnh minh họa; hỏi bậc cao niên trong làng + Nghiên cứu tư liệu từ môn Mĩ thuật, Lịch sử, Văn học Sử Trung đại có liên quan + Từ sự quan sát, trải nghiệm thực tế khi tham gia các hoạt động lễ hội của Đình hàng năm trước,... 5. Thuyết minh tiến trình giải quyết tình huống Tiến trình giải quyết tình huống Kết quả của việc vận dụng kiến thức Liên môn vào giải quyết các bước của tình huống - Vận dụng kiến thức Văn học Dân gian địa phương, những hiểu biết từ các bậc cao niên để dẫn vào phần Mở bài trên cơ sở các kĩ năng và phương pháp đặc trưng của văn thuyết minh. Phần Mở bài Hưng Yên có mấy chợ to Tiếng đồn to nhất, chợ Gò đã lâu Có sông, có bến, có cầu Kẻ buôn người bán đâu đâu cũng về Không biết tự thưở nào, câu ca dao trên đã đi vào tiềm thức người dân làng Gò quê em. Có lẽ, điều khiến người dân quê em tự hào hơn chính là những sự đặc biệt mà ít bắt gặp ở làng quê nào nơi Đồng bằng Bắc Bộ: làng em có tới hai ngôi chùa, hai ngôi đền, hai ngôi đình trong khi mỗi làng thường chỉ có một đình, một chùa, một đền ( hoặc không). Với em, điều khiến em thêm yêu quê hơn chính là ngôi đình ngay đầu làng với tên gọi thân mật đình Gò, nơi thờ thần Thành Hoàng làng là Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang, một danh tướng đời Trần đã có công dẹp giặc Nguyên Mông ở thế kỉ XIII. Đó là ngôi đình không chỉ là một công trình lịch sử kiến trúc đặc sắc, là biểu tượng cho khí phách anh hùng, xả thân vì nước của cha ông thưở trước, mà còn là biểu tượng văn hóa đầy tự hào với những truyền thống tốt đẹp của làng Thanh Cù quê em. - Vận dụng kiến thức đời sống được học hỏi được từ các bậc cao niên nhằm giới thiệu lai lịch của Làng – tên gọi ; là chuyển tiếp vào nội dung thuyết minh chính về đối tượng Phần Thân bài: Làng em có tên gốc là Thanh Long, sau đổi thành Thanh Cù với tên nôm là làng Gò. Về giá trị văn hóa, lịch sử của làng, thì trước hết phải nói tới ngôi đình Thanh Cù. (Đình làng Thanh Cù) - Vận dụng Kiến thức Địa lí kết hợp kiến thức đời sống được học hỏi được từ các bậc cao niên nhằm giới thiệu vị trí của Làng Về vị trí, ngôi đình tọa lạc ngay đầu làng, ở phía Đông Bắc của làng, nhìn về hướng Đông Nam, soi mình bên giếng nước. Ba phía Đông, Tây, Nam áp sát với khu dân cư. Phía Bắc nhìn ra cánh đồng thẳng cánh cò bay. Đây là nơi có thế đất đẹp, phong cảnh hữu tình, thuận lợi cho việc đi lại, lễ bái, hội họp của bà con. Vận dụng Kiến thức đời sống được học hỏi được từ các bậc cao niên nhằm giới thiệu về chức năng của ngôi đình nói chung để thấy được ý nghĩa của đình Thanh Cù với cuộc sống ở làng Đình trước đây ngoài thờ Thành Hoàng làng còn là trụ sở để hội họp bàn việc làng và nay còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cả thôn làng. Ngôi đình chính là bộ mặt, là niềm tự hào của dân làng, và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc tổng thể làng quê. Ngôi đình Thanh Cù mang đầy đủ những ý nghĩa thiêng liêng ấy trong tiềm thức người dân. Ngày lễ hội ở đình cũng là ngày Hội truyền thống của làng (ngày 10/3 Âm lịch hàng năm). Vận dụng Kiến thức Lịch sử và kiến thức đời sống được học hỏi được từ các bậc cao niên, từ Tư liệu của Ban quản lí di tích, nhằm giới thiệu Thần tích linh thiêng của Đình trong Thần phả để người đọc hiểu hơn về thân thế Đức Thánh Linh Lang Điều đặc biệt của đình Thanh Cù, trước hết, chính là gắn liền với những Thần tích linh thiêng. Thần phả của đình Gò, cũng có sự tương đồng Thần tích của Đình Nhật Tân, ở quận Tây Hồ, Hà Nội (vì cùng thờ thánh Trần Linh Lang) Đức Linh Lang là vị thánh đã ba lần đầu thai xuống trần giúp nhân dân Đại Việt đánh giặc và xây dựng đất nước. Lần thứ nhất, ngài là dòng dõi Hồng Bàng, con trưởng của Đức Lạc Long Quân; Lần thức hai là hoàng tử triều Lý ; Lần thứ ba là Hoàng từ của vua Trần Thánh Tông, có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông lần thứ ba Ba lần đầu thai của ngài ứng với ba ngôi vị được thờ trong gian Hậu cung, tương ứng với ba cỗ kiệu được rước trong ngày hội làng. Bức đại tự lớn nhất ở chính giữa gian Đại bái của Đình cũng ghi rõ: “Tam linh quyến hựu” (Ba vị thánh linh thiêng yêu thương giúp đỡ, phù trợ) được lập dưới đời vua Thành Thái 1897. (Lược sử Thần tích đình Nhật Tân, phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Hà Hội ) ( Bức đại tự “Tam linh quyến hựu”) ( Tượng Thánh cùng 3 ngôi vị ở Hậu cung ) Ghi nhận công lao của Ngài, các triều đại sau này đều phong sắc để nhân dân (trong đó có làng Thanh Cù) tôn thờ Thành Hoàng làng, kế thừa truyền thống yêu nước, góp phần gìn giữ nền độc lập dân tộc. Truyền thuyết còn kể rằng, khi Đức Linh Lang mất, Vua ban cho ngài được “thất thập nhị từ” (được lập 72 đền thờ). Vì thế, nhiều nơi ở Đồng bằng Bắc Bộ có đền thờ Ngài. Nhưng có lẽ nơi thờ chính của Ngài ở bốn nơi: Nhật Tân, Yên Phụ, Phúc La và làng em - làng Gò (Quyết định công nhận DT-LS cấp Quốc gia cho Đình Thanh Cù /1993) Vận dụng kiến thức Mĩ thuật, Lịch sử và kiến thức đời sống học hỏi từ các bậc cao niên nhằm thuyết minh về tổng thể cấu trúc, hiện vật và kiến trúc của Đình Điểm đặc biệt ý nghĩa nữa của Đình Thanh Cù chính là sự cổ kính và bề thế về tổng thể cấu trúc, kiến trúc. Theo thần tích, Đình được xây dựng năm Chính Hòa thứ 11 (1691). Cấu trúc đình theo kiểu chữ Đinh (J) gồm hai nếp: tòa Đại bái (năm gian, gồm ba gian chính, hai gian trái) và Hậu cung. Trải qua 325 năm, dù bao thăng trầm lịch sử, ngôi đình vẫn còn khá nguyên vẹn và đồng bộ. Điều đó thể hiện tình cảm trách nhiệm và tấm lòng tôn kính, biết ơn của nhân dân Thanh Cù với đức Thánh. Đình hiện còn giữ được nhiều hiện vật và đồ thờ tự quý : 3 kiệu Bát cống thời Lê , kiệu Long đình đều chạm rồng, hoa dây rất đẹp, và sơn son thiếp vàng lộng lẫy; có chuông đồng cao 1,4m, đường kính miệng 0,7m, đúc năm Tự Đức thứ tư, ghi công đức tu bổ đình; một chuông đồng khác đúc năm Thành Thái thứ 2 cao 1,2m, đường kính miệng 0,6m (hiện được treo ở Đền thờ Ngài); một bộ đỉnh đồng thời Nguyễn, trên nắp đỉnh đúc hình trúc hoa long; một bát hương bằng sứ thời Lê cao 0,25m, đường kính miệng 0,22m; hai cỗ ngai vàng và bài vị sơn son thiếp vàng có chạm rồng và hoa; các bộ đôi câu đối và đại tự hoành phi... Về kiến trúc, Đình mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng thế kỉ XVII, có kết cấu đối xứng và tinh xảo. Mái đình khá dày và có tỉ lệ chiếm khoảng 2/3 tổng chiều cao của ngôi đình, bốn góc là bốn đầu đao xòe rộng, uốn cong đầu rồng, tạo sự nhẹ nhàng mà uy nghi cho ngôi đình. Ở nóc mái đình có họa tiết trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Hệ thống gỗ, cột xà, kè , bẩy , kẻ hiên,... trong Đình theo kết cấu chống giường và già chiêng; riêng ở gian chính Đại bái, người địa phương gọi đó là kết cấu kiểu kẻ chuyền chồng chóp, còn ở hai bên gian trái, là kiểu con chồng con đội.. Các hàng cột lớn từ gỗ lim nguyên khối được kê trên các bệ đá xanh, có kích thước lớn (cao trên 4,5m, đường kính hơn 0,7 m) tạo sự bề thế vững chãi cho ngôi đình. (Kết cấu con chồng con đội ở hiên hai gian trái ) (Kết cấu kẻ chuyền chồng chóp ở hiên gian Chính ) Điểm độc đáo sáng tạo nữa trong kiến trúc đình làng Gò chính là hệ thống phù điêu gắn vào khung gỗ chịu lực phía trên của đình, thể hiện sự tài hoa khéo léo của người thợ trong điêu khắc, chạm trổ, vừa tạo sự trang trọng cho ngôi đình, vừa gửi gắm bao ước mơ tốt đẹp về cuộc sống. Ở gian Đại bái, bên tả là bức chạm “ổ rồng” (cửu long – rồng mẹ với đàn con, mang ước mơ về cuộc sống sum vầy), bên hữu là bức chạm đôi rồng con (lưỡng long chầu). Còn ở các phần kiến trúc như đầu kèo, chắn gió, kẻ hiên mái,... là các hình thức chạm khắc trang trí hoa vân (hoa, mây) được cách điệu tinh tế, khiến mỗi người xem đều rất thích thú. Bức chạm “ổ rồng” Bức chạm “lưỡng long hồi” Vận dụng kiến thức môn Giáo dục công dân và thực tế, bằng sự trải nghiệm bản thân nhằm thuyết minh về Ý nghĩa văn hóa, lịch sử của Đình và tình cảm của mọi người, cũng như của bản thân với Di tích này. Đình Thanh Cù quê em còn gây ấn tượng tốt đẹp cho du khách gần xa, tạo niềm tự hào cho dân làng bởi chính không khí lễ hội hàng năm. Ngày hội chính diễn ra cùng ngày với Quốc giỗ - Giỗ tổ Hùng vương, 10 / 3 Âm lịch. Đoàn rước lễ từ Đình làng ra đình Văn Chỉ ở Chợ, rồi rước qua Đền thờ đức Thánh sau đó lên Lăng mộ ngài, và cuối cùng rước trở về Đình. (Kiệu lễ được rước ra đình chợ- Văn Chỉ) ( Tế lễ ở trên lăng mộ đức Thánh Linh Lang) (Lễ khai mạc tại sân Đình ngày 10/3/2012 Âm lịch) ( Đội kì lân, sư tử của Đình Yên Phúc, HN tham dự) Và một điều lạ ít thấy ở các lễ hội địa phương khác, đó là có sự tham gia của Đoàn các Di tích: Đình Yên Phúc, Đình Nhật Tân, Đình Yên Phụ, ở Thành phố Hà Nội, với các Đội trống, múa kỳ lân, sư tử, kiệu lễ, ban tế,... Tất cả đã tạo nên một lễ hội làng quê mà bề thế trang trọng linh thiêng. Điều này, trong mắt chúng em, những thế hệ trẻ của làng, thật đáng xúc động, tự hào. Chúng em cảm nhận rõ ở đó là một tinh thần đoàn kết đồng lòng, một sức mạnh dân tộc kì diệu trước dòng chảy thời gian từ những mối liên kết, từ các miền quê, mọi thế hệ người Việt kéo dài hơn 700 năm tới nay, và mãi mãi. Chúng em chắc chắn rằng, được tham quan quần thể di tích làng Thanh Cù từ Đình làng, ra Đình chợ, lên Đền thờ rồi tới Lăng mộ thờ đức Thánh Linh Lang, và lại được tham dự lễ hội làng dịp 10/3, mỗi người Việt Nam đều có chung một niềm tự hào về cha ông, về giống nòi Hồng Bàng cao quý thiêng liêng, và sẽ đều tự nhủ về trách nhiệm của mình hôm nay hướng tới tương lai sao cho xứng đáng với quá khứ. Từ kiến thức đời sống, tự rút ra những suy nghĩ riêng, lời mời ở phần Kết bài. Phần Kết bài: Trong niềm tự hào chung của người dân xã Ngọc Thanh, nhất là làng Thanh Cù về ngôi đình này, về những giai thoại quanh tên làng và sự linh thiêng của thế đất (Thanh Cù là gò đất cao, hội tụ được những tính ưu việt - một cuộc sống thanh cao, một môi trường thanh khiết), thế hệ chúng em tự nhắc nhở mình phải cố gắng nỗ lực thật nhiều hơn nữa, để có thể bảo tồn, kiến thiết không chỉ đình Gò làng em mà cả bao công trình văn hóa lịch sử khác trên quê hương đất nước thân yêu. Và trước hết, xin mời quí khách xa gần về thăm quê em, tham dự hội đình Gò quê em, ngày 10/3 Âm lịch! 6. Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống: Tích hợp mở rộng kiến thức trong bài học Ngữ Văn, nhất là văn bản Thuyết minh với các kiến thức của các môn trong chương trình cùng kiến thức đời sống là điều cần thiết. Chúng em vừa củng cố nắm vững tri thức môn học khác, vừa có thêm cơ sở căn cứ hiểu rõ hơn nội dung ý nghĩa của Tri thức về đối tượng cần thuyết minh, đồng thời thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa việc học và hành, giữa tri thức sách vở với thực tế cuộc sống. Quan trọng hơn, với dự án này, chúng em không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ viết một bài văn Thuyết minh mà chúng em còn được trải nghiệm, được làm quen với việc chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tri thức một cách nghiêm túc khoa học; biết gắn liền, vận dụng kiến thức với đời sống. Mặt khác, chúng em được thể hiện vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với lịch sử , với cha ông để tiếp nối, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là cách tri ân với anh linh của các anh hùng dân tộc qua việc làm dù nhỏ: Giới thiệu hình ảnh Quê hương mình với sự trân trọng nâng niu nhất cho bạn bè xa gần. Chúng em xin được cảm ơn các thày cô giáo, cảm ơn Ban quản lí di tích Đình Thanh Cù đã tạo điều kiện giúp đỡ để chúng em hoàn thành dự án này. Chúng em xin chân thành cảm ơn ! Kim Động , ngày 26 tháng 1 năm 2016 Nhóm tác giả: Hà Thị Khánh Linh Đào Thị Huyền
File đính kèm:
- Bai_thi_lien_mon_ngu_van_8.doc