Tham luận về việc dạy học môn ngữ văn hiện nay ở trường THCS

Về phía học sinh, đa số các em học sinh được sự quan tâm của gia đình nên có điều kiện học tập tương đối tốt. Môi trường, điều kiện vật chất của nhà trường hiện nay được đảm bảo hơn như: Trường lớp kiên cố, trang thiết bị khá đầy đủ, nhiều phương tiện hỗ trợ học tập Học sinh được tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu tham khảo để phục vụ cho việc học tập. Bên cạnh những thuận lợi trên, trong môn học ngữ văn tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ và tái hiện lại một cách máy móc, rập khuôn những gì giáo viên đã giảng. Đa phần học sinh chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học.

doc6 trang | Chia sẻ: dung89st | Lượt xem: 5303 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tham luận về việc dạy học môn ngữ văn hiện nay ở trường THCS, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG THCS SỐ I GIA PHÚ
TỔ XÃ HỘI
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
THAM LUẬN
VỀ VIỆC DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN HIỆN NAY 
Ở TRƯỜNG THCS
 Thực hiện công văn số:166/PGD&ĐT Bảo Thắng về việc phân công viết tham luận phục vụ Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học môn ngữ văn trong trường phổ thông. Tổ Xã Hội trường THCS Gia Phú xin được báo cáo như sau.
 Từ xưa tới nay trong việc đào tạo con người, văn chương vẫn được sử dụng như một công cụ đắc hiệu, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của văn chương trong việc xây dựng và giữ gìn đạo đức xã hội. Nếu nói người giáo viên là những “Kỹ sư tâm hồn” thì điều đó đúng nhất đối với các thầy cô giáo dạy văn vì Ngữ văn chính là bộ môn dễ gây xúc động vui, buồn tác động nhiều nhất đến thế giới nội tâm của con người, giúp con người phát huy đầy đủ năng lực phẩm chất hướng tới chân, thiện, mĩ để xây dựng cuộc sống.
 Đánh giá thực trạng việc dạy học môn ngữ văn ở trường THCS hiện nay thì chúng tôi nhận thấy rằng :
Về phía giáo viên xét về ưu điểm đa số giáo viên dạy môn Văn hiện nay đang nỗ lực đáng kể trong việc thay đổi tư duy dạy học từ góc nhìn người thầy là trung tâm sang tư duy lấy người học làm trung tâm, thầy đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn. Vai trò và mối quan hệ giữa người dạy và người học đã khác trước, sự chủ động, tích cực của học sinh trong giờ học được đề cao. Có nhiều yếu tố đổi mới trong một giờ dạy thể hiện kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm của người dạy trong giai đoạn mới, tỉ lệ đọc chép không còn phổ biến, kết hợp nhiều biện pháp, nhiều phương pháp trong việc dạy học như: Thuyết giảng, kết hợp với đàm thoại, tổ chức các hoạt động nhóm để học sinh trao đổi với nhau. Nhiều kỹ thuật dạy học được áp dụng linh hoạt, hiệu quả và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tích cực diễn ra khá thường xuyên. Bên cạnh những ưu điểm đạt được thì chúng ta cũng phải thừa nhận những mặt còn hạn chế đó là: Thầy giáo vẫn chưa thực sự giúp học sinh thể hiện cái riêng trong tiếp nhận văn bản. Trong khi lẽ ra, đối diện với văn bản, nhất là văn bản nghệ thuật, mọi cá tính, sở thích, mọi hình dung, tưởng tượng của cá nhân đều có chỗ để phát huy. Sự phát huy tính tích cực chủ động của học sinh thực ra vẫn mang tính chất nửa vời, nhiều giờ dạy vẫn như là sự gò bó, áp đặt. Việc đối thoại trong giờ học thực tế là chưa có hiệu quả, chúng ta mới chỉ hỏi đáp chứ chưa phải là đối thoại đích thực, tức là sự thể hiện tiếng nói, sự cọ xát giữa các ý thức và tôn trọng chủ kiến của cá nhân. Ngoài ra, sự thiếu thốn về phương tiện thiết bị dạy học như: tranh, ảnh, sơ đồ, dụng cụ nghe, nhìn để minh họa cho bài giảng, tài liệu tham khảo, các tác phẩm văn học, nhất là văn học nước ngoài... cho giáo viên đã khiến cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới gặp nhiều bất lợi, dẫn đến tình trạng dạy chay, học chay. Đó là chưa kể đến đời sống giáo viên tuy đã được cải thiện căn bản nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn chưa thể chuyên tâm cho việc giảng dạy. 
Về phía học sinh, đa số các em học sinh được sự quan tâm của gia đình nên có điều kiện học tập tương đối tốt. Môi trường, điều kiện vật chất của nhà trường hiện nay được đảm bảo hơn như: Trường lớp kiên cố, trang thiết bị khá đầy đủ, nhiều phương tiện hỗ trợ học tập Học sinh được tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu tham khảo để phục vụ cho việc học tập. Bên cạnh những thuận lợi trên, trong môn học ngữ văn tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ và tái hiện lại một cách máy móc, rập khuôn những gì giáo viên đã giảng. Đa phần học sinh chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học. Điều này đã thủ tiêu óc sáng tạo, suy nghĩ của người học, biến học sinh thành những người quen suy nghĩ diễn đạt bằng những ý vay mượn, bằng những lời có sẵn, đáng phải làm chủ tri thức thì lại trở thành nô lệ của sách vở. Người học chưa có nhu cầu tự thân bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm của cá nhân trước tập thể, nếu phải nói và viết học sinh cảm thấy khá khó khăn. Thái độ đối với môn văn của các em có sự phân lập rất rõ do tính thực dụng trong xã hội. Số đông học sinh hiện nay có thiên hướng học các môn tự nhiên vì vậy môn Ngữ văn cũng như nhiều môn KHXH khác chưa được chú trọng. Rất ít học sinh nhận thức được rằng học văn là để thưởng thức văn chương, để bồi đắp mĩ cảm, để hoàn thiện nhân cách. Nhiều học sinh biết tiếp cận với nguồn sách tham khảo trên thị trường, điều ấy có mặt tốt nhưng cũng có mặt tiêu cực là các em phụ thuộc vào tư liệu, ít phát huy tính sáng tạo, độc lập trong việc cảm thụ văn bản. Chính sự lệ thuộc quá mức của học sinh vào các loại sách học tốt, sách bài soạn, bài giải  đã đẩy các em vào tình trạng thụ động, luôn luôn chờ đợi những kết quả mà người khác cảm nghĩ hộ, mất khả năng tự mình thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn chương để nói lên những cảm nhận, những rung động của chính bộ óc, con tim của mình bằng chính lời lẽ của mình. 
 Mặt khác qua quá trình giảng dạy chúng tôi nhận thấy rằng: Những năm gần đây việc dạy và học ngữ văn đã và đang trở thành một điểm “nóng” ngày càng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Dư luận (và cả thực tế) cho thấy rằng học sinh hiện nay không thích học văn. Trong trường THCS nói chung và trường THCS Gia Phú số 1 nói riêng vẫn tồn tại tình trạng một số học sinh học theo kiểu đối phó, các em lười đọc, lười suy nghĩ về tác phẩm văn học, ngại viết, ngại luyện kỹ năng diễn đạt. Tất nhiên việc học sinh ngại học ngữ văn do nhiều yếu tố chi phối: Giáo viên dạy không có sức thu hút; Do gia đình không đánh giá đúng vị trí môn học; Do sự chi phối của tư tưởng thực dụng trong chọn ngành nghề; Do tác động của môi trường xã hội. Chính vì những lí do trên nên đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng môn học. Một bộ phận không nhỏ học sinh không thích học Ngữ văn và yếu kém về năng lực cảm thụ văn chương không chỉ gây bi quan đối với dư luận xã hội mà còn tác động tiêu cực đến người dạy. Nhiều thầy cô giáo dạy văn đã xuất hiện tâm lí chán nản, buông xuôi, không có động lực để trau dồi chuyên môn, tạo sức ỳ lớn trong tư duy đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy. Thực tế cho thấy, bên cạnh năng lực chuyên môn, tình yêu văn chương và tâm huyết của các thầy cô giáo có thể cảm hoá được học sinh, để lại trong học sinh nhiều ấn tượng sâu đậm, từ đó gieo vào học sinh niềm say mê khám phá, chiếm lĩnh tác phẩm. Môn Ngữ văn chỉ thực sự hấp dẫn đối với học sinh khi giờ dạy của giáo viên thực sự có “lửa”, khi người giáo viên nhập thân hết mình vào bài giảng.Chất lượng giảng dạy và học tập môn Ngữ văn do nhiều yếu tố quyết định, chi phối: chương trình, sách giáo khoa, giáo án, phương pháp giảng dạy của thầy, ý thức, thái độ học tập của trò. Chính vì lẽ đó một câu hỏi đặt ra cho chúng ta là Làm thể nào để HS yêu thích môn Ngữ văn. Không đặt ra câu hỏi này, khó có thể cải thiện thực trạng về chất lượng dạy và học Văn ở nhà trường hiện nay. Môn Văn có đặc trưng riêng so với nhiều môn học khác, không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật, học sinh nếu không có sự đam mê thì không thể nào đạt kết quả cao được. Một giờ học Văn không kích thích được hứng thú của HS, thì dù GV có “nhồi nhét” đến mấy, chưa chắc HS đã tiếp nhận được kiến thức. Người ta thường ví tâm hồn học sinh như tờ giấy trắng, còn chưa hoen mực, điều này có nghĩa là các em cũng rất dễ rung động trước cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái xấu. Không một ai sinh ra đã không thích học Văn cả. Nhìn nhận lại vấn đề có rất nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan dẫn tới việc HS chưa thích học môn văn dẫn tới chất lượng yếu kèm là do Giáo viên chưa có phương pháp dạy học hữu hiệu, chưa thu hút được HS. 
 Qua phân tích những nguyên nhân nói trên, để nâng cao chất lượng dạy, học văn trong nhà trường theo chúng tôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau. Trước hết, cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học. Có thể khẳng định, đổi mới phương pháp giảng dạy đang trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay. Cần khôi phục động lực học tập, khơi dậy niếm say mê, tình yêu văn học của học sinh bằng những giờ dạy chất lượng và hiệu quả. Để chất lượng dạy và học văn ngày một nâng cao, trong giờ lên lớp, người giáo viên phải sử dụng nhiều phương pháp để giúp học sinh phát huy đến mức cao nhất sự suy nghĩ độc lập, tìm tòi khám phá tác phẩm văn chương với sự hứng thú tích cực. Muốn thế người giáo viên cần:
- Xuất phát từ “Mục đích, yêu cầu” của bài dạy để chọn cách dạy phù hợp. Dạy học sinh đọc hiểu văn bản là phân tích hình tượng và ý nghĩa ngôn từ của văn bản, thấy được sự thống nhất chặt chẽ giữa nghệ thuật và nội dung. Nội dung chỉ hay và sâu khi hình thức hoàn chỉnh có giá trị thẩm mỹ cao, ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ chắt lọc từ cuộc sống, có giá trị gợi ta, gợi cảm cao. Khi hướng dẫn học sinh phân tích, giáo viên không được áp đặt, không gò ép vào khuôn khổ chật hẹp cứng nhắc, giúp học sinh có thói quen độc lập suy nghĩ tránh sự vay mượn.
- Rèn cho học sinh thói quen đọc kỹ tác phẩm, phải thuộc thơ, nhớ những chi tiết của truyện (thuộc trước tiết học thì càng tốt)
- Phát huy phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo, hợp tác; giảm thời gian giảng lý thuyết, tăng thời gian tự học, tự tìm hiểu cho học sinh. Do vậy, giáo viên phải từng bước chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp dạy học mới, trong đó học sinh dưới sự tổ chức, gợi mở, dẫn dắt của giáo viên tự mình chiếm lĩnh bài văn, tự rút ra những kết luận, những bài học cần thiết cho mình với sự chủ động tối đa. 
- Đổi mới cách dạy, cách ra đề, cách đánh giá môn Văn là vấn đề cũng đã được bàn nhiều. Song để đổi mới thật sự chứ không chỉ hình thức, làm cho có phong trào, thì phải thực hiện một cách thường xuyên nghiêm túc. Không chỉ đánh giá sự đổi mới trong các tiết thao giảng theo kiểu “đến hẹn lại nên” mà BGH cần kết hợp với GV có kinh nghiệm đi dự giờ các tiết dạy trên lớp, có góp ý chi tiết, cụ thể, chứ không đánh giá chung chung. Tổ chuyên môn khi sinh hoạt chuyên môn cần có chuyên đề về đổi mới cụ thể, ứng với một bài dạy cần chỉ ra đổi mới ở chỗ nào và cách thức đổi mới như thế nào. Để làm được điều này thì phải có những GV nòng cốt trong chuyên môn, phải phát huy được khối đoàn kết, dân chủ nội bộ. 
+ Chú ý phát huy tính tích hợp trong giảng dạy vì nó vừa mở rộng phạm vi tiếp xúc đời sống của văn học, vừa góp phần rèn luyện tính năng động của người học trò. Tuy nhiên dạy tích hợp phải nhuần nhuyễn, uyển chuyển, tránh máy mọc.
+ Dạy học theo tinh thần đổi mới là phải có khả năng tiếp cận và sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại, tuy nhiên không nên lạm dụng quá nhiều trình chiếu trong dạy văn.
+ Đề kiểm tra Giáo viên cần quan tâm đến các dạng câu hỏi, dạng đề, có sự phân loại đối với HS, thường xuyên rèn kỹ năng phân tích đề, rèn kỹ năng làm bài cho học sinh.
 Với những yêu cầu cao trong công việc đổi mới phương pháp, người giáo viên phải nâng cao trình độ và bản lĩnh. Truyền thụ tri thức, rèn luyện kĩ năng đã khó, hướng dẫn cách cảm thụ, lối tư duy cho học sinh còn khó bội phần. Sự cập nhật tri thức phải luôn đi đôi với nâng cao trình độ sư phạm. Một khi đã quán triệt tinh thần coi học sinh là chủ thể tiếp nhận, tất yếu giáo viên sẽ phải đối diện với sự đa dạng, phức tạp trong tư duy, trong cách phát ngôn của các em. Thực tế đó sẽ là những thách thức không nhỏ đối với bản lĩnh của người thầy.
 Những ý kiến đã trình bày trên đây hoàn toàn là kết quả suy nghĩ của các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn ngữ văn trường THCS số 1 Gia Phú. Rất mong được sự chia xẻ và đóng góp ý kiến của các đồng chí giáo viên và chuyên viên PGD&ĐT Bảo Thắng để chất lượng dạy học môn Ngữ Văn của chúng ta ngày một nâng cao. Xin chân thành cảm ơn. 
Gia Phú, ngày 30/10/2012
T/M Tổ Xã Hội

File đính kèm:

  • docTHAM_LUAN_VE_DAY_MON_NGU_VAN_O_THCS_20150725_033016.doc