Sáng kiến kinh nghiệm Kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh viết được một bài phân tích nhân vật hay trong văn nghị luận lớp 9

 Cũng như văn giải thích và chứng minh, phân tích cũng là một phương pháp phổ biến để nhận thức sự vật và trình bày ý kiến của con người nhưng vấn đề cơ bản là phân tích như thế nào? Nhất lại là phân tích nhân vật trong tác phẩm nghị luận, một nhân vật khi xuất hiện trong tác phẩm đã được nhà văn nhào nặn lựa chọn, cân nhắc kĩ lưỡng từ đặc điểm bên ngoài cũng như đặc điểm bên trong. Hơn nữa, mỗi nhân vật xuất hiện đều có sự định hướng và dụng ý nghệ thuật, tư tưởng tình cảm của tác giả. Vì vậy muốn có bài viết sinh động thì giáo viên phải hướng dẫn các em một cách cụ thể từ việc cảm thụ tác phẩm cho đến sự hình thành các kĩ năng của bài văn.

 

 

doc7 trang | Chia sẻ: halinh | Lượt xem: 2240 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm Kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh viết được một bài phân tích nhân vật hay trong văn nghị luận lớp 9, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Phần thứ nhất:
Mở đầu
 Sáng kiến kinh nghiệm
KINH NGHIỆM BỒI DƯỠNG HỌC SINH VIẾT ĐƯỢC MỘT BÀI PHÂN TÍCH NHÂN VẬT HAY TRONG VĂN NGHỊ LUẬN LỚP 9.
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI.
 Phần tập làm văn phân tích nhân vật trong văn nghị luận là kiểu bài thực hành chủ yếu của chương trình Tập làm văn lớp 9, ở lớp 8 các em đã làm quen với nhân vật trong tác phẩm bằng kiểu bài “ Nêu những suy nghĩ về nhân vật”. Lên lớp 9 các em tiếp tục tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm ở mức độ cao hơn, vì vậy cần có sự hướng dẫn thật tốt của giáo viên, nếu không các em sẽ chỉ viết rất hời hợt, không sâu sắc và rất dễ sa đà sang kiểu văn kể chuyện (tóm tắt lại những điểm chính của nhân vật). Từ những lí do trên, qua quá trình giảng dạy tôi đã đúc kết được những kinh nghiệm về “ Một số kiến thức và kĩ năng bổ trợ cần thiết để hướng dẫn học sinh viết được một bài phân tích nhân vật hay trong văn nghị luận”.
 Trong phạm vi một sáng kiến kinh nghiệm cấp trường này, tôi không trình bày các bước để viết được một bài văn mà chỉ xin trao đổi về một số kiến thức và kĩ năng bổ trợ để hướng các em viết được bài văn phân tích nhân vật trong văn nghị luận được tốt hơn.
III. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU.
 1. Mục tiêu:
 - Nghiên cứu để đưa ra phương pháp luyện học sinh có thể viết được một bài văn phân tích nhân vật hay trong văn nghị luận, từ đó bồi dưỡng lòng say mê văn học, giáo dục đạo đức và hướng học sinh đến chân, thiện, mĩ.
 - Đối tượng : Học sinh lớp 9c, 9d.
 Trường : THCS Triệu Độ
 - Phạm vi nghiên cứu: Nội dung chương trình phân môn tập làm văn, cụ thể là kiểu bài phân tích nhân vật trong tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.
 - Phương pháp nghiên cứu: Dùng phương pháp tìm hiểu, nêu vấn đề, đàm thoại, kiểm tra việc luyện viết của học sinh.
 2. Thực trạng:
 a. Thuận lợi:
 - Phần lớn học sinh đều có ý thức trong việc học tập, đa số phụ huynh đều tạo điều kiện để con em mình học tốt.
 - Bản thân được đào tạo và khi ra trường được dạy đúng chuyên môn nên có thuận lợi trong việc nghiên cứu, để rút ra kinh nghiệm thực tế.
 - Bản thân được giảng dạy hết các khối trong chương trình THCS, có kinh nghiệm 3 năm dạy lớp 9.
 - Được sự quan tâm của Ban giám hiệu và công đoàn nhà trường, tạo điều kiện giúp đỡ, đồng thời được các đồng nghiệp dự giờ góp ý kiến trân thành, để thấy được những mặt mạnh, mặt yếu trong quá trình giảng dạy, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân đã cho tôi nâng lên một bước lớn về chuyên môn.
 b. Khó khăn: 
 - Trình độ nhận thức của học sinh có sự khác biệt lớn do khác nhau về điều kiện, mức sống, thái độ động cơ học tập nên ảnh hưởng không nhỏ đến học tập.
 - Tình trạng học sinh không chú trọng, không thích học môn văn vẫn còn xảy ra.
 - Tài liệu tham khảo để giảng dạy chưa nhiều.
Phần thứ 2: NỘI DUNG CỦA ĐỀ TÀI.
 I. ĐẶT VẤN ĐỀ (CƠ SỞ LÍ LUẬN)
 Cũng như văn giải thích và chứng minh, phân tích cũng là một phương pháp phổ biến để nhận thức sự vật và trình bày ý kiến của con người nhưng vấn đề cơ bản là phân tích như thế nào? Nhất lại là phân tích nhân vật trong tác phẩm nghị luận, một nhân vật khi xuất hiện trong tác phẩm đã được nhà văn nhào nặn lựa chọn, cân nhắc kĩ lưỡng từ đặc điểm bên ngoài cũng như đặc điểm bên trong. Hơn nữa, mỗi nhân vật xuất hiện đều có sự định hướng và dụng ý nghệ thuật, tư tưởng tình cảm của tác giả. Vì vậy muốn có bài viết sinh động thì giáo viên phải hướng dẫn các em một cách cụ thể từ việc cảm thụ tác phẩm cho đến sự hình thành các kĩ năng của bài văn.
II. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN.
1. Một số biện pháp thực hiện:
 a. Mục đích: 
 Qua nghiên cứu tìm hiểu nắm được tình hình học tập của học sinh khi học đến phần phân tích nhân vật trong văn nghị luận để từ đó đưa ra một phương pháp chung hướng học sinh có thể viết được một bại văn phân tích nhân vật hay.
 b. Phương pháp tiến hành:
 Ngay từ đầu năm học tôi đã hướng đẫn các em phương pháp học ngữ văn nói chung và phương pháp học phân môn tập làm văn nói riêng với các yêu cầu cụ thể về tài liệu và ghi chép, vở bài tập, vở luyện viết văn. Sau đó tôi tiến hành kiểm tra khảo sát chất lượng đầu năm để chọn lựa phương pháp giảng dạy thích hợp. Kết quả khảo sát khối 9 như sau:
 Tổng số học sinh được khảo sát: 72
 Trong đó: Giỏi 3; Khá 15; TB 34; Yếu 20.
 Số lượng học sinh khá giỏi môn văn còn rất ít, đa số học sinh xếp ở mức trung bình, môt số em ở mức yếu. Từ vấn đề trên tôi tìm ra phương pháp dạy tốt nhất để chất lượng học đạt kết quả cao hơn.
 2. Biện pháp cụ thể:
 Trong phần lí thuyết tập làm văn lớp 8 về phân tích nhân vật các em đã nắm được khái niệm văn phân tích nhân vật trong văn nghị luận, các bước để có thể viết được bài văn phân tích nhân vật. Tuy nhiên do thời gian trên lớp có hạn, vì vậy muốn các em có thể viết được bài văn hay giáo viên cũng cần hướng dẫn thêm các em những vẫn đề sau đây:
 2.1. Cách cảm thụ tác phẩm để có thể cảm nhận nhân vật trong tác phẩm một cách sâu sắc nhất.
 - Thứ nhất : Nếu tác phẩm đó là tác phẩm đưa vào giảng dạy trong nhà trường, cần chú ý hướng các em chú ý trong giờ giảng văn, trong giờ học cần chú ý đào sâu suy nghĩ về những hành động suy nghĩ tính cách lời nói cử chỉ của nhân vật để từ đó tự mình rút ra đặc điểm của nhân vật. Cần tập trung các dạng câu hỏi mang tính cảm nhận riêng của cá nhân học sinh về nhân vật. Trong giờ học mạnh dạn nêu ý kiến phát biểu của mình để từ đó qua nhận xét của giáo viên, của bạn mà rút ra được ý đúng, dần dần hoàn thiện khả năng cảm thụ tác phẩm của bản thân.
- Thứ hai, nếu là những tác phẩm ngoài chương trình, các em cần đọc đi đọc lại nhiều lần mà tự mình trả lời các câu hỏi: Tác phẩm nêu vấn đề gì? Nhân vật trong tác phẩm để lại cho em ấn tượng gì ? Những hành động tính cách…nào của nhân vật khiến em chú ý nhất, nếu là em, em có hành động suy nghĩ như vậy không?… Sau đó có thể trao đổi ý kiến đó với bạn bè, thầy cô giáo. Có như vậy các em mới có thể cảm thụ tác phẩm được tốt. Mà có thể cảm thụ tác phẩm tốt, có ấn tượng của nhân vật các em mới có thể có một bài phân tích nhân vật sâu sắc.
2.2. Sau đó bước tiếp theo giúp các em tìm đặc điểm nhân vật và thế nào là phân tích đặc điểm nhân vật.
a. Đối với bài phân tích nhân vật, khâu xác định đặc điểm nhân vật là quan trọng nhất, muốn có bài đúng và chúng thì các em xác định đúng đặc điểm nhân vật, thực tế nhiều khi các em xác đinh đặc điểm nhân vật theo cảm nhận chủ quan của mình.
 VD: Khi cho các em xác định đặc điểm chung của nhân vật ông Hai trong văn bản “Làng” của tác giả Kim Lân, có em cho rằng: “ Nhân vật ông Hai rất thương yêu con”. Đó chưa phải là đặc điểm chung nhất của nhân vật mà đặc điểm chung nhất của nhân vật này phải là: “Tình yêu làng gắn bó hoà quyện với lòng yêu nước”. Muốn xác định chính xác đặc điểm chung nhất của nhân vật trong tác phẩm người giáo viên phải khéo léo hướng dẫn các em tìm được đặc điểm khái quát nhất của nhân vật. Phải cho các em thấy được đặc điểm của nhân vật phải là những nét nổi bật, những điểm nổi bật của nhân vật đồng thời cảm nhận được nghệ thuật miêu tả nhân vật của tác giả, đặc điểm của nhân vật được bộc lộ qua cả đặc điểm bên ngoài và cả đặc điểm bên trong, dựa vào đó mà các em khái quát được đặc điểm nổi bật nhất của nhân vật.
 b. Bước tiếp theo, muốn phân tích được đặc điểm nhân vật đã tìm được, các em cần hiểu rõ phân tích đặc điểm nhân vật là gì? Phần này học sinh thường lúng túng khi làm bài, các em chỉ phân tích một cách hời hợt hoặc nêu một đặc điểm nào đó của nhân vật sau đó kể lể dài dòng các chi tiết xoay quanh nhân vật đó. Vì vậy người giáo viên cần giúp các em phân biệt rõ kiểu bài phân tích nhân vật trong văn nghị luận với các kiểu bài văn khác ở chỗ: Phân tích nhân vật là lần lượt lựa chọn và nêu lên một số đặc điểm nhân vật phần này còn gọi là luận điểm .
 c. Tiếp theo sử dụng dẫn chứng lấy trong tác phẩm và dùng lí lẽ phân tích chứng minh, lập luận ( gọi là luận cứ). Lấy dẫn chứng có 2 cách: một là lấy dẫn chứng gián tiếp bằng cách tóm tắt các sự kiện, chi tiết; hai là lấy dẫn chứng trực tiếp từ lời văn, ngôn ngữ của nhân vật (lưu ý dẫn chứng trực tiết phải nguyên văn và đặt trong dấu ngoặc kép).
 VD: Luận điểm “Tình yêu làng gắn bó, hoà quyện với lòng yêu nước”.
 Luận cứ: 
 + Khi tản cư, ông Hai nghĩ đến những ngày hoạt động kháng chiến giữ làng cùng anh em, đồng đội điều đó chứng tỏ tình yêu làng của ông Hai gắn bó với tình cảm kháng chiến. Ông không chỉ là một công dân của làng mà còn là một chiến sĩ tham gia đánh giặc giữ làng.
 + Khi tình cờ nghe tin làng theo giặc, ông sững sờ, nghẹn ngào và có mặc cảm xấu hổ bẽ bàng với ý nghĩ: “ Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
 + Khi tin đồn được cải chính thì ông Hai lại rạng rỡ, hào hứng kể chuyện làng và rất tự hào về cái làng của mình.
 d. Tiếp theo đánh giá nhân vật hoặc nhận định nêu suy nghĩ nhận xét của bản thân về nhân vật. Những nhận xét đánh giá đó mang tính chủ quan nhưng phải xuất phát trên cơ sở đã phân tích ở trên. Nhận xét đánh giá còn là nêu tình cảm và định hướng của bản thân, tác động của nhân vật tới bản thân và cách rèn luyện của mình. Như vậy học sinh sẽ thấy rằng không những chỉ nêu đặc điểm của nhân vật ( luận điểm) mà phải tìm được những dẫn chứng tiêu biểu cho đặc điểm đó, dùng lí lẽ phân tích, chứng minh luận điểm, luận chứng, lập luận dẫn chứng đó để người đọc thấy rõ đặc điểm nhân vật ấy toát lên từ dẫn chứng ấy, chứ không đơn thuần kể lể liệt kê.
 2.3. Một kĩ năng rất quan trọng nữa quyết định sự thành công của bài là phương pháp dựng đoạn.
 - Ở lớp 6,7,8 các em cũng đã làm quen với các đoạn văn nhưng đơn thuần đó chỉ là đoạn văn miêu tả kể chuyện…Lên lớp 9 các em phải đứng trước một yêu cầu cao hơn, muốn có được một bài văn hay các em cần biết đan xen các kiểu đoạn văn, để bài văn không đơn điệu nhàm chán.
 - Muốn rèn kĩ năng dựng đoạn cho học sinh điều đầu tiên phải cho các em nắm chắc các kiến thức cần thiết khi dựng đoạn (thực tế nhiều em ở trường khi giáo viên hỏi đoạn văn em vừa trình bày được viết theo kiểu nào các em không biết. Đối với học sinh lớp 9 cũng chỉ gần dừng lại ở mức dựng đoạn văn có câu chủ đề).
 + Câu chủ đề là câu giữ nhiệm vụ chủ yếu, là ý cơ bản của cả đoạn thường đủ chủ ngữ và vị ngữ, thường đứng ở đầu đoạn văn, ngắn gọn về dung lượng.
 + Cách trình bày đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.
 + Đối với học sinh lớp 9 giáo viên cần hướng dẫn các em 4 kiểu cơ bản diễn dịch quy nạp, tổng phân hợp, song hành.
 - Khi đã cung cấp cho các em những kiến thức đó phải luyện tập để các em dựng thành thạo kiểu cơ bản đó. Muốn vậy giáo viên cần phải đưa ra một số ví dụ mẫu cho từng loại, cho học sinh tự xác định cấu trúc của đoạn - từ đó xác định được đoạn văn viết theo kiểu nào, có như vậy học sinh mới có thể hình dung, nắm vững đoạn văn theo từng cách và có thể dựng đoạn theo sự lựa chọn khi viết văn.
 VD: “ Mặc dù sống một mình trên đỉnh núi cao, không có ai kiểm tra đôn đốc nhưng anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long luôn ý thức được công việc của mình là quan trọng. Dù gió tuyết lặng im hay mùa hè nóng bỏng, anh không bỏ sót một giờ nào. Ngày 2 lần, anh báo về trung tâm bằng bộ đàm của mình. Anh bảo rằng: “Công việc của cháu vất vả thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất.” Anh coi công việc là bạn, làm việc là hạnh phúc. Quả thật, anh thanh niên là người có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. ”
 + Từ đoạn văn trên giáo viên cho học sinh phát hiện câu chủ đề, các câu phân tích làm sáng tỏ câu chủ đề. Như vậy các em dễ dàng nhận ra đó là đoạn văn quy nạp, từ đó các em có thể khắc sâu quy trình của đoạn văn. 
 - Với đoạn diễn dịch và quy nạp học sinh dễ dàng nhận biết và dựng đoạn tốt nhưng đoạn văn tổng phân hơp học sinh lớp 9 rất lúng túng khi dựng đoạn, giáo viên từ một đoạn văn mẫu mà chỉ rõ cho các em thấy:
 + Điều đầu tiên giới thiệu đặc điểm đó (tổng), tiếp theo vừa nêu dẫn chứng vừa dùng lí lẽ để phân tích, để lập luận lồng cảm xúc suy nghĩ của mình vào ( phân), cuối cùng là tiểu kết (tức là hợp).
 - Luyện dựng đoạn là cả một quá trình, vì vậy trong từng bài viết, giáo viên cần chú ý tới vấn đề này, cần giúp các em nhìn thấy mặt mạnh, mặt yếu của mình trong từng bài, chữa lỗi cho các em chu đáo. Có như vậy các em mới có thể dựng được những đoạn văn hay, thay đổi cách dựng đoạn trong từng bài thì các em mới có thể có được bài văn hay.
2.4. Rèn luyện kĩ năng liên kết câu và liên kết đoạn văn.
 Khi đã biết viết đoạn văn, việc liên kết các đoạn văn thường làm cho học sinh lúng túng. Nhiều em viết rời rạc, thiếu liên kết làm cho bài văn chắp nối, khô khan và không có tính liên kết cao. Vì vậy, kĩ năng liên kết đoạn văn cũng rất quan trọng. 
- Liên kết câu và liên kết đoạn văn đã có 1 tiết lí thuyết và 1 tiết luyện tập. Vì vậy, khi dạy đến tiết này, giáo viên cần dạy thật kĩ, cần cho học sinh phân biệt được một số điểm cơ bản sau:
+ Liên kết về nội dung có liên kết chủ đề ( các câu phải phục vụ chủ đề của đoạn, các đoạn phải phục vụ chủ đề của văn bản) và liên kết lô gic ( các câu các đoạn phải sắp xếp theo trình tự hợp lí)
 + Liên kết về hình thúc, cần làm rõ các phép liên kết: phép nối, phép thế, phép liên tưởng...
+ Cho học sinh làm nhiều các bài tập tìm phép liên kết và thực hành viết đoạn văn có tính liên kết.
2.5. Ngoài ra, giáo viên cần lưu ý học sinh.
 - Khi làm văn cần tuân thủ quy trình 4 bước: tìm hiểu đề và tìm ý; lập dàn bài; viết bài; đọc lại và sửa chữa.
 - Cần đọc thêm nhiều tác phẩm của cùng một tác giả, cùng thời điểm sáng tác, cùng đề tài hay cùng thể loại để có sự so sánh đối chiếu, từ đó rút ra cái hay, cái đẹp của nhân vật đang phân tích.
 - Tác phẩm truyện trong chương trình ngữ văn 9 thường là đoạn trích, vì vậy cần tìm đọc toàn bộ tác phẩm để có cái nhìn tổng quan về nhân vật.
 - Cần làm hết các bài tập trong môn ngữ văn dạng cảm thụ, lựa chọn nhân vật để làm quen với dạng văn phân tích nhân vật.
 - Việc học tốt các phân môn giảng văn và tiếng Việt là yếu tố quan trọng để làm tốt bài tập làm văn.
 - Cần đọc nhiều sách báo để có sự tích luỹ về cách dùng từ, câu, cách hành văn...đạt hiệu quả cao.
 - Cần chú ý những tiết trả bài vì đó là cách tốt nhất để nhận ra lỗi, sửa lỗi, học hỏi kinh nghiệm của bạn và rút kinh nghiệm cho những bài sau.
 Tóm lại, khi dạy phân môn tập làm văn phân tích nhân vật trong văn nghị luận, nếu người giáo viên chú ý hướng các em theo những yêu cầu trên và học sinh có ý thức thực hành những gì đã được hướng dẫn thì nhất định học sinh sẽ viết được những bài văn hay.
 III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC. 
 Môn ngữ văn lớp 9 do tôi trực tiếp giảng dạy đạt kết quả như sau:
 - Khảo sát đầu năm: Giỏi 3 em đạt 4,2 %
 Khá 15 em đạt 20,8 %
 TB 34 em đạt 47,2 %
 Yếu 20 em đạt 27,8 %
- Kết quả cuối năm: Giỏi 7 em đạt 9,7 %
 Khá 25 em đạt 34,7%
 TB 35 em đạt 48,6%
 Yếu 5 em đạt 7%
 IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM.
 Qua quá trình thực hiện trên tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau: 
Muốn viết được một bài phân tích nhân vật hay trong văn nghị luận, ngoài việc luyện cho các em nắm chắc các kĩ năng cơ bản của bài, cần chú ý khắc sâu cho các em một số kĩ năng bổ trợ như: cảm thụ tác phẩm, kĩ năng viết đoạn văn…để các em viết được một bài văn phân tích nhân vật trong văn nghị luận sâu sắc.
Giáo viên phải thường xuyên trao dồi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ sách báo để nắm thật chắc và vững kiến thức. 
Cần chấm và chữa bài thật kĩ, sử dụng tiết trả bài thật hiệu quả để đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho học sinh.
Cho học sinh luyện tập thực hành càng nhiều càng tốt.
 Trên đây là một số ý kiến mà tôi rút ra từ quá trình thực hiện, rất mong được sự góp ý bổ sung của đồng nghiệp để tôi có thể thực hiện công việc giảng dạy được tốt hơn.
 Xếp loại của trường Triệu Độ, ngày 3 tháng 5 năm 2010.
	 Người viết:
 Nguyễn Thị Thanh Huyền

File đính kèm:

  • docCACH LAM BAI NGHI LUAN VE NHAN VAT VAN HOC.doc