Đề tài Thiết kế một nội dung dạy học vật lý trung học cơ sở theo phương pháp lamap

Ảnh của vật không hứng được trên màn ở phía sau gương, nên ảnh đó là ảnh ảo.

- Ảnh của 1 vật qua gương phẳng giống với vật.

- Ảnh của 1 vật qua gương cầu lồi nhỏ hơn vật.

- Ảnh của 1 vật qua gương cầu lõm lớn hơn vật.

 

doc5 trang | Chia sẻ: rimokato | Lượt xem: 2151 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Thiết kế một nội dung dạy học vật lý trung học cơ sở theo phương pháp lamap, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
THIẾT KẾ MỘT NỘI DUNG DẠY HỌC VẬT LÝ THCS
THEO PHƯƠNG PHÁP LAMAP
Tác giả: Th.S Triệu Quỳnh Trang
Đơn vị: Tổ Vật lý- KTCN, Khoa Tự nhiên
Dạy học các môn khoa học và thực nghiệm theo phương pháp LAMAP là một phương pháp dạy học độc đáo và còn mới mẻ ở Việt Nam. Trong thời gian tập huấn vừa qua, tôi cũng đã được tìm hiểu cơ sở lý luận cũng như những đặc điểm nổi bật của phương pháp này trong dạy học môn Vật lý. Trong báo cáo này, tôi đã vận dụng phương pháp LAMAP để thiết kế một nội dung dạy học cụ thể. Đồng thời, phân tích tiến trình dạy học để thấy được sự khác biệt và hiệu quả trong dạy học theo phương pháp này với dạy học theo phương pháp cũ.
Chọn chủ đề: Sự tạo thành ảnh của các vật qua gương (Vật lý 7)
Mục tiêu dạy học:
* Về kiến thức: Học sinh nhận biết được
- Ảnh của một vật qua gương là ảnh ảo, có kích thước và khoảng cách đến gương phụ thuộc vào tính chất của gương (gương phẳng, gương cầu lồi, gương cầu lõm)
- Vùng nhìn thấy của các loại gương khác nhau là khác nhau.
- Gương cầu lõm biến đổi 1 chùm tia tới song song thành 1 chùm tia phản xạ hội tụ vào 1 điểm và ngược lại.
* Về kỹ năng:
- Học sinh vận dụng được các kiến thức trên để vẽ ảnh của 1 vật tạo bởi gương phẳng, ảnh của 1 điểm sáng qua gương cầu lồi và gương cầu lõm.
- Học sinh biết giải thích một số hiện tượng đơn giản trong cuộc sống
* Về thái độ: 
- Rèn luyện khả năng làm việc độc lập, khả năng hợp tác thông qua hoạt động nhóm.
- Phát huy tính tích cực, phát triển năng lực sáng tạo, hứng thú tham gia các hoạt động với tư cách giống người nghiên cứu khoa học.
2. Thời lượng dự kiến: 90 phút (2 tiết)
3. Chuẩn bị: 
Đèn pin, một số gương các loại (gương phẳng, gương cầu lồi, gương cầu lõm)
Giấy trắng, một số vật có hình khối xác định (hộp sữa, cục pin, hộp bút…)
4. Tiến trình dạy học:
Các nội dung dạy học có thể được sắp xếp thành các bài học:
- Ảnh của tôi trong gương như thế nào?
- Tôi có con mắt thứ ba
a, Ảnh của tôi trong gương như thế nào?
Mục đích của bài học này là làm cho học sinh nhận biết được ảnh của vật qua gương là ảnh áo; ảnh qua gương phẳng có hình dạng và kích thước giống như vật, ảnh qua gương cầu lồi nhỏ hơn vật và ảnh qua gương cầu lõm lớn hơn vật.
Pha 1: Làm nảy sinh vấn đề
Giáo viên phát cho mỗi nhóm 1 tờ giấy yêu cầu học sinh vẽ 1 bức tranh mô tả một người đang soi gương vào buổi sáng. Chú ý rằng không yêu cầu học sinh vẽ hình thật đẹp mà điều quan trọng là vẽ làm sao để người ta hiểu là người đó đang soi gương.
Pha 2: Đề xuất các dự đoán- giả thuyết
Làm việc cá nhân: Học sinh tự vẽ hình vào vở thực hành. Giáo viên quan sát và nhắc lại yêu cầu cần thực hiện khi vẽ “Vẽ một người đang soi gương”
Làm việc nhóm: Sau khi cá nhân hoàn thành tranh vẽ của mình, họ sẽ trình bày tranh vẽ trước nhóm. Các học sinh trong nhóm sẽ nhận xét và tranh luận về điều hợp lý cũng như chưa hợp lý trong bức tranh. Các nhận xét chung của nhóm được ghi tóm tắt trên 1 tờ giấy to chung của cả nhóm.
Làm việc chung toàn lớp: Các nhóm trình bày tranh vẽ của các cá nhân trong nhóm kèm theo các lời nhận xét.
Giáo viên ghi lại điều chưa hợp lý chung của cả lớp và nêu thành câu hỏi. Ví dụ: nếu có hình cả người trên gương thì người soi gương có thấy mặt mũi không? Hình của người trên gương phải là nhỏ hơn người thật không? Ảnh của người soi gương có lưu lại được trên màn không?...
Sau đó, giáo viên yêu cầu các nhóm đề xuất phương án thí nghiệm. Học sinh sẽ lựa chọn dụng cụ có trên bàn để làm thí nghiệm. Với thí nghiệm này, học sinh sẽ chọn 1 hoặc 2 gương để thí nghiệm. 
Pha 3: Thực hiện các nghiên cứu
Các nhóm tiến thành thí nghiệm với chính mình và với các vật thể khác nhau. Ghi lại nhận xét trên tờ giấy về hình dạng của mình và của vật thể với các gương khác nhau. Kiểm tra lại ảnh của vật bằng 1 miếng bìa đặt sau gương. Các nhóm sẽ cho các nhận xét là khác nhau vì có 3 loại gương dùng để làm thí nghiệm.
Làm việc chung toàn lớp: Các nhóm trình bày kết quả của nhóm mình, và so sánh kết quả với các nhóm khác. Kết quả cuối cùng là:
- Ảnh của vật không hứng được trên màn ở phía sau gương, nên ảnh đó là ảnh ảo.
- Ảnh của 1 vật qua gương phẳng giống với vật.
- Ảnh của 1 vật qua gương cầu lồi nhỏ hơn vật.
- Ảnh của 1 vật qua gương cầu lõm lớn hơn vật.
Pha 4: Lập luận, trao đổi xung quanh kết quả thu được và hợp thức hóa kiến thức
Sau khi được trực tiếp làm thí nghiệm, ghi lại các kết quả quan sát được, học sinh có thể nhận ra những sai lầm trên tranh vẽ của mình.
Để hợp thức hóa kiến thức, giáo viên sử dụng các kiến thức về định luật phản xạ ánh sáng, giải thích sự tạo thành ảnh của vật qua gương và cách vẽ ảnh của một vật qua các gương phẳng, gương cầu lồi, gương cầu lõm.
Phân tích tiến trình dạy học:
Với học sinh THCS, các em có một vốn kiến thức sống nhất định nên các em có thể hình dung được ảnh của một trong gương như thế nào nhưng chưa giải thích được kết quả đó bằng cơ sở khoa học. Giáo viên sẽ giúp các em hiểu rõ kết quả thực nghiệm và sửa chữa những quan niệm sai lầm nếu có.
b, Tôi có con mắt thứ ba
Học sinh cần xác định được vùng quan sát của các loại gương khác nhau là khác nhau. Trong đó vùng nhìn thấy của gương cầu lồi là lớn nhất.
Pha 1: Làm nảy sinh vấn đề
Giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh: Làm sao để quan sát được không gian ở phía sau mình nhiều nhất?
Pha 2: Đề xuất giả thuyết- dự đoán
Học sinh sẽ trao đổi nhóm và đi đến giả thuyết là sử dụng 1 cái gương ở đằng trước mặt người. Giáo viên đề nghị các nhóm làm thí nghiệm với các gương có cùng kích thước nhưng khác loại. 
Pha 3: Thực hiện các nghiên cứu
Các nhóm làm thí nghiệm và trao đổi nhận xét với nhóm bạn. Ghi nhận cuối cùng là mỗi gương có 1 vùng quan sát được là khác nhau, và gương cầu lồi có vùng quan sát được lớn nhất.
Pha 4: Lập luận để hợp thức hóa kiến thức
Giáo viên tổng hợp các ý kiến nhận xét của các nhóm và giải thích kết quả dựa vào cách tạo ảnh của vật qua gương.
Phân tích tiến trình dạy học:
Qua thí nghiệm, học sinh tin tưởng vào kết luận vật lý, và hiểu rõ kết luận đó hơn dựa vào giải thích của giáo viên.
So sánh với tiến trình dạy học truyền thống:
Với nội dung kiến thức như trên, theo chương trình sách giáo khoa hiện nay, học sinh sẽ được học trong 4 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành vẽ ảnh của 1 vật qua gương phẳng, 1 tiết học về sự tạo ảnh qua gương phẳng, 1 tiết về sự tạo ảnh qua gương cầu lồi, và 1 tiết về sự tạo ảnh qua gương cầu lõm. Với mỗi một bài lý thuyết, học sinh cũng sẽ được giáo viên đưa cho quan sát 1 hình ảnh qua gương, từ đó rút ra tính chất của ảnh. Sau cả 3 bài học, học sinh mới có thể lập bảng so sánh tính chất ảnh qua 3 loại gương khác nhau. Bên cạnh đó, mỗi bài lý thuyết lại làm thí nghiệm với 1 vật thể khác nhau nên học sinh có thể không hình dung được độ sai khác giữa các ảnh của cùng vật đó khi qua các gương khác nhau là như thế nào? Ví dụ: học sinh sẽ biết ảnh của 1 hộp bút qua gương cầu lồi lớn hơn ảnh của nó qua gương phẳng, nhưng không biết được là lớn hơn bao nhiêu lần…
Với tiến trình dạy học theo các chủ đề như trên, học sinh được trực tiếp làm thí nghiệm với các gương cùng một lúc, qua đó có thể ngay lập tức nhận thấy sự khác biệt về ảnh của cùng 1 vật khi qua các gương khác nhau là khác nhau. Học sinh cũng biết cách tư duy để thiết kế thí nghiệm kiểm chứng, và được tự mình kiểm tra lại các giả thuyết của mình, từ đó sẽ nhớ kiến thức lâu hơn.Ngoài ra, cách sắp xếp khối kiến thức cùng loại vào cùng 1 chủ đề của giáo viên cũng làm cho học sinh dễ hiểu và so sánh hơn.
Vì điều kiện giảng dạy trên nhà trường nên tiến trình dạy học trên chưa được thực nghiệm ở trường THCS nên chưa thể đánh giá hết những ưu, nhược điểm của thiết kế trên. Rất mong nhận được sự góp ý của các tác giả khác. Xin chân thành cảm ơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đỗ Hương Trà, LAMAP- Một phương pháp dạy học hiện đại, NXB ĐH SP, 2013.
Sách giáo khoa Vật lý lớp 7, NXB GD, 2012.

File đính kèm:

  • docTHIET KE MOT NOI DUNG DAY HOC VAT LY THCS THEO PHUONG PHAP LAMAP.doc