Chuyên đề Tổng quan về dân ca ví, giặm xứ Nghệ

Giặm là thể hát nói có nhịp dựa theo thể thơ ngụ ngôn và vè. Một bài giặm có nhiều khổ, loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 được gọi là giặm. Giặm giàu tính kể lể, tự sự, tự tình, khuyên răn, giãi bày. Có nhiều điệu giặm như giặm kể, giặm nối, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm xẩm, giặm vè Có loại giặm dí dỏm, châm biếm, trào lộng, lại có loại giặm giao duyên giàu chất trữ tình. Cách thức của hát giặm gồm hát nói và hát ngâm. Câu hát nói thường 5 chữ, còn hát ngâm thường trên 6 dưới 8 chữ. Hát giặm nam nữ có phường, có cuộc, có thể 2-3 người, 5-7 người, có khi nhiều hơn, nhưng khi hát chủ yếu là do 1 người hát, 2 hoặc 3 người đỡ giọng, người khác nghe Hiện nay, hát ví, giặm đã có những thay đổi để thích ứng với hình thái, kinh tế xã hội mới. Nó vẫn tồn tại và khẳng định sức sống của nó trong đời sống đương đại. Thông qua nhiều hình thức, từ hát trong sinh hoạt đến tái hiện trên sân khấu, sàn diễn. Nó được bảo lưu, gìn giữ và phát huy bởi cả cộng đồng người Nghệ và ngay cả những người không sinh ra trên quê hương xứ Nghệ. Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã đưa ví giặm vào danh mục “Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia”, trình Thủ tướng Chính phủ cho lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

doc12 trang | Chia sẻ: dungnc89 | Lượt xem: 851 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề Tổng quan về dân ca ví, giặm xứ Nghệ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHUYÊN ĐỀ
 TỔNG QUAN VỀ DÂN CA VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ
( Người báo cáo: Võ Thị Thuận - PHT )
A. Một vài nét về văn hóa dân gian Xứ Nghệ:
	Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ - Di sản vô giá trong dòng chảy văn hóa dân gian Việt Nam .
	Nhắc đến địa danh xứ Nghệ, người ta nghĩ đến núi Hồng, sông Lam, nghĩ đến những danh nhân làm rạng rỡ dân tộc như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ta cũng không quên nhớ tới làn điệu dân ca ví, giặm làm say đắm lòng người. Hàng thế kỷ qua, mỗi câu hát dân ca ví, giặm đều thể hiện một cách chân thực, tinh tế mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần đã trở thành di sản vô giá trong dòng chảy văn hoá dân gian.Theo thống kê sơ bộ, kho tàng dân ca xứ Nghệ có khoảng 30 làn điệu, trong đó ví chiếm tới mười làn, giặm chiếm dăm, bảy làn, còn lại là hò vè. Dân ca ví, giặm xứ Nghệ do cộng đồng sáng tạo nên trong quá trình lao động sinh hoạt. Từ khi ra đời đến nay, nhìn chung lịch sử của ví, giặm là một quá trình luôn phát triển, cả bề rộng, bề sâu mà chưa hề đứt nối và ngày càng có sức sống mãnh liệt. Ví và giặm là hai thể hát dân ca đặc sắc của xứ Nghệ vừa có nét tương đồng về đối tượng, cách thức, không gian, thời gian diễn xướng, vừa có nét đặc trưng, khác biệt ở hình thức biểu hiện, âm nhạc, ca từ. Nhân dân xứ Nghệ hát ví, giặm không kể thời gian, mọi lứa tuổi có thể tham gia cuộc hát. Ca từ của ví, giặm vừa mang tính dân gian - giản dị, chân chất ý vị của cuộc sống, câu chữ đều quyện chặt tính thổ âm của xứ Nghệ với tính dân tộc của Việt Nam. Mặt khác ca từ đó vừa mang đậm tính trí tuệ, tính bác học và cả tính "trạng"- mang ý nghĩa phồn thực.
	Tuy chỉ có một số làn điệu chủ yếu, song làn điệu ví, giặm được biến hóa sinh động theo tình cảm, tâm trạng của người hát, theo môi trường khi hát và cả tính cách của đối phương khi hát giao duyên với nhau. Ví là một thể hát tự do, ngâm vịnh theo thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể trên cơ sở phương ngữ xứ Nghệ. Hát ví gắn với hoạt động lao động sản xuất đang diễn ra nên có ví đò đưa, ví trèo non; gắn với nghề nghiệp như ví phường đan, ví phường vải, ví phường củi, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví mục đồng, ví ghẹo  Trong hát ví có các cách thức diễn xướng: hát lẻ, hát đối đáp và hát cuộc. Trong các cuộc hát thì hát ví phường vải là có quy cách và thủ tục tương đối chặt chẽ. Ví luôn tạo ra môi trường sáng tạo phóng khoáng, sự phóng khoáng của ví thể hiện ở độ co dãn của bài, nó tuỳ thuộc vào độ dài ngắn của ca từ. Âm điệu cao thấp của ví cũng mang tính ngẫu hứng, nó tạo cho người nghe cảm giác man mác, da diết, thân tình. 
Giặm là thể hát nói có nhịp dựa theo thể thơ ngụ ngôn và vè. Một bài giặm có nhiều khổ, loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 được gọi là giặm. Giặm giàu tính kể lể, tự sự, tự tình, khuyên răn, giãi bày.... Có nhiều điệu giặm như giặm kể, giặm nối, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm xẩm, giặm vè Có loại giặm dí dỏm, châm biếm, trào lộng, lại có loại giặm giao duyên giàu chất trữ tình. Cách thức của hát giặm gồm hát nói và hát ngâm. Câu hát nói thường 5 chữ, còn hát ngâm thường trên 6 dưới 8 chữ. Hát giặm nam nữ có phường, có cuộc, có thể 2-3 người, 5-7 người, có khi nhiều hơn, nhưng khi hát chủ yếu là do 1 người hát, 2 hoặc 3 người đỡ giọng, người khác ngheHiện nay, hát ví, giặm đã có những thay đổi để thích ứng với hình thái, kinh tế xã hội mới. Nó vẫn tồn tại và khẳng định sức sống của nó trong đời sống đương đại. Thông qua nhiều hình thức, từ hát trong sinh hoạt đến tái hiện trên sân khấu, sàn diễn. Nó được bảo lưu, gìn giữ và phát huy bởi cả cộng đồng người Nghệ và ngay cả những người không sinh ra trên quê hương xứ Nghệ. Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã đưa ví giặm vào danh mục “Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia”, trình Thủ tướng Chính phủ cho lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 
	Thực hiện chủ trương bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian , 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức Liên hoan dân ca ví giặm Xứ Nghệ đến lần thứ hai. Điều đó cho thấy tình yêu, niềm tự hào, và sự nỗ lực của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong việc khôi phục và làm sống lại loại hình nghệ thuật có không gian diễn xướng mọi lúc, mọi nơi này. Nếu như người ta biết đến Huế qua Nhã nhạc cung đình, qua điệu Nam Ai, Nam Bình. Người ta biết đến Tây Nguyên qua tiếng chiêng, tiếng cồng. Người ta biết tới xứ Kinh Bắc qua câu quan họ  thì cái mà không chỉ người trên mọi miền đất nước mà thậm chí có cả bạn bè quốc tế nhớ tới mỗi khi ai đó nhắc về xứ Nghệ - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đấy là làn điệu dân ca ví, giặm.
	Bảo tồn phát huy giá trị của ví, giặm xứ Nghệ là góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc, làm cho Ví, Giặm mãi là món ăn tinh thần không chỉ dành cho người Nghệ, người Việt mà dành cho cả nhân loại trên thế giới.
B. Dân ca thể hiện nét tính cách của con người ( đặc biệt là người phụ nữ ) Xứ Nghệ:
	Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục 
	Mới biết sống cuộc đời răng là nhục là Vinh 
	Thuyền em lên thác xuống ghềnh 
	Nước non là nghĩa, là tình ai ơi...	
	Đó là dân ca của Nghệ Tĩnh hay còn gọi là dân ca xứ Nghệ, chủ yếu vẫn là hát ví và giặm. Dân ca xứ Nghệ như một làn điệu hội tụ “khí chất” của nhiều làn điệu dân ca, có chút đa tình của quan họ, chút bâng khuâng, vương buồn của ca Huế, chút sâu lắng của ca trù và chất khỏe khoắn, rắn rỏi của dân ca Nam bộ. Nhưng trên hết, ví - giặm mang “khí chất” của chính người Nghệ, của những “mô, tê, răng, rứa” đậm hồn xứ sở và là “đặc sản” tinh thần của bao thế hệ người con trên dải đất Lam Hồng.
	Trong vô vàn giá trị có thể khơi dậy từ điệu ví - giặm thì đâu đó vẫn không thể không nhắc đến “cá tính Nghệ ” của người dân Nghệ Tĩnh, đặc biệt nét riêng hiếm thấy của người phụ nữ xứ Nghệ. Phụ nữ vẫn luôn là đề tài muôn thưở đối với thi ca, nhạc họa... nhưng có lẽ để hiểu sâu sắc nhất về tính cách cô gái xứ Nghệ thì không đâu bằng tìm hiểu qua các làn điệu ví - giặm trữ tình.
1. Người phụ nữ xứ Nghệ vốn xốc vác, chăm chỉ, thông hiểu đạo lý
	- Với gia đình, đó là công cha nghĩa mẹ:
	Cá bống chặt trước (đầu), chặt đuôi
	Tôm he bóc vỏ mà nuôi mẹ già
	Mỗi đêm thắp một đèn trời
	Cầu cho cha mẹ ở đời với con
	- Không cần đến những lời phán truyền về đạo đức, “Phụ tử tình thâm„ đã đi vào lòng người như lời thủ thỉ, nhắn gửi, chia sẻ, vừa như giáo huấn, vừa như tâm tình về đạo làm con với cha mẹ: Phụ tử tình thâm công thầy rồi nghĩa mẹ/ Đừng tiếng tăm chi nặng lời/ Đừng cả tiếng dài hơi/ Nói mẹ cha sao nên/ Cãi mẹ thầy sao phải.
	- Với nghĩa vợ chồng, người con gái xứ Nghệ có thể vượt mọi chông gai:
	Nghe tin anh đau đầu chưa khá
	Em băng ngàn bẻ lá về xông
	Ước mần răng cho trọn đạo vợ chồng
	Đổ mồ hôi em quạt, trộ gió lồng em che
	- Tình cảm ấy còn đậm đà, mộc mạc hơn khi:
	Râu tôm nấu với rọt bù
	Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon
	- Sự kết hợp giữa “râu tôm” và “rọt bù” trong cái thiếu thốn về vật chất với cái “gật gù„ (chứ không phải chỉ là gật đầu) giàu có trong đời sống vợ chồng, đã toát lên sự đồng cảm sâu sắc, chia sẻ, động viên đầy ân nghĩa.
Đối với con cái, người phụ nữ nào cũng có thể hy sinh:
	- Mấy lâu buôn bán nuôi ai
	Mà áo em rách, mà vai em mòn?
	- Mấy lâu buôn bán nuôi con
	Áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai...
	- Với tình làng nghĩa xóm, tính cộng đồng còn được ví như:
	Xung quanh những họ cùng hàng
	Coi nhau như ngọc như vàng mới nên
	- Cuộc sống vốn bần hàn, vất vả mưu sinh, người phụ nữ xứ Nghệ được xem là không biết làm duyên, làm dáng. Cũng có thể: Khăn nâu áo vải là thường/ Cốt trau cho được luân thường là hơn.
	Không phải là phản đối sự điểm trang, trau chuốt, mà như cách nói ngày nay là không được chú ý lắm. Nhưng về cơ bản thì đúng. Họ từng nói “Điểm trang nhã nhặn là hay”, nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh chớ đừng: Mẹ em hết gạo treo nồi/ Em còn trang điểm chạc lưng sồi làm chi.
	Người phụ nữ xứ Nghệ truyền thống thường mặc áo nâu, yếm trắng, váy lụa hoặc vải màu nâu, màu đen. Trang phục cũng đã toát lên lối sống cần kiệm, đạm bạc, khắc khổ, ăn chắc mặc bền của người phụ nữ lao động. Điều này khác với cô gái ở chốn kinh kỳ của xứ Huế với màu sắc cầu kỳ, trang nhã, có nón bài thơ, áo dài màu sáng như tím, trắng, hồng nhạt... hay cô gái xứ Kinh Bắc với áo tứ thân, nón quai thao, đôi guốc mộc đầy duyên dáng và đằm thắm.
	Vì lẽ đó mà người phụ nữ xứ Nghệ cũng đầy dung dị, chuộng cái thực chất, nội dung mà:
	- Thiếu chi hoa lý, hoa lài
	Mà em đi chuộng hoa khoai trái mùa?
	- Hoa khoai chịu nắng, chịu mưa
	Hoa lài, hoa lý chưa trưa đã rầu!
	- Chất phác là vậy, mộc mạc là vậy, điều đó ai cũng biết. Nhưng không phải không có cái tinh tế, mặn mà, mà có khi cũng rất đàn bà: Đêm khuya trống đánh cái thùng/ Gió hiu hiu thổi cây tùng tùng reo/ Năm canh thức suốt năm canh/ Đèn liu riu ngọn gối chềnh vềnh nghiêng.
2. Tình yêu đôi lứa của cô gái xứ Nghệ thật mộc mạc, dứt khoát nhưng không kém phần sâu sắc, nặng nghĩa thủy chung
	- Ban đầu tình yêu cũng đã có thể mãnh liệt như sét đánh:
	Thấy anh như thấy mặt trời
	Chói chang khó ngó, trao lời khó trao
	- Người con gái xứ Nghệ vốn thiết thực, giản dị nên trong tình cảm họ cũng rất thẳng thắn. Cô gái có thể khích lệ chàng trai:
	Yêu ta thì nói với ta
	Khi trăng đang tỏ khi hoa đang thì
	- Nếu có thương rồi cũng phải rõ ràng:
	Đã thương thì thương cho chắc
	Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn
	Đừng như con thỏ đứng đầu truông
	Khi vui giỡn bóng khi buồn bỏ đi
	- Trong khi người Bình - Trị - Thiên lại có cách nói nhẹ nhàng hơn:
	Có thương thì thương cho chắc cho chắn
	Cho xoắn cho vó, cho có lòng thương...
	- Người con gái xứ Nghệ ghét sao những anh chàng giả dối, chỉ tô vẽ màu mè để che đi những cái không có thực ở bên trong: Không thương em nữa thì thôi/ Đừng có xức phấn, bôi vôi mà nồng.
	- Rất quen, ta từng bắt gặp đâu đó “cá tính Nghệ” ở nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
	Này của Xuân Hương đã quẹt rồi
	Có phải duyên nhau thì thắm lại
	Đừng xanh như lá, bạc như vôi
	- Còn khi không thích chàng trai, cô gái cũng nói “toạc móng heo”:
	Khi nào đá nổi bông chìm
	Muối chua chanh mặn anh mới tìm được em
	- Nhưng có ai có thể biết, một khi đã “bén duyên” rồi thì vì tình, người con gái xứ Nghệ cũng sẵn sàng chấp nhận:
	Tưởng là cha mẹ đập một vài ba roi
	Ai ngờ đập đến chín chục, một trăm roi
	Em bò lăn bò lóc, em khóc đứng khóc ngồi
	 Anh ơi dù bầm lưng máu chảy vẫn trọn đời yêu anh
	- Và nếu có thể cụ thể nỗi lòng, thì hình ảnh rộng lớn, hùng vĩ của quê hương mới có thể so sánh hết với tình yêu sâu sắc của người con gái:
	Bao giờ Ngàn Hống hết cây
	Sông Rum hết nước em đây mới hết tình
	Hay:
	Trót cùng chàng dan díu bấy lâu
	Dù chàng có ngược Ngàn Phố, Ngàn Sâu em cũng
	- Đôi khi lại là hình ảnh rất đỗi đời thường:
	Cơm hai bát, bát ăn bát để
	Đũa hai đôi, đôi đứng đôi nằm
	Ví dù thầy mẹ có đập chín chục một trăm
	Đập rồi em đứng dậy, em vẫn nhất tâm thương chàng
	- Cho nên, thật khó có gì có thể cản trở, kể cả cái chết:
	Mai tay cầm tám gương vàng
	Thác đi thì thác buông chàng không buông
	Yêu nhau đem quách nhau đi
	Công cha nghĩa mẹ sau thì hãy hay
	- Người con gái xứ Thanh cũng nói về tình yêu nhưng đầy lãng mạn và tình tứ như vùng Kinh Bắc:
	Trên đầu em giắt bông huê lài
	Thề rằng không bẻ cho ai một cành
	Em trót yêu anh bẻ cả cho anh
	Về nhà dối mẹ rằng cành hoa rơi
	- Tình yêu của người con gái xứ Nghệ là vậy, sâu sắc, thủy chung nhưng đầy cương quyết. Có thể vì yêu đến tận cùng, không tính toán, không so đo, không nửa vời nên dẫu có buộc phải chia ly thì cũng:
	Đến duyên em cha mẹ ép phải lấy chồng
	Em yêu anh như rứa có mặn nồng tuỳ anh
	- Tình yêu đến độ “như rứa” và có lỡ duyên rồi thì“mặn nồng tùy anh”, có chút lạnh lùng và đầy dứt khoát. Trong khi đó, khác với con gái xứ Nghệ, người con gái Bình - Trị - Thiên lại cảm thương cho tình cảnh ngang trái:
	Đến duyên thì mẹ cha buộc em phải lấy chồng
	Trách nhau chi rứa nữa cho cực lòng nhau thêm.
	- Ta còn bắt gặp trong phong cách dân ca xứ Thanh (qua hò sông Mã, hát ghẹo, hát khúc) lại mang nhiều nét gần với phong cách dân ca miền Bắc, thanh thoát và đầy sự trau chuốt. Trong tình yêu lại có cái gì dào dạt và mênh mông:
	Lòng em thương nhớ ước ao
	Mười đêm em ngắm ông sao cả mười
	Bóng trăng lấp ló bên đồi
	Tưởng anh vượt núi đến chơi với tình
	- Nhưng cũng đừng vì thế mà nghĩ cô gái xứ Nghệ tuyệt tình, vì “dẫu lìa ngỏ ý, còn vương tơ lòng”:
	Dù chàng ba bẩy mặt con
	Thiếp đôi ba đứa ta vẫn còn nhớ nhau
	- Đôi khi, tình yêu đó cũng khiến cho người con gái tủi phận, đau đớn nhưng nỗi đau cũng rất cá tính.
	Cha mẹ em cho em sang chiếc đò nghiêng
	Đò trùng triềng đôi mạn, em ôm duyên trở về
	- Cuộc lỡ duyên được ví với “chiếc đò nghiêng, trùng triềng đôi mạn” với cái vô hình, trừu tượng “ôm duyên trở về” đầy xúc động, xót xa. Hay bởi cái thực bụng dễ tin của người con gái xứ Nghệ bỗng gặp cảnh phũ phàng, éo le buốt lòng khi:
	Tưởng là mình thật một lòng
	Để ta xóc chỉnh, ta hòng trời mưa
	Nỏ hay, mình ở đong đưa
	Chỉnh xóc mặc chỉnh, trời mưa mặc trời
“Nỏ hay”là từ ngữ địa phương, ẩn chứa trong đó sự vỡ òa về lòng tin, dẫn đến“mặc chỉnh, mặc mưa”cho sự “đong đưa” của người thương. Đó cũng là nét riêng của người Nghệ Tĩnh. Vì với người Nghệ:
	Lên chùa tháo ván nhổ đinh
	Đốt chùa không tội bằng mình bỏ ta
	Quả thấy tình yêu cô gái xứ Nghệ cũng tựa như đức tính vốn có: mãnh liệt sâu sắc nhưng trầm lặng và kín đáo, của những con người giàu tình cảm nhưng không bộc lộ ồn ào, hời hợt, không dàn trải mà sâu sắc bền bỉ, giản dị, chân thành và đầy thẳng thắn, cứng cỏi.
3. Người phụ nữ xứ Nghệ dẫu không được dùi mài kinh sử, nhưng rất tinh thông chữ nghĩa, dí dỏm và trọng nghĩa khí
	Dân gian từng biết đến những nghệ nhân hát dân ca một thời như Phan Bội Châu, Nguyễn Du, Cao Thắng là lớp người đại diện cho một thế hệ các nho sĩ, sĩ phu, trong đó có những người trở thành danh nhân của dân tộc như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Phan Bội Châu, thì cũng từng biết đến thế hệ nữ nhi như cô Ba Xuân, cô Ban, bà Dũng Thơn, bà cháu Ban, bà chánh Diên, cô Thanh, chị đồ Khoa, Họ không những đã góp phần làm nên tính bác học trong dân ca mà qua đó, ta còn thấy được tài trí, tinh thông chữ nghĩa của người phụ nữ xứ Nghệ.
	Thường trong những đêm trăng gió mát, khi việc đồng áng được xếp lại, khung cửu được dựng lên, đó cũng là lúc phường hát ví (ví phường vải), phường đan xuất hiện. Những tưởng những người phụ nữ sáng sáng còn lặn lội trên cánh đồng vất vả là thế nhưng đến với cuộc hát, họ thực sự là những nghệ sỹ, nghệ nhân tài hoa, thông minh và sắc sảo. Cuộc hát không còn đơn thuần là giao duyên, giải trí mà còn là cuộc đọ sức, khoe tài, đấu trí đầy kịch tính giữa bên nam và nữ. Âu đó cũng là đặc tính của người Nghệ nói chung.
	Dân gian từng biết đến những câu hát có lối chơi chữ của chị nho Xuân trong đêm phường vải:
	Mấy khi người ngọc hội đồng
	Trăng in thẻ bạc, gió rung tiếng vàng
	Mấy chữ: ngọc, đồng, vàng, bạc, trăng và gió chỉ gói gọn trong 2 câu hát ngắn ngủi. Hay câu hát tưởng như rất dân gian nhưng vẫn đậm chất bác học:
	Đá có rêu bởi vì nước đứng
	Núi bạc đầu là tại sương sa
	Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời
	Thấy anh em muốn trao lời
	Sợ chòm mây bạc giữa trời mau tan
	- Cô gái Nghệ Tĩnh vốn yêu thơ ca, con nhà nông có, con nhà khoa bảng cũng có, khi hát đố sách, đố chữ, có khi hát đố về thực tế:
	Truyện Kiều anh thuộc đã lâu,
	Đố anh đọc được một câu hết Kiều
	- Có khi là câu đố đối hóc búa hơn:
	Năm con ngựa cột cồn Ngũ Mã
	Chín con rồng nằm Cửu Long Giang
	Chàng mà đối được, có lạng vàng em trao...
	- Cũng có lúc là một câu đố về lễ, đặt đám con trai vào một tình huống cực kỳ nan giải:
	Đồn rằng anh học đã cao
	Hỏi chị dâu rớt giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên.
	Kéo chị dâu một thuở kẻo chết oan con người
	- Có anh không biết làm gì cả, đành la làng:
	Nắm đầu thì khổ
	Nắm cổ thì không nên
	Nắm chân tay thì lỗi niềm huynh đệ
	Vậy thì anh cứ van làng là hơn!
	- Nhiều khi còn khiến cho các vị có tên trên bảng vàng phải sững sờ thua cuộc, nháo nhác kêu cứu:
	Ai về nhắn với thân phụ cho mau
	Anh hùng chết đuối giữa bàu thuyền quyên
	 -Nhắc đến ngôn từ bác học của dân ca xứ Nghệ, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ của các tác phẩm cổ điển thời trung đại Việt Nam như Truyện Kiều của Nguyễn Du; truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, thơ văn Nguyễn Công Trứ...
	Chẳng hạn, trong Truyện Kiều có câu:
	Chén hà sánh giọng quỳnh tương
	Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng
	- Ta bắt gặp trong hát phường vải với lối “hát mời” tuy đã thêm bớt để phù hợp:
Chén ngà sánh giọng quỳnh tương
	Mời chàng nho sĩ văn chương bước vào
	- Nhưng cũng có những câu rất khó mà biết giữa các phường chị và Truyện Kiều của Nguyễn Du, ai vay mượn của ai, khi mà:
	Vầng trăng ai xẻ làm đôi
	Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường
  (Truyện Kiều)
	- Sáng tác dân gian cũng có câu:
	Vầng trăng ai xẻ làm đôi
	Đường trần ai vẽ, ngược xuôi hỡi chàng?
	Bên cạnh một hình ảnh đầy trữ tình và giàu hình tượng, đôi khi ta còn bắt gặp một gái Nghệ đầy tinh nghịch, hóm hỉnh khi ra đề cho đối phương:
	Con rồng kia phải bệnh ngáp dài
	Hỏi chàng quân tử uống bài thuốc chi?
	Chàng trai cũng phải tinh ý, dí dỏm lắm mới có thể đối được:
	 	Hai củ nhân sâm, một củ hoàng kỳ
	 Ăn vào nó khỏi, uống thì nó thôi
	Cũng có khi nhân một buổi làm đồng, đám thanh niên nam nhìn thấy chị em đang lội dưới ruộng, liền buông lời trêu chọc:
	Ra đây anh hợt một xào
	Lạch này coi thử chỗ nào cạn sâu
	Tưởng rằng cô gái sẽ e thẹn nín lặng, nào ngờ các cô gái cũng không phải tay vừa, đáp trả: Lạch này chỗ cạn chỗ sâu/ Sa chân cũng dễ ngập đầu ơ anh.
	Cũng về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, khác với địa phương khác, hình ảnh người phụ nữ xứ Nghệ lại có tính cách cứng cỏi và mạnh mẽ. Để được giải phóng, họ dám phát biểu, đương đầu với những giáo điều.
	Người ta hay chê kẻ đứng núi này trông núi nọ, nhưng người con gái xứ Nghệ lại cương nghị đến mức:
	Trèo lên Rú Bụt, trụt xuống Khe Giao
	Đứng núi này trông núi nọ, núi mô cao em trèo!
	Khi ao ước về hạnh phúc lứa đối cũng không phải bình thường, mà phải là:
	Chiều chiều bay ngả về tây
	Nữ nhi đang đợi những tay anh hùng
	Cho nên, với bản tính mạnh mẽ, trước thế sự nước non rối rắm, người phụ nữ xứ Nghệ cũng luôn sẵn sàng sát cánh cùng các đấng mày râu “đội trời đạp đất”:
	Đồn chàng khởi mộ cần vương
	Thiếp xin đội gạo gánh lương theo chàng
	Đúng là con gái xứ Nghệ “quen xứ Nghệ quen lâu, nhưng bén rồi thì sâu lắng, quen xứ Nghệ mà tình sâu nghĩa nặng”.
	Thế hệ nối tiếp thế hệ, con người phụ nữ xứ Nghệ bao đời vẫn là những người phụ nữ giàu đức hy sinh, sâu sắc, cứng cỏi, quyết đoán và đầy ân nghĩa thủy chung, son sắt. Một thế hệ phụ nữ bước ra từ những khúc hát dân ca, đến hình ảnh của một nữ sĩ Hồ Xuân Hương, của “nữ kiệt đất Hồng Lam”(1)Trần Thị Trâm, của những người phụ nữ kiên trung như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Xắn, Nguyễn Thị Thiu  và ngày nay là biết bao nữ nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân đã góp phần làm rạng danh cho non sông gấm vóc xứ Nghệ.

File đính kèm:

  • docPhu_luc_Mot_so_bai_hat_de_bo_sung_thay_the_hoac_dung_cho_ngoai_khoa.doc